Tin mới

Tuyên Quang: Phản biện xã hội góp phần hoàn thiện các chủ trương, chính sách

(Mặt trận) -Thời gian qua, MTTQ các cấp tỉnh Tuyên Quang đã làm tốt vai trò chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên khác thực hiện chức năng phản biện xã hội. Qua đó, góp phần hoàn thiện các chủ trương, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước tại địa phương trước khi ban hành, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, hợp lòng dân, có sự đồng thuận xã hội cao.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

 Ủy ban MTTQ thành phố Tuyên Quang tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Tại hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết quy định các khoản thu và cơ chế quản lý thu, chi đối với  các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh, có nhiều ý kiến của các chuyên gia, đại diện các tổ chức thành viên Ủy ban MTTQ tỉnh nêu về thực trạng thu chi của nhiều trường học. Các đại biểu đề xuất, nghị quyết cần quy định các khoản thu phải phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, điều kiện kinh tế từng vùng, tránh việc lạm thu, phải có sự thống nhất giữa nhà trường và gia đình. Các đại biểu cũng có nhiều ý kiến phản biện về nguyên tắc thu theo thỏa thuận giữa gia đình và nhà trường, đây là vấn đề cần phải xem xét lại kỹ hơn quy định cũng như thực tiễn áp dụng. Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, những ý kiến của hội nghị phản biện là cơ sở quan trọng để sở tiếp tục rà soát, tổng hợp và tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện các quy định.

Ủy ban MTTQ huyện Hàm Yên cũng vừa tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Hàm Yên giai đoạn 2021- 2025. Các đại biểu đề nghị, Dự thảo kế hoạch cần tập trung  đánh giá thực trạng, tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện giai đoạn 2015-2020 để có giải pháp cụ thể xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện giai đoạn 2021-2025; bổ sung thêm căn cứ của Chính phủ, của huyện về xây dựng huyện Hàm Yên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2025, nghị quyết về xóa nhà tạm cho hộ nghèo... 

Đồng chí Nguyễn Duy Phượng, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hàm Yên chia sẻ: MTTQ huyện thường xuyên tổ chức phản biện xã hội đối với dự thảo các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền cùng cấp. Sau các cuộc phản biện, MTTQ huyện tổng hợp các ý kiến, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản nghiên cứu, tiếp thu và có báo cáo trở lại để MTTQ nắm, phục vụ công tác tuyên truyền. 

Ở cấp xã, hoạt động phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng được chú trọng hơn. Bà Hoàng Thị Thanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phú Bình (Chiêm Hóa) cho biết: Hàng năm, MTTQ xã lựa chọn các dự thảo kế hoạch, dự án của UBND xã để tổ chức các hội nghị phản biện xã hội, đóng góp các ý kiến để hoàn thiện các văn bản. Mới đây, MTTQ xã cũng tổ chức phản biện xã hội đối với dự thảo Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022 của xã. Nhiều ý kiến đã được chính quyền xã tiếp thu như: Tập trung thực hiện các giải pháp làm nhà và sửa nhà, xây dựng nhà tiêu, nhà tắm, chuồng gia súc, tường rào, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, thực hiện “5 không, 3 sạch”, làm đường bê tông liên thôn và ngõ xóm, kênh mương...

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang Tăng Thị Dương, để tổ chức tốt các cuộc phản biện, MTTQ xây dựng nội dung, kế hoạch, yêu cầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo gửi dự thảo văn bản và thông tin, tài liệu cần thiết, mời các tổ chức thành viên, các chuyên gia hoặc nhân dân nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo văn bản. Các bước, quy trình phản biện xã hội được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Sau phản biện, MTTQ sẽ tập hợp, tổng hợp đầy đủ các ý kiến và đề nghị cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản giải trình làm rõ những nội dung được phản biện bằng văn bản hoặc thông qua cuộc họp.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang cũng đang chuẩn bị tổ chức hội nghị phản biện đối với dự thảo nghị quyết quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh và dự thảo nghị quyết quy định mức chi để chuẩn bị tổ chức và tham dự các kỳ thi, cuộc thi trong lĩnh vực giáo dục. Qua đó tiếp tục huy động được đại diện các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tại địa phương trước khi ban hành. Qua đó, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh...

Ngọc Hưng

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản