|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trao quà cho các hộ đồng bào DTTS nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Nghĩa Đàn |
Có 72/316 danh mục đang được tiến hành quy trình giao vốn
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, trong năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc các ngành, phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 đến năm 2025; Ban Chỉ đạo, Tổ công tác các cấp được thành lập, kiện toàn đã phát huy hiệu quả hoạt động trong công tác quản lý, điều hành.
Tỉnh Nghệ An cũng kịp thời ban hành các văn bản triển khai các cơ chế chính sách, hướng dẫn và đôn đốc triển khai thực hiện chương trình. Các Sở, ban, ngành chủ trì các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần và UBND các huyện bám sát các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc để triển khai thực hiện nguồn vốn đã được giao; đồng thời hoàn thiện hồ sơ, thủ tục các danh mục dự án đầu tư để trình giao vốn năm 2022 theo quy định.
Ngày 18.11.2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 3639/QĐ-UBND về việc phân bổ vốn năm 2022 (đợt 1) cho 166/316 danh mục dự án, đạt 52,53% (huyện Kỳ Sơn 0/71 danh mục; huyện Tương Dương 37/40 danh mục, đạt 92,5%, trong đó đã hoàn thành 37/37 danh mục thuộc thẩm quyền cấp huyện phê duyệt; huyện Con Cuông 0/36 danh mục; huyện Anh Sơn 10/10 danh mục, đạt 100%; huyện Thanh Chương 3/3 danh mục, đạt 100%; huyện Tân Kỳ 12/12 danh mục, đạt 100%; huyện Quế Phong 10/42 danh mục, đạt 23,81%, trong đó đã hoàn thành 10/39 danh mục thuộc thẩm quyền cấp huyện phê duyệt, đạt 25,64%; huyện Quỳ Châu 44/45 danh mục đạt 97,78%, trong đó đã hoàn thành 44/44 danh mục thuộc thẩm quyền cấp huyện phê duyệt; huyện Quỳ Hợp 36/39 danh mục, đạt 92,31%, trong đó đã hoàn thành 36/36 danh mục thuộc thẩm quyền cấp huyện phê duyệt; huyện Nghĩa Đàn 14/14 danh mục, đạt 100%; huyện Quỳnh Lưu 0/2 danh mục).
Hiện nay, có 72/316 danh mục đã được phê duyệt đang tiến hành quy trình giao vốn (huyện Kỳ Sơn 41 danh mục, Con Cuông 31 danh mục); còn 78/316 danh mục đang hoàn thành thủ tục đầu tư (Sở Giáo dục và Đào tạo 1/1 danh mục; Sở Văn hóa và thể thao 1/1 danh mục; huyện Kỳ Sơn 30/71 danh mục; huyện Tương Dương 3/40 danh mục; huyện Con Cuông 5/36 danh mục; huyện Quế Phong 32/42 danh mục; huyện Quỳ Châu 1/45 danh mục; huyện Quỳ Hợp 3/39 danh mục; huyện Quỳnh Lưu 2/2 danh mục)…
|
Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn nhiều khó khăn |
Đối với nguồn vốn sự nghiệp, chỉ mới giải ngân được 11.730/302.432 triệu đồng, đạt 3,88% (Sở LĐ, TB - XH). Hiện nay các sở, ngành và UBND các huyện hiện đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện, giải ngân vào tháng 12.2022.
Tuy nhiên, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2022 do UBND tỉnh Nghệ An trình tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Nghệ An Khóa XVIII mới đây cũng chỉ rõ: Đây là chương trình mới, có nhiều nội dung (10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung hỗ trợ đầu tư) với nhiều đầu mối chủ trì, quản lý, tổ chức thực hiện (8 sở, ngành và 12 huyện, thị xã), nên việc triển khai thực hiện chương trình có nhiều khó khăn. Các danh mục dự án thuộc chương trình đều là dự án khởi công mới, việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thực hiện theo quy trình trong khi thời gian của năm 2022 còn lại không nhiều nên tiến độ thực hiện và giải ngân vốn trong năm khó hoàn thành theo quy định của Luật Đầu tư công...
Theo lý giải UBND tỉnh Nghệ An, bên cạnh nguyên nhân do kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của chương trình được Thủ tướng Chính phủ giao muộn (ngày 28.5.2022) nên quỹ thời gian thực hiện của năm không còn nhiều, áp lực đối với công tác chỉ đạo điều hành thực hiện ở các cấp... thì còn do đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện chương trình nên văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành ban hành chậm; một số văn bản ban hành thiếu tính kế thừa, một số nội dung chưa quy định rõ, hướng dẫn chưa phù hợp, khó thực hiện; sự vào cuộc của một số sở, ngành và UBND các huyện có chương trình chưa thật sự quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức để tổ chức thực hiện chương trình…
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát
|
Đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tặng nhà đại đoàn kết cho bà con đồng bào DTTS ở các huyện vùng cao |
Thực tế trên, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã đề xuất các giải pháp chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2023. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện hiệu quả các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của chương trình, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Tiếp tục xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình bảo đảm tiến độ và chất lượng theo hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương.
Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đơn vị liên quan và địa phương trong việc triển khai thực hiện chương trình; thực hiện lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình ở các cấp, các ngành và địa phương; có biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí.
Tỉnh Nghệ An cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định mức hỗ trợ nguồn ngân sách Trung ương đối với một số nội dung của chương trình: Định mức diện tích đất sản xuất; định mức hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất… Đồng thời, Ủy ban Dân tộc cần tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số chính sách để nhân dân các xã khu vực I, khu vực II, các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 được thụ hưởng một số chính sách an sinh xã hội về y tế, giáo dục, việc làm... Phê duyệt các thôn (không đặc biệt khó khăn) thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 của các xã không thuộc khu vực I, II, III, để có cơ sở thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 cũng như xây dựng, hoạch định các chính sách của địa phương, nhằm phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi; đồng thời, sớm ban hành tài liệu, bài giảng khung của các chuyên đề bồi dưỡng kiến thức dân tộc để địa phương triển khai thực hiện.
|
Đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tặng nhà đại đoàn kết cho bà con đồng bào DTTS ở các huyện vùng cao |
Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Nghệ An có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, đặc biệt cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất như giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng; một số cơ sở y tế, trường học xuống cấp, hư hỏng hoặc trang thiết bị còn thiếu và lạc hậu; một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội bị hư hỏng do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai nhưng chậm được khắc phục... Do đó, đề nghị ưu tiên bố trí cho tỉnh Nghệ An từ các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ quốc tế ADB..., vốn viện trợ không hoàn lại để tỉnh có thêm nguồn lực để hạn chế, khắc phục những yếu kém nói trên.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện để các địa phương có căn cứ triển khai Tiểu dự án 2, Dự án 10: Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Diệp Anh