Tin mới

Yên Bái: Xây dựng nông thôn mới từ thôn, bản

(Mặt trận) -Để một xã vùng đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã xây dựng các thôn đạt chuẩn nông thôn mới để từ đó nhân rộng ra toàn xã. Nhờ đó, năm 2019 Trấn Yên đã trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Yên Bái và khu vực Tây Bắc đạt chuẩn nông thôn mới.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Yên thăm các tổ chức Công giáo, Tin Lành nhân lễ Phục sinh 2024

Ủy ban MTTQ Tây Ninh thăm, chúc mừng lễ Phục sinh 2024

Quảng Ngãi: Thăm, chúc mừng các tổ chức, chức sắc nhân dịp lễ Phục sinh 2024

“Nơi khó làm trước”

Thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên là thôn đặc biệt khó khăn của xã với 99% là đồng bào Mông sinh sống. Ông Phạm Xuân Toàn - Bí thư xã Hồng Ca tâm sự: “Thôn Khuôn Bổ cách trung tâm xã 3,5km cách đây vài năm về trước không thể đi ô tô vào được, đường xá đi lại khó khăn lắm. Nhờ nông thôn mới người dân có đường bê tông để đi, ai cũng thấy phấn khởi”.

Xã Hồng Ca là xã khó khăn của huyện Trấn Yên 

“Xã Hồng Ca có 13 thôn, trong đó có 6 thôn đặc biệt khó khăn. Để đưa xã Hồng Ca về đích nông thôn mới, chúng tôi xác định phải xây dựng nông thôn mới từ các thôn, càng những thôn khó khăn càng cần phải làm trước. Đối với vùng cao xã chọn thôn Khuôn Bổ, còn vùng thấp chọn thôn Bản Cọ. Trong mỗi thôn, xã cũng chọn ra một, hai hộ gia đình làm mẫu để xây dựng nông thôn mới. Từ đó, người dân trong thôn sẽ học tập và làm theo”, ông Phạm Xuân Toàn chia sẻ.

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thôn, Khuôn Bổ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi trình độ dân trí, nhận thức còn thấp; việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên khó khăn trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Cùng với đó, tập quán sinh sống của đồng bào trong thôn rất lạc hậu, nhà ở chưa gọn gàng, ngăn nắp; bố trí chuồng trại chăn nuôi gần nhà ở nên vấn đề ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân tiềm ẩn nguy cơ cao. Chính vì vậy vai trò của những người đứng đầu trong thôn hết sức quan trọng.

 Chị Tráng Thị Nhà – Bí thư chi bộ thôn Khuôn Bổ luôn là người gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào

Chị Tráng Thị Nhà – Bí thư chi bộ thôn Khuôn Bổ phấn khởi chia sẻ: Trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại thôn, bản thân tôi phải gương mẫu làm trước, sau đó vận động người dân làm theo. Hàng ngày phải đến từng hộ vận động người dân, cầm tay chỉ việc. Giờ mọi người trong thôn ai cũng biết làm kinh tế, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng măng, trồng quế…chăn nuôi để nâng cao thu nhập cho gia đình.

“Không những vậy, tập quán sinh hoạt hàng ngày của người Mông rất lạc hậu, nhà ở không gọn gàng, chuồng trại chăn nuôi ngay gần nhà. Bản thân gia đình tôi cũng vậy, sau khi được cán bộ xã tuyên truyền gia đình tôi thay đổi nhận thức, di chuyển chuồng trại ra xa nhà ở, sắp xếp gọn gàng ngăn nắp hơn. Sau khi gia đình mình gương mẫu làm trước tôi cũng vận động mọi người trong thôn cùng làm, giờ mọi người đều có ý thức vệ sinh trong nhà, ngoài ngõ sạch sẽ”, Chị Tráng Thị Nhà vui vẻ nói.

Nhờ đó mà diện mạo nông thôn của Khuôn Bổ khởi sắc từng ngày, đời sống vật chất của người dân được nâng lên, đến năm 2018 thôn Khuôn Bổ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

Cán bộ là nòng cốt

Để thay đổi nhận thức của người dân, để người dân tin và làm theo, vai trò của người lãnh đạo hết sức quan trọng.

Ông Trần Nhật Tân – Bí thư huyện Trấn Yên chia sẻ: Để xây dựng nông thôn mới ở vùng đặc biệt khó khăn ngoài nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế cho người dân vai trò người cán bộ vô cùng quan trọng. Để hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn trên địa bàn huyện, trong đó có xã Hồng Ca huyện đã cử ủy viên Ban thường vụ phụ trách từng xã, bám sát địa bàn với cách làm “đi từng nhà, gặp từng người”. Huyện luôn xác định cán bộ đảng viên là nòng cốt và phải phát huy vai trò của già làng, trưởng bản để từ đó tích cực tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, đời sống của người dân xã Hồng Ca được nâng lên, điện mạo nông thôn thay đổi.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới cán bộ xã thường xuyên tới nhà người dân vận động tuyên truyền 

Xã đã quy hoạch và phát triển một số loại cây trồng, vật nuôi thành vùng sản xuất hàng hóa như: Vùng tre măng Bát Độ với diện tích trên 1.000 ha, vùng trồng quế với diện tích gần 2.000 ha, trồng dâu nuôi tằm với diện tích gần 10 ha, trồng cây ăn quả có múi trên 80 ha, vùng trồng cây nguyên liệu gỗ trên 1.000 ha.

Trong chăn nuôi đã chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa tập trung quy mô lớn, trong đó tập trung chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò…. Song song với phát triển vùng nguyên liệu, xã tập trung chỉ đạo đổi mới tổ chức sản xuất, thành lập các Hợp tác xã, Tổ hợp tác làm đầu mối liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ nông dân theo chuỗi giá trị.

Với lợi thế diện tích rừng trồng cây nguyên liệu lớn, xã đã tạo điều kiện, khuyến khích các hộ đầu tư dây truyền sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng nhằm tạo công văn việc làm và nâng cao giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng trên địa bàn xã.

Cùng với đó, xã và các thôn đã tập trung cao trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Hoạt động thu gom rác thải, làm vệ sinh môi trường nông thôn với sự tham gia của cộng đồng ở tất cả các thôn được tổ chức tốt, phong trào “Vệ sinh đường làng, ngõ xóm” được phát động và duy trì thường xuyên trên địa bàn toàn xã.

Anh Vàng A Sò – Thôn Khe Ron, xã Hồng Ca phấn khởi nói: Từ ngày xã và thôn xây dựng nông thôn mới người dân chúng tôi được hưởng lợi rất nhiều, đường xá khang trang, sạch sẽ đi lại dễ dàng hơn rất nhiều. Nhờ có cán bộ xã tuyên truyền vận động mà chuồng trại chăn nuôi của gia đình và người dân đều dựng xa nhà ở nên sạch sẽ hơn trước. Trong quá trình làm kinh tế, gia đình cũng được cán bộ xã dạy cách chăm sóc, hiện gia đình có 3ha măng tre Bát Độ, 8ha quế mỗi năm thu về 30 triệu đồng/người/năm, cuộc sống của gia đình khá hơn rất nhiều.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, năm 2019 huyện Trấn Yên đã đưa 4 xã và 46 thôn, bản thuộc diện đặc biệt khó khăn đã đạt chuẩn nông thôn mới và đưa huyện về đích nông thôn mới.

Huyện Trấn Yên đã có sự thay đổi rõ rệt, cảnh quan môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch đẹp, hình thành các khu dân cư nông thôn kiểu mẫu từ vùng thấp đến vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống cơ sở hạ tầng được hoàn thiện đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; kinh tế phát triển, thu nhập đời sống của người dân đạt bình quân 36,8 triệu đồng/ người, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,03 %; bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc được bảo tồn, gìn giữ; nhân dân trên địa bàn huyện có cuộc sống bình yên và hạnh phúc.

Thanh Ngà 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản