Tin mới

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”

(Mặt trận) -  Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ chú trọng, đặt nhân dân vào trung tâm các quyết sách của mình, mà còn luôn tạo điều kiện để nhân dân làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và vận dụng vào quản lý phát triển xã hội ở nước ta hiện nay

Nhật ký viết từ vùng cô lập, chia cắt tại Bát Xát, Lào Cai

Thông báo triệu tập thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham dự vòng 2 kỳ tuyển dụng công chức Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam

Tổng Bí thư đã khảo sát thực tế mô hình thâm canh sản xuất chè chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap tại bản Cốc Phát và tham gia hái chè cùng bà con xã Bản Bo 

NHÂN DÂN LÀ CHỦ THỂ QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC

Thấm nhuần quan điểm của V.I.Lênin và truyền thống “nước lấy dân làm gốc”(1), trong những năm Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền (1930-1945), tư tưởng Hồ Chí Minh về việc xây dựng một nhà nước kiểu mới của dân, do dân, vì dân đã từng bước được triển khai trong thực tiễn. Trong đó, không thể không nhắc đến vai trò của quần chúng nhân dân đối với nền độc lập, tự do của Tổ quốc trong Chương trình Việt Minh năm 1941; trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển các căn cứ địa cách mạng và tại các Khu giải phóng thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhất là việc tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng, đoàn kết; thành lập chính phủ chính thức và quá trình soạn thảo, ban hành Hiến pháp năm 1946… sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Đặc biệt, Điều 1 Hiến pháp năm 1946 khẳng định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa, tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam. Không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” và Điều 6 cũng hiến định: “Tất cả các cơ quan nhà nước đều phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân. Tất cả các nhân viên cơ quan nhà nước đều phải trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, tuân theo Hiến pháp và pháp luật, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân” ... Đây chính là cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc thực hiện quyền lực của nhân dân; là sự khẳng định địa vị là chủ của nhân dân ở văn bản pháp lý cao nhất - điều chưa từng có trong các nhà nước trước đó ở Việt Nam.

Một điểm nữa cho thấy vai trò của nhân dân trong Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam chính là tại các cơ quan công quyền (thuộc bộ máy nhà nước và trong cả hệ thống chính trị) do nhân dân lựa chọn, bầu và ủy quyền để thực hiện ý chí, nguyện vọng của mình thì đội ngũ cán bộ, công chức phải là “đày tớ”/“công bộc” chứ không phải là “quan phụ mẫu”. Theo đó, mối quan hệ giữa các cơ quan công quyền và nhân dân chính là: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”(2). Đồng thời, “Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân”, cho nên “Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình Chính phủ làm trọn nhiệm vụ của mình: là người đày tớ trung thành tận tụy của nhân dân”(3)... Điều đó cũng có nghĩa là các cơ quan Nhà nước phải thực thi và tạo điều kiện để thực thi quyền làm chủ của người dân; đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước phải hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân; ngược lại, nhân dân cũng phải thượng tôn pháp luật và thực hiện đầy đủ quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về “Nước ta là nước dân chủ”, việc triển khai “thực hiện có nền nếp khẩu hiệu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và coi đó “là nền nếp hằng ngày của xã hội mới, thể hiện chế độ nhân dân lao động tự quản lý Nhà nước của mình”(4) tại Đại hội VI đã được thay bằng “xây dựng cơ chế cụ thể để thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước” tại Đại hội VIII và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”(5) của Đại hội XII. Từ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” của Đại hội VIII đến Đại hội XIII được bổ sung hai điểm mới là “dân giám sát”  “dân thụ hưởng”. Việc bổ sung hai điểm mới này đã làm cho tổng thể phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” tại Đại hội XIII trở nên sâu sắc, sinh động, nhân văn hơn về vị trí, vai trò của nhân dân - chủ thể quyền lực Nhà nước. Đồng thời cũng cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ chú trọng, đặt nhân dân vào trung tâm các quyết sách của mình, mà còn luôn tạo điều kiện để nhân dân làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.

ĐỂ PHƯƠNG CHÂM CỦA ĐẢNG TRỞ THÀNH HIỆN THỰC SINH ĐỘNG

78 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều thể hiện rõ nội dung nhân dân làm chủ là bản chất của chủ nghĩa xã hội và việc kiên định nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Nhìn lại thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, quan điểm “trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc” xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động”(6) tại Đại hội VI - Đại hội khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước tiếp tục được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Đó chính là “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”(7) và “Dân chủ xã hội chủ nghĩa” là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm”(8). Đó chính là “tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân… Tiếp tục thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra(9) .

Đó cũng chính là thực hiện dân chủ ở cơ sở phải được thực hiện gắn với các chỉ thị, kết luận quan trọng liên quan đến dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, như Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/2/1998 về “Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”; Chỉ thị số 53-CT/TW ngày 28/11/1984 về “Tăng cường công tác quần chúng của Đảng”; Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 28/3/2002 về “Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”; Kết luận số 120-KL/TW ngày 7/1/2016 về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”... Việc thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân gắn với các chỉ thị, kết luận này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần hiện thực hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong thực tiễn cuộc sống.

Dân chủ, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội/bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân không chỉ được thể hiện trong từng chủ trương, chính sách của Đảng, mà còn được khẳng định tại Điều 2, Hiến pháp năm 2013; Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật Trưng cầu ý dân năm 2015, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019); Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Phòng, chống tham nhũng,v.v..

Điều này cho thấy, việc thực thi dân chủ và bảo đảm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, nhất là phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” không chỉ được khẳng định trong Văn kiện các kỳ Đại hội; trong các chỉ thị, kết luận của Đảng mà còn được thể chế hóa và bảo đảm thực hiện thông qua Hiến pháp và hệ thống pháp luật của Nhà nước. Điều đó không chỉ thể hiện rõ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được mở rộng, đi vào nền nếp trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà còn thể hiện rõ sự thấu triệt, vận dụng thực hiện để “làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn.

Có thể nói, cùng với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân chủ, thực hiện dân chủ ở cơ sở không chỉ được xây dựng, mà còn ngày càng điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển và yêu cầu của đất nước. Việc thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được triển khai trong thực tiễn là minh chứng sinh động của việc thực hiện nguyên tắc quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Minh chứng đó cũng cho thấy “chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Cũng do nhân dân hưởng ứng đường lối đổi mới, dũng cảm phấn đấu, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách mà công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu hôm nay”(10) là không thể phủ nhận. Vì thế, việc dựa vào dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, nhu cầu của nhân dân và được nhân dân đồng tình, hoan nghênh, ủng hộ, giúp đỡ không chỉ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của từng tổ chức cơ sở Đảng; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan Nhà nước; trách nhiệm đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Nhà nước mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội ở từng địa bàn cơ sở.

Có thể khẳng định rằng: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” chính là thông điệp ngắn gọn nhưng sâu sắc tại Đại hội XIII về vị thế của nhân dân và vai trò của việc thực hiện phương châm của Đảng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

PGS. TS. Lưu Ngọc Tố Tâm
Học viện Chính trị khu vực II

--------------------- 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.5, tr.501.

(2)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.64-65.

(3)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.81.

(4) (7) (8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, tr.72-73, 85, 84-85.

(5) (9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2016, tr.170, 38 - 39.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2006, t.47, tr.549.

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1996, tr.73.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản