Tin mới

Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV: Thông qua Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025

(Mặt trận) - Chiều 8.6, tiếp tục Kỳ họp thứ Bảy, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, với tỷ lệ 95,69% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Hồ Long 

Tiếp tục đổi mới, giám sát đúng và trúng, quy định rõ trách nhiệm

Theo Nghị quyết vừa được thông qua, Quốc hội quyết nghị: tại Kỳ họp thứ Chín sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; báo cáo tài chính nhà nước năm 2023; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024; việc thực hiện Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; việc thực hiện Nghị quyết số 93/2019/QH14 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; việc thực hiện Nghị quyết số 135/2020/QH14 của Quốc hội về việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận và Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An… Đồng thời, xem xét Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”. Đồng thời, xem xét các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2026; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025 và dự kiến kế hoạch năm 2026. Xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội; cơ cấu lại nền kinh tế; đầu tư công trung hạn; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công trong giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, xem xét các báo cáo về kết quả triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Xem xét báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án…

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chỉ đạo tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười; trực tiếp tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”; chủ trì ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này; chỉ đạo, điều hòa hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; hướng dẫn Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện hoạt động giám sát; chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát; báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, làm cơ sở cho việc dự kiến Chương trình giám sát của năm tiếp theo, bảo đảm gắn kết giữa hoạt động giám sát với hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Căn cứ Chương trình giám sát của Quốc hội và điều kiện, tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chủ động xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình giám sát của mình, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định của pháp luật; tiếp tục đổi mới, giám sát đúng và trúng, chỉ rõ địa điểm, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Sửa đổi Luật để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát

Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về  dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại hội trường và ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Phiếu xin ý kiến gửi qua App Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổng hợp để báo cáo Quốc hội về kết quả lựa chọn chuyên đề giám sát và tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

Căn cứ kết quả trên, Quốc hội quyết định sẽ giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội về các giải pháp để tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, như: tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động của tổ giúp việc, tổ công tác, hoạt động của các chuyên gia và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình giám sát; tăng cường các báo cáo độc lập của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan khác như Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp; hoàn thiện cơ chế theo dõi, đánh giá việc thực hiện kết quả giám sát, trong đó nâng cao chất lượng công tác theo dõi, tổng hợp, đánh giá đối với kết quả thực hiện các kiến nghị giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội; tăng cường hoạt động “giám sát lại”, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri; tổ chức các phiên giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến thủ tục hành chính…

“Ngay sau khi được Quốc hội đồng ý đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu sửa đổi và hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội cho ý kiến, bảo đảm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng; đồng thời, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát trong giai đoạn hiện nay”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản