Tin mới

Phòng, chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới

(Mặt trận) - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các đơn vị biên phòng ở tuyến biên giới Nghệ An đã chủ động tổ chức công tác chống dịch bằng nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức của bà con các dân tộc thiểu số trong phòng, chống dịch, cũng như bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. 

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Tinh gọn là phải rất gọn, chức năng và nhiệm vụ phải rõ ràng

Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng theo tinh thần Đại hội XIII - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

BĐBP phối hợp chính quyền địa phương gắn hòm thư tố giác người xuất nhập cảnh trái phép. 

Gần đây, tình hình dịch Covid-19 ở Nghệ An đang có diễn biến phức tạp; tại địa bàn TP Vinh và một số huyện đồng bằng, số người bị mắc tăng cao. Ở các huyện miền núi dọc biên giới Nghệ An do số lao động từ các tỉnh, thành phía nam trở về địa phương để tránh dịch đông nên đã xuất hiện các ca bệnh ở trong khu cách ly tập trung...

Tuyên truyền bằng tiếng đồng bào

Trước tình hình đó, trên tình thần chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An và dựa trên các tài liệu hướng dẫn, các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, các đơn vị Biên phòng trên tuyến biên giới Nghệ An đã chủ động phối hợp chính quyền địa phương soạn thảo lại các thông báo về tình hình dịch bệnh, các điểm chú ý đề phòng lây nhiễm, cách phòng chống...

Để tuyên truyền cho người dân hiểu và chấp hành tốt các quy định về phòng chống dịch, nhiều tháng nay, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Nhôn Mai đã thành lập một Ban Biên tập gồm những cán bộ, chiến sĩ thông thạo ngôn ngữ bản địa, biên dịch lại các nội dung tờ rơi về quy ước phòng, chống dịch bằng tiếng đồng bào để phát trên hệ thống loa truyền thanh và phát cho người dân trên địa bàn đơn vị quản lý.

Thượng tá Nguyễn Thế Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhôn Mai (BĐBP Nghệ An) chia sẻ: "Đơn vị quản lý địa bàn 2 xã vùng biên Mai Sơn và Nhôn Mai thuộc huyện Tương Dương, có nhiều thành phần dân tộc thiểu số sinh sống; trong đó có một số đồng bào chưa biết hết tiếng phổ thông, nhất là đối với phụ nữ và người già, Ban Chỉ huy đồn trăn trở, công tác tuyên truyền phòng chống dịch đến với bà con làm sao cho thật thiết thực và hiệu quả. Được biết, đồng bào rất yêu các làn điệu dân ca quê nhà, đồn đã soạn lời cho các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh, trong đó có lồng ghép các nội dung tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, phòng chống dịch bệnh; sau đó, tiến hành biểu diễn cho đồng bào xem...".

Tùy tình hình thực tế địa phương mà các đơn vị biên phòng có cách tuyên truyền linh hoạt và đa dạng. Đồn Biên phòng Keng Đu là một thí dụ. Keng Đu là xã xa nhất của huyện biên giới 30a Kỳ Sơn, nơi đây có trên 900 hộ dân khoảng trên năm nghìn nhân khẩu nằm rải trên địa bàn rộng tại chín bản đồng bào Khơ Mú và một bản người Thái. Trong điều kiện người dân ở rải rác, không tập trung đông dân, một hình thức tuyên truyền mới là “tiếng loa biên phòng” đã được các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng phối hợp địa phương triển khai thực hiện. Đồn Biên phòng đã dùng loa kéo, chở trên xe máy đi tới từng cụm bản để tuyên truyền. Qua các cuộc phối hợp tuyên truyền lưu động trên địa bàn đã giúp cho mỗi người dân ai cũng có thể lắng nghe các thông tin về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng tránh...

Phó Chủ tịch UBND xã Keng Đu, Lương Văn Thoong cho biết: Trên cơ sở hướng dẫn của cấp trên, xã Keng Đu đã phối hợp Đồn Biên phòng xây dựng kế hoạch, quyết định thành lập đội liên ngành tuyền truyền, gồm các cơ quan đoàn thể của xã cùng lực lượng trực tiếp dùng loa di động tuyên truyền từng bản một, để tất cả người dân đều được nghe và tự giác thực hiện việc phòng chống dịch.

 

Việc tuyên truyền lưu động bằng loa kéo về công tác phòng chống dịch, về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật… đến từng cụm bản, điểm đông dân cư đã trở thành một trong những công cụ hữu ích trong việc đưa thông tin đến bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

Hòm thư tố giác

Để huy động sự tham gia, chung tay của toàn dân trong phòng, chống dịch, chống xuất nhập cảnh trái phép, các đồn biên phòng trên hai tuyến biên giới tỉnh Nghệ An đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức gắn hàng trăm hòm thư tố giác xuất, nhập cảnh trái phép. Hiện, các hòm thư này đã được gắn tại nhiều xóm, bản trên địa bàn khu vực biên giới. Cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng đã tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể cho người dân về vai trò, ý nghĩa của hòm thư cũng như tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với nhiệm vụ này.

Đại úy Nguyễn Xuân Thành, Chính trị viên phó, đồn Biên phòng Na Loi cho biết: Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, tình trạng xuất nhập cảnh trái phép của người dân từ bên kia biên giới về Việt Nam có chiều hướng gia tăng, các hộ dân chủ yếu là lao động tự do, bị mất việc làm. Để tránh phải cách ly họ thường chọn các đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Đơn vị đã phối hợp địa phương trên địa bàn gắn các hòm thư tố giác ở các bản. Khi phát hiện các trường hợp vi phạm hoặc phạm tội liên quan đến an ninh trật tự thì người dân bỏ thư tố giác vào hòm thư. Thông qua đó, các lực lượng chức năng của xã và đồn biên phòng có các biện pháp xử lý kịp thời.

Trực tiếp tham gia buổi tuyên truyền của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Loi về phòng, chống dịch và xuất nhập cảnh trái phép, ông Lầu Giống Dìa, bản Huồi Viêng, xã Đoọc Mạy (Kỳ Sơn) cho biết: Bà con trong bản được tổ chức nghe tuyên truyền nhưng cũng có một số hộ gia đình còn nể nang, nhất là đối tượng vi phạm là người cùng trong bản nên gặp khó trong công tác phát hiện, xử lý người nhập cảnh trái phép. Nay được bộ đội biên phòng trực tiếp xuống địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể, nhất là việc dùng hòm thư tố giác như thế này, bà con cảm thấy rất yên tâm, sẽ cùng chung tay phòng chống, không để lây lan dịch bệnh trong địa bàn.

BĐBP Nghệ An triển khai nhiều giải pháp mạnh về phòng, chống dịch cũng như tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn nhập cảnh trái phép nên đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 48 vụ/152 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép, trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ thông tin hòm thư tố giác.

Với tinh thần “Quân với dân một ý chí”, nỗ lực của các cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An đã góp phần xây dựng và củng cố phòng tuyến nhân dân khu vực biên giới, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác phòng, chống dịch cũng như bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn khu vực biên giới trong giai đoạn hiện nay.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản