|
Ông Đỗ Duy Thường. |
PV: Thưa ông, vừa qua, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã triển khai giám sát chuyên đề trên phạm vi toàn quốc với 2 chuyên đề quan trọng và đang được dư luận xã hội quan tâm, trong đó có nội dung về giám sát cán bộ, đảng viên. Ông đánh giá như thế nào về các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước hiện nay về nội dung giám sát trên?
Ông Đỗ Duy Thường: Hiện nay đã có Quyết định số 217 – QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (Quyết định 217); Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên (Quy định 124). Trong đó, cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước nằm trong đối tượng giám sát được quy định trong Quyết định 217. Như vậy, chủ trương của Đảng là rất rõ ràng trong việc xác định đối tượng giám sát.
Tuy nhiên, hiện nay, khi ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp, mỗi đại biểu dân cử đều có chương trình hành động để thông tin đến cử tri trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Tuy nhiên, lâu nay chưa có cơ chế cụ thể để giám sát đại biểu dân cử. Cho nên, hoạt động giám sát đối với đại biểu dân cử của MTTQ Việt Nam còn đang là một khoảng trống và cần được bổ sung, hoàn thiện sớm trong thời gian tới để phát huy tối đa quyền tham gia giám sát của Ủy ban MTTQ các cấp và nhân dân. Từ đó, mỗi đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp sẽ phát huy vai trò và trách nhiệm của mình.
Bên cạnh đó, việc triển khai Quy định 124 còn một số tồn tại, khó khăn ở địa phương. Qua nhiều chuyến đi thực tiễn, khi được hỏi về nội dung này, nhiều cán bộ Mặt trận dưới cơ sở còn cảm thấy lúng túng, bởi chưa có hướng dẫn cụ thể. Quy định 124 đã ra đời được nhiều năm, nhưng việc triển khai còn chưa đồng bộ, chưa toàn diện ở các cấp và chưa toàn bộ ở tất cả các tỉnh, thành phố. Tôi cho rằng, UBTƯ MTTQ Việt Nam cần có kiến nghị với Đảng để sớm có hướng dẫn nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Quy định 124 tại cơ sở.
Trong quy định về công tác cán bộ lần này mà MTTQ Việt Nam tổ chức giám sát, đáng chú ý, MTTQ Việt Nam các cấp sẽ giám sát việc thực hiện các quy định về kê khai, công khai tài sản đối với cán bộ, công chức, viên chức của các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng và chính quyền, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Vậy, Mặt trận cần phải làm gì để đạt được hiệu quả cao trong quá trình giám sát, thưa ông?
- Có thể nói, đây là lần đầu tiên Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam triển khai giám sát chuyên đề trên phạm vi toàn quốc về 2 chuyên đề là “Giám sát tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp” và “Giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ”. Chắc hẳn, trong quá trình giám sát, MTTQ Việt Nam các cấp có thể còn bỡ ngỡ và gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định.
Để khắc phục những khó khăn này, bên cạnh việc làm tốt nhiệm vụ của mình, MTTQ Việt Nam cần phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, đặc biệt trong giám sát việc thực hiện các quy định về kê khai, công khai tài sản đối với cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên khi kê khai, công khai tài sản tại nơi làm việc thì các đoàn thể như công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh,... sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát. Đối với đại biểu dân cử, trong hồ sơ ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND phải có bản kê khai tài sản. Căn cứ vào đó, khi tiếp xúc cử tri, cử tri có quyền phát hiện nội dung trong bản kê khai ấy có trung thực hay không.
Bên cạnh đó, người dân qua quan sát cũng có thể phát hiện được điều bất thường trong kê khai tài sản và thu nhập của cán bộ, đảng viên nếu có và có quyền phản ánh, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Điều này cũng đòi hỏi việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân của chính quyền địa phương phải được thực hiện hiệu quả, từ đó tạo niềm tin và sự tham gia nhiệt tình của người dân trong quá trình giám sát.
Qua đó cũng cho thấy được tầm quan trọng của MTTQ Việt Nam trong giám sát tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp và việc Mặt trận triển khai chuyên đề “Giám sát tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp” trên phạm vi toàn quốc là việc làm cần thiết.
Trong nội dung giám sát tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với chủ tịch UBND các cấp, MTTQ Việt Nam cần căn cứ vào đâu để giám sát ở cấp cơ sở, thưa ông?
- Trong lần triển khai giám sát trên phạm vi toàn quốc chuyên đề giám sát tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo lần này, MTTQ các cấp sẽ giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền về các nội dung liên quan, trong đó có việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và kết quả giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
Tôi cho rằng, để đạt được hiệu quả cao trong hoạt động này, MTTQ Việt Nam cần căn cứ vào các quy định của pháp luật, nắm chắc được các nội dung của Luật Khiếu nại, Tố cáo. Cùng với đó, cần phát huy vai trò giám sát của nhân dân, quyền công dân trong khiếu nại, tố cáo.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tiến Đạt