Tin mới

Phát huy hiệu quả nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

(Mặt trận) - Trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc phát huy hiệu quả nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) phục vụ mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh tình hình khu vực, thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cơ hội và thách thức đan xen, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng, quyết tâm và tập trung nguồn lực ở cả trong và ngoài nước là yếu tố hết sức quan trọng để đưa đất nước tiếp tục tiến lên mạnh mẽ và đạt được những mục tiêu phát triển đã đề ra.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Việt Nam-Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện

Hội nghị trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm công tác Mặt trận giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và UBTƯ Mặt trận Lào xây dựng đất nước

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Italia_Ảnh: TTXVN 

Tiếp nối chủ trương lớn của Đảng về công tác đối với cộng đồng NVNONN, trong đó tinh thần chỉ đạo xuyên suốt đã được khẳng định tại Nghị quyết số 36/NQ-TW, ngày 26-3-2004, của Bộ Chính trị, “Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” coi “người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”; Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 19-5-2015, của Bộ Chính trị, “Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới” và Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12-8-2021, của Bộ Chính trị, “Về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới” xác định cộng đồng NVNONN là “nguồn lực quan trọng”, yêu cầu “khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn: “Đi đâu thì cũng phải nghĩ ta là “con Lạc cháu Hồng”, làm gì thì cũng phải nghĩ mình là người Việt Nam... Con người sống với nhau có tình, có nghĩa, nhân ái, đoàn kết và góp phần quảng bá Việt Nam, con người, văn hóa Việt Nam ra nước ngoài...”(1).

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài - nguồn lực to lớn để phát triển đất nước

Hiện nay, cộng đồng NVNONN có khoảng 6 triệu người đang sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó trên 80% là ở các nước phát triển(2). Cộng đồng NVNONN hội nhập ngày càng sâu rộng, không những khẳng định vai trò, vị thế đóng góp cho sự phát triển của nước sở tại, mà còn góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Đại bộ phận người Việt Nam trên thế giới, dù có chính kiến khác nhau, nhưng đều mang tình cảm hướng về cội nguồn, đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước, mong muốn một nước Việt Nam giàu mạnh, có vị thế xứng đáng trên thế giới. Điều này thể hiện rõ qua các sáng kiến, dự án, tổ chức, cơ chế ngày càng gia tăng do cộng đồng NVNONN tiến hành đã và đang góp phần tích cực vào sự phát triển của đất nước; tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ; truyền tải quan điểm của đất nước về các vấn đề quốc tế; góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ “từ xa”. Nguồn lực của cộng đồng NVNONN rất phong phú, dồi dào, có giá trị lâu dài, thể hiện trên một số lĩnh vực chính:

Thứ nhất, nguồn lực tri thức, khoa học - công nghệ, nhân lực chất lượng cao.

Theo ước tính, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10 - 12% trong cộng đồng khoảng 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài (tương đương 600.000 người)(3). Nhiều nhà khoa học có tên tuổi trong các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao, như công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, chế tạo máy, điều khiển học, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ na-no, năng lượng, quản lý kinh tế, tài chính - ngân hàng. Các hội chuyên gia, trí thức người Việt Nam tại nhiều địa bàn đã được thành lập, hoạt động tích cực, sôi nổi ở cả nước sở tại và trong nước.

Sự kết nối giữa người Việt Nam trên toàn cầu đang tạo ra các cơ chế hợp tác ngày càng linh hoạt cho chuyên gia trong và ngoài nước khi tham gia những dự án, chương trình nằm trong chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam. Đây là bước tiến quan trọng trong công tác thu hút nguồn lực trí tuệ của NVNONN, mở ra hướng đi mới, không chỉ kết nối chuyên gia, trí thức ở các nước để giao lưu, trao đổi về khoa học - xã hội, mà còn kết nối mạng lưới trí thức NVNONN với cơ quan, trung tâm nghiên cứu trong nước.

Lực lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc cũng là một nguồn lực quan trọng của đất nước với kỹ năng nghề và kinh nghiệm làm việc sau thời gian được rèn luyện ở môi trường nước ngoài. Trong giai đoạn 2017 - 2019, mỗi năm có khoảng 130.000 - 150.000 người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng(4); khi trở về, đa phần người lao động có việc làm ổn định, một số đã thành lập doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bằng vốn tích lũy sau nhiều năm ở nước ngoài.

Thứ hai, nguồn lực kinh tế.

Nhìn chung, cộng đồng doanh nhân NVNONN có tiềm lực kinh tế ngày càng lớn mạnh, có ảnh hưởng không chỉ đối với cộng đồng, mà còn đối với chính quyền nước sở tại. Các hoạt động kinh tế, văn hóa, thương mại và đầu tư của NVNONN đã trở thành cầu nối giao lưu giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ.

Có thể khẳng định rằng, doanh nhân NVNONN là một trong những lực lượng tích cực nhất góp phần đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường nhiều nước trên thế giới, hình thành mạng lưới phân phối thông qua trung tâm thương mại, tổ chức hoặc hiệp hội doanh nghiệp, trong đó có những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, như may mặc, da giầy, nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ... Doanh nhân NVNONN còn là lực lượng tuyên truyền, quảng bá hiệu quả về văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới thông qua hoạt động văn hóa cộng đồng, tham gia triển lãm, hội chợ quảng bá thương mại, du lịch của Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, NVNONN cũng là nguồn lực đóng góp cho sự phát triển của ngành du lịch, hàng không. Trong giai đoạn 2009 - 2019 (trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện), có khoảng 700.000 đến 1.000.000 lượt NVNONN về nước mỗi năm(5).

Thứ ba, nguồn lực “mềm”.

Cộng đồng NVNONN hội nhập ngày càng sâu rộng vào xã hội các nước sở tại, có vị thế vững chắc hơn, góp phần mở rộng ảnh hưởng về chính trị, văn hóa Việt Nam. Một vài chính trị gia gốc Việt tại các nước, như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a... tham gia chính trường sở tại ở các cấp độ khác nhau (Nghị sỹ Liên bang, Tiểu bang, Hội đồng thành phố...). Số lượng người Việt Nam, người gốc Việt tham gia, nắm giữ vị trí quan trọng tại các tổ chức quốc tế có xu hướng tăng lên. Đây là tiền đề quan trọng, góp phần tăng cường lòng tin, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với nhân dân, chính giới, lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế.

Cộng đồng NVNONN phát huy ngày càng hiệu quả vai trò cầu nối, thông qua các hoạt động văn hóa, du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Trước sự phát triển của cộng đồng người Việt Nam tại một số địa bàn, như Hàn Quốc, Cộng hòa Séc, Xlô-va-ki-a, Đài Loan (Trung Quốc), chính quyền sở tại đã cho phép đưa tiếng Việt vào giảng dạy như một ngôn ngữ thứ hai, góp phần không nhỏ vào duy trì, quảng bá bản sắc văn hóa tiếng Việt. Bên cạnh đó, cộng đồng NVNONN còn có đóng góp quan trọng trong kết nối, tăng cường quan hệ đối ngoại, giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Tháng 6-2023, cộng đồng người Việt Nam ở Xlô-va-ki-a được chính quyền nước sở tại công nhận là dân tộc thiểu số thứ 14 tại quốc gia này. Đây là sự ghi nhận, tôn trọng của Chính phủ Xlô-va-ki-a đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại. Tại Ma-rốc, hiện nay chỉ có khoảng 350 người gốc Việt, chủ yếu thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba, nhưng đã đồng lòng, chung tay xây dựng công trình Cổng chào Việt Nam tại Ma-rốc (hoàn thành vào tháng 11-2022) nhân dịp Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập quan hệ Việt Nam - Ma-rốc. Công trình này đã trở thành một trong những biểu tượng của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ma-rốc, giúp các thế hệ  NVNONN nơi đây luôn nhớ về cội nguồn dân tộc. Tại thành phố U-đôn Tha-ni (Thái Lan), cộng đồng người Việt Nam đã xây dựng Phố Việt Nam (Vietnam Town) với mong muốn nơi đây sẽ trở thành trung tâm văn hóa, địa điểm thu hút du lịch không chỉ của người Việt Nam ở vùng Đông Bắc Thái Lan, mà còn của cộng đồng người Thái gốc Việt tại Thái Lan.

Thứ tư, nguồn lực hỗ trợ các hoạt động từ thiện, nhân đạo.

Từ nhiều năm nay, cộng đồng NVNONN tích cực tham gia các chương trình từ thiện, nhân đạo ở trong nước. Trong khuôn khổ các dự án thiện nguyện, cộng đồng NVNONN đã tới những vùng, miền xa xôi của Tổ quốc, để trực tiếp hỗ trợ, trao quà tặng góp phần cải thiện đời sống khó khăn của đồng bào, đóng góp quan trọng vào thành tựu xóa đói, giảm nghèo của đất nước.

Trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, cộng đồng NVNONN cho dù gặp khó khăn, nhưng vẫn đồng hành, chia sẻ bằng vật chất, tinh thần và đóng góp ý kiến tâm huyết để tham mưu với Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ tác hại của dịch bệnh. Cộng đồng NVNONN đã quyên góp ủng hộ 80 tỷ đồng cùng nhiều trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Người Việt Nam ở nước ngoài tích cực phối hợp với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tham gia triển khai công tác ngoại giao vắc-xin, vận động nước sở tại hỗ trợ vắc-xin và vật phẩm y tế cho Việt Nam. Với tấm lòng hướng về quê hương, gần 30 tổ chức, hội đoàn người Việt Nam ở các nước đã phát động các chiến dịch ủng hộ, như “Chung tay vì Việt Nam”, “10 nghìn liều vắc-xin cho Việt Nam”...

Nhiều NVNONN là trưởng đại diện hoặc người điều hành các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, đã và đang triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân đạo tại Việt Nam, đóng góp vào công tác giảm nghèo, thúc đẩy phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Trong tổng số 388 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, có 44 tổ chức mà người sáng lập, chủ tịch, trưởng đại diện, người chịu trách nhiệm hoạt động là NVNONN, đã viện trợ trung bình khoảng 8,4 triệu USD/năm cho Việt Nam.

Những thành quả đáng ghi nhận

Dưới sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, công tác đối với NVNONN nói chung và công tác phát huy nguồn lực NVNONN nói riêng đã được triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan trong và ngoài nước, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của cộng đồng NVNONN ngày càng được nâng cao. Chính phủ, các ban, bộ, ngành ở Trung ương và địa phương đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng về công tác NVNONN nói chung và phát huy nguồn lực NVNONN nói riêng thành các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động; đề án trong từng lĩnh vực. Nhờ đó, công tác phát huy nguồn lực NVNONN đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận.

Một là, về chính trị. Dù quan điểm, thái độ chính trị khác nhau, nhưng tinh thần hướng về đất nước của cộng đồng NVNONN luôn được thể hiện rõ nét. Với mong muốn góp phần vào công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của đất nước, Cộng đồng người Việt Nam ở các nước Hàn Quốc, Đức, Hung-ga-ri, Ba Lan đã thành lập một số quỹ, như quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam, Câu lạc bộ Trường Sa... triển khai các hoạt động tổ chức hội thảo, tọa đàm, triển lãm ảnh về Biển Đông. Kể từ năm 2012, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài còn tổ chức cho các đoàn  NVNONN tiêu biểu đi thăm Trường Sa, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng đặc biệt của cộng đồng. Thông qua những hoạt động này, cộng đồng NVNONN mong muốn có thể truyền tải thông tin đúng đắn tới bạn bè quốc tế, lan tỏa tình yêu biển, đảo quê hương, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hai là, về khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo. Hiện nay, mỗi năm có khoảng 300 - 500 lượt trí thức NVNONN về nước và tham gia tích cực vào hoạt động khoa học - công nghệ, đóng góp nhiều ý kiến sâu rộng, thực tế trong các vấn đề phát triển của đất nước(6). Nhiều chuyên gia NVNONN đã về nước sinh sống, làm việc hoặc có những dự án lâu dài, mang tính nền tảng, đóng góp thiết thực cho sự phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo; góp phần đưa nền khoa học - công nghệ của Việt Nam đến gần với thế giới.

Những năm gần đây, thông qua các hoạt động gặp gỡ, giao lưu, trao đổi với cộng đồng trí thức, chuyên gia  NVNONN do các cơ quan trong nước tổ chức(7), “sự quay vòng chất xám” diễn ra ngày càng sôi động hơn, đóng góp trực tiếp vào quá trình tham mưu, tư vấn chính sách cho Chính phủ nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực, như năng lượng sạch, công nghệ xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững...

Đặc biệt, trong giai đoạn 2020 - 2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, các chuyên gia, trí thức NVNONN đã trực tiếp kết nối, vận động các cơ quan chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp sở tại để hỗ trợ cung cấp vắc-xin cho Việt Nam, thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra nhiều đề xuất, khuyến nghị hữu ích liên quan đến phòng, chống dịch cho các cơ quan Trung ương và địa phương ở trong nước, thông qua hàng loạt chương trình trao đổi, tư vấn giữa đội ngũ bác sĩ, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài  trong lĩnh vực y tế với các cơ quan, người dân trong nước.

Ba là, về kinh tế, thương mại, đầu tư. Tính đến cuối năm 2022, người Việt Nam ở nước ngoài từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thực hiện 385 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại 42/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 1,72 tỷ USD(8). Bên cạnh đó còn có nguồn vốn đầu tư của  NVNONN về nước theo các hình thức gián tiếp khác. Nhìn chung, các hoạt động đầu tư, kinh doanh của NVNONN đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động ở địa phương và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Kiều hối được đánh giá là một điểm sáng trong công tác phát huy nguồn lực NVNONN. Trong giai đoạn 1993 - 2022, lượng kiều hối của NVNONN gửi về nước đạt trên 190 tỷ USD, riêng năm 2022, con số này đạt gần 19 tỷ USD(9). Lượng kiều hối gửi về nước tăng ổn định hằng năm, kể cả trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19. Việt Nam nhiều năm liền thuộc tốp 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới.

Các hiệp hội, hội đoàn doanh nghiệp, doanh nhân người Việt Nam tại các nước cũng tích cực phát huy vai trò kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước. Tháng 8-2009, Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV)(10) được thành lập, với mục tiêu tạo lập môi trường hợp tác và trao đổi thông tin liên quan đến các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thương mại và dịch vụ tại Việt Nam và nước ngoài, giữa doanh nghiệp, doanh nhân, hiệp hội trong và ngoài nước.

Các cơ quan trong và ngoài nước đã phối hợp tổ chức thành công nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề, diễn đàn xúc tiến thương mại, đầu tư(11); góp phần giải đáp, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, doanh nhân; thúc đẩy vai trò cầu nối giao thương của NVNONN trong tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài.

 Một số hạn chế, bất cập

Mặc dù đạt được nhiều thành quả quan trọng, tuy nhiên công tác phát huy nguồn lực NVNONN thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của  NVNONN.

Về nguồn lực tri thức, số lượng trí thức, chuyên gia, nhà khoa học NVNONN về nước trực tiếp tham gia đóng góp và xây dựng đất nước còn rất khiêm tốn, hiện nay mới dừng lại ở mức 300 - 500 người/năm, tức chỉ chưa đến 0,1%. Cộng đồng trí thức, chuyên gia NVNONN ngày càng gia tăng cả về quy mô và chất lượng, tuy nhiên ngoài một số ít cá nhân đã về nước lâu năm, còn lại phần lớn chỉ về nước giảng dạy, tham dự hội thảo hoặc tham gia chương trình, dự án trong một khoảng thời gian nhất định. Do đó, trí thức  NVNONN chưa thực sự kết nối với đồng nghiệp trong nước, chưa phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của mình.

Nhiều ban, bộ, ngành, địa phương, trường đại học, viện nghiên cứu mặc dù có nhu cầu thu hút chuyên gia, trí thức  NVNONN về hợp tác, giảng dạy, tuy nhiên lại thiếu các chương trình, dự án khả thi. Vấn đề sử dụng nguồn lực “chất xám” của  NVNONN mới được đề cập chung chung mà chưa được triển khai rộng rãi, kiến nghị, đề xuất của  NVNONN chưa được giải quyết thấu đáo. Vẫn còn khoảng cách lớn giữa Việt Nam với các nước phát triển về môi trường khoa học - công nghệ, điều kiện việc làm.

Về nguồn lực kinh tế, mặc dù có lượng kiều hối lớn, nhưng chưa có cơ chế đánh giá và định hướng nguồn lực này phù hợp với định hướng phát triển của đất nước. Đầu tư trực tiếp của NVNONN chiếm tỷ trọng thấp trong tổng đầu tư FDI, chưa có sự chú trọng vào lĩnh vực sản xuất và công nghệ cao mà chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ. Sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp NVNONN còn hạn chế. Người Việt Nam ở nước ngoài thiếu thông tin về quy trình và thủ tục, cũng như chính sách ưu đãi về đầu tư đối với các lĩnh vực sản xuất quan trọng ở trong nước.

Về tổ chức thực hiện chính sách, ở một số nơi, thủ tục hành chính rườm rà cũng là rào cản đối với sự nhiệt tình đóng góp của NVNONN với đất nước. Các quy định của pháp luật về đất đai, mua bán, sở hữu nhà ở, kinh doanh bất động sản, tham gia hoạt động khoa học - công nghệ, tuyển dụng, bổ nhiệm... vẫn còn hạn chế đối với NVNONN. Do đó, nhiều NVNONN chưa thực sự yên tâm khi đầu tư, làm việc lâu dài ở Việt Nam.

Phát huy hiệu quả nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Thời gian tới, cộng đồng NVNONN sẽ tiếp tục phát triển về số lượng và địa bàn cư trú. Thế hệ trẻ NVNONN được đào tạo trong môi trường giáo dục, văn hóa tiên tiến, tiếp cận với tư duy, phương pháp, công nghệ mới sẽ là thế hệ kế cận, đóng vai trò chủ đạo trong các hoạt động kinh tế - xã hội của cộng đồng. Đây sẽ là nguồn lực tiềm năng khi thế hệ này thành đạt, trưởng thành trong công việc.

Việc thu hút nguồn lực NVNONN cần dựa trên tiềm năng, thế mạnh của từng nguồn lực, đồng thời đặt trong tổng thể chính sách đại đoàn kết dân tộc, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đóng góp vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và các nước, góp phần hỗ trợ NVNONN sinh sống ổn định, tiếp tục đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của đất nước. Để phát huy nguồn lực NVNONN cần quan tâm các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục thống nhất nhận thức chung về chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước về củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có cộng đồng NVNONN; cân nhắc đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của NVNONN; động viên, khen thưởng, vinh danh NVNONN có đóng góp tích cực, quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao vị thế của đất nước.

Thứ hai, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho NVNONN yên tâm về nước sinh sống, làm việc. Nghiên cứu mở rộng hơn khả năng cho NVNONN nhập hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam mà không phải bỏ quốc tịch nước ngoài, bảo đảm nguyên tắc một quốc tịch “mềm dẻo” và tạo điều kiện thuận lợi để “giải quyết nhanh chóng, thỏa đáng yêu cầu của NVNONN liên quan đến vấn đề quốc tịch”(12). Tiếp tục thúc đẩy việc sửa đổi các luật liên quan đến quyền lợi thiết thân của NVNONN, như xuất, nhập cảnh, cư trú, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đầu tư,... phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và tinh thần của Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12-KL/TW về công tác đối với NVNONN.

Thứ ba,tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai cơ chế, chính sách về thu hút, trọng dụng trí thức, chuyên gia NVNONN. Xây dựngcác văn bản hướng dẫn cụ thể về thu hút chuyên gia, nhà khoa học NVNONN tham gia hoạt động khoa học - công nghệ tại Việt Nam; bổ nhiệm chuyên gia, trí thức NVNONN có năng lực vào các vị trí lãnh đạo tại cơ quan nghiên cứu khoa học, trường đại học, cơ sở giáo dục - đào tạo, sản xuất, kinh doanh, các dự án đặc biệt ở những lĩnh vực mà trong nước ưu tiên phát triển hoặc còn thiếu kinh nghiệm.

Nghiên cứu mở rộng mô hình mời chuyên gia, trí thức NVNONN tham gia các ban/tổ tư vấn giúp Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương để chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến tổ chức quản lý, quy hoạch phát triển trong quá trình hoạch định chính sách kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Mỗi địa phương, ban, bộ, ngành cần dựa trên đặc điểm và nhu cầu thực tiễn để xây dựng chiến lược và chính sách linh hoạt để trọng dụng nguồn lực NVNONN phù hợp; tránh trường hợp áp dụng rập khuôn, máy móc, không thiết thực, gây lãng phí nguồn chất xám của đất nước. Cùng với đó, cần biểu dương, khuyến khích, nhân rộng các mô hình, cách làm hay, sáng tạo về thu hút, trọng dụng nhân tài; kết hợp tuyên truyền, quảng bá thông tin để tạo động lực, cũng như sức lan tỏa đối với cộng đồng trí thức, chuyên gia NVNONN.

Tạo cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên giữa chuyên gia NVNONN với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trong nước để trao đổi về nhu cầu hợp tác cụ thể. Nghiên cứu xây dựng chính sách, chế độ đãi ngộ đặc biệt đối với nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia, trí thức NVNONN có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư vấn về quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ. Trao quyền cho người đứng đầu chịu trách nhiệm xem xét, đặc cách lựa chọn, tuyển dụng, bổ nhiệm cá nhân thực sự có tài năng và khả năng đóng góp phù hợp.

Thứ tư, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nhất là ở khâu thực thi, triển khai ở cơ sở theo hướng minh bạch, thuận lợi, phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Thường xuyên cập nhật thông tin về chính sách ưu đãi, dự án, lĩnh vực ưu tiên kêu gọi đầu tư tới cộng đồng NVNONN. Triển khai chính sách khuyến khích nguồn kiều hối đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dự án hợp tác công - tư, đặc biệt là nghiên cứu biện pháp khuyến khích hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh do NVNONN thực hiện hoặc thông qua thân nhân ở Việt Nam. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước, tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên tìm hiểu, kết nối và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào các trung tâm thương mại của NVNONN và các hệ thống phân phối của nước ngoài.

Thứ năm, hỗ trợ cộng đồng có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định, phát triển và hội nhập vào sở tại; khuyến khích mọi hình thức tập hợp, đoàn kết NVNONN trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với pháp luật và phong tục, tập quán của nước sở tại và Việt Nam. Củng cố, phát triển các hội đoàn chuyên gia, trí thức, doanh nhân, thanh niên, sinh viên NVNONN làm nòng cốt, dẫn dắt sự phát triển của cộng đồng. Tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, tập huấn triển khai công tác hội, đoàn dành cho lãnh đạo hội, đoàn chủ chốt. Hỗ trợ các sáng kiến, chương trình của NVNONN, nhất là các hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống, dạy và học tiếng Việt, hội trại dành cho thanh thiếu niên NVNON.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh kinh tế hiện nay, Việt Nam đang đứng trước những yêu cầu mới. Các văn bản chỉ đạo của Đảng về công tác đối với NVNONN đều xác định nhiệm vụ quan trọng là phát huy mạnh mẽ nguồn lực của toàn dân tộc, trong đó có cộng đồng NVNONN trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên suốt chiều dài lịch sử, công tác vận động, phát huy nguồn lực NVNONN luôn được chú trọng, nỗ lực đổi mới nhằm tạo ra cơ chế, môi trường thuận lợi cho NVNONN đóng góp cho đất nước. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn một số bất cập, đòi hỏi có tư duy mới và hành động quyết liệt hơn nữa nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực to lớn của NVNONN, góp phần thực hiện các mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

---------------------------------

* Phạm Việt Hùng, Ngô Thị Thu Hương

(1) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 775
(2), (3) Số liệu ước tính của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao
(4) Nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu, Cổng thông tin điện tử Bộ Lao động và Thương binh, xã hội, ngày 1-1-2019, https://www.molisa.gov.vn/baiviet/219367?tintucID=219367
(5) Số liệu ước tính của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao
(6) Số liệu ước tính của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao
(7) Hội nghị “Kiều bào chung sức xây dựng thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” (tháng 11-2016); Chương trình “Thủ tướng gặp gỡ chuyên gia, trí thức và doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu” (tháng 11-2016); Hội nghị kết nối người Việt Nam ở nước ngoài với địa phương “Kiều bào chung sức xây dựng quê hương hội nhập và phát triển” (tháng 12-2018); Chương trình “Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam (năm 2018); Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” (giai đoạn 2014 - 2019); Hội nghị kết nối chuyên gia  người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến cho quy hoạch phát triển tỉnh Quảng Nam (tháng 6-2022)...
(8) Khánh Linh: “Công tác người Việt Nam ở nước ngoài - Những dấu ấn đậm nét”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 23-1-2023, https://dangcongsan.vn/nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai/cong-tac-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-nhung-dau-an-dam-net
(9) Hồng Anh, Anh Tuấn: “Kiều hối - “nguồn lực vàng” gia tăng sức mạnh tài chính”, Cổng thông tin điện tử Viện Chiến lược và chính sách tài chính, ngày 31-1-2023, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM265222
(10) Hiện nay, Hiệp hội Doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài đang chuẩn bị tổ chức Đại hội lần thứ IV.
(11) Hội nghị Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (năm 2006); các hội nghị chuyên đề về doanh nhân trong khuôn khổ Hội nghị NVNONN (năm 2009, 2012 và 2016); Chương trình Gặp gỡ Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và doanh nhân Việt Nam ở trong nước (năm 2011, 2013); Diễn đàn doanh nghiệp người Việt Nam ở châu Âu (thường niên); Diễn đàn kinh tế người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất tại Hàn Quốc (năm 2019), lần thứ hai tại Nhật Bản (năm 2023).
(12) Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26-3-2004, của Bộ Chính trị, “Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản