(Mặt trận) - Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn Ma Nhật Hoài, qua triển khai thực hiện việc xây dựng các mô hình điểm đã góp phần làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của đồng bào các tôn giáo và người dân ở cộng đồng đối với bảo vệ môi trường.
|
Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn hưởng ứng Ngày môi trường thế giới và ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường ở khu dân cư. Ảnh: Bùi Kiêm. |
Trong những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với các tổ chức tôn giáo trên địa bàn triển khai tuyên truyền, xây dựng mô hình điểm “Cộng đồng dân cư và tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Từ những mô hình điểm đã góp phần làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của đồng bào các tôn giáo và cộng đồng trong bảo vệ môi trường sống.
Sau 3 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 13 giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn và Sở Tài nguyên và Môi trường về phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, công tác này đã được Mặt trận các cấp phối hợp với ngành tài nguyên và môi trường cùng các tổ chức tôn giáo, các tổ chức thành viên triển khai thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo.
Tại các khu dân cư, cam kết bảo vệ môi trường được các tổ chức tôn giáo thực hiện nghiêm túc để vận động các tín đồ, đồng bào các dân tộc hưởng ứng thực hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như phân loại rác thải, không vứt rác bừa bãi, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, giữ gìn cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp.
Từ khảo sát thực tế, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai xây dựng 2 mô hình điểm “Cộng đồng dân cư và tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” tại huyện Chợ Mới và thành phố Bắc Kạn. Tại các mô hình điểm này, những tổ tự quản bảo vệ môi trường được lập ra để giữ gìn vệ sinh trên địa bàn dân cư; vận động người dân và các tín đồ tôn giáo chấp hành tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn Ma Nhật Hoài, qua triển khai thực hiện việc xây dựng các mô hình điểm đã góp phần làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của đồng bào các tôn giáo và người dân ở cộng đồng đối với bảo vệ môi trường.
Đến nay, người dân đã có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh. Các chất thải sinh hoạt trong mỗi gia đình đều được thu gom đến đúng nơi quy định, đường làng ngõ xóm được người dân giữ gìn sạch sẽ. Đặc biệt tình trạng chăn thả gia súc, gia cầm đã không còn. Người dân chủ động thu gom, xử lý rác đúng nơi quy định. Ở các cơ sở thờ tự, các chức sắc tôn giáo cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân, khách thập phương không đốt hương, vàng mã.
Cùng với xây dựng nhân rộng các mô hình điểm cộng đồng dân cư và tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Mặt trận tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho công tác này. Đến nay Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng và nhận rộng được 19 mô hình “Khu dân cư hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”, mô hình “Khu dân cư hài hòa giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường gắn với biến đổi khí hậu” tại các địa bàn dân cư.
Để tiếp tục phát huy vai trò, nguồn lực của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Ma Nhật Hoài cho rằng, thời gian tới, MTTQ các cấp cần phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức tôn giáo tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đến mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo trong việc vận động các tín đồ hưởng ứng các hoạt động bảo vệ môi trường từ chính gia đình, cộng đồng dân cư.
Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ phối hợp với ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản về môi trường ở cộng đồng dân cư, để góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, ông Ma Nhật Hoài thông tin.
Trung Hiếu