Tin mới

Điện Biên tập trung nguồn lực phát triển vùng DTTS

(Mặt trận) - Những năm qua, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, làm thay đổi diện mạo xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; người dân được tiếp cận với các dịch vụ xã hội tốt hơn; các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống được bảo tồn và phát huy. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS và thu nhập bình quân đầu người nâng lên.

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

 Những năm qua, người dân bản Huổi Khon 1, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé được quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng cơ sở, góp phần nâng cao đời sống.

Mặc dù vậy, hiện nay khu vực vùng DTTS, miền núi vẫn còn nhiều hạn chế cản trở sự phát triển; đời sống của đồng bào vẫn còn khó khăn, nhất là ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Kết cấu hạ tầng tuy được chú trọng đầu tư nhưng còn thiếu và chưa đồng bộ. Nhu cầu về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt còn cao. Toàn tỉnh hiện còn 7 huyện nghèo, 93 xã đặc biệt khó khăn; kết quả giảm nghèo nhanh, nhưng chưa bền vững, nhất là ở các huyện nghèo, như: Mường Nhé tỉ lệ hộ nghèo 59,92%, Nậm Pồ 55,21%, Điện Biên Đông 53,2%...

Có nhiều nguyên nhân của những hạn chế này, như xuất phát điểm kinh tế thấp; thiếu đất ở, đất sản xuất dẫn đến nghèo đói; nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước… Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính là do nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực thấp, cơ sở hạ tầng kém phát triển, tạo “rào cản” thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đơn cử, thực hiện Chương trình 30a và Chương trình 135/CP về đầu tư cơ sở hạ tầng tại các huyện nghèo (nhóm 1, 2), giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh được phân bổ hơn 1.500 tỷ đồng. Từ số tiền này, tỉnh ta chỉ đầu tư được 528 công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trạm y tế, nhà văn hóa, điện sinh hoạt…

Tương tự, năm 2021, tổng nguồn lực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh được giao hơn 54 tỷ đồng (năm 2022 chưa thực hiện), tuy nhiên việc phân bổ nguồn vốn này đến cuối năm 2021 chỉ đạt hơn 11,2 tỷ đồng. Trong khi ngân sách tỉnh hạn hẹp, việc huy động các nguồn lực khác trên địa bàn còn hạn chế; việc lồng ghép các chương trình, dự án gặp nhiều khó khăn. Thực tế, mặc dù có nhiều chính sách dành cho đồng bào DTTS được phê duyệt, nhưng bố trí không đủ nguồn lực, dẫn đến kém hiệu quả trong thực hiện; hoặc mức hỗ trợ thấp, chưa tạo động lực, điều kiện để người dân đầu tư phát triển kinh tế.

Để phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-TU về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS giảm từ 5% trở lên; có ít nhất 1 huyện nghèo và trên 31 xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Về phát triển giao thông, 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn, bản có đường giao thông từ xã đến thôn bản được cứng hóa. 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; bình quân mỗi năm đào tạo từ 5.500 - 5.700 lao động là người DTTS...

Để đạt được các mục tiêu đề ra, tạo được chuyển biến rõ nét, thì chính sách phải đi liền với ngân sách, phải bố trí đủ nguồn lực, giải quyết những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách dân tộc hiện nay, tạo cơ hội mới cho vùng DTTS và miền núi phát triển toàn diện, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển, thu nhập của đồng bào DTTS so với bình quân chung của cả nước. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cần tích cực thực hiện theo hướng hỗ trợ có điều kiện; tăng mức hỗ trợ vay tín dụng ưu đãi có điều kiện và kéo dài thời hạn vay vốn cho một số loại hình sản xuất có chu kỳ để xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào DTTS.

Đồng thời, giải quyết những vấn đề cấp thiết về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nhà ở; hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế và tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng DTTS về đường giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động tín dụng ưu đãi và tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo gắn với chính sách khuyến công, khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả.

Tùng Lâm -Quốc Huy

 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản