Tin mới

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh

(Mặt trận) - Hoạt động giám sát và phản biện xã hội được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Hoạt động này góp phần tăng cường vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tại TP. Hồ Chí Minh nỗ lực thực hiện với nhiều cách làm có hiệu quả, trong đó có đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội.

MTTQ huyện Thuận Châu phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Trong nhiều năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, qua đó đã định hướng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố trên cơ sở đổi mới nội dung, phương thức tập hợp và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân trong công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng bộ, chính quyền các cấp Thành phố. Đặc biệt, khi Thành phố tổ chức thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố, Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội khóa XIV về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; ban hành Chương trình hành động số 08-CTrHĐ/TU ngày 6/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI về công tác dân vận có nêu rõ nhiệm vụ: “Phát huy mạnh mẽ chức năng giám sát, phản biện xã hội trong quá trình phản biện xã hội của Nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, nhất là tập trung giám sát hướng đến các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân; đổi mới hoạt động phản biện xã hội thông qua việc phát huy vai trò tư vấn của các chuyên gia, các nhà khoa học, ý kiến của các tầng lớp Nhân dân”.

Với vai trò nòng cốt, đoàn kết, tập hợp Nhân dân trong tổ chức, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp Thành phố chú trọng thực hiện đa dạng hóa các hình thức tập hợp Nhân dân thông qua việc mở rộng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp, tạo sự liên kết, phối hợp hoạt động và ngày càng mở rộng giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trên nhiều lĩnh vực, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nhất là hoạt động giám sát, phản biện xã hội1.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực thực hiện với nhiều cách làm có hiệu quả nhằm đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, nhằm thực hiện có hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp Thành phố đã tham mưu cấp ủy, chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên khác để thống nhất nội dung giám sát, phản biện xã hội hằng năm, các kế hoạch giám sát, phản biện xã hội đều bám sát Nghị quyết, chương trình, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền các cấp về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, chính quyền tại địa phương, những vấn đề xã hội mà Nhân dân quan tâm, bức xúc.

Từ năm 2013 đến năm 2021, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trì tổ chức giám sát 20 nội dung, với 3.236 cuộc giám sát chuyên đề và đột xuất; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực mà người dân quan tâm hoặc còn bức xúc, qua giám sát đã phát hiện những vấn đề còn hạn chế để kiến nghị chính quyền các cấp điều chỉnh và có giải pháp khắc phục, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, hạn chế vi phạm pháp luật. Nhiều ý kiến, kiến nghị sau giám sát được tiếp thu và phản hồi, góp phần tạo niềm tin của Nhân dân. Tại các địa phương, duy trì hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, thường xuyên được củng cố cả về tổ chức, năng lực hoạt động; Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã kiến nghị với chính quyền xử lý nhiều vi phạm, góp phần hạn chế những tiêu cực ở cơ sở trên các lĩnh vực, như: đất đai, giao thông, thu chi ngân sách, chế độ, chính sách đối với các đối tượng được hưởng ưu đãi của Nhà nước. Qua các hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp Thành phố giúp các cơ quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi có hiệu quả hơn các chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ổn định tình hình Nhân dân, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và Thành phố.

Để phát huy vai trò giám sát của Nhân dân theo Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 23/10/2013 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục thực hiện Quy chế “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư” và Quy định số 1374-QĐ/TU ngày 1/12/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều hình thức để vận động Nhân dân tham gia giám sát, như: thực hiện phiếu khảo sát lấy ý kiến người dân; vận động Nhân dân tham gia góp ý thông qua các hội nghị Nhân dân định kỳ hoặc các hội nghị đối thoại, tiếp xúc giữa lãnh đạo với đại diện các tầng lớp nhân dân. Qua đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp Thành phố đã ghi nhận, tổng hợp những ý kiến đóng góp, phản ảnh của Nhân dân liên quan đến cán bộ, công chức, đảng viên và có văn bản kiến nghị gửi Đảng ủy, Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét giải quyết2.

Từ năm 2018 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã triển khai tổ chức thực hiện việc khảo sát đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp Thành phố hằng năm. Qua kết quả khảo sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã kiến nghị, đề xuất các giải pháp phù hợp, thiết thực nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ đối với người dân và tổ chức trên địa bàn Thành phố, được đồng tình ủng hộ của các sở ngành Thành phố và Ủy ban nhân dân các cấp.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp Thành phố từ năm 2013 đến năm 2021 đã tổ chức được 456 Hội nghị phản biện xã hội (Thành phố 18 hội nghị; quận, huyện 190 hội nghị; phường, xã, thị trấn 248 hội nghị); đồng thời, tổ chức phản biện xã hội thông qua hình thức gửi văn bản đối với 590 văn bản (Thành phố 182 văn bản; quận, huyện 301 văn bản; phường, xã, thị trấn 107 văn bản) đối với các dự án, đề án, kế hoạch có tác động, ảnh hưởng đến đời sống xã hội và cộng đồng dân cư. Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã tổ chức phản biện xã hội đối với các đề án, kế hoạch liên quan đến việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham gia tích cực, nhận được nhiều ý kiến góp ý, phản biện sâu sắc, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học. Nhiều ý kiến phản biện xã hội đã được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao, đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp chính quyền Thành phố khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thực tế nhìn chung chưa thực sự bài bản, nền nếp, chưa thể hiện đầy đủ quyền lực của Nhân dân; nhiều nơi, nhiều lúc chưa phát huy hiệu quả cao nhất sức mạnh của các tổ chức thành viên; thậm chí vẫn còn lúng túng trong việc xác định đối tượng, nội dung và phương thức thực hiện, nhất là trong những năm đầu triển khai, chưa có những phương thức, quy trình thực sự hiệu quả; nhiều nội dung giám sát còn chung chung, thiếu cụ thể, thiếu tính chuyên sâu; vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm, chưa mạnh dạn góp ý những hạn chế, yếu kém của cấp ủy, chính quyền các cấp; một số nơi tổ chức nhiều đoàn giám sát trong năm, có nội dung trùng lắp với các hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền khác dẫn đến quá tải cho đối tượng được giám sát. Nhiều đề xuất, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý ở nhiều nơi, nhiều lúc còn chưa được cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp quan tâm xem xét, giải quyết và phản hồi một cách thỏa đáng.

Những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, có nguyên nhân chủ quan là một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; một số cấp ủy còn lúng túng trong lãnh đạo, định hướng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc; tính chủ động và năng lực giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở một số quận, huyện, phường, xã, thị trấn chưa cao, còn hạn chế, thiếu kiến thức chuyên ngành.

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thống nhất hành động trong hệ thống chính trị về quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại Nhân dân”; đồng thời, định hướng, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Đề án số 06-ĐA/TU ngày 20/8/2021 về “Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030” và Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 20/8/2021 về lãnh đạo thực hiện Đề án giám sát và chỉ đạo Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố có Kế hoạch lãnh đạo Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố có văn bản Hướng dẫn thực hiện nội dung Đề án giám sát trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Thành phố đến phường, xã, thị trấn; tăng cường đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức góp ý phản biện xã hội đối với các dự án Luật, pháp lệnh và dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật; các hình thức và nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực, gắn với nhiệm vụ chính trị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp Thành phố, nhất là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận, phù hợp với từng đối tượng, điều kiện thực tế tại địa phương.

Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề ra các giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân thành phố.

Một là, cấp ủy các cấp tăng cường quán triệt trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về đại đoàn kết toàn dân tộc; mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân. Cụ thể hóa công tác lãnh đạo phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và Nhân dân trong công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền bằng Nghị quyết của cấp ủy. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị thực hiện nghiêm túc, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, nhất là nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp Thành phố, người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền trong thực hiện chức trách nhiệm vụ với tinh thần thật sự cầu thị, lắng nghe ý kiến, chịu sự giám sát của Nhân dân.

Hai là, cấp ủy các cấp chỉ đạo chính quyền tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc và Nhân dân giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở địa phương; ban hành cơ chế, bảo đảm nguồn lực cho Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; chỉ đạo giải quyết những vấn đề kiến nghị, phản ánh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và trả lời kết quả giải quyết theo đúng quy định.

Ba là, tạo kênh thông tin và tương tác nhiều chiều để các tầng lớp nhân dân Thành phố có thêm thông tin, phản ánh, hiến kế đặc biệt là tiếp nhận các phân tích, đánh giá, đề xuất từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu đối với công tác lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp Thành phố.

Bốn là, cụ thể hóa các cơ chế và các quy định về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và Nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để đại diện của Nhân dân cùng tham gia giám sát tổ chức Đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp Thành phố, tập trung theo hướng đối với tổ chức thì “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp trên giám sát cấp ủy, chính quyền cấp dưới và các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy, chính quyền cùng cấp” giai đoạn 2020 - 2025 và giám sát cấp ủy, chính quyền cùng cấp giai đoạn 2025 - 20303; đối với cá nhân “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp trên giám sát người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền cấp dưới giai đoạn 2020 - 2025 và giám sát người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền cùng cấp giai đoạn 2025 - 2030, đồng thời mở rộng giám sát cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên”.

Năm là, hình thành các mô hình giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội, qua đó xây dựng thành quy định khung đưa vào nội dung bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn Thành phố.

Chú thích:

1.  Quyết định số 3614-QĐ/TU ngày 12/1/2015 của Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quy chế phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội với Ủy ban nhân dân, lực lượng vũ trang và các hội quần chúng trong công tác dân vận.

2.  Mặt trận Tổ quốc các phường, xã, thị trấn thuộc Quận 2, 4, 6, 8, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Củ Chi đã kiến nghị Đảng ủy, chính quyền xem xét xử lý một số trường hợp cán bộ, đảng viên, công chức vi phạm pháp luật, vi phạm về đạo đức, lối sống,... đã xử lý kỷ luật 3 đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và kiểm điểm, phê bình các cá nhân, tập thể chậm trễ trong việc tham mưu lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận, huyện giải quyết dứt điểm đơn khiếu nại, tố cáo của người dân, gây bức xúc trong Nhân dân.

3.  Các cơ quan theo Quy định số 212-QĐ/TW ngày 30/12/2019 của Ban Chấp hành Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức - chính trị xã hội cấp tỉnh, cấp huyện; Quy định số 04-QĐ/TW ngày 25/7/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy; Nghị định số 24/2014/ NĐ-CP ngày 4/4/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 5/5/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Trần Kim Yến,

Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTW MTTQ Việt Nam,

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản