Tin mới

Phát huy truyền thống về sức mạnh đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn hiện nay

(Mặt trận) -  Đại đoàn kết toàn dân tộc là tư tưởng lớn mang tầm chiến lược, là nguồn sức mạnh và động lực chủ yếu làm nên mọi thắng lợi của cách mạng nước ta. Tư tưởng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng ta xác định là nhân tố có ý nghĩa quyết định đưa đất nước phát triển cũng cần được bổ sung cho phù hợp với điều kiện của cách mạng khoa học công nghệ, kinh tế tri thức trong sự biến đổi nhanh chóng của thế giới hiện nay. Thực tế việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cho thấy đã và đang xuất hiện những vấn đề mới, rất cần được nghiên cứu về lý luận khoa học và tổng kết thực tiễn một cách cơ bản, có hệ thống để làm rõ và cụ thể hoá hơn một bước về cơ sở, nền tảng, các nguyên tắc, nội dung và phương thức vận động khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

MTTQ Việt Nam chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Xoá nhà tạm, nhà dột nát: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tham gia tiết mục giao lưu cùng đồng bào các dân tộc tại Lễ khai mạc Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2023", tháng 11/2023 

Đoàn kết dân tộc là truyền thống và bài học quý báu của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước; là tài sản vô giá mang các giá trị tinh thần trong kho tàng tư tưởng của dân tộc Việt Nam. Tổng kết lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Sử ta dạy cho ta bài học: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”. Trong quá trình sáng lập và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam giành độc lập cho dân tộc, tự do cho Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cập đến vấn đề đoàn kết và đồng thuận.

Trong Di chúc của Người, chỉ với chưa đầy 20 dòng nói về Đảng nhưng đã có đến 5 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến “đoàn kết”. Người khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kêu gọi đồng bào vì lòng yêu nước thương nòi, hãy xóa bỏ mọi bất hòa, thành kiến để cùng phấn đấu cho một tương lai tươi sáng và Người luôn tìm kiếm, phát hiện, khơi dậy những “cái đồng”, kể cả trong “cái dị” với quan điểm thêm bạn, bớt thù. Chữ “đồng” được Người sử dụng với nội dung hết sức phong phú, sinh động. Người viết: “Dân ta xin nhớ chữ đồng: đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”; “Biết đồng sức/Biết đồng lòng/Việc gì khó/Làm cũng xong”.

Với nguyên tắc: Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết, Người chủ trương: “Đoàn kết rộng rãi, đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết lâu dài với tất cả những ai có thể đoàn kết được vì mục tiêu chung” nên đã tập hợp được sức mạnh to lớn của cả dân tộc trên cơ sở của sự đồng thuận xã hội nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc.

Do vậy, sau khi thành lập Đảng chưa đầy 9 tháng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam vào ngày 18/11/1930 nhằm tập hợp đông đảo các giai tầng, các lực lượng trong xã hội dưới ngọn cờ cách mạng của Đảng, của Mặt trận, ra sức đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân và Người đã khẳng định: "Chính sách Mặt trận là chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng"; “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Đảng chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình nếu biết tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận Dân tộc thống nhất rộng rãi chống kẻ thù chung và xây dựng đất nước”1.

Từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn nhận thức rõ việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở đồng thuận xã hội là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh tổng hợp, là động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định: “Đại đoàn kết dân tộc là chủ trương chiến lược, có ý nghĩa sống còn, quyết định sự thành bại của cách mạng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối chiến lược cách mạng của Đảng ta; là biểu trưng sinh động của tư tưởng đoàn kết thống nhất toàn dân tộc”2.

Đảng luôn khẳng định tư tưởng chủ đạo là khơi dậy và phát huy đến mức cao nhất sức mạnh dân tộc, đặt lợi ích chung của dân tộc, của đất nước và của con người lên hàng đầu, lấy đó làm cơ sở đồng thuận xã hội để xây dựng các chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội. Nếu trước đây, Đảng xác định sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là sức mạnh để chiến thắng kẻ thù xâm lược, giành độc lập cho dân tộc, hiện nay trong công cuộc đổi mới đất nước, sức mạnh đó được Đảng xác định là sức mạnh để chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định một trong những phương hướng cơ bản để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là: “Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, tập hợp mọi lực lượng phấn đấu vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh. Thực hiện chính sách đối ngoại hoà bình, hợp tác và hữu nghị với tất cả các nước; trung thành với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa, với tất cả các lực lượng đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”3.

Phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc và tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng công tác Mặt trận để tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, giữa Nhân dân với Đảng; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể làm nòng cốt để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trải qua 94 năm từ ngày thành lập đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được khẳng định tại Điều 9 Hiến pháp năm 2013 và được cụ thể hóa trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người định cư ở nước ngoài”.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động trên cơ sở tất cả các vấn đề của Mặt trận đều được các tổ chức thành viên bàn bạc công khai để đi đến thống nhất, tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội nên đã tập hợp, đoàn kết được đồng bào cả trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài theo Đảng làm cách mạng. Với nguyên tắc hiệp thương dân chủ, được coi là “chìa khóa vạn năng” để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp, đoàn kết cả dân tộc làm nên những thắng lợi vĩ đại, đưa Nhân dân ta từ thân phận nô lệ, mất nước trở thành chủ nhân của đất nước; mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, thống nhất đất nước, cả nước cùng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp từ Trung ương đến cơ sở đã không ngừng củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới cả nội dung và phương thức hoạt động, tổ chức nhiều hoạt động đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp đoàn kết các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo và các thành phần trong xã hội; kịp thời tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước đề ra trong công cuộc đổi mới gần 40 năm qua.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tăng cường sự phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên nhằm đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; vận động Nhân dân tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Quỹ vì người nghèo”, để kịp thời hỗ trợ, tiếp sức cho người nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Nhằm tăng cường phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, củng cố hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đang tích cực từng bước xây dựng, hoàn thiện quy trình giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị; lựa chọn vấn đề cụ thể, thiết thực, phù hợp và tổ chức huy động các tầng lớp nhân dân tham gia giám sát, phản biện nhằm đáp ứng được những nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.

Đồng thời, phát huy hiệu quả vai trò hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Hiệu quả của công tác Mặt trận đã được khẳng định tại Nghị quyết số 43-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp, tạo sự đồng thuận, khơi dậy tinh thần yêu nước, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân trong các phong trào thi đua yêu nước; phát huy tích cực vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường, phát huy, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”4.

Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đã từng bước đem lại những giá trị tích cực về cả vật chất, tinh thần cho đồng bào cả nước, tạo niềm tin tưởng của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước; kỳ vọng vào tương lai tốt đẹp của cả dân tộc. Tuy nhiên trên con đường đổi mới, hội nhập khu vực và quốc tế, Nghị quyết của Đảng cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế là “Việc cụ thể hoá và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở một số lĩnh vực, địa bàn hiệu quả chưa cao, chưa khơi dậy, phát huy được tiềm năng to lớn trong Nhân dân.

Một số chính sách chưa sát với thực tiễn, còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Đời sống của một bộ phận Nhân dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn khó khăn; phân hoá giàu - nghèo và chênh lệch giữa các vùng, miền còn lớn. Việc bảo đảm cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ" và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" có mặt còn hạn chế; quyền làm chủ của Nhân dân có lúc, có nơi chưa được bảo đảm.

Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của các hội quần chúng, nhất là ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu”5. Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết một lòng; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy; có quyết tâm chính trị cao; dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình; chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống; nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được; đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững”6.

Chính vì vậy, với vai trò là tổ chức đại diện của Nhân dân, là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống chính trị ở nước ta, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần làm tốt hơn nữa vai trò là nòng cốt chính trị, có trách nhiệm vẻ vang trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động người Việt Nam ở trong và ngoài nước kiên trì thực hiện tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII là: “Lấy mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tương đồng để động viên, cổ vũ Nhân dân đồng lòng, chung sức thực hiện vì tương lai của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân”; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hành dân chủ, xây dựng đồng thuận xã hội, vững vàng trước những biến đổi của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về vị trí, tầm quan trọng của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vận dụng những bài học kinh nghiệm của công tác Mặt trận trong 94 năm qua để thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa để mọi người dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

2. Tăng cường vai trò phối hợp giữa Mặt trận và chính quyền các cấp trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên cơ sở lắng nghe và kịp thời tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân cả nước đến Đảng, Nhà nước, Quốc hội; tham gia giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân; ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả nạn quan liêu, tham nhũng, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo ra sự đồng thuận cao trong đời sống xã hội.

3. Tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, sức mạnh vật chất, tinh thần của Nhân dân thông qua công tác vận động Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và củng cố mối quan hệ đoàn kết toàn dân tộc; tạo ra cơ chế để mọi người đồng thuận với nhau và đồng thuận với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong từng nhiệm vụ, từng giai đoạn phát triển của đất nước; tạo điều kiện để mỗi người dân đều được tôn trọng, có quyền bình đẳng như nhau, cùng tích cực phấn đấu xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho gia đình và xã hội.

4. Tăng cường phối hợp với hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, giá trị đạo đức của các tôn giáo; phát huy vai trò của người tiêu biểu gương mẫu đi đầu trong đồng bào các dân tộc thiểu số và các chức sắc tôn giáo để vận động đồng bào các dân tộc, các tôn giáo đồng thuận và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phản bác lại những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đoàn kết giữa các dân tộc và các tôn giáo.

5. Tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, nâng cao chất lượng hiệp thương dân chủ, sự phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên tổ chức và các thành viên cá nhân trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thông qua các hội nghị Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, tổ chức các diễn đàn theo nhóm cơ cấu thành phần của Ủy ban Mặt trận, để tất cả các vị Ủy viên Ủy ban được tham gia cùng trao đổi nhằm thống nhất về tư tưởng và hành động trên cơ sở lợi ích của quốc gia, dân tộc, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.

Chú thích:

1.  Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 12, tr. 672.

2.  Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

3.  Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

4.  Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

5.   Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

6.   Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tập 1.

ĐỖ VĂN CHIẾN - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng,

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản