Tin mới

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam về công tác tôn giáo hiện nay

(Mặt trận) - Thực hiện Kết luận số 02/KL - ĐCT ngày 29/12/2015 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tôn giáo, những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã cơ bản thực hiện tốt vai trò đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy các giá trị và nguồn lực của tôn giáo đóng góp vào xây dựng và phát triển đất nước.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Những kết quả bước đầu qua 3 năm thực hiện Kết luận số 02/KL - ĐCT của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về công tác tôn giáo

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về công tác tôn giáo trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ thường xuyên, vừa mang tính chiến lược lâu dài trong việc tập hợp, đoàn kết các tôn giáo, đồng bào có đạo và các tầng lớp nhân dân, do đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có kế hoạch tổ chức triển khai, quán triệt sâu sắc Kết luận này với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả. Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên đã quán triệt triển khai Kết luận số 02 đến các cấp hội; cụ thể hóa nội dung của Kết luận trong Chương trình hành động và các văn bản hướng dẫn hàng năm của tổ chức thành viên về công tác vận động hội viên, đoàn viên có đạo và các tầng lớp nhân dân. Các tổ chức chính trị - xã hội đã quan tâm chỉ đạo các cấp hội ở địa phương cụ thể hóa nhiệm vụ của Hội phù hợp với đối tượng và yêu cầu thực tiễn của các vùng tôn giáo trên cơ sở phát huy các nguồn lực và thế mạnh vốn có của mỗi tổ chức. Nét tiêu biểu đó là, các tổ chức chính trị - xã hội và một số tổ chức thành viên đã gắn việc thực hiện Kết luận số 02 với nội dung các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phát động, triển khai.

Qua 3 năm triển khai thực hiện Kết luận số 02 của Đoàn Chủ tịch, bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng, như sau:

Một là, thông qua việc triển khai các nội dung của Kết luận số 02, nhận thức của đội ngũ cán bộ Mặt trận, cán bộ các tổ chức thành viên các cấp làm công tác tôn giáo đã có nhiều chuyển biến tích cực, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần tăng cường đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua việc phát huy 5 ưu điểm và khắc phục 5 hạn chế mà Kết luận số 02 chỉ ra, đã phát huy được vai trò, quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới. Nhận thức về tôn giáo, công tác tôn giáo và các kỹ năng vận động tập hợp chức sắc, nhà tu hành, bản lĩnh trong công tác tôn giáo của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp trong công tác tôn giáo đã được cải thiện, nâng cao hơn trước. Trong 3 năm qua, về cơ bản đội ngũ cán bộ Mặt trận làm công tác tôn giáo đã từng bước trưởng thành về mọi mặt, nêu cao tinh thần, trách nhiệm, gần gũi lắng nghe, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của chức sắc, chức việc, tu sĩ, đồng bào có đạo; tham gia phối hợp có trách nhiệm và chủ động hơn với các cơ quan Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể giải quyết các vụ việc liên quan đến tôn giáo; có nơi chủ động phát hiện, báo cáo kịp thời cấp ủy có hướng giải quyết về những vụ việc cụ thể; tạo sự an tâm, phấn khởi, đồng thuận xã hội. Ở những địa phương có đặc thù, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã có sự tăng cường hơn trong việc vận động các tôn giáo phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo, vận động nhân dân từ bỏ các hủ tục, thói quen cổ hủ, lạc hậu; động viên nhân dân không theo các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo phản văn hóa, cực đoan, hoặc không tham gia hoạt động của một số tổ chức bất hợp pháp; phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng và củng cố quốc phòng, đảm bảo an ninh trật tự, tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tính đến nay, Nhà nước đã công nhận 41 tổ chức tôn giáo thuộc 15 tôn giáo. Đồng bào các tôn giáo ở nước ta hiện nay có trên 25,3 triệu người chiếm khoảng 27% dân số, hơn 70.000 chức sắc, nhà tu hành, hàng trăm nghìn chức việc và trên 27.000 cơ sở thờ tự của các tôn giáo, đó là chưa kể những người tin theo các tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của dân tộc. Ngoài ra còn có hơn 100 tổ chức, hệ phái, nhóm tôn giáo khác chưa được đăng ký hoạt động hoặc chưa đủ điều kiện công nhận về tổ chức và hàng chục hiện tượng "tôn giáo mới". Ước tính, hiện 95% dân số nước ta có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Các tôn giáo ở Việt Nam có trên 80.000 chức sắc, nhà tu hành; 113.803 chức việc; 25.922 cơ sở thờ tự, cơ sở sinh hoạt tôn giáo đang sử dụng; 102 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành và 761 cơ sở hoạt động từ thiện nhân đạo.

