(Mặt trận) - Theo ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, trong bối cảnh này, Mặt trận cần tham gia góp ý, phản biện bằng văn bản quy phạm pháp luật đối với những chính sách kinh tế nhằm tháo gỡ những khó khăn để làm sao phát triển mạnh mẽ, có những giải pháp đột phá. Vì trên lĩnh vực đầu tư công, đầu tư của các doanh nghiệp, đầu tư các chuỗi sản xuất… đều đang vướng mắc.
|
Ông Đỗ Duy Thường. |
PV: Trong thời gian vừa qua các hoạt động giám sát của Mặt trận đã phát huy tác dụng to lớn, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước hoàn thành các mục tiêu đề ra. Ông đánh giá như thế nào về các hoạt động giám sát của Mặt trận, đặc biệt trong phòng chống Covid-19 vừa qua, thưa ông?
Ông Đỗ Duy Thường: Có thể thấy, trong hệ thống giám sát có giám sát của Nhà nước, giám sát của Mặt trận, giám sát của nhân dân. Tuy nhiên, còn có một giám sát nữa là giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng rất thiết thực mà lại từ cơ sở giám sát lên. Đây là những hình thức giám sát cần được phát triển.
Trong thời gian qua, từ các phương tiện thông tin đại chúng đã cho thấy hoạt động của các địa phương, nhất là MTTQ các cấp từ tỉnh xuống tới cơ sở xã, phường, thị trấn thậm chí là Ban Công tác Mặt trận (CTMT) ở khu dân cư có vai trò giám sát ở khu dân cư hết sức quan trọng. Đặc biệt trong đợt giám sát gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng vừa qua mới thấy Ban CTMT làm việc hiệu quả và rất đều tay.
Đợt vừa rồi chúng ta hỗ trợ 4 đối tượng là hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ kinh doanh và những lao động bị mất việc làm. Các đối tượng được hỗ trợ đợt 1 rất rõ ràng nhưng trong đợt 2, đối với các đối tượng là lao động tự do thì sự giám sát phải thận trọng hơn; phải giám sát làm sao cho đúng đối tượng.
Vừa qua, chính vì làm không đúng đối tượng cho nên nhiều địa phương đã có chuyện đưa người nhà, người thân của mình vào trong danh sách được hỗ trợ. Báo chí chụp ảnh nhà lầu, xe hơi nhưng vẫn được trợ cấp thì đó là chuyện không tốt đẹp gì. Việc giám sát danh sách này rất quan trọng. Nếu giám sát tốt sẽ loại bỏ ngay được những đối tượng không đúng quy định bỏ lọt vào đây.
Mặc dù dịch bệnh đã lắng xuống gần 3 tháng nay nhưng chúng ta đều biết cuộc chiến này còn rất dài và “cam go ác liệt”, không thể lơ là chủ quan, nhất là khi lại có thêm những ca lây nhiễm mới từ cộng đồng ở Đà Nẵng.
Vừa qua nhiều hoạt động giám sát đã phát huy tác dụng. Giám sát đã được tiến hành tới tận đơn vị nhỏ bé nhất là khu dân cư. Ở đây Ban CTMT đã phối hợp với Tổ trưởng tổ dân phố lên danh sách gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng. Đây là việc làm rất thiết thực, được nhân dân rất hoan nghênh. Tuy nhiên, như ông vừa nói, vẫn xuất hiện tình trạng trục lợi. Theo ông, cần có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
- Mặt trận có chức năng giám sát nhưng lại không có chế tài xử lý. Theo quy định của Nhà nước thì Mặt trận sẽ giám sát và kiến nghị. Theo tôi, với những địa phương để xảy ra tình trạng này phải có cách xử lý nghiêm khắc. Bên cạnh việc đưa lên công luận để tạo dư luận, lên án các hành vi không đúng thì pháp luật cũng cần vào cuộc.
Tôi đưa ra một số ví dụ rất điển hình thế này. Với những vụ án mua sắm trang thiết bị y tế ngoài Hà Nội hay một số nơi khác chính báo chí là người phát hiện, phanh phui nhưng những vụ việc đó lại nhanh chóng được xử lý một cách kịp thời mặc dù chưa hề có chế tài.
Do đó, chúng ta cần tận dụng sức mạnh của truyền thông số hóa, coi đó là một trong những giải pháp, một kênh quan trọng để tố giác, đấu tranh với những tiêu cực, tham nhũng để làm trong sạch đội ngũ cán bộ cũng như sàng lọc bớt những yếu tố tiềm tàng có thể phát sinh những tiêu cực sau này.
Hiện nay, UBTƯ MTTQ Việt Nam đang hướng đến việc phát động một Cuộc vận động mới để vận động nhân dân thực hành tiết kiệm trong bối cảnh Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế. Ông đánh giá như thế nào về việc làm này?
- Bên cạnh việc ban hành Nghị quyết vận động toàn dân tích cực khắc phục tác động của đại dịch Covid 19 để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tôi thấy việc Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam hướng đến việc ra một Nghị quyết mới để vận động nhân dân thực hành tiết kiệm trong bối cảnh Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế là hành động rất kịp thời, phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn hiện nay. Đặc biệt, việc làm đó được đánh giá là rất trúng, rất đúng với chủ trương của Đảng và chương trình của Chính phủ là khôi phục sản xuất, phát triển tiền sản xuất sau Covid - 19.
Đứng về mặt giám sát, phản biện tôi đề xuất hai việc. Một là, Mặt trận phải góp ý và phản biện đối với những chính sách kinh tế hiện nay nhằm tháo gỡ những khó khăn để làm sao phát triển mạnh mẽ, có những giải pháp đột phá. Vì sao tôi lại nói điều này. Vì trên lĩnh vực đầu tư công, đầu tư của các doanh nghiệp, đầu tư các chuỗi sản xuất… đều đang vướng mắc. Hơn lúc nào hết Mặt trận phải tham gia góp ý bằng văn bản quy phạm pháp luật những chính sách đó.
Thứ hai là về phản biện. Phản biện của Mặt trận làm sao phải tạo ra những cơ chế đột phá. Phản biện hiện nay không khó làm vì Bộ Chính trị đã có hẳn một Nghị quyết, Chính phủ có chương trình thì Mặt trận sẽ tiến hành giám sát, phản biện chủ trương đó, cũng như những chính sách, pháp luật về việc khôi phục và phát triển kinh tế.
Hiện nay hai việc này cũng đang được thực hiện một cách kịp thời, rất đúng và trúng. Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sắp tới nên hướng dẫn cụ thể, chi tiết, thậm chí theo tôi phải có những hội thảo phát huy vai trò các Hội đồng tư vấn để góp ý vào những nội dung này sao cho hiệu quả nhất.
Trân trọng cảm ơn ông!
Trong 6 tháng đầu năm, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 của MTTQ Việt Nam đã được người dân tích cực hưởng ứng và đánh giá rất cao. Chính vì vậy, việc ban hành Nghị quyết vận động toàn dân tích cực khắc phục tác động của đại dịch Covid 19 để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam là rất cần thiết, kịp thời và sẽ đi sâu vào lòng dân.
N.Phượng