Tin mới

Thực hiện chính sách bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến vấn đề đất đai cho đồng bào thiểu số, tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án định canh, định cư. Để triển khai thực hiện hiệu quả chính sách; các bộ, ngành, địa phương có liên quan đã ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định các nội dung được giao và thực thi nhiều chương trình, giải pháp tích cực, có hiệu quả nhằm giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất, giúp đồng bào dân tộc thiểu số có nhà ở, đất canh tác, có việc làm ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số.

Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng gặp mặt chức sắc tôn giáo tiêu biểu

Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân” ở huyện Mường Lát

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

 Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham gia hái chè cùng đồng bào dân tộc tại mô hình thâm canh sản xuất chè VIET GAP ở bản Cốc Phát, xã nông thôn mới Bản Bo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu _Ảnh: TTXVN

Theo kết quả Điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, quy mô dân số của 53 dân tộc thiểu số ở nước ta là 14,1 triệu người, với khoảng 3.680.943 hộ, chiếm 13,7% tổng số hộ của cả nước, sinh sống ở 54 tỉnh, 548 huyện, 5.468 xã, 56.453 thôn. Trong đó có 6 dân tộc có dân số trên 1 triệu người1, 16 dân tộc có dân số dưới 10.000 người2, trong đó có 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người gồm: Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu.

Địa bàn cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số phần lớn là miền núi, chiếm ¾ diện tích cả nước, chủ yếu tập trung ở vùng miền núi, trung du phía Bắc, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và khu vực Nam Bộ. Đây là những địa bàn có vị trí chiến lược, quan trọng về chính trị, an ninh - quốc phòng và tài nguyên thiên nhiên của đất nước, nhưng cũng là vùng có cấu tạo địa chất, tự nhiên phức tạp, có độ dốc cao, chia cắt, cơ sở hạ tầng khó khăn, tập trung chủ yếu là các xã nghèo, huyện nghèo và người nghèo.

Hiện nay, có gần 2 triệu người dân tộc thiểu số sống ở khu vực thành thị, chiếm 13,8%; số người dân tộc thiểu số sống ở khu vực nông thôn là hơn 12 triệu người chiếm 86,2%. Xét về phân bố số hộ gia đình theo vùng kinh tế - xã hội, số hộ gia đình dân tộc thiểu số ở vùng trung du và miền núi phía Bắc chiếm 47,5%; tiếp theo là vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với 14,1%; Tây Nguyên là 13,8%.

Theo kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, diện tích đất canh tác các loại bình quân hộ tại các xã vùng dân tộc thiểu số là hơn 14 nghìn m2/hộ. Diện tích đất bình quân hộ dân tộc thiểu số vùng trung du và miền núi phía Bắc là khoảng hơn 15 nghìn m2/hộ (trong đó, đất trồng cây hàng năm hơn 5 nghìn m2/hộ; đất trồng cây lâu năm khoảng gần 8 nghìn m2/hộ, đất nông nghiệp khác khoảng hơn 2 nghìn m2/hộ); duyên hải miền Trung hơn 18 nghìn m2/hộ (trong đó, đất trồng cây hàng năm gần 4,5 nghìn m2/hộ; đất trồng cây lâu năm khoảng gần 7 nghìn m2/hộ, đất nuôi trồng thủy sản khoảng 550 m2/hộ, đất làm muối khoảng hơn 5 trăm m2/hộ, đất nông nghiệp khác khoảng hơn 5 nghìn m2/hộ). Tây Nguyên hơn 16 nghìn m2/hộ (trong đó, đất trồng cây hàng năm hơn 7 nghìn m2/hộ; đất trồng cây lâu năm khoảng gần 12 nghìn m2/hộ, đất nông nghiệp khác khoảng hơn 7 nghìn m2/hộ); đồng bằng sông Cửu Long hơn 5 nghìn m2/hộ.

Trong nhiều năm qua, thực hiện nhất quán chính sách: “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển”, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng kinh tế - xã hội các vùng dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn; vẫn là vùng chậm phát triển, đất sản xuất bị thu hẹp do bị thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất ở một số địa phương thực hiện còn chậm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi đã ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội, cũng như đời sống của một bộ phận người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỷ lệ nghèo và cận nghèo của các hộ dân tộc thiểu số vẫn đang cao gấp 3,5 lần tỷ lệ nghèo và cận nghèo chung của toàn quốc. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo khu vực biên giới chiếm 48,4%; khu vực nghèo nông thôn là 39,4%. Tại vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung là 48,2% số hộ dân tộc thiểu số của các xã vùng dân tộc thuộc diện nghèo, cận nghèo. Vùng trung du và miền núi phía Bắc là 39,1%, vùng Tây Nguyên là 35,5%, có 21 dân tộc có tỷ lệ nghèo chiếm 50% trở lên. Đối với các xã vùng dân tộc thiểu số, một trong những vấn đề quan trọng để giảm nghèo bền vững là người dân phải được an cư, lạc nghiệp.

Theo kết quả Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019, cả nước có 24.532 hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở, 210.400 hộ dân tộc thiểu số có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất. Việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào di cư tự phát chưa được giải quyết thấu đáo, kéo dài.

Tình trạng tranh chấp, khiếu kiện đòi lại đất và vi phạm pháp luật về đất đai và pháp luật bảo vệ và phát triển rừng ở các nông, lâm trường vẫn còn phổ biến dưới nhiều hình thức như hộ gia đình, cá nhân đòi lại đất của ông, cha trước đây mà Nhà nước đã giao cho các công ty nông, lâm nghiệp quản lý và đòi lại khi đã hết thời hạn nhận khoán hoặc hết chu kỳ kinh doanh theo hợp đồng.

Tranh chấp đất đai giữa người dân di cư tự do từ các địa phương khác đến lấn chiếm đất đai của các nông, lâm trường và các hộ gia đình, cá nhân tại chỗ đang nhận khoán đất. Khiếu nại việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận cho công ty nông, lâm nghiệp chồng lấn lên đất của người dân đang sử dụng... Tình trạng này đã được Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 1/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường nêu rõ:

“Đời sống và sản xuất của một bộ phận người dân di cư tự do còn gặp nhiều khó khăn, việc phục hồi sản xuất chưa bền vững, thiếu đất ở, đất sản xuất, thiếu nước và điện sinh hoạt, thu nhập thấp, nơi ở tạm bợ, không ổn định, thiếu cán bộ kỹ thuật và nguồn vốn bố trí cho công tác khuyến nông, tỷ lệ hộ đói nghèo cao, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số di cư từ các tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên, nhiều hộ dân chưa được hưởng các chính sách an sinh, xã hội của nhà nước nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn gia tăng tình trạng người dân di cư tự do đi nơi khác và gây mất trật tự an toàn xã hội”.

Trước thực trạng này, việc thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc là nhiệm vụ cấp bách nên Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận liên quan đến vấn đề đất đai cho đồng bào thiểu số như: Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã nêu rõ “Sớm có giải pháp đáp ứng nhu cầu đất sản xuất và việc làm cho bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số không có đất sản xuất”.

Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đã chỉ rõ: “Gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, việc làm, an sinh xã hội cho người dân địa phương, đồng bào dân tộc miền núi, biên giới, nhất là cho người dân làm nghề rừng”.

Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, đã nêu: “Tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt; đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án định canh, định cư. Mục tiêu giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số vào năm 2025”.

Nghị quyết 18-NQ/TW cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, Nghị quyết 18-NQ/TW cũng nêu một trong những nhiệm vụ giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai, trong đó có chính sách ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Để thể chế Nghị quyết 18-NQ/TW, Luật Đất đai năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua đã dành riêng 1 điều (Điều 16) quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, Luật quy định, Nhà nước có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.

Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó mục tiêu về quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư vùng đồng bào dân tộc đến năm 2025 được xác định cụ thể: “Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư, sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch. Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 60% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào”.

Thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/2/2020 và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó nội dung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất được triển khai thực hiện tại Dự án 1 của Chương trình với mục tiêu tới năm 2025 sẽ giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho 17.400 hộ, giải quyết trực tiếp đất sản xuất cho hơn 47.200 hộ và giải quyết sinh kế cho 271.800 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Để triển khai, thực hiện các bộ, ngành, địa phương có liên quan đã ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định các nội dung được giao. và thực thi nhiều chương trình, giải pháp tích cực, có hiệu quả nhằm giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất giúp đồng bào dân tộc thiểu số có nhà ở, có đất canh tác hoặc việc làm ổn định, giảm dần đói nghèo, góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Việc giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong những nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị các cấp từ Trung ương đến cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, qua gần 3 năm thực hiện Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, công tác giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là vùng khó khăn đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ để tập trung giải quyết như: đối với việc hỗ trợ đất sản xuất, nhiều địa phương không còn quỹ đất sản xuất để hỗ trợ cho hộ nghèo nên không thực hiện giải ngân được vốn đã giao; hộ thuộc diện thụ hưởng có đất ở nhưng không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nguồn gốc đất chủ yếu là từ các nông, lâm trường nhưng nguồn đất này ở một số địa phương đang cho thuê hoặc sử dụng mục đích khác là rất lớn trong khi rất nhiều nghị quyết ra đời để thu hồi lại đất nông, lâm trường để phục vụ sản xuất nhưng không thực hiện nên khó có nguồn quỹ đất lấy để thực hiện các chính sách.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có hơn 3,3 triệu ha do Ủy ban nhân dân xã quản lý (chưa giao). Bên cạnh đó, các địa phương còn diện tích đất rất lớn đang giao cho các tổ chức kinh tế sử dụng dưới dạng giao quyền sử dụng đất/thuê đất có thời hạn. Trong số hơn 6,8 triệu ha đã giao cho các ban quản lý và các công ty lâm nghiệp, ước tính khoảng hơn 1 triệu ha đang có chồng lấn (hiện không có số liệu chính xác trên toàn quốc, các địa phương ước tính tỷ lệ chồng lấn với rừng sản xuất là 15 - 30%, rừng phòng hộ 10 - 15%, rừng đặc dụng là 5-7%). Ngoài ra, nhiều diện tích chưa được sử dụng, quản lý hiệu quả, đang giao khoán lại cho cộng đồng bảo vệ, chăm sóc.

Việc tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa rất lớn, không chỉ giải quyết nhu cầu cấp bách về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào, mà còn có ý nghĩa đối với việc thi hành phù hợp hơn và hiệu quả hơn chính sách, pháp luật đất đai hướng tới phát triển bền vững bố trí ổn định dân cư khi Luật Đất đai năm 2024 mới được ban hành, thiết nghĩ hệ thống chính trị các cấp cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai rộng rãi đến cán bộ các cấp, đến các tổ chức, cá nhân và đồng bào các dân tộc thiểu số với những nội dung thiết thực và hình thức phong phú như thi viết, thi sân khấu hóa; tổ chức giao lưu trực tuyến; giải đáp, tư vấn pháp luật; tổ chức tiếp công dân và giải đáp chính sách, pháp luật về đất đai cho người dân. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức xây dựng các chuyên mục “hỏi đáp”, "luật sư của bạn", "trợ giúp pháp lý"… qua phổ biến, tuyên truyền pháp luật về đất đai, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất.

Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng đất, trong đó có việc sử dụng đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất. Tổ chức hiệu quả các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất phải gắn với mục tiêu ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, môi trường sinh thái, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống đoàn kết các dân tộc; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Công nhận cộng đồng dân cư là chủ rừng có quyền lợi và nghĩa vụ như các chủ rừng khác; công nhận diện tích rừng thiêng, rừng tâm linh, rừng đầu nguồn nước… gắn với phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn hóa của các dân tộc.

Ba là, tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, đảm bảo đất đai phải có chủ thực sự, tiến hành đo đạc, lập bản đồ địa chính làm cơ sở quản lý chặt chẽ giải quyết căn bản tình hình thiếu đất ở, đất sản xuất, kiểm soát tình hình di dân tự do; ổn định tình hình trật tự an ninh xã hội, bảo đảm quyền lợi của người dân. Đảm bảo giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, phá rừng lấy đất sản xuất, dẫn tới mất rừng, suy thoái rừng và sa mạc hóa.

Bốn là, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường các biện pháp và trách nhiệm quản lý, thực hiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực đất đai, nhất là thực hiện quy hoạch dân cư, kế hoạch sử dụng đất nông, lâm nghiệp, quy hoạch các loại rừng. Chủ động nắm chắc tình hình di biến động dân cư, dân số trên địa bàn. Khẩn trương hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với các địa phương không còn quỹ đất cần thực hiện hỗ trợ theo hình thức: Chuyển đổi theo nhu cầu đào tạo nghề; mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ nông nghiệp hoặc vay vốn để làm nghề khác tăng thu nhập; hỗ trợ xuất khẩu lao động, giao khoán bảo vệ rừng, trồng rừng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết đối với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số.

Chú thích:

1.   Gồm các dân tộc: Tày, Thái, Mường, Khmer, Nùng và Mông.

2.  Gồm các dân tộc: Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ.

HÀ THỊ KHIẾT - Nguyên Bí thư Trung ương Đảng,

nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương,

Phó Chủ tịch không chuyên trách

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản