Tin mới

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

(Mặt trận) - Kiểm tra, giám sát là chức năng lãnh đạo của Đảng, một trong những nội dung của công tác xây dựng Đảng, một trong những phương thức thiết thực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trên cơ sở phân tích vai trò của công tác kiểm tra, giám sát đối với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bài viết đề xuất một số giải pháp tăng cường công tác này đáp ứng yêu cầu công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

CHỐNG LÃNG PHÍ

Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò các Hội đồng tư vấn đóng góp vào hiệu quả hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

50 địa phương chưa ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở

Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc giao ban công tác kiểm tra, giám sát của Đảng 9 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022 

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là toàn bộ hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền và ủy ban kiểm tra các cấp trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng và quy định của các cơ quan có thẩm quyền của Đảng. Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng, đồng thời là bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”(1).

Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng xác định: kiểm tra, giám sát nhằm “phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng”(2).

Quy định số 22-QĐ/TW cũng xác định rõ, kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ của toàn Đảng, được tiến hành đối với các tổ chức đảng và đảng viên. Theo đó, chủ thể kiểm tra, giám sát gồm: chi bộ, đảng ủy bộ phận, ban thường vụ đảng ủy cơ sở, đảng ủy cơ sở; cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy từ cấp trên cơ sở trở lên; ủy ban kiểm tra; các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy; ban cán sự đảng, đảng đoàn. Đối tượng kiểm tra, giám sát là: chi ủy, chi bộ, đảng ủy bộ phận, ban thường vụ đảng ủy cơ sở, đảng ủy cơ sở; cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy từ cấp trên cơ sở trở lên; ủy ban kiểm tra; các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy; ban cán sự đảng, đảng đoàn; đảng viên.

Trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng có những vai trò sau:

Thứ nhất, kiểm tra, giám sát của Đảng là công cụ quan trọng để kiểm soát việc thực thi quyền lực, qua đó phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

Công tác kiểm tra, giám sát góp phần giúp các tổ chức đảng và đảng viên, trong đó có người đứng đầu, cán bộ chủ chốt trong các tổ chức thuộc hệ thống chính trị, thực hiện tốt Cương lĩnh chính trị, đường lối, quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống sự tha hóa quyền lực, tham nhũng, tiêu cực. Công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của từng tổ chức Đảng, từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, góp phần ngăn ngừa, đẩy lùi những hành động lợi dụng quyền lực được giao để tham nhũng và các tiêu cực khác.

Kiểm tra, giám sát có vai trò quan trọng trong tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và ý thức, quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện tốt, thường xuyên, nền nếp sẽ giúp nêu cao tính tự giác, chủ động của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ; khiến họ sử dụng quyền lực được giao một cách đúng đắn, không dám lộng quyền, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực.

Thứ hai, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là một trong những phương thức phát hiện các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực

Thông qua kiểm tra, giám sát, cấp ủy và ủy ban kiểm tra của cấp ủy có thể phát hiện kịp thời các dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực và xử lý sai phạm. Thực tế cho thấy, qua công tác kiểm tra, giám sát của ủy ban kiểm tra các cấp, nhất là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và giải quyết đơn, thư tố cáo đối với các tổ chức đảng, đảng viên, đã phát hiệu được nhiều vụ việc lợi dụng quyền lực để tham ô, tham nhũng, chiếm dụng tài sản của Nhà nước, của tập thể.

Trên tinh thần “kỷ luật đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho thanh tra, điều tra, xử lý hình sự theo pháp luật”, việc kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến các vụ án và sự việc gây chấn động đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp tiến hành. Bên cạnh đó, cấp ủy các cấp đã tổ chức kiểm tra, giám sát chuyên đề về hoạt động lãnh đạo và xây dựng nội bộ Đảng, như: kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chương trình, đề án; giám sát việc thực hiện một số nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy v.v..

Thứ ba, công tác kiểm tra, giám sát giúp phát hiện các sai sót, kẽ hở trong các quy định, cơ chế, chính sách, pháp luật để đề nghị bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhằm bảo đảm “không thể tham nhũng, tiêu cực”

Cùng với việc phát hiện, xử lý kịp thời các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, công tác kiểm tra, giám sát còn là cách thức để phát hiện ra những kẽ hở của chính sách, pháp luật, từ đó ngăn ngừa tận gốc mầm mống phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Trong thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật, thu hẹp, khắc phục những “kẽ hở”, giúp ngăn ngừa, giảm thiểu những hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Thứ tư, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân đối với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Nhờ đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, nhận thức của toàn Đảng và xã hội về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được nâng cao. Với sự tham gia chủ động của các tổ chức chính trị - xã hội, các phương tiện truyền thông và người dân trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, mà “vị trí, vai trò của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được coi trọng và nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn”(3).

Sự đồng thuận của toàn xã hội đã góp phần tạo điều kiện để các tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, như lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng “thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận”(4).

Trong thời gian tới, tham nhũng, tiêu cực còn diễn biến phức tạp. Đảng ta luôn coi đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một hoạt động cấp thiết, quan trọng, liên quan đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Để đáp ứng yêu cầu và thực hiện thắng lợi công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng thông qua việc thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong đó có nhận thức về vai trò của công tác kiểm tra, giám sát trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Nhằm tăng cường hiểu biết và ý thức trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên trong công tác kiểm tra, giám sát, cần đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục. Đặc biệt, những người đảm nhiệmvị trí, vai trò quan trọng cần nhận thức sâu sắc mục tiêu, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người lãnh đạo, phải gương mẫu, đi tiên phong trong công tác kiểm tra, giám sát; nêu cao ý thức tự giác và thống nhất ý chí, hành động trong công tác này. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phải công khai các thông tin cần thiết để mọi người được biết và tham gia vào quá trình giám sát. Điều này không chỉ mang lại sự minh bạch cho quá trình kiểm tra, giám sát, mà còn góp phần xây dựng lòng tin của nhân dân.

Trách nhiệm đối với công tác kiểm tra và giám sát trước hết thuộc về cấp ủy và người đứng đầu tổ chức đảng. Mọi tổ chức đảng và đảng viên đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng và đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng.

Để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, các phương tiện thông tin đại chúng cần tích cực tham gia bằng việc lan tỏa những nhân tố điển hình và kinh nghiệm hay trong công tác kiểm tra, giám sát; mở rộng các chuyên trang, chuyên mục liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Việc xuất bản sách, báo, tạp chí, các tác phẩm văn học và nghệ thuật về công tác kiểm tra, giám sát cũng góp phần quan trọng trong việc lan tỏa thông tin hiệu quả về công tác này.

Việc công khai kết quả kiểm tra, xử lý các vụ việc sai phạm liên quan đến cán bộ, đảng viên có tác dụng giáo dục, răn đe và cảnh tỉnh chung. Điều này cũng góp phần ngăn chặn sự lợi dụng và xuyên tạc, chia rẽ nội bộ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ của các thế lực thù địch. Hơn nữa, việc công khai này còn tạo ra sự đồng thuận và hiệu ứng tích cực trong xã hội, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các quy định của Đảng và pháp luật liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát trong phòng, chốngtham nhũng, tiêu cực

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp tăng cường chỉ đạo nghiên cứu xây dựng, hoàn chỉnh các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định về công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng bảo đảm đồng bộ, thống nhất; đổi mới phương pháp, kỹ năng, quy trình công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm khoa học, dân chủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi. Trong đó, tập trung vào các cơ chế, biện pháp chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, khuyết điểm của tổ chức đảng, đảng viên từ sớm, lúc mới manh nha.

Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và các quy định liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần gắn kết chặt chẽ với cơ chế kiểm soát quyền lực. Mục tiêu là tạo ra sự đồng bộ và thống nhất trong việc thực hiện các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức tương xứng với kỷ luật đảng.

Ngoài ra, cần thiết lập cơ chế quản lý và chính sách đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ, công chức, viên chức để cán bộ, đảng viên “không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng”, “không cần tham nhũng”...

Ba là, chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát

Đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, trước hết là công tác kiểm tra, giám sát ở chi bộ, trên cơ sở nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ, tính tự giác của đảng viên. Tập trung kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, các cán bộ chủ chốt và người đứng đầu trong những lĩnh vực, địa bàn và vị trí công tác có khả năng xảy ra các hành vi tiêu cực để theo sát, nhắc nhở, cảnh tỉnh, ngăn chặn vi phạm có thể xảy ra.

Chú trọng thường xuyên tự kiểm tra, đặc biệt là đối với cấp ủy viên và cán bộ diện cấp ủy quản lý, nhằm nhận ra những điểm mạnh để phát huy, đồng thời chỉ ra những hạn chế, thiếu sót để khắc phục và điều chỉnh một cách chủ động. Tăng cường giám sát nhằm giúp tổ chức đảng và đảng viên có thể kịp thời phát hiện, điều chỉnh, khắc phục và sửa chữa những thiếu sót, hạn chế, không để các thiếu sót kéo dài và trở thành những vi phạm, không để những vi phạm nhỏ phát triển thành những vi phạm lớn, không để vi phạm của cá nhân trở thành vi phạm của tập thể.

Hoạt động giám sát được thực hiện trên toàn bộ các địa bàn và lĩnh vực, tập trung vào việc giám sát hoạt động tham mưu và ban hành quyết định; những nơi có dấu hiệu mất đoàn kết và xuất hiện các vấn đề phức tạp mới nảy sinh, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Mục đích của giám sát là nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa và ngăn chặn việc vi phạm từ sớm, từ xa.

Việc thực hiện kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm cần chủ động hơn với quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn, tập trung vào những nơi có vấn đề phức tạp, “điểm nóng”, gây bức xúc trong xã hội. Việc xử lý kỷ luật phải nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, song phải trên tinh thần nhân văn, “trị bệnh cứu người”, mục đích chính là làm cho tổ chức đảng, đảng viên tiến bộ hơn, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao.

Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là nguyên nhân sâu xa dẫn tới tham nhũng, nên công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn với phòng, chống tiêu cực; gắn kiểm tra, giám sát trong phòng, chống tham nhũng với kiểm tra, giám sát ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Bên cạnh kỹ năng công tác thành thạo, tư duy logic, tác phong làm việc khoa học, cán bộ kiểm tra cần có phẩm chất đạo đức trong sáng, có quyết tâm vững vàng, sức đề kháng cao, không lạm dụng nhiệm vụ, chức trách được phân công nhằm vụ lợi; nhận thức đúng và chấp hành nghiêm những chủ trương, trình tự, quy định về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; các chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện nghiêm Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27-10-2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra phải được thường xuyên quan tâm, trong đó có đào tạo mới, bồi dưỡng, tập huấn. Chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra cần được thường xuyên cập nhật, điều chỉnh theo hướng chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa, phù hợp với chức danh và ngạch bậc của từng cá nhân. Đồng thời, cần hết sức coi trọng xây dựng văn hóa kiểm tra, xây dựng môi trường lành mạnh, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở, lắng nghe; quan hệ giữa chủ thể kiểm tra và đối tượng kiểm tra theo đúng nguyên tắc đảng.

Năm là, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa ủy ban kiểm tra với các cấp ủy, tổ chức đảng; giữa cơ quan ủy ban kiểm tra với các cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm toán và các cơ quan báo chí, truyền thông, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân

Xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với các đảng ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn liên quan. Ủy ban kiểm tra các cấp tham mưu cho cấp ủy cùng cấp sửa đổi, bổ sung, ban hành mới quy chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm toán, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân trong hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng, bảo đảm hiệu quả, tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng cơ quan. Ủy ban kiểm tra các cấp cần  phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước để giám sát thu nhập của cán bộ, đặc biệt là cán bộ diện cấp ủy quản lý.  

Cần tiếp tục bổ sung và hoàn thiện cơ chế phối hợp giám sát giữa giám sát của Đảng với giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân nhằm tránh sự chồng lấn, trùng lặp trong quá trình triển khai hoạt động giám sát của mỗi tổ chức. Đặc biệt, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

_________________

(1) Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.636.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.144-145.

(3), (4) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.18, 91.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản