|
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu. (Nguồn: TTXVN) |
- Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của việc tổ chức chương trình Xuân Quê hương năm 2022 cũng như những hoạt động nhằm tạo điều kiện cho bà con về quê đón Tết an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19?
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu: Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới còn đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất cho kiều bào về quê đón Tết Nhâm dần. Việc mở đường bay thương mại với một số nước đang trong giai đoạn thí điểm, chưa đáp ứng được số lượng lớn bà con mong muốn về nước.
Bộ Ngoại giao đang tích cực phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức thêm các chuyến bay để đáp ứng tốt nhất nhu cầu, nguyện vọng về nước của bà con; đang đàm phán để sớm mở đường bay thương mại thường lệ, trước hết là ở 8 địa bàn đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Chương trình Xuân Quê hương 2022 là sự kiện dành cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, là hoạt động chính trị, đối ngoại, văn hóa lớn nhất đầu Năm mới 2022 nhằm kết nối kiều bào với trong nước. Đây cũng là dịp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con và vinh danh các tập thể, cá nhân kiều bào có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức chương trình Xuân Quê hương 2022 có sự hiện diện, chúc Tết của lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ thể hiện tình cảm sâu sắc và sự quan tâm chăm lo dành cho bà con kiều bào, theo đúng tinh thần của Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 12/8/2021 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Chương trình Xuân Quê hương 2022 bao gồm các hoạt động phong phú mang tính truyền thống như dâng hương, thả cá; hoạt động tri ân như viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ; gặp gỡ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc. Đặc biệt, chương trình giao lưu nghệ thuật dự kiến có sự tham dự của Chủ tịch nước chúc Tết bà con kiều bào.
Đặc biệt, Chương trình Xuân Quê hương năm nay còn có sự tham gia của tỉnh Vĩnh Phúc với hoạt động giới thiệu, xúc tiến đầu tư-thương mại tại tỉnh với đoàn kiều bào tiêu biểu, nhằm giới thiệu một địa phương tiềm năng, từ đó đẩy mạnh thu hút kiều bào đầu tư, khuyến khích bà con đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương, quê hương, đất nước.
- Thứ trưởng đánh giá như thế nào về nguồn lực đóng góp từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và các nước đối mặt với nhiều khó khăn do dịch COVID-19?
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại trong tất cả các lĩnh vực và là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước - cả về nguồn lực kinh tế, nguồn lực tri thức và nguồn lực “mềm," nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tin tưởng và luôn mong muốn đồng hành, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước.
Về kinh tế, theo Ngân hàng Thế giới, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam luôn là một trong số quốc gia nhận nhiều kiều hối nhất. Năm 2021, mặc dù bị tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19 nhưng lượng kiều hối gửi về Việt Nam vẫn tăng khoảng 10% so với năm 2020. Tổng lượng kiều hối chuyển về nước trong những năm qua đang hướng tới mốc 200 tỷ USD.
Về thương mại, hàng trăm nghìn doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực tham gia liên kết, thúc đẩy xuất nhập khẩu, góp phần thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong cộng đồng.
Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao, thành tựu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng đáng kể. Theo ước tính, có khoảng 500.000 đến 600.000 doanh nhân, trí thức có trình độ cao, chiếm 10-12% trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó tập trung ở các quốc gia phát triển như Mỹ (với khoảng 50%), Pháp, Australia, Canada, Nga và Đông Âu...
Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đã được tập hợp, tham gia “hiến kế” cho nhiều vấn đề quan trọng trong nước, như công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phòng chống dịch bệnh, mô hình phát triển kinh tế…
Ngoài ra, nguồn lực “mềm” của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã, đang và sẽ góp phần giúp nâng cao hình ảnh và vị thế của đất nước, thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Bởi vai trò, vị thế và ảnh hưởng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ở sở tại ngày càng được nâng cao và mở rộng, tham gia sâu rộng vào mọi mặt đời sống ở sở tại, từ chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa nghệ thuật…
Điều đáng quý là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn dành tình cảm gắn bó với quê hương đất nước, tiếp tục có những đóng góp tích cực cho quê hương, lan tỏa giá trị, hình ảnh đẹp về truyền thống đoàn kết, “tương thân tương ái," “lá lành đùm lá rách” của dân tộc.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, dù bà con cũng gặp không ít khó khăn nhưng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã rất nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc. Trong 2 năm 2020-2021, bà con đã quyên góp ủng hộ trong nước khoảng 115 tỷ đồng cùng nhiều trang thiết bị y tế cho công tác phòng, chống dịch và Quỹ vaccine phòng COVID-19.
Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế, bác sỹ kiều bào ở nhiều nơi tích cực hiến kế, chia sẻ kinh nghiệm hoặc tình nguyện về nước tham gia chống dịch. Các cá nhân, hội, đoàn của trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài tích cực tham gia vào các hoạt động ngoại giao vaccine, chia sẻ thông tin, hỗ trợ vận động, tiếp cận với các nguồn vaccine, vật tư y tế…
|
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến tiếp nhận tượng trưng số tiền ủng hộ phòng, chống dịch của cộng đồng người Việt tại Canada. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN) |
- Triển khai Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị, mới đây nhất là Nghị quyết 169/NQ-CP của Chính phủ, xin Thứ trưởng chia sẻ những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát huy vai trò của kiều vào trong tình hình mới?
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu: Có thể khẳng định kiều bào ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng, cả về nguồn lực kinh tế, nguồn lực tri thức và nguồn lực “mềm," đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài là nhất quán, như đã được khẳng định trong Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ chính trị, người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ là “bộ phận không tách rời” mà còn là “một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam."
Nghị quyết Đại hội Đảng XIII cũng yêu cầu có chính sách thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài, xây dựng, triển khai các chương trình cụ thể để thu hút và phát huy có hiệu quả các nhà khoa học, chuyên gia giỏi là người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài, tranh thủ tối đa nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp phục vụ phát triển đất nước.
Kết luận 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị một lần nữa đã nhấn mạnh việc khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mới đây, ngày 31/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 169/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026, trong đó đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm cụ thể hóa Kết luận 12 của Bộ Chính trị.
Để phát huy hiệu quả hơn nữa nguồn lực của kiều bào đóng góp vào quá trình phát triển đất nước, cần triển khai một số biện pháp cụ thể. Một là tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và vai trò của nguồn lực kiều bào nói riêng. Cần quán triệt nghiêm túc, hiệu quả Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị để các cấp từ lãnh đạo đến cán bộ địa phương nhận thức sâu sắc và đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này.
Hai là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, rà soát những vấn đề vướng mắc, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và xây dựng chính sách mới liên quan đến doanh nhân, trí thức, chuyên gia kiều bào. Cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, minh bạch, hiệu quả. Hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của kiều bào.
Ba là tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, kết nối trong và ngoài nước. Hiện Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đang xây dựng Đề án Phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, với trọng tâm là tăng cường vai trò của các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, biện pháp, chương trình, dự án hợp tác để tạo điều kiện thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào các lĩnh vực cụ thể.
Khuyến khích thành lập và hỗ trợ nâng cao vị thế của các mạng lưới, hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp, hiệp hội trí thức ở sở tại. Tăng cường tổ chức các diễn đàn, hội thảo kết nối kiều bào với trong nước, qua đó, thông tin về các chủ trương, chính sách, môi trường đầu tư, hoạt động khoa học và công nghệ, các dự án kiều bào có thể tham gia đóng góp. Xây dựng cơ sở dữ liệu và mạng lưới kết nối doanh nhân, trí thức kiều bào.
Bốn là thực hiện tốt công tác đại đoàn kết dân tộc với người Việt Nam ở nước ngoài, tăng cường sự gắn kết giữa kiều bào với quê hương, nâng cao tinh thần tự hào dân tộc, tất cả vì mục tiêu một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, công tác người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ và toàn diện hơn theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII và Kết luận 12-KL/TW, nhằm thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để kiều bào hướng về quê hương.
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tập trung vào 2 đột phá: công tác đại đoàn kết dân tộc và phát huy nguồn lực kiều bào phục vụ phát triển đất nước.
Gắn với hai đột phá là 7 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, triển khai các kế hoạch, chương trình hành động gồm Chương trình hành động của Chính phủ về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026.
Thứ hai, tăng cường đại đoàn kết dân tộc, đổi mới, đa dạng hóa hình thức, linh hoạt trong biện pháp triển khai vận động người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó tập trung vào thế hệ trẻ, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng.
Thứ ba, phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước: Hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào; đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, chính sách về thu hút, trọng dụng, đãi ngộ đối với chuyên gia, trí thức và chính sách thu hút đầu tư, kinh doanh, chuyển giao công nghệ của người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ tư, hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài về địa vị pháp lý và ổn định cuộc sống: Tăng cường các biện pháp tổng thể, lâu dài, đặc biệt ở những địa bàn khó khăn. Hỗ trợ các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Thứ năm, hỗ trợ dạy và học tiếng Việt, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc: Đổi mới nội dung và phương thức công tác dạy và học tiếng Việt, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng.
Thứ sáu, tăng cường công tác thông tin đối với người Việt Nam ở nước ngoài, đổi mới nội dung, đa dạng hóa phương thức chuyển tải thông tin, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bà con kiều bào.
Thứ bảy, kiện toàn tổ chức bộ máy, cơ chế phối hợp, nâng cao trình độ cán bộ làm công tác cộng đồng.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng./.
Diệp Trương