Hai là, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã cơ bản thực hiện tốt vai trò đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người như tinh thần Hiến pháp năm 2013 và pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, trên cơ sở đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp đồng bộ thường xuyên với các cơ quan nhà nước và phát huy vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động với các tổ chức thành viên Mặt trận. Trên tinh thần đổi mới nội dung, phương thức công tác tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ động đề xuất Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiều nội dung quan trọng trong công tác tôn giáo, như: việc phát huy vai trò các tôn giáo tham gia xã hội hóa các lĩnh vực y tế; giáo dục; bảo trợ xã hội; dạy nghề; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; an sinh xã hội; nghiên cứu mô hình thành lập Hội đồng tư vấn tôn giáo quốc gia; chế độ chính sách nhằm xây dựng và phát huy vai trò của người tiêu biểu trong các tôn giáo; việc phối hợp xây dựng dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo... được Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đồng tình và phân công các cơ quan chức năng, các thành viên Chính phủ phối hợp triển khai thực hiện.

Ba là, Mặt trận đã thông qua việc phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức và nguồn lực của các tôn giáo tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thông qua phát động và triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trong các tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động, sáng tạo, có nhiều cách thức đa dạng để tăng cường vận động, tập hợp các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực tham gia xã hội hóa các lĩnh vực mà tôn giáo có sở trường như: y tế, giáo dục, trợ giúp xã hội, dạy nghề, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững...  đồng thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng và phối hợp tạo điều kiện, động viên đồng bào các tôn giáo sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo đúng  pháp luật. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình trong toàn quốc và tổ chức 3 hội nghị toàn quốc biểu dương và phát huy vai trò các tôn giáo tham gia phát triển giáo dục mầm non; tham gia phát triển hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề; tham gia chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người nghèo, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần... Mặt trận chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo cấp cao của 40 tổ chức tôn giáo ký kết Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 5 năm (2015-2020).

Từ cuối năm 2015 đầu năm 2016, lần đầu tiên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức tiếp xúc, đối thoại với 34 tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc ở phía Nam và 23 tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc ở phía Bắc về các vấn đề mà tôn giáo quan tâm, đồng thời đóng góp ý kiến xây dựng dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Phó Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2016 và Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2017 đã tổ chức tiếp xúc, đối thoại với các tổ chức tôn giáo. Đoàn Chủ tịch đã tổ chức hội nghị phản biện dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và có nhiều ý kiến phản biện có giá trị khoa học, thực tiễn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật. Năm 2018, Đoàn Chủ tịch tổ chức tiếp xúc, đối thoại với Tòa Giám mục, Đại Chủng viện Thánh Giuse, trường Cao đẳng Nghề Hòa Bình thuộc Giáo phận Xuân Lộc thành công tốt đẹp, có ý nghĩa sâu sắc trong việc đoàn kết, tập hợp đồng bào Công giáo. Qua đó, vai trò cầu nối của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữa cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân với các tổ chức tôn giáo được phát huy ở mức cao hơn, toàn diện hơn.

Bốn là, cơ chế phân công chủ trì, phối hợp thống nhất hành động trong công tác vận động, đoàn kết tôn giáo trong hệ thống chính trị thông qua hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo và hoạt động giao ban công tác tôn giáo định kỳ giữa Mặt trận, các tổ chức thành viên và các cơ quan, tổ chức liên quan của Đảng, Nhà nước đã bước đầu hiệu quả. Tại các cuộc giao ban định kỳ, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận nhiều địa phương đã chủ động gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với ban lãnh đạo các tôn giáo. Công tác nắm tình hình và tổ chức đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với đại diện các tổ chức, cơ sở tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đoàn viên, hội viên, đồng bào có đạo được các địa phương quan tâm, tăng cường hơn. Bằng nhiều hình thức và các kênh tiếp xúc đa dạng do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp tham mưu tổ chức thực hiện tiếp xúc, đối thoại, do vậy khả năng và cơ hội sâu sát, nắm bắt được kịp thời, chính xác những tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của các tôn giáo được tăng cường và hiệu quả hơn. Các kiến nghị, đề xuất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng có liên quan có trách nhiệm giải quyết, trả lời được giải quyết kịp thời, hiệu quả hơn.

Năm là, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã từng bước thể hiện rõ và thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo. Hoạt động giám sát liên quan đến công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được đẩy mạnh, qua 3 năm triển khai thực hiện Kết luận 02 đã làm bài bản hơn, theo quy trình, có sự phối hợp tham gia của các cơ quan nhà nước và các tổ chức thành viên. Hoạt động phản biện xã hội đối với dự thảo các chủ trương, chính sách pháp luật, đề án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo đã có những đổi mới, từng bước nâng cấp từ hoạt động góp ý trước đây lên hoạt động phản biện xã hội đúng nghĩa, tập trung là phản biện của hệ thống Mặt trận các cấp và của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; phản biện của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với các dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các dự thảo văn bản liên quan đến chính sách tôn giáo của Trung ương và từng cấp. Mặt trận các cấp đã tham gia chủ động và có trách nhiệm hơn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai, cơ sở tôn giáo, góp phần tăng cường đồng thuận xã hội và đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã thường xuyên lắng nghe, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, trong đó chú trọng tập hợp ý kiến, kiến nghị của các tổ chức tôn giáo, cử tri, nhân dân là chức sắc, chức việc, nhà tu hành và đồng bào có đạo. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại các kỳ họp Quốc hội một cách đầy đủ, chân thực, kịp thời nguyện vọng, kiến nghị liên quan đến tôn giáo. Mặt trận các cấp đã tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân, trong đó có ý kiến của chức sắc, chức việc, nhà tu hành của các tôn giáo.

Sáu là, qua việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiều địa phương cơ bản đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp chủ động, thường xuyên hơn của chính quyền, các sở, ban, ngành và sự phối hợp thống nhất hành động tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên. Trên cơ sở các kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, cơ bản các nhu cầu, nguyện vọng của các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã được quan tâm giải quyết. Nhiều cơ sở thờ tự tôn giáo được xây mới, tu bổ khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của các chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo; các chức sắc, chức việc, tín đồ được tạo điều kiện sinh hoạt, hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật. Đồng bào các tôn giáo ngày càng yên tâm, tin tưởng, phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nhất là các hoạt động từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội góp phần cùng chính quyền phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Bảy là, việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tôn giáo đã góp phần tích cực vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ hội nhập quốc tế của đất nước trong xu thế quốc tế hoá, toàn cầu hoá. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp nhiều đoàn công tác về tự do tôn giáo, nhân quyền của Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và các nước đến trao đổi về vấn đề tự do tôn giáo; quá trình xây dựng luật pháp tôn giáo ở Việt Nam; về vai trò, quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong bảo đảm tự do tôn giáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tôn giáo. Mặt trận đã chủ trì phối hợp, hướng dẫn các tổ chức thành viên chuẩn bị các báo cáo về thành tựu nhân quyền liên quan đến các giới, các thành phần xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và dịch ra tiếng Anh gửi đến Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, góp phần khẳng định và bảo vệ thành tựu nhân quyền và đấu tranh chống việc lợi dụng vấn đề nhân quyền, dân chủ, dân tộc, tự do tôn giáo của các thế lực thù địch.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc thực hiện Kết luận số 02 của Đoàn Chủ tịch còn những hạn chế, bất cập như: Việc phối hợp trong công tác vận động đồng bào các tôn giáo giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước về công tác tôn giáo còn có nội dung, có việc, có lúc, có nơi chưa được quan tâm cụ thể, thiếu chủ động, thường xuyên. Công tác vận động quần chúng vùng đồng bào có đạo, nhất là nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa phương chưa đạt yêu cầu. Tỷ lệ tập hợp, thu hút đoàn viên, hội viên là người có đạo tham gia sinh hoạt của Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội ở một số địa phương còn khiêm tốn. Việc phát triển đảng viên, hội viên là người có đạo đã được quan tâm, nhưng một số nơi chưa đạt yêu cầu; việc xây dựng và ban hành chính sách nhằm phát huy vai trò người tiêu biểu trong các tôn giáo còn chậm. Cán bộ phụ trách công tác tôn giáo trong hệ thống Mặt trận còn mỏng; một bộ phận thiếu chuyên sâu, năng lực, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn còn hạn chế, nhất là cấp huyện và cấp cơ sở. Không ít nơi, cán bộ phụ trách theo dõi công tác tôn giáo có sự thay đổi, luân chuyển, nên chưa có điều kiện thường xuyên tiếp xúc, sâu sát với đồng bào các tôn giáo; điều kiện tài chính cho công tác tôn giáo còn hạn chế nên ít có điều kiện đi cơ sở nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng nên có lúc, có nơi chưa kịp thời nắm bắt, phản ánh đầy đủ, kịp thời các vấn đề phức tạp nảy sinh, các kiến nghị đề xuất của tôn giáo...

Một số giải pháp tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay

Thứ nhất, tiếp tục đề xuất với Đảng, Nhà nước về việc hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo và các chính sách, pháp luật liên quan nhằm phát huy tốt vai trò của các tôn giáo tham gia xã hội hóa: Y tế, giáo dục, trợ giúp xã hội, dạy nghề, an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu...

Xây dựng và ký kết các chương trình phối hợp giữa Mặt trận, tổ chức thành viên với các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc nhằm phát huy vai trò các tôn giáo tham gia các hoạt động an sinh xã hội, y tế, giáo dục, trợ giúp xã hội, dạy nghề... Định kỳ sơ kết, tổng kết, khen thưởng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong tôn giáo thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững.

Chủ trì phối hợp tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện và tiếp tục thực hiện tốt Chương trình phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, trên cơ sở đó tiếp tục thực hiện tốt Chương trình này đối với các tôn giáo trong phạm vi cả nước.

Thứ hai, tích cực phối hợp với Chính phủ và các cơ quan liên quan xây dựng và sớm ban hành các chính sách cụ thể để phát huy vai trò người tiêu biểu trong các tôn giáo. Định kỳ tổ chức tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và đồng bào có đạo; kịp thời thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật đến các tổ chức, cá nhân tôn giáo; tổ chức tốt Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trong vùng đồng bào tôn giáo. Quan tâm tăng cường vận động, đoàn kết tôn giáo ở các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, gắn với việc thực hiện tốt chính sách dân tộc. Quan tâm hỗ trợ đối với tổ chức và hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam và hoạt động của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tại các tỉnh Tây Nam bộ.

Thứ ba, tăng cường nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tôn giáo. Thực hiện tốt phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" trong vùng đồng bào có đạo.

Phối hợp với chính quyền tham gia giải quyết dứt điểm các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, cơ sở thờ tự có liên quan đến tôn giáo, nhất là những vụ việc tồn đọng kéo dài, có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ tư, thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước, truyền thống nhân văn tốt đẹp, ý thức tự tôn dân tộc và trách nhiệm, nghĩa vụ công dân cho tổ chức, cá nhân tôn giáo, gắn với tuyên truyền nâng cao ý thức thực thi pháp luật của tín đồ, nhà tu hành, chức sắc các tôn giáo. Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước.

Thứ năm, tăng cường vận động, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài là chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về Tổ quốc, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phối hợp phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tổ chức tôn giáo hợp pháp trong nước tham gia tập hợp, đoàn kết đồng bào ta có tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ngoài.

Định kỳ chủ trì tổ chức các hội nghị giao ban, hội nghị chuyên đề về công tác tôn giáo với các tổ chức thành viên và các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước (ít nhất 1 năm 2 lần) để tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả phối hợp  trong công tác tôn giáo và việc thực hiện Kết luận số 02. Thông qua quá trình thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Kết luận số 02, sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước trong công tác tôn giáo ở Trung ương và địa phương cần được rõ nét, tập trung, trọng tâm, trọng điểm hơn. Đặc biệt là việc phối hợp trong việc giải quyết các vấn đề đang đặt ra trong công tác tôn giáo và các thách thức đối với việc đổi mới nội dung, phương thức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tôn giáo. 

Kịp thời trao đổi thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương trong việc hướng dẫn sắp xếp các ban, đơn vị chuyên môn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố khi sắp xếp thu gọn đầu mối hoặc hợp nhất ban chuyên môn cần hợp nhất và giữ lại tên của ban chuyên môn về tôn giáo, dân tộc (khi hợp nhất với ban, đơn vị khác) vì đây là mảng công tác quan trọng của Mặt trận theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Thứ sáu, tiếp tục nâng cao năng lực, kỹ năng của cán bộ, công chức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên trong công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chính sách; công tác giám sát, phản biện xã hội; công tác vận động, tập hợp, đoàn kết tôn giáo. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm, quan tâm đội ngũ cán bộ là người có đạo, nhất là ở vùng có đông đồng bào tôn giáo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đạo; chú trọng xây dựng tài liệu, tập huấn kỹ năng cho đội ngũ nòng cốt tôn giáo với các nội dung vận động thiết thực. Quan tâm vận động chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo tham gia Mặt trận, Ban Chấp hành các đoàn thể chính trị - xã hội và cơ quan dân cử các cấp với số lượng và cơ cấu phù hợp.

Thứ bảy, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, Tổ tư vấn, các vị ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị nhân sĩ, trí thức, dân tộc, tôn giáo, các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn về tôn giáo. Phát huy vai trò tham gia, ủng hộ tuyên truyền của các cơ quan thông tin truyền thông về công tác vận động, đoàn kết các tôn giáo, chú trọng thông tin tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, tập thể, cá nhân làm tốt công tác tôn giáo nhằm tập hợp, đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguyễn Văn Thanh

ThS, Trưởng ban Tôn giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản