Tin mới

Cần Thơ: Vận dụng linh hoạt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”

(Mặt trận) - TP Cần Thơ đã và đang vận dụng linh hoạt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân gắn với trách nhiệm công dân. Từ đó, nhân dân đồng thuận, tích cực góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố phát triển. Tuy nhiên, trong vận dụng phương châm này vẫn còn những vướng mắc đòi hỏi tiếp tục nỗ lực khắc phục.

Dân giám sát, dân thụ hưởng ở Tuyên Quang

Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tỉnh Ninh Bình

Đổi mới nội dung giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Lúa thu hoạch xong được chở đến tận sân nhà cô Liêu Thị Nguyệt. Ảnh: S.H 

Những công trình hợp lòng dân

Con đường Ðịnh Yên - Trường Lạc nói trên đang được nâng cấp với chiều dài 2.500m và mở rộng ra 4m. Khi đường mở rộng, hai bên đường nhiều hàng quán mọc lên, nhà cửa được sửa sang, xây dựng khang trang hơn; việc làm ăn, lưu thông hàng hóa thuận lợi, đời sống người dân cải thiện... Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy, Chủ tịch HÐND xã Ðịnh Môn, phong trào xây dựng nông thôn mới được nhân dân đồng thuận, tích cực hưởng ứng, từ đó, hầu hết các tuyến đường từ xã đến các ấp được xây dựng khang trang, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được nhân rộng, đời sống người dân thay đổi theo hướng tích cực.

Với sự định hướng, chỉ đạo quyết liệt của thành phố, quận, huyện trong xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố có bước chuyển mình mạnh mẽ. Hầu hết những hẻm nhỏ ở thành thị hay các tuyến đường giao thông nông thôn đều được mở rộng, bê tông hóa; 154/189 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trong hơn 6.000 tỉ đồng thực hiện chương trình nông thôn mới giai đoạn 2015-2020, người dân đóng góp hơn 270 tỉ đồng… Những chủ trương, chính sách thành phố đề ra từ tập trung phát triển giao thông, xây dựng cơ sở vật chất cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe và văn hóa thể thao ở các xã, phường, thị trấn…, đều hướng đến mục tiêu: nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Cán bộ mặt trận, đoàn thể xã Trường Long tham quan vườn sầu riêng của gia đình ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX cây ăn trái Trường Khương A. Ảnh: S.H 

Hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế

Giới thiệu những chậu lan hồ điệp tươi tốt, ông Trần Văn Liêm ở khu vực Long Thạnh 2, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, cho biết: “Hội Nông dân hỗ trợ tôi vay vốn phát triển sản xuất, tạo điều kiện để tôi đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình, cách làm ăn hiệu quả ở địa phương khác. Từ đó, kinh tế gia đình tôi dần cải thiện...”. Trước đây, gia đình ông Liêm thuộc diện hộ nghèo, sống bằng nghề đan đát. Năm 2018, được hỗ trợ vay vốn, ông thuê 1 công đất trồng rẫy (cải xanh, ớt…) và trồng hoa để bán vào dịp Tết. Ông Liêm còn tận dụng khoảng sân nhỏ trước nhà để trồng và bán cây kiểng... Với tổng thu nhập khoảng 120 triệu đồng/năm, năm 2020 gia đình ông Liêm thoát nghèo.

Kể về quá trình giúp đỡ nhiều hộ như gia đình ông Liêm thoát nghèo, vượt qua khó khăn, ông Nguyễn Huy Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Thốt Nốt, chia sẻ: “Phường chọn cách đối thoại với hộ nghèo để tìm ra nguyên nhân nghèo, phân loại và có phương án hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp. Hộ nghèo do thất bại trong làm ăn thì cán bộ đoàn thể đến động viên, hỗ trợ các thủ tục vay vốn và phối hợp đưa bà con đi tập huấn, tham quan học tập các mô hình sản xuất hiệu quả, biết quản lý, sử dụng vốn vay hiệu quả. Ðối với hộ cần học nghề thì tạo điều kiện để có nghề lập thân, lập nghiệp…”. Nhờ vậy, số hộ nghèo của phường Thốt Nốt giảm theo từng năm. Năm 2018, toàn phường có 66 hộ nghèo, đến nay, phường chỉ còn 19 hộ nghèo (trong đó có 8 hộ nghèo do già yếu, neo đơn).

Nhiều xã, phường khác cũng có những giải pháp, cách làm làm thiết thực để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vươn lên. Với sự nỗ lực thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể từ thành phố đến cơ sở, cuộc sống của nhiều hộ nghèo, cận nghèo được cải thiện, nâng lên, được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu: y tế, giáo dục, văn hóa… Ðến nay, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của thành phố giảm còn 0,3%.

Ở các quận huyện, ngày càng xuất hiện nhiều điểm sáng trong hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Ðiển hình như sự phát triển, ăn nên làm ra của hợp tác xã (HTX) cây ăn trái Trường Khương A (xã Trường Long, huyện Phong Ðiền), có sự sát cánh, hỗ trợ nhiều mặt của các cấp, các ngành, Hội Nông dân từ thành phố đến huyện, xã. Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc hợp tác xã (HTX) cây ăn trái Trường Khương A, phấn khởi khoe bao bì sản phẩm in hình những trái vú sữa: “Ðây là những mẫu bao bì được Phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ làm để HTX tham gia đánh giá sản phẩm OCOP. Nhờ được sự hỗ trợ của xã và các ngành chuyên môn của huyện về kỹ thuật trồng cây, thực hiện VietGAP, GLOBALGAP, đến khâu liên hệ làm các thủ tục xuất khẩu mà giờ đây những trái vú sữa của HTX Trường Khương đã đến được với thị trường Mỹ... Từ khi tham gia HTX, đời sống các thành viên nâng cao hơn”. Từ 24,7ha vào năm 2017, đến nay, HTX đã mở rộng diện tích trồng sầu riêng và vú sữa lên đến 45,5ha. Bà con rất phấn khởi khi Nhà nước đầu tư hạ tầng giao thông, xe bốn bánh vô tới vườn thu mua trái cây.

Cùng nhân dân vượt khó khăn

Từ tháng 7-2021, dịch COVID-19 bùng phát, nhiều ấp, khu vực bị phong tỏa, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ngừng hoạt động, nhiều lao động không có việc làm, mất thu nhập, cuộc sống khó khăn… Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố phát động nhân dân đoàn kết, chung sức, đồng lòng hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn. UBND thành phố đã ban hành công văn gởi đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP Cần Thơ và các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đề nghị xem xét giảm lãi suất, giãn nợ, miễn giảm lãi vay và các giải pháp phù hợp khác để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Thành phố cũng đề nghị các đơn vị cung cấp điện, nước trên địa bàn hỗ trợ miễn, giảm tiền điện, nước cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Một số quận, huyện phát động phong trào vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền trọ cho sinh viên, công nhân, người lao động… Chị Ngọc Lan có dãy nhà trọ 7 phòng, ở khu vực Yên Trung, phường Lê Bình, quận Cái Răng. Do ảnh hưởng dịch bệnh, công ty của chị tạm đóng cửa, không có thu nhập, nhưng chị vẫn miễn tiền trọ, điện, nước cho người ở trọ từ tháng 7 đến nay.

Theo ông Nguyễn Trung Nhân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Cần Thơ, thành phố đã nhanh chóng phong tỏa, tổ chức giãn cách khi xuất hiện ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng; vận động các nguồn lực xã hội kịp thời hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần giảm bớt các khó khăn cho ngân sách, hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn. Thành phố kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 thành phố thống nhất giao Ủy ban MTTQ thành phố làm đầu mối tiếp nhận các nguồn tài trợ phòng, chống dịch COVID-19; kịp thời thành lập Ban chỉ đạo và các bộ phận chuyên môn tham gia phòng, chống dịch; cho chủ trương Công ty TNHH NN MTV XSKT Cần Thơ hỗ trợ người bán vé số dạo. Thành phố cũng kịp thời ban hành Nghị quyết 52/NQ-HÐND hỗ trợ 2 triệu đồng cho lao động không có giao kết hợp đồng lao động trong thời gian áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.  Ðến ngày 28-9, thành phố đã hỗ trợ 30.869 người, với kinh phí hơn 61,7 tỉ đồng... Những chủ trương, chính sách đó đã mang lại lợi ích thiết thực, tạo được sự đồng tình hưởng ứng tích cực của người dân.

Lãnh đạo xã Trường Long, huyện Phong Điền thường xuyên đến ấp nắm tình hình trong dân. Trong ảnh: Bí thư xã Trường Long dự họp nắm tình hình phòng, chống dịch COVID-19 và việc chăm lo đời sống người dân tại ấp Trường Thọ 1. Ảnh: S.H 

Nâng cao hiệu quả vai trò giám sát của nhân dân

Sải bước trên tuyến đường 4m Ðịnh Yên - Trường Lạc đang vào giai đoạn đổ bê tông, chị Bùi Thị Kim Thảnh, Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp Ðịnh Yên, xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai, Tổ trưởng Tổ giám sát đầu tư cộng đồng (GSÐTCÐ) tuyến đường này, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên đến công trình để giám sát tiến độ và việc sử dụng vật tư. Thật ra, chúng tôi cũng chỉ giám sát bằng kinh nghiệm của mình như nhìn chiều rộng mặt đường, cao độ và loại sắt thép được sử dụng. Tổ giám sát có 5 người, nhưng chúng tôi huy động khi thi công đến trước nhà người nào thì người đó sẽ giám sát...”.

Thực chất, thời gian qua, Ban GSÐTCÐ chỉ giám sát hiệu quả đối với các công trình do Nhà nước và nhân dân cùng làm hay người dân tự đóng góp. Theo ông Phạm Văn Tư, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Trường Long, huyện Phong Ðiền, những công trình lớn do Nhà nước đầu tư, Ban GSÐTCРtham gia nhưng mang… danh nhiều hơn thực chất, vì không được cung cấp bản thiết kế công trình, người tham gia giám sát không đủ kiến thức chuyên môn. Do đó, để người dân thực sự giám sát được thì phải công khai, minh bạch về công trình và vận động được người dân có chuyên môn về xây dựng tham gia. Ngoài ra, trong công tác lãnh, chỉ đạo của Ðảng ủy, hằng tháng phải đưa công tác kiểm tra, giám sát của Ban GSÐTCÐ vào nghị quyết để đánh giá thì hoạt động sẽ hiệu quả.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Huy Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Thốt Nốt, cho biết: “Quá trình thực hiện nhiệm vụ, một số cơ quan còn ban hành văn bản chồng chéo nên người dân muốn giám sát cũng khó. Do đó, cần những chủ trương, chính sách rõ ràng, đúng đắn và người trực tiếp tuyên truyền, thông tin đến dân phải phù hợp, có lý luận tốt thì người dân mới tin và chung tay thực hiện”.

Ðối với giám sát các hoạt động của chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước, các cán bộ, công chức, viên chức, người dân cũng rất quan tâm. Tuy nhiên, cơ quan chức năng phải tạo điều kiện, người dân mới phát huy được quyền và nghĩa vụ này. Ông Nguyễn Văn Phong, Bí thư Huyện ủy Thới Lai, cho biết: “Huyện ủy thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các địa phương công khai mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị và công khai các quy chế hoạt động, nhiệm vụ và quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ để người dân biết, giám sát. Bên cạnh đó, huyện cũng có các kênh để tiếp nhận ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân và kịp thời giải quyết. Có như vậy mới tạo niềm tin với dân...”.

Cần cơ chế cụ thể

Theo ông Nguyễn Tòng Nhiệm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, thời gian qua, thông qua nắm tình hình dư luận và từ các kênh phản ánh của người dân, Ban Nội chính Thành ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành các văn bản tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác quản lý đất đai; cải cách hành chính; tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí… Qua đó, kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong các vấn đề nêu trên.   

Tuy nhiên, để người dân thực sự phát huy được quyền làm chủ của mình, cần có cơ chế cụ thể trong việc tiếp cận thông tin của người dân. Như các vụ việc tiêm ngừa vaccine COVID-19 không đúng đối tượng xảy ra trong tháng 8 và 9 tại phường An Phú, quận Ninh Kiều và quận Thốt Nốt. Chỉ khi thông tin được đưa lên mạng xã hội, dư luận xôn xao, báo chí vào cuộc, thì vụ việc mới được đưa ra “ánh sáng”. Sau đó, UBND thành phố có văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hành vi vi phạm trong công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 và điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp có biểu hiện tiêu cực (nếu có).

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phan Trung Hiền, Phó trưởng Khoa Luật Trường Ðại học Cần Thơ, việc tiếp cận thông tin là quyền của công dân. Thông tin chính là công cụ để công dân có thể tham gia giám sát hoạt động của Nhà nước và là cơ sở để người dân đưa ra đánh giá về hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Ðể người dân thực hiện được quyền làm chủ đất nước, cần hoàn thiện quy định pháp luật về tiếp cận thông tin của người dân. Trong đó, cần thiết mở rộng phạm vi các chủ thể có nghĩa vụ cung cấp thông tin; thay đổi các quy định về phạm vi các thông tin được và không được tiếp cận.

Bên cạnh đó, quyền kiểm tra, giám sát gián tiếp thông qua đại biểu HÐND, hệ thống mặt trận, dân vận, đoàn thể của người dân cũng cần đi vào chiều sâu, làm cho dân tin, khi đó người dân mới mạnh dạn đóng góp ý kiến để xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền. Theo ông Nguyễn Huy Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Thốt Nốt, để dân tin, đại biểu HÐND phải thể hiện hết trách nhiệm của người đại biểu dân cử, phải bám sát từng công việc, từng địa phương, đến tận nơi lắng nghe ý kiến của cộng đồng dân cư và phân tích, xử lý thông tin tiếp nhận một cách chính xác. 

Ðể phát huy vai trò kiểm tra, giám sát và tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền của người dân, ông Nguyễn Trung Nhân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố, cho biết: “MTTQVN thành phố và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao chất lượng hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban GSÐTCÐ ở cơ sở...”.

Theo ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HÐND thành phố, thành phố luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “Dân là gốc”, nên lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu, chú trọng thực hiện tốt công tác phổ biến, thông tin, tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ, đồng tình, ủng hộ. Ðồng thời, phải chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong mọi lĩnh vực; mọi chính sách địa phương ban hành phải xuất phát từ quyền lợi của nhân dân, bảo vệ những lợi ích chính đáng và tạo điều kiện sống thuận lợi cho nhân dân; tăng cường củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng, Nhà nước với nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện phải phát huy bài học được đúc kết “Ðảng nói - dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động - dân theo; chính quyền làm - dân ủng hộ”; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, quản lý của Nhà nước”.

Năm 2020, HĐND thành phố đã tổ chức 16 đợt giám sát, khảo sát, với 155 lượt cơ quan, đơn vị. Từ năm 2020 đến nay, MTTQVN các cấp của thành phố tiến hành 472 cuộc giám sát; 171 cuộc phản biện xã hội. Dự kiến trong tháng 10-2021, MTTQVN thành phố sẽ phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội thành lập 2 đoàn giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản