(Mặt trận) - Sau khi đưa Đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn huyện Quốc Oai (Hà Nội) vào thực tiễn, đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn huyện đã chuyển biến đáng kể.
|
Hàng năm, huyện Quốc Oai tổ chức tập huấn biểu diễn cồng chiêng cho đồng bào Mường. Ảnh: sovhtt.hanoi.gov.vn |
Người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Quốc Oai tập trung tại hai xã miền núi Đông Xuân và Phú Mãn. Qua triển khai đề án, huyện đã mở được 6 lớp tập huấn truyền dạy cồng chiêng trong đồng bào dân tộc thiểu số, thu hút trên 300 lượt học viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau tham gia. Hai xã Đông Xuân và Phú Mãn thành lập được các Câu lạc bộ cồng chiêng và dân ca. Đặc biệt, thôn Lập Thành, thôn Cửa Khâu (xã Đông Xuân) và thôn Đồng Vỡ (xã Phú Mãn) thành lập được Câu lạc bộ cồng chiêng trẻ với các thành viên trong độ tuổi học sinh phổ thông.
Nhằm tạo điều kiện cho công tác bảo tồn, phát huy văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Quốc Oai cũng trang bị 18 bộ cồng chiêng cho hai xã (mỗi thôn 1 bộ), trang bị trang phục truyền thống cho hai đội cồng chiêng, dân ca nòng cốt của hai xã. Đồng thời, địa phương này cũng tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện để người dân tộc Mường giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa đến đông đảo công chúng.
Hằng năm, Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai tổ chức nhiều hội thi, sự kiện văn hóa như: Hội thi nét đẹp bản Mường, hội thi thể thao dân tộc thiểu số; ngày hội văn hóa thể thao dân tộc thiểu số; biểu diễn cồng chiêng, dân ca… thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.
Cùng với đó, chính quyền các xã có đồng bào dân tộc cũng tổ chức nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống như: Tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư hằng năm; hội Xuân với nhiều trò chơi dân gian như ném còn, bắn nỏ…; lồng ghép hoạt động văn hóa dân gian trong các ngày hội, đại hội thể dục thể thao… Đặc biệt, xã Phú Mãn đã tổ chức Hội thi biểu diễn cồng chiêng và dân ca, trưng bày sản phẩm đặc trưng dân tộc Mường.
Đội cồng chiêng của hai xã đã tham gia biểu diễn tại một số hoạt động, chương trình, hội diễn chào mừng tại các sự kiện của huyện, thành phố cũng như của Trung ương.
Những năm qua, đời sống văn hóa, tinh thần trong đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Quốc Oai đã được nâng cao rõ rệt. Các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được khôi phục và phát triển. Các lễ hội, hội thi văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức phong phú cả về nội dung và hình thức. Đặc biệt, thế hệ trẻ đã có ý thức quan tâm, giữ gìn và lan tỏa những nét đẹp văn hóa truyền thống.
Quốc Oai trở thành một trong 5 địa phương có đông người dân tộc Mường sinh sống tập trung của Thủ đô. Bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội, việc nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống luôn được huyện Quốc Oai quan tâm.
Đinh Thuận (TTXVN)