(Mặt trận) -Cùng với việc phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, MTTQ các cấp tỉnh Thanh Hóa đã triển khai toàn diện và ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả việc giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH), tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Qua đó, phát huy vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
|
Các đại biểu dự hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức. |
Việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền được MTTQ các cấp và tổ chức thành viên thực hiện thường xuyên thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH và HĐND các cấp; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở; tham gia xây dựng các dự án luật, văn bản dưới luật, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền các cấp có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới người dân; phát huy hiệu quả hoạt động của ban thanh tra Nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng. Cụ thể, trong năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, MTTQ các cấp đã phối hợp với chính quyền cùng cấp chủ trì, tổ chức 8.432 hội nghị cho đại biểu dân cử tiếp xúc với cử tri tại đơn vị bầu cử với hơn 1.100.280 cử tri tại các địa phương trong tỉnh, đã có hơn 41.970 ý kiến, kiến nghị của cử tri phát biểu tại các hội nghị. Qua các cuộc tiếp xúc, MTTQ các cấp đã tổng hợp 61 nhóm ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trong tỉnh phản ánh tại các kỳ họp của Quốc hội; 259 vấn đề phản ánh tại kỳ họp của HĐND tỉnh. Các vấn đề được cử tri kiến nghị gửi tới Quốc hội và HĐND được Thường trực HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh theo dõi việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền một cách tích cực, hiệu quả.
Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), công tác GS, PBXH và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ các cấp đã từng bước đi vào nền nếp và đạt được nhiều kết quả tích cực. MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức 3.657 cuộc giám sát, trong đó chủ trì tổ chức giám sát là 1.488 cuộc; tham gia giám sát là 2.169 cuộc. Trọng tâm là giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ, Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Thông qua các cuộc giám sát, các kiến nghị của MTTQ các cấp trong tỉnh đều được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và trả lời. Các ban thanh tra Nhân dân giám sát được 718 vụ việc; ban giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức giám sát 985 công trình, dự án. Qua giám sát, đã kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết 225 vụ việc, 295 công trình, dự án có ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.
MTTQ các cấp tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức PBXH đối với 986 dự thảo văn bản của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh (cấp tỉnh 21 dự thảo cơ chế, chính sách; cấp huyện 248 dự thảo; cấp xã 717 dự thảo). Trong đó, phản biện bằng hình thức tổ chức hội nghị là 155 cuộc; phản biện thông qua hình thức nghiên cứu văn bản là 831 cuộc. Các nội dung phản biện của MTTQ các cấp đã được cấp ủy, chính quyền và các cơ quan xây dựng dự thảo tiếp thu, là cơ sở để ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn đời sống của Nhân dân.
Tập trung làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tiếp 397 lượt công dân; tiếp nhận 426 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Phần lớn các đơn, thư tập trung vào lĩnh vực đất đai, chế độ, chính sách; đã chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 212 đơn, thư; hướng dẫn và trả lời 118 đơn, thư; lưu 96 đơn, thư do không đủ điều kiện xử lý. Đã xem xét xử lý 36 đơn, thư các loại, trong đó chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết 27 đơn; hướng dẫn, trả lời công dân 9 đơn, lưu 40 đơn. Việc làm tốt công tác tiếp công dân đã góp phần quan trọng trong việc củng cố niềm tin, tăng cường mối quan hệ, là cầu nối giữa Nhân dân với chính quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước ở địa phương.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Tòng, công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh được MTTQ các cấp thực hiện có hiệu quả với việc tiếp tục triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Tiếp tục hướng dẫn MTTQ các cấp trong tỉnh tuyên truyền các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các tầng lớp Nhân dân. Trong đó, riêng 2 tháng đầu năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã ban hành 10 kế hoạch, 4 hướng dẫn triển khai công tác dân chủ - pháp luật trong hệ thống MTTQ các cấp, trọng tâm là thực hiện quy chế dân chủ, công tác GS, PBXH, tổ chức tiếp xúc cử tri, công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, hoạt động của ban thanh tra Nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng... Căn cứ vào chương trình GS, PBXH được Tỉnh ủy phê duyệt và tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội đã xây dựng kế hoạch năm 2023 với 16 nội dung chính. Trên cơ sở đó đã được MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thảo luận, thống nhất, các đơn vị sẽ triển khai các nội dung giám sát phù hợp với điều kiện, thực tế của đơn vị bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
Với những kết quả đạt được trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, MTTQ các cấp đã tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của mình trong hệ thống chính trị của tỉnh, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân.
Phan Nga