Kỳ họp thứ 22 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố hình thức thi hành kỷ luật đối với một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: UBKTTW)
Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Đinh Văn Thu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.
Trong các ngày 03, 24 và 25/01/2018 tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 21 và kỳ 22. Tại hai kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận, thi hành kỷ luật đối ông Đinh Văn Thu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và ông Huỳnh Khánh Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam.
Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương kết luận:
Với những vi phạm, khuyết điểm đã mắc phải, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Đinh Văn Thu.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 20, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận: Với cương vị là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh và trước đó là Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Đinh Văn Thu có phần trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021 và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Về ông Huỳnh Khánh Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận: Với cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Huỳnh Khánh Toàn cùng chịu trách nhiệm về vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Ban cán sự đảng UBND tỉnh...
Trong thời gian là Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, ông Huỳnh Khánh Toàn đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; đề nghị tuyển dụng công chức không qua thi tuyển, chỉ đạo quy hoạch, đề nghị luân chuyển, bổ nhiệm đối với một số trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn...
Việc kịp thời phát hiện và xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng ta trong thời gian qua thể hiện rõ tính đấu tranh tự phê bình và phê bình của Đảng; nhất là trong thời điểm hiện nay thì việc thi hành kỷ luật trong Đảng là công việc quan trọng và cần thiết nhằm giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, bảo đảm sự thống nhất về ý chí và hành động, tăng cường sức chiến đấu của Đảng; là cơ sở để giáo dục tổ chức đảng và đảng viên; là điều kiện để xây dựng, phát triển đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh việc giữ vững kỷ cương, kỷ luật tự giác nghiêm minh, từng tổ chức Đảng cũng cần khơi dậy, động viên tinh thần cầu thị của cán bộ, đảng viên, giúp họ quyết tâm sửa chữa khuyết điểm...
Đối với tỉnh Quảng Nam, ông Đinh Văn Thu và ông Huỳnh Khánh Toàn đã có nhiều dấu ấn đậm nét trong chỉ đạo điều hành khi góp phần đưa Quảng Nam từ một tỉnh thuần nông thuộc diện nghèo của cả nước. Đến nay, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, vươn lên thành tỉnh phát triển trong khu vực miền Trung, có đóng góp vào ngân sách Trung ương.
Ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã cùng các lãnh đạo sở ngành của tỉnh và UBND TP. Hội An đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn thành phố Hội An tháng 11/2017 (Ảnh: Báo Lao động).
Nhiều người dân Quảng Nam có lẽ không thể quên được hình ảnh ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trực tiếp kiểm tra bờ biển Cửa Đại đang sạt lở nặng nề vào cuối năm 2017 vừa qua. Trong tình thế, Cửa Đại bị hàn khẩu do thủy triều, khiến nước lũ trong phố cổ Hội An dâng lên rất nhanh, có nguy cơ ảnh hưởng tới một số hoạt động diễn ra bên lề Hội nghị APEC. Với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt đó, dù là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề, gây thiệt hại lớn về người và của nhưng Quảng Nam đã nhanh chóng khắc phục hậu quả, đảm bảo vệ sinh môi trường, sớm ổn định cuộc sống người dân, đóng góp vào thành công chung của tuần lễ cấp cao APEC, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và Hội An ra khắp thế giới.
Sau khi tái lập tỉnh (năm 1997), kinh tế Quảng Nam chủ yếu là nông nghiệp, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn là vấn đề hết sức khó khăn. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn phân tán và nhỏ bé, chưa xác định được hướng đi chủ lực. Thương mại và dịch vụ còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu cho sản xuất và đời sống; kinh tế du lịch còn ở dạng tiềm năng chưa được khai thác. Kết cấu hạ tầng còn yếu và chưa đồng bộ.
Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn, tỉnh Quảng Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, tạo nên sự phát triển vượt bậc, toàn diện trên các lĩnh vực. Trong đó, kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, quy mô nền kinh tế tăng khá. Năm 2017, thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 28.540 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2016, trong đó thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 18.730 tỷ đồng.
Mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế cả nước còn gặp nhiều khó khăn, chịu sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, nhưng tốc độ tăng trưởng của Quảng Nam vẫn duy trì ổn định, thể hiện sự nỗ lực phấn đấu rất lớn của toàn tỉnh. Từ một tỉnh phải nhận trợ cấp kinh phí từ Trung ương, hiện tổng thu nội địa trên địa bàn gần 20.000 tỷ đồng, gấp 163 lần năm 1997. Đến nay, Quảng Nam không chỉ tự cân đối ngân sách, mà còn điều tiết về ngân sách Trung ương.
Để có thành quả như trên, những đóng góp và công lao các thế hệ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam, trong đó vai trò của ông Đinh Văn Thu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và và ông Huỳnh Khánh Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam là không thể phủ nhận.
Đảng ta có chủ trương không lấy việc kỷ luật cán bộ, đảng viên làm thành tích chống tiêu cực; làm phương cách duy nhất trong xây dựng Đảng. Hơn nữa, kỷ luật của Đảng là kỷ luật tự giác, nghiêm minh, lấy giáo dục, răn đe cán bộ, đảng viên làm trọng, trên cơ sở tuyệt đối thực hiện đúng, đủ điều lệ, nguyên tắc, quy định của Đảng.
Rõ ràng, việc xử lý kỷ luật nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Nam là bài học đau xót, là lời cảnh tỉnh cho nhiều cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) về xây dựng Đảng, xác định giải pháp cơ bản để chỉnh đốn Đảng, chống tiêu cực trong nội bộ là “tự phê bình và phê bình” thể hiện rất rõ tinh thần trong sáng ấy trong mục tiêu tăng cường kỷ cương, kỷ luật Đảng. Hơn thế, thực tế cũng đã kiểm định, chứng minh: Có không ít cán bộ, đảng viên từng mắc sai lầm, từng chịu kỷ luật Đảng, nhưng kịp thời sửa chữa, khắc phục khuyết điểm; tiếp tục được tổ chức quan tâm, giúp đỡ, dìu dắt, rồi trưởng thành, phát triển, trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, đảm nhiệm các cương vị quan trọng, then chốt.
Phát biểu Bế mạc Hội nghị Trung ương 6 về vấn đề kỷ luật cán bộ, đảng viên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm (và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác tự gột rửa). Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại, củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân.Vì sao việc xử lý một số vụ án, xử lý kỷ luật một số cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp trong thời gian gần đây lại được đông đảo cán bộ, đảng viên, các đồng chí lão thành, cán bộ hưu trí và nhân dân đồng tình, ủng hộ đến như thế? Cần khẳng định, ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả.
Sông Tranh