Tin mới

Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, khắc phục những vấn đề liên quan đến đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII

(Mặt trận) - Bảo đảm quyền tiếp cận và sử dụng đất là một trong những chính sách phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Những năm qua, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng việc giải quyết đất ở, đất sản xuất,... cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở một số nơi vẫn còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa đạt mục tiêu và yêu cầu đề ra. Vì vậy, việc tiếp tục tháo gỡ vướng mắc liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số là yêu cầu đặt ra thời gian tới.

Công điện Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước

Kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về việc triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo

Bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk _Ảnh: TTXVN 

Bảo đảm giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số là quan điểm nhất quán

Việt Nam có 54 thành phần dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số (DTTS), với dân số trên 14 triệu người, chiếm hơn 14,2% dân số cả nước. Đồng bào các DTTS cư trú thành cộng đồng tại 3.434 xã thuộc 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Địa bàn cư trú của các DTTS phần lớn là miền núi, chủ yếu tập trung ở vùng trung du và miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và khu vực Tây Nam Bộ.

Vùng đồng bào DTTS và miền núi có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh; đồng thời, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, có tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế. Nhưng đây cũng là địa bàn có địa hình tự nhiên phức tạp, độ dốc cao, chia cắt. Vì thế, quỹ đất ở vùng đồng bào DTTS và miền núi chủ yếu là đất lâm nghiệp, diện tích đất nông nghiệp và đất ở rất hạn chế.

Số liệu điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS (năm 2019) cho thấy, chỉ có 13,8% dân số là đồng bào DTTS sinh sống ở thành thị, còn lại 86,2% là ở nông thôn; đồng bào DTTS chủ yếu lao động trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản (73,3%), công nghiệp - xây dựng (14,8%), dịch vụ chỉ có 11,9% lao động(1). Như vậy, có thể khẳng định, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của vùng đồng bào DTTS.

Xác định rõ tầm quan trọng đó, ngày 12-3-2003, Hội nghị Trung ương 7 khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW “Về công tác dân tộc”. Nghị quyết thể hiện rõ chủ trương, định hướng và những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, xác định việc giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở và tranh chấp đất đai ở vùng đồng bào DTTS là một trong những nhiệm vụ chủ yếu và cấp bách. Nhiệm vụ này tiếp tục được yêu cầu thực hiện quyết liệt, thể hiện trong Nghị quyết số 19/NQ-TW, ngày 31-10-2012, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, “Về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”; Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12-1-2017, của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”;... Đặc biệt, tại Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30-10-2019, của Bộ Chính trị “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới”, Bộ Chính trị yêu cầu tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt; mục tiêu đến năm 2025 giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở cho đồng bào DTTS. Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16-6-2022, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII “Về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” tiếp tục đặt ra yêu cầu tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất, trong đó có việc giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Chủ trương của Đảng đã được Quốc hội thể chế hóa trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai cũng như trong cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cụ thể, Luật Đất đai năm 2013, Luật Lâm nghiệp năm 2017,... và các văn bản dưới luật đã quy định về chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Trong đó, Điều 27 Luật Đất đai năm 2013 đã quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào DTTS phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng, đồng thời có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào DTTS trực tiếp sản xuất nông nghiệp có đất để sản xuất. Khoản 6, Điều 4, Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định: Nhà nước bảo đảm cho đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng được giao rừng gắn với giao đất để sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; được hợp tác, liên kết bảo vệ và phát triển rừng với chủ rừng, chia sẻ lợi ích từ rừng; được thực hành văn hóa, tín ngưỡng gắn với rừng theo quy định của Chính phủ...

Để tạo quỹ đất thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 112/2015/QH13, ngày 27-11-2015, “Về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng”. Khoản 2, Điều 2, Nghị quyết số 112/2015/QH13 quy định: Tiếp tục rà soát, thu hồi diện tích đất sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích và giao lại cho địa phương để giao cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất ở địa phương quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai(2).

Đặc biệt, tại Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18-11-2019, Quốc hội khóa XIV đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch. Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 60% số hộ DTTS đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào(3).

Chủ trương giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cụ thể hóa trong nhiều văn bản, chính sách(4).

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18-11-2019, của Quốc hội khóa XIV “Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, ngày 14-10-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1719/QĐ-TTg “Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025”. Đây là một quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta,  lần đầu tiên có một chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, có nguồn lực đầu tư lớn, được Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức đoàn thể và tác động đến 14,2 triệu đồng bào DTTS.

 Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thăm mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, tỉnh Sơn La _Nguồn: baosonla.org.vn

Tập trung giải quyết với giải pháp quyết liệt, đồng bộ vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Với hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hàng trăm nghìn hộ đồng bào DTTS đã được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2016 đã hỗ trợ đất ở cho hơn 93.600 hộ, đất sản xuất cho trên 107.800 hộ gia đình người DTTS. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ, tái định cư đối với các hộ dân ở địa bàn có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đã giúp người dân phát triển sản xuất tại chỗ, bảo đảm thu nhập và ổn định cuộc sống. Theo đó, các địa phương đã di dân, bố trí dân cư vùng thiên tai khoảng 9.000 hộ; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn 2.600 hộ; bố trí, sắp xếp dân cư biên giới 1.500 hộ; bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do, quy hoạch dân ra khỏi rừng 2.500 hộ(5).

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách cụ thể để hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất. Trong giai đoạn 2016 - 2020, cả nước có khoảng gần 1 triệu lao động nông thôn là người DTTS được học nghề; trong đó, gần 600.000 người DTTS được hỗ trợ đào tạo nghề, trên 76% số người học xong có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động, thu nhập cao hơn. Riêng Đề án 1956 đã đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho hơn 120.000 người DTTS thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật hưởng chính sách nội trú và gần 100.000 người DTTS được hưởng chính sách miễn, giảm học phí(6).

Kết quả giải quyết đất ở, không có hoặc thiếu đất sản xuất và hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho đồng bào DTTS nghèo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhiều hộ đồng bào nghèo, du canh, du cư, di cư tự do, sinh sống trong vùng thiên tai, nguy hiểm,... từng bước có cuộc sống ổn định và nâng cao đời sống, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất ở vùng đồng bào DTTS đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ để tập trung giải quyết. Trong đó, việc tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS đang và sẽ đối diện với những thách thức, như việc gia tăng dân số ở các vùng đồng bào DTTS và miền núi tạo nên áp lực đối với đất đai trong canh tác truyền thống; sự phát triển xã hội theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, nông nghiệp hàng hóa, kéo theo sự bùng nổ của các dự án khai khoáng, năng lượng, phát triển giao thông, đô thị, tập trung đất đai trồng cây nguyên liệu, cây nông nghiệp hàng hóa,... cũng tạo nên sức ép vào quỹ đất. Tình trạng thiếu đất sản xuất, rừng đang bị lấn chiếm, tranh chấp diễn ra ở nhiều địa phương; đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. Đến cuối năm 2022, số hộ nghèo, cận nghèo là người DTTS chiếm 55,27% tổng số hộ nghèo của cả nước. Tại thời điểm năm 2019, vẫn còn 12.976 hộ DTTS di cư tự phát chưa được sắp xếp ổn định, 58.123 hộ thiếu đất ở, 465.266 hộ cần hỗ trợ nhà; 303.728 hộ thiếu đất sản xuất(7).

Có thể khẳng định, nguồn lực đất đai là yếu tố chi phối sự phát triển của mỗi cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng DTTS. Đồng bào DTTS là nhóm yếu thế, cần được sự quan tâm đặc biệt và có chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp của Nhà nước. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành vẫn còn nhiều bất cập, khiến việc thực hiện mục tiêu tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn.

Thực tiễn cho thấy, việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS liên quan trực tiếp tới rất nhiều luật, như Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Cư trú, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp,... nhất là với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Các luật này chưa có quy định nhằm khắc phục những tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đang diễn ra rất mạnh, đặc biệt là ở những vùng đất nông nghiệp có chất lượng tốt với diện tích rộng lớn để bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS.

Đồng bào Tây Nguyên vươn lên thoát nghèo từ cây cà-phê _Nguồn: baodaknong.vn 

Việc chỉ quy định mang tính nguyên tắc về những bảo đảm của Nhà nước cho người sử dụng đất tại Luật Đất đai hiện hành chưa đáp ứng được nhu cầu về đất đai cho đồng bào DTTS. Do vậy, để giúp đồng bào ổn định đời sống và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, giảm bất ổn trong xã hội, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng đất, trong đó có việc sử dụng đất ở, đất sản xuất của của đồng bào DTTS. Điều này cũng là để thực hiện mục tiêu được Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đặt ra: hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả(8).

Đối với Luật Đất đai (sửa đổi), ở khía cạnh phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi cần có những quy định đặc thù, phù hợp với văn hóa, sinh kế của đồng bào DTTS. Một thực tế là, hiện nay làn sóng chuyển nhượng đất, trong đó có đất có nguồn gốc từ chính sách hỗ đất ở, đất sản xuất đang rất đáng báo động, cần phải được điều chỉnh bằng những quy định của luật.

Việc tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS có ý nghĩa rất lớn, không chỉ giải quyết nhu cầu cấp bách về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào, mà còn có ý nghĩa đối với việc thi hành phù hợp hơn và hiệu quả hơn chính sách, pháp luật đất đai hướng tới phát triển bền vững. Ngoài ra, việc sửa đổi Luật Đất đai cần bảo đảm sự thống nhất, chặt chẽ với các luật có liên quan. Cụ thể, Luật Đất đai 2013 chưa thống nhất với quy định của Luật Lâm nghiệp 2017, dẫn đến công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, bảo vệ rừng gặp nhiều vướng mắc, một số quy định chưa tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào DTTS có sinh kế phù hợp, thu nhập ổn định và gắn bó với công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Cùng với đó, các cơ quan liên quan cũng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số luật có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS theo hướng bổ sung các quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn về điều kiện, cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào DTTS và miền núi; bổ sung các quy định, cơ chế ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư đối với các cá nhân và cộng đồng dân tộc thiểu số theo hướng đền bù xứng đáng; có trách nhiệm đào tạo nghề, chuyển nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm thu nhập sau tái định cư,... cho người dân có đất ở và đất sản xuất bị thu hồi.

Thứ hai, thực hiện hiệu quả việc tạo quỹ đất phục vụ việc hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Theo đó, các cơ quan cần rà soát lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp theo quy định, trong đó quan tâm việc bố trí ổn định các khu dân cư, khu sản xuất cho đồng bào, bảo đảm phát triển toàn diện cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Trên thực tế, lâu nay nguồn lực về đất đai chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; nhiều dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng, có tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp; đặc biệt là quỹ đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tháng 7-2020, diện tích đất nông, lâm trường mà các công ty lâm nghiệp dự kiến bàn giao về địa phương từ khi thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 16-6-2003, về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh của Bộ Chính trị khóa IX (được tiếp tục thực hiện tại Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12-3-2014, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, “Về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp”) đến nay đạt hơn 1 triệu héc-ta (theo Nghị quyết số 28-NQ/TW là 621.565ha; Nghị quyết số 30-NQ/TW là 465.029ha). Tuy nhiên, diện tích đất từ các nông, lâm trường trả về địa phương mới chỉ thi hành mang tính mệnh lệnh trên giấy, còn triển khai thực địa chưa làm được. Do đó, cần đẩy nhanh tiến độ rà soát thu hồi diện tích đất của các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp trả lại cho địa phương; bố trí đủ vốn để tổ chức đo đạc, xác định cụ thể ranh giới, diện tích đất để giao đất sản xuất, cấp giấy chứng nhận cho các hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ khai hoang tạo quỹ đất sản xuất, gồm khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang, nương rẫy cho hộ đồng bào các dân tộc thiểu số chưa có hoặc thiếu đất sản xuất.

Thứ ba, cần quan tâm đúng mức công tác quy hoạch sử dụng đất gắn với tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS. Một thực tế là, ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, người dân thường canh tác, hưởng dụng từ đất, rừng theo truyền thống và thiếu các hồ sơ pháp lý về hiện trạng sử dụng/khai thác đất đai của mình. Tuy nhiên, quá trình rà soát, quy hoạch đất đai của Nhà nước chưa phản ánh đúng hiện trạng sử dụng đất/rừng của cộng đồng DTTS. Ở nhiều nơi, người dân đã trồng cây từ hàng chục năm và dựa vào đó làm nguồn sinh kế qua nhiều thế hệ. Do đó, khi quy hoạch sử dụng đất, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đúng mức đến việc tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS.

Thứ tư, ưu tiên nguồn lực, bố trí đủ kinh phí cho các chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án đầu tư tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Tổ chức hiệu quả các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất phải gắn với mục tiêu ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, môi trường sinh thái, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống đoàn kết các dân tộc.

Các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường các biện pháp và trách nhiệm quản lý, thực hiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực đất đai, nhất là thực hiện quy hoạch dân cư, kế hoạch sử dụng đất nông, lâm nghiệp, quy hoạch các loại rừng. Chủ động nắm chắc tình hình di biến động dân cư, dân số trên địa bàn. Khẩn trương hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết đối với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ DTTS.

Giai đoạn 2021 - 2025 cần tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chương trình được tích hợp từ nhiều chính sách dân tộc có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó, tập trung vào các nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống, giải quyết những nhu cầu bức thiết của đồng bào DTTS nói riêng và vùng đồng bào DTTS và miền núi nói chung, như tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, du canh, du cư, di cư tự do...

Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, “Về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” đã yêu cầu tập trung nguồn lực đầu tư, chỉ đạo quyết liệt và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Vì vậy, để tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS, việc tháo gỡ các vướng mắc về chính sách đất đai hiện nay cần sớm được triển khai một cách đồng bộ./.

----------------------------

(1) Theo Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2020, https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2020/07/01-Bao-cao-53-dan-toc-thieu-so-2019_ban-in.pdf

 (2) Xem: Nghị quyết số 112/2015/QH13, “Về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng”, ngày 27-11-2015

(3) Xem: Nghị quyết số 88/2019/QH14, “phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, ngày 18-11-2019

(4) Trong đó, đáng chú ý là Nghị định số 163/1999/NĐ-CP, ngày 16-11-1999, của Chính phủ, “Về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng lâu dài vào mục đích lâm nghiệp” và các quy định của Luật Đất đai; Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20-7-2004, của Thủ tướng Chính phủ, “Về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn”; Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg, ngày 5-3-2007, của Thủ tướng Chính phủ, “Về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007 - 2010”, được tiếp tục thực hiện tại Quyết định số 1342/QĐ-TTg, ngày 25-8-2012, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Kế hoạch định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư đến năm 2012”; Quyết định số 755/2013/QĐ-TTg, ngày 20-5-2013, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn”; Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31-10-2016, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020”...

(5) Xem: Bích Lan: “Chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số cần được kết hợp với nhiều giải pháp đồng bộ khác”, Cổng thông tin điện tử Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 15-11-2021, https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=60664

(6) Xem: Báo cáo số 855/BC-UBDT, ngày 3-6-2022, của Ủy ban Dân tộc “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc”

(7) Tờ trình số 473/TTr-CP, ngày 11-10-2019, của Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2030

(8) Xem: Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, “Về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản