Tin mới

Gương sáng trong đồng bào dân tộc thiểu số ở ấp Lác Chiếu

(Mặt trận) -Ông Vi Kim Cường (51 tuổi, dân tộc Tày) là gương điển hình tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số tại ấp Lác Chiếu (xã Bảo Quang, TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai).

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Khánh Hòa: Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2024

Sóc Trăng họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024

 Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Lác Chiếu Vi Kim Cường (thứ 2 từ trái sang) cùng Ban điều hành ấp và người dân trao đổi việc tỉa cành, tạo dáng hàng cây xanh dọc tuyến đường ấp vào dịp Tết Nguyên đán 2023.

Là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Lác Chiếu, ông Cường đã làm tốt vai trò cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân; hướng dẫn bà con cách làm ăn hiệu quả, phát triển kinh tế, giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; tuyên truyền, vận động bà con tích cực tham gia chương trình nông thôn mới tại địa phương.

Giỏi việc nhà

Ông Cường sinh ra và lớn lên tại TP.Biên Hòa. Sau khi học xong lớp 12, ông cùng người thân chuyển đến vùng đất Long Khánh (chỗ ở hiện nay) để lập nghiệp, phát triển kinh tế gia đình.

“Sau khi tìm hiểu nhiều nơi, cuối cùng gia đình tôi đã chọn vùng đất Long Khánh và mua mảnh đất hơn 10 ngàn m2 để lập nghiệp. Bởi đây là vùng đất đáng sống, nơi có khí hậu tốt, đất đai màu mỡ, phù hợp với những tiêu chuẩn mà gia đình đã mong đợi” - ông Cường kể.

Thời gian đầu về nơi ở mới, ông Cường gặp nhiều khó khăn như: chưa có nhiều kinh nghiệm trong làm nông nghiệp, không có vốn đầu tư sản xuất… Tuy nhiên, Ban điều hành ấp Lác Chiếu, Đảng ủy, UBND xã Bảo Quang đã kịp thời quan tâm và tạo điều kiện cho ông tham gia các lớp tập huấn về nông nghiệp để học tập, đúc kết kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đó, ông còn được tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để làm ăn. Nhờ đó, việc ông đầu tư phát triển kinh tế gia đình ngày càng thuận lợi.

Ông Cường là người nhạy bén trong chuyển đổi cây trồng phù hợp với vùng thổ nhưỡng. Từ cây cà phê không có giá trị kinh tế cao, ông đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng tiêu. Cây tiêu từng được ví như “vàng đen” và đã giúp cho gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định trong nhiều năm. Tuy nhiên, loại cây này sau đó thường xuyên bị bệnh khiến cây trồng chết dần, gây hao hụt; sản phẩm làm ra thường xuyên bị “rớt giá” khiến nông dân làm ăn thua lỗ. Từ đó, ông quyết định chuyển hướng sang trồng mít Thái và duy trì mô hình ổn định cho đến nay.

Ngoài cây chủ lực mít Thái, ông Cường còn trồng xen canh các loài cây ăn trái khác như: bơ, sầu riêng… để tăng thêm thu nhập. Ông còn kết hợp làm vườn với đầu tư chuồng trại để chăn nuôi gần 1 ngàn con gà, 300 con thỏ giống sinh sản. Nhờ sự cần cù và biết tính toán làm ăn có hiệu quả đã giúp kinh tế gia đình ông ngày càng phát triển đi lên.

“Hiện thu nhập trung bình của gia đình tôi từ 350-400 triệu đồng/năm” - ông Cường bộc bạch.

Khi kinh tế gia đình ổn định, ông Cường tích cực tham gia các hoạt động, phong trào ở địa phương. Thấy ông tận tình và làm việc hiệu quả nên người dân tín nhiệm bầu làm ở nhiều vị trí. Cụ thể, ông làm Tổ phó Tổ nhân dân số 5 (ấp Lác Chiếu) từ năm 2005; làm Phó ban Công tác Mặt trận ấp Lác Chiếu năm 2007 và làm Trưởng ấp Lác Chiếu từ năm 2011 cho đến nay. Ở mỗi vị trí đều được ông nỗ lực làm trọn trách nhiệm mà cấp trên giao.

Giỏi cả việc xã hội

Trưởng ấp Lác Chiếu Vi Kim Cường cho biết, hiện trên địa bàn ấp có 380 hộ với gần 3,4 ngàn nhân khẩu. Đặc thù của ấp chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người dân tộc Chơro chiếm tỷ lệ đông nhất (trên 51%), còn lại là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Khmer… Đời sống của bà con chủ yếu làm nông nghiệp.

 Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Lác Chiếu Vi Kim Cường (thứ 2 từ phải sang) cùng cán bộ địa phương đến thăm hỏi, động viên người dân trên địa bàn.

Thời gian đầu nhận nhiệm vụ, ông Cường chịu nhiều áp lực trong công việc, bởi ấp Lác Chiếu lúc bấy giờ là một vùng đất khó, nhận thức của người dân còn hạn chế, đời sống kinh tế của bà con ở mức thấp, cơ sở hạ tầng giao thông đi lại khó khăn, cách trở... Tuy nhiên, ông đã nỗ lực tham gia cùng Ban điều hành ấp và Đảng ủy, UBND xã triển khai nhiều giải pháp để giúp đỡ bà con và đưa ấp Lác Chiếu ngày càng phát triển.

Điều quan trọng mà ông Cường phải bắt tay làm ngay đó là hỗ trợ, hướng dẫn bà con cách làm ăn hiệu quả. Ông Cường cho hay, trước đây người nông dân làm lúa 3 vụ theo phương thức truyền thống, dẫn đến năng suất không cao. Biết bà con đang gặp khó khăn, ông đã đến tận nhà để hướng dẫn họ áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào làm nông nghiệp. Đồng thời, làm cầu nối, tổ chức cuộc họp dân và mời đại diện lãnh đạo xã đến dự để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con. Sau đó, địa phương đã tổ chức các buổi tập huấn và mời chuyên gia về chia sẻ kiến thức làm nông nghiệp cho bà con nắm. Người dân cũng nhờ đó mà làm lúa 3 vụ đạt hiệu quả năng suất cao.

“Với phương thức làm nông nghiệp truyền thống, người nông dân chỉ thu hoạch được từ 4-5 tạ lúa/sào. Thế nhưng, từ khi bà con áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất thì năng suất đã nâng lên từ 6,5-7 tạ/sào” - ông Cường tâm sự.

Bên cạnh đó, ông Cường còn hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chăn nuôi: dê, bò, gà… phát triển kinh tế gia đình. Nhiều gia đình cũng nhờ đó mà thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

“Thời điểm từ năm 2005-2010, trên địa bàn ấp Lác Chiếu có khoảng 30-35 hộ nghèo, cận nghèo nhưng số hộ nghèo, cận nghèo hiện nay đã giảm xuống chỉ còn 5 hộ” - ông Cường cho biết.

Thời gian qua, ông Cường còn dành nhiều thời gian xuống địa bàn để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhờ cách tuyên truyền hiệu quả, giúp cho người dân hiểu nên bà con đã tích cực hưởng ứng các phong trào do ông phát động. Điển hình như người dân rất đồng tình về chương trình xây dựng nông thôn mới và sẵn sàng tham gia hiến đất, đóng góp vật chất, ngày công để làm tuyến đường ấp Lác Chiếu. Nhờ đó, tuyến đường nắng bụi, mưa lầy ngày nào đã nhanh chóng được bê tông hóa và đạt chuẩn sáng - xanh - sạch - đẹp, góp phần quan trọng trong việc đưa xã Bảo Quang đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2021.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bảo Quang Lương Thị Bảo Thùy nhận xét, nhiều năm nay, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Lác Chiếu Vi Kim Cường luôn tận tình trong công việc và thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng ủy, UBND xã giao. Ông thường dành thời gian xuống địa bàn, gần dân, sâu sát với quần chúng nhân dân để nắm bắt tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con. Qua đó, tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, UBND xã xem xét, giải quyết những vấn đề về đời sống dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Bên cạnh đó, ông Cường còn tích cực tham gia công tác nhân đạo, từ thiện trong nhiều năm nay. Ông đã tham gia và trở thành thành viên thực hiện mô hình Cộng đồng các dân tộc thiểu số tiếp sức đến trường. Ông đã tiết kiệm chi tiêu hàng ngày của bản thân, dùng số tiền đó đóng góp vào quỹ nhằm ủng hộ những phần học bổng, tặng xe đạp cho các học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn. Ngoài ra, ông còn tích cực kêu gọi bạn bè, mạnh thường quân cùng đóng góp kinh phí để giúp đỡ cho một số học sinh đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp tục đến trường học chữ.

Ngoài ra, trong đợt xảy ra đại dịch Covid-19 năm 2021, ông Cường tích cực vận động nhân dân trên địa bàn ấp thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ các nhu yếu phẩm cho các hộ trên địa bàn ấp nhằm giúp bà con vượt qua khó khăn trong quá trình chống dịch.

Gia đình chị Thị Hương (ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang) trước đây thuộc diện hộ nghèo, không đất đai, nhà cửa. Được ông Vi Kim Cường tận tình giúp đỡ bằng cách vận động chủ đất bán đất trả dần cho chị Hương; hướng dẫn gia đình làm thủ tục vay vốn ưu đãi để làm kinh tế…, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Hiện vợ chồng chị có căn nhà kiên cố để sinh sống và buôn bán tạp hóa, một mảnh vườn rộng 4 ngàn m2trồng mít Thái.

T.N

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản