Tin mới

Nhiều đổi thay trên vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Phú Yên

(Mặt trận) -Vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN) tỉnh Phú Yên là địa bàn cư trú lâu đời của 33 dân tộc anh em, trong đó có 32 DTTS, chủ yếu là các dân tộc Ê Đê, Chăm, Ba Na. Những năm qua, người đồng bào DTTS trên địa bàn được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án và chính sách an sinh xã hội, nên đời sống kinh tế, xã hội ngày càng phát triển; vai trò người đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Yên thăm các tổ chức Công giáo, Tin Lành nhân lễ Phục sinh 2024

Ủy ban MTTQ Tây Ninh thăm, chúc mừng lễ Phục sinh 2024

Quảng Ngãi: Thăm, chúc mừng các tổ chức, chức sắc nhân dịp lễ Phục sinh 2024

Những năm gần đây, đời sống kinh tế, xã hội vùng DTTS-MN ngày càng có nhiều thay đổi. Đến giữa năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm khu vực miền núi đạt 11,5-12%; GDP bình quân đầu người đạt từ 20-26 triệu đồng, khu vực có người DTTS sinh sống đạt gần 18 triệu đồng. Riêng thu nhập của người đồng bào DTTS đạt từ 14-16 triệu đồng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện; quyền bình đẳng giữa các dân tộc được tôn trọng và phát huy; tình đoàn kết giữa các dân tộc được tăng cường.

Đời sống kinh tế được cải thiện

Theo Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên, những năm gần đây, cơ cấu kinh tế vùng DTTS-MN đang dần dịch chuyển theo xu hướng phát triển kinh tế chung của toàn tỉnh. Hạ tầng cơ sở các huyện miền núi phát triển kịp thời, phù hợp với chiến lược hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng DTTS-MN. Riêng lĩnh vực nông nghiệp đã hình thành các vùng cây nguyên liệu như sắn, mía, được gắn với các nhà máy công nghiệp chế biến đường, tinh bột sắn, giúp người dân xóa đói giảm nghèo hiệu quả, bền vững. Về công nghiệp cũng đã hình thành các ngành công nghiệp quan trọng như thủy điện, khai thác lâm sản và chế biến vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản. Hoạt động thương mại, dịch vụ cũng được hình thành và ngày càng phát triển.

Tại các huyện miền núi, nhiều tuyến đường đi các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên cũng như các trung tâm huyện lỵ, tỉnh lỵ thường xuyên được đầu tư, nâng cấp. Đến nay, 100% số xã miền núi đều có đường ô tô đến trung tâm xã và các tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa, nhựa hóa… giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của bà con được thuận lợi hơn. Các công trình thủy lợi thường xuyên được mở rộng, nâng cấp; xây dựng mới nhiều công trình thủy lợi nhỏ, đã đáp ứng cơ bản nhu cầu tưới tiêu, trồng cây lương thực tại chỗ cho đồng bào DTTS cũng như phát triển diện tích trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày.

Ngoài ra, các điều kiện về điện lưới quốc gia, phủ sóng phát thanh, truyền hình, bưu điện văn hóa xã, hệ thống thông tin liên lạc; các hạ tầng về y tế, giáo dục, văn hóa vùng đồng bào DTTS… cũng không ngừng được nâng cấp, nhằm nâng cao đời sống tinh thần, phát triển kinh tế cho người đồng bào DTTS.

Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Địa phương có 22 dân tộc cùng sinh sống, với 47,7% dân số là người DTTS. Những năm qua, các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS-MN được triển khai, hỗ trợ kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng và nhu cầu của nhân dân nên hiệu quả mang lại cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, giảm khoảng cách giữa các vùng miền, giảm tỉ lệ hộ nghèo. Nhờ vậy, đời sống người đồng bào DTTS-MN trên địa bàn huyện ngày càng khởi sắc và phát triển.

Ma Dom ở buôn Ly, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, bày tỏ: Trước đây, gia đình tôi rất nghèo, làm không đủ ăn, phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Được chính quyền địa phương hỗ trợ cho vay vốn, tôi đầu tư trồng sắn, cao su, lúa nước và chăn nuôi bò, heo, gà… Nhờ vậy, hiện gia đình tôi có thu nhập 150 triệu đồng/năm. Tôi tiếp tục mua xe công nông phục vụ sản xuất nông nghiệp, nên kinh tế gia đình ngày càng ổn định hơn.

Vai trò người DTTS được nâng cao

Theo Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên, đợt bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua đã thể hiện rất rõ quyền tham gia bầu cử, ứng cử của người đồng bào DTTS. Có thể thấy, qua các kỳ bầu cử, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở vùng đồng bào DTTS-MN luôn chiếm tỉ lệ cao.

Cán bộ là người DTTS tham gia bộ máy nhà nước, tổ chức chính trị đại diện cho nhân dân tăng cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu thành phần các cấp qua các nhiệm kỳ. Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉ lệ cán bộ người DTTS tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh 3/49 người (chiếm 6,12%), Ban Thường vụ Tỉnh ủy 1/15 người (chiếm 6,67%); Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện 29/115 người (chiếm 25,17%), Ban Thường vụ Huyện ủy 4/33 người (chiếm 12,12%); Đảng ủy cấp xã vùng DTTS-MN 175/421 người (chiếm 41,56%).

Về tỉ lệ cán bộ người DTTS trúng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 đạt 5/50 người (10%); đại biểu HĐND huyện đạt 15/284 người (chiếm 5,28%); đại biểu HĐND xã 250/2.556 người (chiếm 9,78%). Hiện nay cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS có 242/2.050 người, chiếm 11,8%. So với những năm trước đây, nguồn nhân lực vùng DTTS đã được nâng lên về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên trình độ, năng lực của một số cán bộ công chức cấp xã là người DTTS vẫn còn mặt hạn chế. Tỉ lệ cán bộ cấp xã là người DTTS có trình độ đại học, cao đẳng còn chưa cao.

Hờ Pin, cán bộ UBND xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa, cho biết: Thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã luôn tạo điều kiện cho cán bộ là người đồng bào DTTS được đi học tập, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cũng như bố trí, sắp xếp công tác phù hợp. Nhờ vậy, chúng tôi rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước; cùng góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Phát huy chính sách dân tộc

Theo Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên  trong bối cảnh hội nhập quốc tế, hệ thống pháp luật sẽ tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện nhằm đảm bảo các quyền con người nói chung, cũng như quyền của nhóm đối tượng DTTS nói riêng. Trong đó, việc đảm bảo các quyền cho người đồng bào DTTS phải được ưu tiên và thể chế hóa bằng luật pháp, chính sách. Việc thể chế hóa các nội dung quyền cụ thể căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh kinh tế, xã hội của địa phương, phù hợp trong từng giai đoạn.

Trong giai đoạn 2021-2030, Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc nhằm đảm bảo quyền lợi về kinh tế, thực hiện công bằng xã hội, hướng đến giảm dần sự phân cách giàu, nghèo giữa các vùng, các dân tộc. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu trên, cần nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ công tác ở vùng DTTS; đảm bảo mỗi người có thể phát huy hết năng lực cá nhân; giảm thiểu nguy cơ xâm phạm các quyền công dân, quyền con người đối với người đồng bào DTTS.

Trong thời kỳ hội nhập, để phát huy năng lực nội tại của người đồng bào DTTS, mỗi người dân cần tự biết chọn lọc, bảo vệ các giá trị và quyền lợi cá nhân cũng như cộng đồng. Đặc biệt, các địa phương cần đặc biệt quan tâm, tăng cường công tác giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao nhận thức, phổ biến giáo dục pháp luật cho người đồng bào DTTS.

Ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên, cho biết: Đảng ta luôn xác định, chính sách dân tộc của Đảng là thực hiện triệt để quyền bình đẳng về mọi mặt giữa các dân tộc; tạo điều kiện cần thiết để xóa bỏ tận gốc sự chênh lệch về trình độ kinh tế, văn hóa giữa các dân tộc ít người và dân tộc đông người; làm cho tất cả các dân tộc đều có cuộc sống ấm no, văn minh và hạnh phúc; đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chủ trương, chính sách dân tộc nhằm từng bước nâng cao, cải thiện đời sống người dân đồng bào DTTS-MN.

NGÔ XUÂN

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản