(Mặt trận) - Ngày 15/10, tại TP Kon Tum, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức, xây dựng và nhân rộng mô hình các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Tham gia Hội nghị có Trưởng ban Tôn giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Thanh; Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên & Môi trường (TNMT) Phạm Văn Tấn; đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và đông đảo các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành đại diện các tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị sẽ cung cấp các kiến thức mới nhất về biến đổi khí hậu, kịch bản biến đổi khí hậu; các định hướng chiến lược, chính sách pháp luật và chương trình hành động liên quan đến biến đổi khí hậu của Việt nam; tạo tiền đề thúc đẩy công tác ứng phó với Biến đổi khí hậu (BĐKH) của các Tôn giáo và xây dựng các hoạt động ứng phó BĐKH, định hướng và phương pháp tiếp cận của Việt Nam; qua đó nâng cao kiến thức thông qua trao đổi và hiểu biết lẫn nhau giữa các cán bộ quản lý và các chức sắc, chức việc về biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, năm 2020 là năm thứ 5 triển khai thực hiện Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sau 5 năm, với sự phối hợp tích cực, đồng bộ, MTTQ Việt Nam, ngành TNMT cùng các tổ chức tôn giáo đã phối hợp triển khai và thực hiện có hiệu quả nhiều hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã ký kết Chương trình hoặc Kế hoạch phối hợp giữa Mặt trận, Sở TNMT với các tổ chức tôn giáo ở cấp tỉnh, qua đó đã tạo ra sự vào cuộc đồng bộ của các tôn giáo trong cả nước tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Đến năm 2019, 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo ở Việt Nam đã tích cực tham gia có hiệu quả các nội dung cụ thể của Chương trình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua nhiều hoạt động cụ thể của từng tôn giáo triển khai ở cơ sở tôn giáo và cộng đồng dân cư. Các tôn giáo trên địa bàn cả nước cùng với Mặt trận, ngành TNMT đã xây dựng được hơn 1.014 mô hình điểm tham gia bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, hạn hán, nước biển xâm nhập mặn...
Theo Phó Cục trưởng Cục BĐKH Phạm Văn Tấn, hiện nay BĐKH không chỉ có vấn đề thiên tai, mà còn nhiều vấn đề khác, trong đó có liên quan đến chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, an sinh xã hội, an ninh truyền thống và phi truyền thống...
Để tham gia ứng phó với BĐKH toàn cầu, Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ và sẵn sàng tham gia bình đẳng với các quốc gia khác, vì sự phát triển thịnh vượng của quốc gia, doanh nghiệp, công dân Việt Nam và cũng là vì bảo vệ hệ thống trái đất. Việc thực hiện ứng phó với BĐKH đòi hỏi sự chung tay không chỉ của các cơ quan nhà nước, mà chủ yếu đến từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng…trong đó, vai trò của tôn giáo là hết sức quan trọng.
Vì vậy, Hội nghị cũng là dịp để trao đổi kinh nghiệm hoạt động từ mô hình cụ thể của tôn giáo ở Kon Tum nhằm bổ sung, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn hoạt động giữa các tôn giáo tại địa phương; đồng thời thảo luận về những thuận lợi, khó khăn trong thực tế triển khai hoạt động tại địa phương và tại cơ sở của mỗi tôn giáo để rút ra những kinh nghiệm quý nhằm thực hiện tốt hơn nữa Chương trình phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Kon Tum cũng như tại các tỉnh, thành khác trên toàn quốc trong thời gian tới.
Quang Khánh