Để cụ thể hoá phong trào, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo (ĐKCG) tỉnh Nam Định đã phát động phong trào “Người Công giáo chung tay xây dựng NTM” với các mục tiêu cụ thể “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng” tới bà con giáo dân ở các xứ họ đạo trong tỉnh.
Hiến đất làm đường, vì mục tiêu Quốc gia
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, những năm qua được MTTQ các cấp tỉnh Nam Định và các tổ chức thành viên thường xuyên xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư như mô hình “Xứ họ đạo tiên tiến, gia đình giáo dân gương mẫu tham gia BVMT”; đẩy mạnh phong trào “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng”.
|
Thực hiện mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, hơn 10 năm qua, Đồng bào Công giáo tại tỉnh Nam Định đã tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất để làm đường. |
Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, tính đến nay, tỉnh Nam Định được đánh giá là một trong những tỉnh sớm đạt được nhiều kết quả, đã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 với 100% số xã, số huyện được công nhận xã, huyện đạt chuẩn NTM.
Để đạt được những kết quả đó, hơn 10 năm qua, đồng bào Công giáo tại tỉnh Nam Định đã có rất nhiều hoạt động thiết thực, đóng góp vào thành quả chung từ góp, hiến đất, tiền mặt, ngày công, tháo dỡ, di chuyển công trình phục vụ việc làm mới, nâng các công trình phúc lợi đến việc trồng hoa, cây xanh ven đường, mang lại diện mạo mới khang trang sạch đẹp cho làng quê, xứ đạo.
Theo thống kê của Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định, trong 5 năm (2014-2019), đồng bào Công giáo trong tỉnh đã hiến trên 20.000 m2 đất, góp hơn 200 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình phúc lợi trong thôn, xóm.
Tiêu biểu trong việc giáo dân hiến đất làm đường, xây dựng NTM phải kể đến các giáo dân tại giáo xứ Phú Thứ, xã Tam Thanh (huyện Vụ Bản). Theo ông Nguyễn Văn Bài, Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, thời gian qua, chính quyền địa phương triển khai dự mở rộng, nâng cấp tuyến đường liên xã, chạy qua địa bàn các xã Tam Thanh (Vụ Bản) - Yên Lương (Ý Yên) theo phương châm xây dựng NTM, nghĩa là nhà nước đầu tư kinh phi làm đường, người dân tự nguyện giải phóng mặt bằng, hiến góp đất mở rộng đường.
“Trước đây đường cũ chỉ rộng khoảng 5m, nay mở rộng thêm lên 7m nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại, vận chuyển của người dân. Số nhà dân nằm dọc tuyến đường có đất, công trình thuộc diện phải giải phóng mặt bằng do vậy rất lớn. Riêng đoạn chạy qua địa bàn thôn Phú Thứ có khoảng 70 hộ. Trong đó, cổng, tường bao nhà thờ giáo xứ Phú Thứ dài trên 100m cũng thuộc diện phải giải phóng. Khó khăn lớn nhất của dự án là không có kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng và không phải hộ dân nào cũng đồng thuận tháo dỡ công trình, hiến góp đất”, ông Bài cho hay.
|
Giáo xứ Phú Thứ tại huyện Vụ Bản cũng tự nguyện tháo dỡ toàn bộ cổng, tường bao dài hơn 100m, xây lùi lại vào phía trong để hiến đất mở rộng đường, ủng hộ dự án. |
Tuy nhiên, với tinh thần vì lợi ích chung, Linh mục Giuse Tạ Ngọc Nghiệp, Ban hành giáo Giáo xứ Phú Thứ đã bàn bạc, thống nhất quyết định tháo dỡ toàn bộ cổng, tường bao của nhà thờ dài hơn 100m, xây lùi lại vào phía trong để hiến đất mở rộng đường, ủng hộ dự án. Linh mục Giuse Tạ Ngọc Nghiệp cũng trực tiếp cùng lãnh đạo xã Tam Thanh đến các hộ gia đình giáo dân mời gọi bà con hiến đất mở đường, thiết thực hưởng ứng, chung tay thực hiện một công trình ý nghĩa ở địa phương.
Hưởng ứng lời mời gọi của Linh mục chánh xứ Tạ Ngọc Nghiệp, 70 hộ dân ở địa phương đã tình nguyên tháo dỡ công trình, tường bao, xây lùi lại, lấy đất hiến góp phục vụ việc mở rộng đường.
Từ sự đồng lòng, chung sức, cấp ủy, chính quyền, Linh mục và người dân địa phương đang mong chờ dự án đường sớm hoàn thành, giúp mọi mặt đời sống ở địa phương thay đổi và phát triển.
Bảo vệ môi trường NTM
Bên cạnh việc thực hiện phong trào hiến đất làm đường, xây dựng NTM, nhận thức về công tác BVMT của giáo dân cũng được từng bước nâng cao. Cán bộ, hội viên và nhân dân đã có nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả góp phần BVMT ở khu dân cư; rác thải trong khu dân cư được thu gom đưa về khu xử lý tập trung; hiện tượng vứt rác thải bừa bãi, đốt rơm rạ sau thu hoạch đã được hạn chế; thường xuyên thực hiện thu gom vỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng; duy trì tổ chức làm vệ sinh tại các khu vực nhà thờ, nhà văn hóa, nơi công cộng…
|
Từ sự đồng lòng, chung sức, con đường mới đang dần được hình thành. |
Không chỉ vậy, để nâng cao tinh thần, trách nhiệm, nội dung BVMT ở một số địa phương trong tỉnh còn được đưa vào quy ước, hương ước của khu dân cư và xem đó là một trong các tiêu chí đánh giá, bình xét danh hiệu thi đua “Gia đình văn hoá”, “Khu dân cư văn hoá” hàng năm.
Việc xây dựng mô hình “Xứ, họ đạo tham gia BVMT” cũng được đồng bào Công giáo duy trì thường xuyên theo quy chế, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuyên truyền, vận động bà con giáo dân thực hiện tốt cam kết về BVMT, tích cực tham gia các hoạt động thu gom rác thải, khơi thông dòng chảy, xử lý các nguồn nước bị ô nhiễm tại các khu dân cư.
Song hành cùng các tổ chức tôn giáo tham gia BVMT, các cấp Hội Phụ nữ cũng thường xuyên phát huy hiệu quả hoạt động của mô hình “Tuyến đường do Hội Phụ nữ tự quản xanh - sạch - đẹp”; “Tổ phụ nữ thu gom rác thải”; thành lập các mô hình phụ nữ với phong trào BVMT; thực hiện mô hình trồng cây xanh, trồng hoa ven đường, tuyến đường kiểu mẫu.
Các chi Hội thuộc Hội Nông dân tỉnh cũng đăng ký các việc làm cụ thể để BVMT, đảm nhận các mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”; “Vườn kiểu mẫu”; phát động hội viên tích cực tham gia phong trào “Ngày chủ nhật xanh” bằng các việc làm cụ thể như tích cực vệ sinh đường làng, ngõ, xóm tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp… nhằm khơi dậy vai trò trách nhiệm của cộng đồng tham gia vào các hoạt động BVMT gắn với phát triển kinh tế.
Với những việc làm thiết thực đó của các tổ chức tôn giáo và nhân dân đã giúp cảnh quan nông thôn tại Nam Định ngày càng tươi đẹp, nhận thức của người dân được nâng cao, nhiều hoạt động thiết thực được lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Việt Linh