Tin mới

Phát huy vai trò của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn mới

(Mặt trận) - Tham nhũng, tiêu cực luôn là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Vì vậy, Đảng ta luôn kiên quyết đấu tranh phòng, chống những mối nguy cơ đó. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới, đòi hỏi các cấp, các ngành, trong đó có đội ngũ những người làm công tác kiểm tra, giám sát phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Dân giám sát, dân thụ hưởng ở Tuyên Quang

Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tỉnh Ninh Bình

Đổi mới nội dung giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

 

Nỗ lực của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Sau khi thành lập chính quyền non trẻ, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm cảnh báo nguy cơ xa rời quần chúng và tệ thoái hóa, biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người đã luôn chú trọng giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng, quyết tâm phòng, chống những nguy cơ làm tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thấm nhuần tư tưởng của Người, Đảng ta thường xuyên chăm lo tới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (tháng 1-1994), Đảng đã xác định 4 nguy cơ đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước là: Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Trong đó, sự suy thoái, biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên và tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí được coi là “giặc nội xâm”; làm ảnh hưởng xấu đến niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và đe dọa sự tồn vong của chế độ. Hiện nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền bị tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường, kém tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất người đảng viên sẽ dẫn tới thoái hóa, biến chất, phai nhạt lý tưởng, xa rời nhân dân, sa vào tham nhũng, lãng phí. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đang diễn ra theo chiều hướng ngày càng tinh vi, phức tạp, nếu không kịp thời đấu tranh, ngăn chặn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới vai trò lãnh đạo của Đảng, làm mất niềm tin của nhân dân.

Từ sau Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Ðảng và Nhà nước ta đã tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, hiệu quả thấp. Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Ðảng và chế độ ta.

Trước tình hình trên, Hội nghị Trung ương 3 khóa X đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 21-8-2006, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Một trong những chủ trương, giải pháp được Nghị quyết nêu ra là: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng. Tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán một số lĩnh vực trọng điểm, như: Đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, thu - chi ngân sách, quản lý tài sản công và hệ thống ngân hàng thương mại. Thành lập các đoàn công tác liên ngành giữa ủy ban kiểm tra của Đảng với thanh tra, kiểm toán, công an, kiểm sát để phối hợp xử lý các vụ tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng. Công khai kết quả xử lý của các đoàn công tác này”(1). Tiếp đó, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-5-2012, “Về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí””. Kết luận số 21-KL/TW cũng đã nhấn mạnh một trong các nhiệm vụ, giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”(2). Sau đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đều đánh giá vai trò quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Ngày 12-12-2020, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc, tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá công tác kiểm tra của Đảng chính là bước “đột phá” trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay: “Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng”(3).

Thời gian qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp đã chủ động, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát phục vụ cho việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp hằng năm đã ban hành các chương trình kiểm tra, giám sát, thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào việc chấp hành các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, trong đó có việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa X về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương và UBKT các cấp rất tích cực, chủ động, quyết tâm, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên (trong đó trên 1/2 đảng viên là cấp ủy viên các cấp), giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề đối với tổ chức đảng và đảng viên; tập trung nhiều vào những điểm “nóng”, những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, những vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm, như việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; công tác cán bộ; biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; trách nhiệm nêu gương; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài chính, ngân hàng; bảo vệ môi trường, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; thực hiện dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công... Trong đó, vừa có nhiều vụ việc mới, lại có những vụ việc tồn tại đã lâu, việc giải quyết rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, gây bức xúc trong xã hội... đã được phát hiện, làm rõ, kết luận và kỷ luật; đề nghị các cấp có thẩm quyền kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, trong số đó có cả những người giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt các địa phương, đơn vị, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, đương chức hoặc đã nghỉ hưu.

Qua kiểm tra, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy và UBKT các cấp đã xử lý nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; làm một cách bài bản, từ trên xuống dưới, có trọng tâm, trọng điểm. Quan điểm về xử lý kỷ luật là “không có vùng cấm, không có vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, không có hạ cánh an toàn”, dù là cán bộ đương chức hay đã nghỉ hưu, cán bộ cấp cao, cả dân sự và cả trong lực lượng vũ trang, thì mọi đảng viên đều bình đẳng khi xử lý kỷ luật và làm nghiêm từ trên xuống.  Trong giai đoạn 2013 - 2020, cấp ủy, UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên, trong đó có nhiều trường hợp tham nhũng(4). Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên; trong đó, có hơn 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang,...).

Thực hiện nghiêm túc quan điểm “Kỷ luật đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho thanh tra, điều tra, xử lý hình sự theo pháp luật”, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ án, vụ việc nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trong năm 2021, qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xử lý nghiêm 12 tổ chức đảng và 20 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (gồm 3 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương; 2 thứ trưởng, 1 đồng chí nguyên chủ tịch; 1 đồng chí nguyên phó bí thư tỉnh ủy; 13 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Đã kiểm tra, làm rõ các sai phạm, xử lý và yêu cầu xử lý trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân sai phạm liên quan đến việc giảm chấp hành hình phạt tù trước thời hạn cho Phan Sào Nam (trong đó, đã thi hành kỷ luật đối với Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh và 5 cán bộ gồm Chánh án, 2 Phó Chánh án, Chánh Tòa dân sự, Phó Trưởng phòng Kiểm tra nghiệp vụ và thi hành án; hiện đang yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể và cá nhân khác); một số tập thể và cá nhân sai phạm liên quan đến vụ án xảy ra tại Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế; 1 tập thể và nhiều cá nhân sai phạm xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và các đơn vị trực thuộc(5)...

Các tổ chức đảng và đảng viên sau khi được kiểm tra, giám sát đã nghiêm túc khắc phục, sửa chữa vi phạm, khuyết điểm và hậu quả gây ra, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng đã góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; qua đó, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Như vậy, có thể thấy rõ rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta được tiến hành rất quyết liệt, trong đó, ngày càng xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Bước sang nhiệm kỳ Đại hội XIII, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn đang hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ còn diễn biến phức tạp. Khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên có nguy cơ gia tăng về số lượng, mức độ, với tính chất, quy mô tinh vi hơn trước. Thực tế đó đặt ra yêu cầu, đòi hỏi phải đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Ban Chấp hành Trung ương quyết định đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã đề ra. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt nhấn mạnh đến giải pháp về: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm(6).

Những nhiệm vụ của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng cần thực hiện tốt trong thời gian tới

Để đáp ứng yêu cầu và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, trong đó, có đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng cần được nhận thức đúng, đầy đủ hơn và tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau đây:

Một là, tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, ngành và đội ngũ cán bộ, đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, phải gương mẫu, đi đầu, nêu cao tinh thần tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong công tác kiểm tra, giám sát để giữ gìn uy tín, củng cố niềm tin của nhân dân và phải công khai những điều cần thiết để nhân dân biết, ủng hộ và giám sát. Tiếp tục khẳng định kiểm tra, giám sát là một phương thức lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng, trước hết là trách nhiệm của cấp ủy và của người đứng đầu cấp ủy. Công tác kiểm tra, giám sát, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “là thanh bảo kiếm của Đảng”. Những nỗ lực đó nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT các cấp.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức, biện pháp thích hợp; chú trọng nhân rộng các nhân tố điển hình, kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả; rà soát, tiếp tục mở các chuyên trang, chuyên mục, xuất bản, phát hành sách, báo, tạp chí, các tác phẩm văn học, nghệ thuật về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Công khai kết quả xử lý các vụ việc đến cán bộ, đảng viên và nhân dân để phát huy tối đa hiệu quả tác dụng trong phòng ngừa, giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh vi phạm; không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chia rẽ nội bộ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ; tạo đồng thuận và hiệu ứng tốt trong xã hội, góp phần quan trọng cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Hai là, tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật và hệ thống các quy định về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng có liên quan đến việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp tăng cường chỉ đạo nghiên cứu xây dựng hoàn chỉnh các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định về công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đồng bộ, thống nhất; đổi mới phương pháp, kỹ năng, quy trình công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng bảo đảm khoa học, dân chủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi; trong đó, tập trung vào các cơ chế, biện pháp chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, khuyết điểm của tổ chức đảng, đảng viên. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực; tạo sự đồng bộ, thống nhất trong thực hiện quy định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức với kỷ luật đảng viên; có cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức để cán bộ, đảng viên “không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng”, “không cần tham nhũng”...

Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng, góp phần quan trọng cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp cần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và tạo bước tiến mới trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng. Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tiêu cực. Cấp ủy các cấp phải thường xuyên tự kiểm tra, nhất là đối với cấp ủy viên và cán bộ diện cấp ủy cấp mình quản lý, kịp thời chỉ ra những ưu điểm để phát huy, phát hiện những hạn chế, khuyết điểm để chủ động khắc phục, chấn chỉnh. Tăng cường giám sát để giúp cho tổ chức đảng, đảng viên kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, vi phạm, không để khuyết điểm kéo dài trở thành vi phạm, vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn, vi phạm của một người trở thành vi phạm của cả tập thể. Thực hiện giám sát trên tất cả các địa bàn, lĩnh vực; tập trung giám sát việc tham mưu, ban hành thể chế, nhất là những nơi nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết, có vấn đề phức tạp mới nảy sinh, dư luận xã hội quan tâm để chủ động nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm từ sớm. Việc thực hiện kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm cần có tinh thần chủ động hơn, nỗ lực quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn, tập trung vào những nơi có vấn đề phức tạp, điểm “nóng”, những địa bàn, lĩnh vực dễ nảy sinh vi phạm, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội, như các lĩnh vực kinh tế - tài chính, hành chính, tư pháp, y tế, giáo dục, quản lý báo chí, sử dụng nguồn viện trợ của nước ngoài,... Việc xử lý kỷ luật phải nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, song, phải trên tinh thần nhân văn, “trị bệnh cứu người”, mục đích là làm cho tổ chức đảng, đảng viên tiến bộ hơn, để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao.

Bên cạnh đó, cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp cần nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý, kỷ luật nghiêm minh đối với cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, góp phần quan trọng cho đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tất yếu dẫn đến tham nhũng và đây mới là cái gốc của tệ nạn, là cái cơ bản cần phải phòng, chống. Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn là phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Bốn là, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan kiểm tra với các cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm toán và các cơ quan quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự chuyển biến rõ nét trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến cơ sở.

Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa UBKT với các đảng ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn liên quan. Ủy ban kiểm tra các cấp tiếp tục tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy cùng cấp sửa đổi, bổ sung, xây dựng ban hành mới quy chế phối hợp giữa UBKT với cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm toán, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân và tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo cơ chế chỉ đạo phối hợp xử lý sai phạm được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Ủy ban kiểm tra các cấp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng nhà nước để kiểm soát thu nhập của cán bộ, nhất là cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền.

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc quan điểm “Kỷ luật đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho thanh tra, điều tra, xử lý hình sự theo pháp luật”. Ủy ban kiểm tra các cấp tập trung kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ án, vụ việc nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội; qua kiểm tra, giám sát phát hiện thấy có các cán bộ, đảng viên có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, tiêu cực thì chuyển cho các cơ quan pháp luật xem xét, xử lý theo thẩm quyền, không chờ đến khi kết thúc kiểm tra, giám sát mới chuyển. Các cơ quan chức năng trong quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc, vụ án về tham nhũng, tiêu cực, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp quản lý thì báo cáo ngay cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, cấp ủy quản lý cán bộ để kịp thời chỉ đạo xử lý. Đồng thời, chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương, UBKT thuộc cấp ủy quản lý cán bộ để kiểm tra, xử lý theo quy định của Đảng, không chờ khi có kết luận, kết thúc vụ việc, vụ án mới chuyển.

Năm là, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp theo hướng chuyên nghiệp hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, phục vụ cho công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cán bộ kiểm tra phải có phẩm chất đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị, tính chiến đấu cao, có kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, kỹ năng nghiệp vụ thuần thục, phương pháp công tác khoa học, dân chủ, thận trọng, chặt chẽ; nắm vững và thực hiện đúng các nguyên tắc, thẩm quyền, quy trình, thủ tục, cơ chế, chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để trục lợi. Đổi mới công tác tuyển dụng, bố trí, phân công, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng đối với cán bộ kiểm tra. Có chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ kiểm tra và chế độ, chính sách thu hút cán bộ chuyên môn giỏi, phẩm chất chính trị tốt về làm công tác kiểm tra. Tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng bằng giáo trình đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh, ngạch bậc và với đội ngũ giảng viên, báo cáo viên bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn.

Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””, các cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp cần đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, làm hết trách nhiệm và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các văn kiện trên./.

-----------------------

(1) Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, t. 65, tr. 531
(2) Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-5-2012, “Về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí””,  https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xi/ket-luan-so-21-kltw-ngay-2552012-hoi-nghi-lan-thu-5-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-ve-viec-tiep-tuc-thuc-hien-554
(3) Nguyễn Phú Trọng: “Phát huy những kết quả quan trọng đã đạt được, với quyết tâm chính trị cao và hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, chúng ta nhất định sẽ ngăn chặn, đẩy lùi được tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh”, Tạp chí Cộng sản, số 957, tháng 1-2021, tr. 13
(4) Đã khởi tố, điều tra, truy tố hơn 4.400 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (1 Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 bộ trưởng và nguyên bộ trưởng, nhiều sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang)
(5) Số liệu đến ngày 22-11-2021 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
(6) Xem: Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xiii/ket-luan-so-21-kltw-ngay-25102021-hoi-nghi-lan-thu-tu-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-ve-day-manh-xay-dung-chinh-3773

TS. TRẦN TIẾN HƯNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản