(Mặt trận) -Thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước và đường hướng của Giáo hội Công giáo Việt Nam, giáo dân tỉnh Bắc Giang luôn tích cực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư ngày càng được củng cố.
Tích cực hiến đất, mở đường
Từ UBND xã Tân Sỏi (Yên Thế) có con đường bê tông rộng rãi dẫn về thôn Yên Cư. Thôn có 203 hộ với 788 nhân khẩu đều là đồng bào công giáo. Theo đồng chí Đinh Ngọc Đông, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác MTTQ thôn, mấy năm trước, con đường này chỉ rộng hơn 2 m. Xe cải tiến chở nông sản muốn qua lại cũng khó khăn.
|
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang gặp gỡ linh mục, giáo dân Giáo xứ Tiên Lục (Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang). |
Khi có chủ trương tôn tạo đường theo chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), giáo dân trong thôn đã hiến hàng nghìn m2 đất thổ cư, đất canh tác giúp thôn mở rộng đường lên 5 m. Để xây dựng nhà văn hóa thôn, 100% hộ dân đồng tình góp sức, góp tiền tùy điều kiện kinh tế của từng hộ. Hơn 100 triệu đồng cùng hàng trăm ngày công lao động của các hộ đã góp phần hoàn thành công trình nhà văn hóa, khu tập luyện thể thao, vui chơi, giải trí rộng gần 500 m2.
Tại huyện Hiệp Hòa, các hộ giáo dân đều tích cực tham gia xây dựng NTM thông qua hiến đất làm đường giao thông, giúp diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc. Điển hình như thôn Đồng Công (xã Hương Lâm). Nắm được chủ trương xã phấn đấu về đích NTM vào cuối năm 2020, thôn đã xây dựng kế hoạch ưu tiên thực hiện các tiêu chí chưa đạt. Bà con giáo dân đã đóng góp, cứng hóa 4 km đường nội thôn, lắp đặt hệ thống chiếu sáng để việc đi lại của nhân dân thuận lợi, nhờ vậy, thôn Đồng Công hoàn thành 16/16 tiêu chí NTM đúng hạn.
Với 6 họ đạo ở 2 giáo điểm huyện Yên Dũng và Lạng Giang thuộc Giáo xứ An Tràng, trong các buổi dạy giáo lý, các linh mục, chánh xứ họ đạo, chức sắc thường lồng ghép tuyên truyền, vận động giáo dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo”. Vì vậy, mọi việc trong Giáo xứ đều được giáo dân đồng thuận cao.
Bà Nguyễn Thị Mùi, tổ dân phố Tân Lập, thị trấn Tân An (Yên Dũng) nói: “Trước đây, đường ngõ nhỏ và dốc, đi lại vất vả. Để mở rộng đường, các hộ trong thôn hiến gần 1 nghìn m2 đất và đóng góp kinh phí, ngày công lao động. Do đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thuận lợi, phát triển hơn, thu nhập của bà con được nâng lên”.
Phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn minh
Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 33 nghìn giáo dân, sinh hoạt tôn giáo ở 78 họ đạo trên địa bàn 69 xã, phường, thị trấn; 110 nữ tu, 26 linh mục, 400 chức việc tham gia ban hành giáo. Ông Trần Kế Vương, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo - Dân tộc, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang cho biết, những năm qua, giáo dân trên địa bàn tỉnh luôn thực hiện tốt chính sách pháp luật của Nhà nước và đường hướng của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Khối đại đoàn kết ở khu dân cư ngày càng được củng cố, nhân dân tích cực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đời sống nâng cao.
Để xây dựng “Xứ, họ đạo tiên tiến”, các hộ giáo dân phải thực hiện tốt quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; đoàn kết lương giáo; không vi phạm pháp luật, quy ước, hương ước của làng văn hóa và giáo lý, giáo luật của giáo hội; không tham gia hoạt động mê tín dị đoan; không để xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp trái pháp luật.
|
Một phong trào nổi bật trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” là xây dựng “Xứ đạo, họ đạo tiên tiến”. Theo đó, các hộ giáo dân cam kết thực hiện tốt quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; đoàn kết lương giáo; không vi phạm pháp luật, quy ước, hương ước của làng văn hóa và giáo lý, giáo luật của giáo hội; không tham gia hoạt động mê tín dị đoan; không để xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp trái pháp luật...
Để đạt được các tiêu chí trên, bà con thuộc các họ đạo thường xuyên động viên nhau chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Đồng thời tích cực tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do địa phương phát động. Hằng năm, tỷ lệ gia đình giáo dân trong tỉnh đạt danh hiệu gia đình văn hóa chiếm hơn 90% tổng số hộ công giáo. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 14 xứ đạo tiên tiến; 78 họ đạo tiên tiến.
|
Thành viên Ban Công tác Mặt trận thôn Yên Cư, xã Tân Sỏi ( huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) vận động giáo dân tham gia xây dựng nông thôn mới. |
Xác định phát triển kinh tế là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng xứ đạo tiên tiến, nhiều hộ đã năng động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đem lại hiệu quả cao.
Điển hình như mô hình trang trại chăn nuôi lợn, cá của gia đình giáo dân Hà Duy Công ở thôn Công Bằng, xã Tân Trung (Tân Yên) mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng; mô hình sản xuất cá giống, rau cần thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm của gia đình ông Nguyễn Văn Nhàn ở thôn Hoàng Giang, xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa); mô hình nuôi thủy sản cho thu nhập hơn 700 triệu đồng/năm của hộ giáo dân Vi Văn Tuân ở thôn Nghè, xã Tiên Nha (Lục Nam).
Các hoạt động thi đua yêu nước của giáo dân đã góp phần quan trọng hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu; xây dựng đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh.
Ngọc Anh