(Mặt trận) - Trong những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang xác định công tác tuyên truyền nói chung, việc phối hợp tuyên truyền trong đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong quá trình hoạt động.
|
Tuyến đường khang trang, sạch đẹp tại ấp 4,sau thời gian triển khai thực hiện Mô hình “Tuyến đường xanh-sạch-đẹp”.
|
Nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, Kiên Giang là tỉnh có đông đồng bào DTTS Khmer với 56.782 hộ (chiếm 13,4% dân số). Trong những năm qua, với nguồn lực của Trung ương và địa phương, tỉnh đã tập trung đầu tư thực hiện các chương trình, dự án, đề án, các chính sách trong vùng đồng bào DTTS. Từ đó kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS không ngừng phát triển; đời sống của đồng bào DTTS từng bước được nâng lên; 100% xã trong vùng đồng bào DTTS có đường giao thông nông thôn đến trung tâm xã và trạm y tế.
Bên cạnh đó, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững,… được triển khai, thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện toàn tỉnh có 64 xã được công nhận xã nông thôn mới, trong đó có 40 xã vùng đồng bào DTTS. Không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm bình quân giảm trên 3%. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm từ 17,6% năm 2015 xuống còn 7,29% cuối năm 2018; có 7/9 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135.
Có được kết quả đó không thể không nhắc đến vai trò của MTTQ các cấp trong tỉnh. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang Phạm Thanh Hùng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017-2021. Theo đó, sau khi ký kết Chương trình, hai bên phổ biến nội dung ký kết đến cán bộ của từng ngành, phối hợp triển khai ở vùng có đông đồng bào DTTS chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc, với 882 cuộc, 22.306 lượt người tham dự.
Vào các dịp lễ, tết, bên cạnh việc tổ chức thăm, chúc mừng một số chùa, gia đình chính sách tiêu biểu trong đồng bào Khmer, MTTQ các cấp cũng lồng ghép phối hợp tuyên truyền đến các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức và Ban quản trị chùa Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer, người có uy tín trên địa bàn, đồng bào dân tộc thiểu số các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trên những cụm dân cư có đông đồng bào dân tộc thiểu số và ngành nghề đặc thù mà tội phạm thường lợi dụng hoạt động... làm cho người dân hiểu và nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với đó là tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào các dân tộc thiếu số phản ánh tâm tư, nguyện vọng với Đảng, Nhà nước góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với các cơ quan đoàn thể tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện. Nhiều mô hình mới, cách làm hay đã xuất hiện, nổi bật trong đó là mô hình “Tuyến đường xanh - sạch - đẹp” được triển khai thực hiện tại ấp 4, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quau.
Ông Phạm Thanh Hùng cho biết, thời gian tới, Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong toàn tỉnh, Nghị quyết và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Bên cạnh đó, phát huy dân chủ cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; phối hợp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động.