Tin mới

Khi “ý Đảng” hợp “lòng dân”

(Mặt trận) -Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và sự đồng thuận vào cuộc của người dân, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình), đã và đang đạt được nhiều kết quả đáng mừng.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Một góc khu tái định cư bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát). Ảnh: Đồng Thành

Vượt lên rào cản

Phải khẳng định rằng, việc xây dựng và triển khai chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi là một chính sách nhân văn, vì con người và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, bước vào đầu nhiệm kỳ này, việc triển khai thực hiện chương trình không hề dễ, do gặp nhiều thách thức, khó khăn chưa từng thấy, nhất là đại dịch COVID-19. Trong khi khu vực miền núi vốn đã gặp nhiều khó khăn, nên càng dễ bị tác động, tổn thương. Đó còn chưa nói mỗi năm khu vực này thường chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, bước sang giai đoạn 2021-2025 tỉnh Thanh Hóa còn 21 xã, 132 thôn đặc biệt khó khăn, giảm 79 xã (trong đó sau sáp nhập giảm 74 xã) và 554 thôn so với giai đoạn 2016-2020. Đây là kết quả đáng mừng, khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Song mặt khác, điều này lại đồng nghĩa nguồn lực đầu tư cho mục tiêu giảm nghèo ở khu vực miền núi bị giảm. Và trên thực tế, nhiều xã, thôn, bản vừa thoát ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội, mức sống của người dân chưa được cải thiện nhiều.

Trước những khó khăn, thách thức này, Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Điển hình như cơ chế lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; cơ chế huy động và sử dụng nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ người dân ở các thôn, bản vừa thoát ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn tham gia BHYT...

Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả của các cấp ủy, chính quyền, sự chung tay của các tầng lớp Nhân dân trong thực hiện Chương trình, diện mạo nông thôn ở nhiều khu vực miền núi đang khởi sắc từng ngày. Như tại Mường Lát, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành chương trình trọng tâm về quy hoạch lại vùng sản xuất, bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp để phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế nông, lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã xây dựng được 12 mô hình chăn nuôi, 6 mô hình trồng trọt gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện đã kêu gọi các doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân và lựa chọn các hộ dân có nhu cầu, đủ điều kiện sản xuất nông, lâm sản để tham gia chuỗi liên kết và thành lập 6 HTX. Điển hình như HTX nông lâm Trung Thành (xã Quang Chiểu) đã liên kết với 200 hộ dân trên địa bàn để sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm gạo nếp Cay Nọi và măng khô. HTX thương mại dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp huyện Mường Lát (xã Mường Chanh) đã liên kết với các hộ dân trên địa bàn các xã Quang Chiểu, Mường Chanh sản xuất và cung ứng ra thị trường hơn 50 tấn bí thơm Đồng Sa mỗi năm... Những mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất từ tự cung tự cấp sang tư duy sản xuất hàng hóa trong Nhân dân.

Bí thư Huyện ủy Mường Lát Hà Văn Ca cho biết, nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, Mường Lát tiếp tục đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực. Đáng chú ý là cơ sở hạ tầng được đầu tư và nâng cấp, trong nửa nhiệm kỳ đã có hơn 20 bản được đầu tư lưới điện quốc gia. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, an sinh xã hội luôn được đảm bảo...

Còn tại huyện Lang Chánh, bước vào đầu nhiệm kỳ này Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, chú trọng thu hút doanh nghiệp vào địa bàn phát triển sản xuất, kinh doanh... Nhờ đó, đã có thêm nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, mà điển hình là Công ty CP Bamboo King Vina. Năm 2021, công ty này đã đầu tư xây dựng dự án nhà máy ứng dụng công nghệ cao sản xuất sản phẩm tre luồng tại Cụm Công nghiệp Bãi Bùi (thị trấn Lang Chánh) với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng. Sau khi đi vào hoạt động, nhà máy được kỳ vọng giải quyết việc làm cho 1.500 lao động và hàng nghìn lao động gián tiếp trong khu vực. Không chỉ góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở Lang Chánh, căn cứ vào nguồn nguyên liệu phục vụ vận hành, nhà máy này còn được kỳ vọng góp phần tạo nguồn thu nhập cao và ổn định cho người dân trồng tre, luồng ở cả khu vực miền núi.

Nhìn chung, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình, với tinh thần quyết tâm cao vượt khó, diện mạo nông thôn miền núi đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống của người dân ngày một nâng cao, trên địa bàn không để xảy ra các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự...

An toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết

Trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2020-2025, công tác bố trí sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai là một điểm nhấn nhân văn.

Xác định chăm lo cuộc sống, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, ngày 8-9-2021 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 590-KL/TU về việc sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Từ đó, công tác quy hoạch sắp xếp, bố trí ổn định dân cư các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất được quan tâm thực hiện. Đến nay, các huyện miền núi đã tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch bố trí tái định cư xen ghép vào 150 điểm dân cư hiện có để bố trí đất ở cho 1.122 hộ. Quy hoạch 51 điểm tái định cư tập trung, tái định cư liền kề, với diện tích quy hoạch khoảng 128 ha, để bố trí cho 1.724 hộ dân đến tái định cư, trong đó có 17 điểm tái định cư tập trung, 34 điểm tái định cư liền kề.

Thực hiện Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025, đến nay các huyện miền núi đã bố trí tái định cư xen ghép cho 145 hộ, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng 4 khu tái định cư tập trung, bố trí cho 151 hộ đến nơi ở mới, gồm khu tái định cư bản Lở, xã Nam Động, khu tái định cư bản Tang, xã Trung Thành (Quan Hóa), khu tái định cư Co Hương, bản Ngàm, xã Tam Thanh (Quan Sơn), khu tái định cư bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát). 11 khu tái định cư tập trung, tái định cư liền kề cũng đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các huyện đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để bố trí nơi ở mới cho 389 hộ. Cùng với đó, quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025), HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết phân bổ nguồn vốn để đầu tư xây dựng 4 khu tái định cư tập trung, diện tích 9 ha với tổng kinh phí 77.591 triệu đồng, để bố trí nơi ở cho 259 hộ tại các huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa và Lang Chánh.

Niềm vui đến với hàng trăm hộ dân bao năm qua phải ở ven suối, chân đồi, sống chung với nỗi lo sợ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất mùa mưa bão. Trên những khu tái định cư với hạ tầng kiên cố, an toàn, gương mặt người dân lộ rõ niềm vui như chưa từng vui hơn. Như Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Ngàm, xã Tam Thanh (Quan Sơn) Lò Văn Piên chia sẻ: “Đúng là có nằm mơ bà con cũng không thấy mình được sinh sống ở nơi khang trang, sạch đẹp thế này”.

Rồi đây, từ các chương trình, dự án, sẽ có thêm nhiều khu tái định cư được xây dựng, làm nơi ở an toàn cho người dân ở khu vực có nguy cơ cao thiên tai. Đó là những công trình của “ý Đảng” hợp “lòng dân”, hiện hữu minh chứng một quyết tâm chính trị, đặt việc chăm lo cuộc sống, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.

Theo dự thảo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, đến nay có 10/28 chỉ tiêu của Chương trình đã hoàn thành. Trong giai đoạn 2021-2023, kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được quan tâm đầu tư, với nhiều dự án về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, nước sạch, lưới điện được triển khai xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng... Tính chung trên địa bàn các huyện miền núi, giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng năm 2022 đạt 26.125 tỷ đồng, tăng 1,34 lần so với năm 2020. Hiện đã có 11 cụm công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 455,52 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,8 nghìn tỷ đồng...

Đồng Thành

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản