Tin mới

Kinh nghiệm của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Điện Biên trong công tác phối hợp vận động nhân dân bảo vệ an ninh biên giới

(Mặt trận) - Những năm qua, việc thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Điện Biên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện gắn với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Bài viết đề xuất một số giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Điện Biên, góp phần nâng cao nhận thức cho Nhân dân các dân tộc biên giới về vai trò, trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ hai, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

 

Điện Biên là tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới tiếp giáp với 2 nước Lào và Trung Quốc. Địa bàn toàn tuyến biên giới có chiều dài là 455,573 km (tiếp giáp với Lào là 414,712 km, với Trung Quốc là 40,861km); nơi sinh sống của 16 dân tộc anh em với hơn 24 nghìn hộ dân và khoảng gần 120 nghìn người thuộc 4 huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Điện Biên; với 29 xã và 348 thôn bản. Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới", Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Điện Biên đã xây dựng Kế hoạch số 44/KH-MTTQ-BTT ngày 29/4/2016 để phối hợp triển khai thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới" và Công văn số 569/MTTQ-BTT ngày 21/7/2016 của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh về việc "Triển khai tổ chức đăng ký tham gia tự quản đường biên, mốc giới và an ninh trật tự ở khu vực biên giới" để hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, cấp xã triển khai thực hiện trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, nhất là các Đồn Biên phòng trên toàn tuyến biên giới nên đã đạt được những kết quả quan trọng.

Mặt trận các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên, Bộ đội Biên phòng tổ chức được 884 buổi với gần 48 nghìn lượt người tham gia nhằm tuyên truyền, vận động các tầng lớp nâng cao ý thức, trách nhiệm, tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là Nhân dân sinh sống ở khu vực biên giới về chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và các chính sách của Nhà nước về các quy định liên quan đến biên giới quốc gia; vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ biên giới hòa bình, hữu nghị như: Luật Biên giới quốc gia, các Hiệp định, Quy chế biên giới... gắn với đẩy mạnh tuyên truyền Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ và các kế hoạch, chỉ thị, hướng dẫn của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai các nội dung “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” trên địa bàn, gắn với việc chăm lo phát triển kinh tế, xã hội, xoá đói giảm nghèo tại các xã biên giới. Mặt trận các cấp chủ động phối hợp với các ngành, các tổ chức thành viên Mặt trận các cấp tăng cường phổ biến, giúp đỡ bà con cách thức làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Mặt trận tỉnh đã chủ động phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng 50 ngôi nhà cho các hộ nghèo nơi biên giới trị giá trên 700 triệu đồng.

Để tăng cường hiệu quả công tác “tuyên truyền miệng” vận động Nhân dân tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới, Mặt trận các cấp đã tổ chức các hội nghị phổ biến, nâng cao nhận thức cho đội ngũ già làng, trưởng dòng họ, người uy tín để phát huy vai trò của họ trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thông qua các buổi họp bản, sinh hoạt cộng đồng, nhằm khắc phục những hạn chế trong việc một bộ phận đồng bào dân tộc chưa đọc thông và chưa nghe được tiếng phổ thông, góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân các dân tộc biên giới về vai trò, trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, từ đó để đồng bào tự giác, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả phong trào, nâng cao tinh thần cảnh giác trước mọi thủ đoạn của các thế lực thù địch kích động, lôi kéo, dụ dỗ đồng bào tham gia các hoạt động di cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật…

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã chủ động phối hợp với Bộ đội Biên phòng tăng cường vận động Nhân dân biên giới xây dựng các Tổ nhân dân tự quản, đã xây dựng được 348 Tổ nhân dân tự quản đường biên, mốc giới với 2.041 thành viên nên đã duy trì hoạt động có hiệu quả; các thành viên trong Tổ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn biên giới. Thực hiện phong trào tự quản đường biên, mốc giới, Mặt trận các cấp đã phối hợp với các Đồn Biên phòng trên tuyến biên giới, vận động được 4.428 hộ với 17.494 người đăng ký tự quản 366,861km đường biên ở 73 thôn, bản và vận động được 3.679 hộ với 17.461 người đăng ký tự quản 149 cột mốc và 5 cọc dấu.

Thông qua công tác tự quản của Nhân dân nên đã phát hiện được các vụ việc liên quan đến vi phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia để kịp thời báo cho các Đồn Biên phòng khẩn trương xác minh đấu tranh giải quyết xử lý theo pháp luật. Đồng thời, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn một số âm mưu, hành động phá hoại, gây mất ổn định vùng biên giới và tình đoàn kết, hữu nghị giữa Nhân dân hai bên biên giới. Mặt trận các cấp đã chủ động phối hợp với các ban ngành, các tổ chức thành viên củng cố và xây dựng mới 11 mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; 35 dòng họ bình yên, 137 cụm liên kết đảm bảo an ninh trật tự địa bàn giáp ranh; 157 tổ thanh niên xung kích an ninh. Phối hợp với các ngành chức năng vận động phá nhổ trên 20ha cây thuốc phiện. Động viên Nhân dân tố giác 15 đối tượng có lệnh truy nã; cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị liên quan đến tình hình an ninh trật tự tại các xã biên giới. Xã biên giới Sín Thầu, huyện Mường Nhé có các tổ tự quản ở 7/7 bản trong toàn xã cùng với các lực lượng trên địa bàn luôn phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ; người dân chấp hành nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng, nhà nước. Vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín luôn được phát huy, ai cũng quyết tâm để xây dựng, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định phối hợp với các lực lượng biên phòng tuần tra, canh gác, bảo vệ đảm bảo chủ quyền an ninh biên giới. Trong năm qua, chính quyền xã Sín Thầu đã tập trung tuyên truyền vận động được hơn 500 lượt quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19; duy trì hoạt động thường xuyên của 2 mô hình, 14 tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở theo hướng tự phòng, tự giác, tự quản đường biên, mốc giới. Là địa bàn khó khăn, có nhiều tác động của các vấn đề xã hội, an ninh biên giới quốc gia, nhưng nhờ sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên ở các thôn bản, Sín Thầu đã trở thành điểm sáng về phong trào và được tỉnh tiếp tục nhân rộng ra toàn tỉnh.

Mặt trận đã phối hợp với Ban Dân vận, Ban Dân tộc, Ban Tôn giáo, Công An và phối hợp với Bộ đội Biên phòng hàng năm rà soát, bổ sung hoặc thay thế, lập danh sách người có uy tín hiện đang sinh sống ở các địa phương trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc: “Đúng tiêu chí, tự nguyện, bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giữa các dân tộc”; trên địa bàn toàn tỉnh bình xét được 2.177 vị già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín là những tấm gương tiêu biểu được Nhân dân suy tôn bầu chọn từ cơ sở là lực lượng nòng cốt, gương mẫu đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động gia đình, dòng họ, cộng đồng tích cực tham gia các nhiệm vụ chính trị của đánh giá uy tín, mức độ ảnh hưởng của người uy tín theo phạm vi ảnh hưởng ở từng cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, khu dân cư). Các vị già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín đã gương mẫu, tích cực tuyên truyền, giáo dục con cháu và cộng đồng tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, công cuộc đổi mới đất nước; phối hợp với chính quyền, lực lượng công an viên, dân quân ở cơ sở tích cực đấu tranh làm hạn chế di dịch cư tự do và lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo, tuyên truyền lôi kéo gây mất ổn định trên địa bàn tuyến biên giới. Phối hợp với tổ an ninh vận động con cháu, dòng họ và Nhân dân ký cam kết phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, tố giác tội phạm nên đã trên 2.000 tin quan trọng giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Đặc biệt, trong giai đoạn 2011-2021, các vị già làng, trưởng dòng họ, người uy tín tích cực vận động gia đình, con cháu, dòng họ và nhân dân không trồng cây thuốc phiện nên đã xóa bỏ hơn 30 ha cây thuốc phiện và hơn 100 cây cần sa mà trước đó một số hộ lén lút trồng ở những nơi xa xôi hẻo lánh rất khó phát hiện và triệt phá. Tiêu biểu lĩnh vực này là các ông Vàng Chứ Phỏng (xã Phình Giàng); ông Quàng Văn Mọn (xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông); ông Hồ Sáy Vàng (xã Sa Lông); dòng họ Tao (xã Chà Nưa); dòng họ Vàng (xã Si Pa Phìn, huyện Mường Chà); dòng họ ông Mùa A Sình (xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng); dòng họ Lầu  (phường Sông Đà, thị xã Mường Lay).

Mặt trận đã tăng cường phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức các hoạt động giao lưu nhân dân với các tỉnh Phong Sa Ly, Luông Pha Băng, U Đôm Xay của nước bạn Lào trên cơ sở tổ chức kết nghĩa, giúp đỡ nhau giữa các khu dân cư, xã, huyện hai bên đường biên giới. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm ký hiệp ước về hợp tác hữu nghị Việt - Lào năm 2017, Mặt trận tỉnh đã tổ chức đoàn công tác đi thăm, làm việc và đã ký kết biên bản ghi nhớ với các tỉnh Luông Pha Băng, Phong Sa Ly, U Đôm Xay về những nội dung liên quan đến công tác Mặt trận giữa các địa phương hai nước, phối hợp chỉ đạo, khuyến khích các huyện trong tỉnh kết nghĩa với các địa phương của Lào như: Huyện Điện Biên đã có quan hệ kết nghĩa, giao lưu với hai huyện giáp biên là Mường Mày - Phong Sa Ly và Phôn Thoong - Luông Pha Băng; Thành phố Điện Biên Phủ với huyện Mường Khoa, tỉnh Phong Sa Ly. Hằng năm, các địa phương hai bên duy trì tổ chức các cuộc hội đàm và các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể thao nhân những ngày lễ, ngày Tết cổ truyền của hai nước; cùng nhau giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh thường ngày tại các cơ sở vùng biên giới Việt - Lào tại 125 thôn, bản.

Để đạt được các kết quả nêu trên là do Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc tỉnh Điện Biên đã chủ động tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo hệ thống chính trị các cấp phối hợp với Mặt trận các cấp trong việc tổ chức thực hiện các phong trào, trong đó lực lượng Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt. Đồng thời, đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và đội ngũ người có uy tín trong công tác tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng thành công các mô hình “Tự quản đường biên, mốc quốc giới”; “Tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản” trên các địa bàn dân cư. Mặt trận các cấp trong tỉnh luôn tích cực vận động Nhân dân các dân tộc vùng biên giới tôn trọng giữ gìn mối đoàn kết hữu nghị và tạo mọi điều kiện thuận lợi để Nhân dân hai bên kết nghĩa, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp tuyên truyền, vận động còn nhiều lúc, nhiều nơi chưa được triển khai thường xuyên, nội dung tuyên truyền chưa sâu rộng. Việc trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giữa Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Điện Biên và Mặt trận Lào xây dựng đất nước còn hạn chế. Một số cán bộ ở cơ sở chưa làm tốt công tác tham mưu trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ cũng như một số văn bản liên quan đến công tác bảo vệ biên giới quốc gia. Công tác xóa đói, giảm nghèo ở các địa bàn biên giới đã được chú trọng nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, chiếm 41,01%. Tình trạng tranh chấp đất đai, di cư tự do, xuất cảnh trái phép, mua, bán, vận chuyển, sử dụng các chất ma túy, lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo tuyên truyền đạo trái pháp luật, tuyên truyền thành lập “Vương quốc Mông” còn diễn biến phức tạp...

Để tăng cường phối hợp vận động Nhân dân bảo vệ an ninh biên giới, Mặt trận các cấp tỉnh Điện Biên đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động cụ thể sau:

1. Tiếp tục phối hợp tổ chức tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của hai Đảng, hai Nhà nước, truyền thống đoàn kết, hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào. Đa dạng các hình thức tuyên truyền, nội dung tuyên truyền nhân dân theo hướng đơn giản, dễ hiểu phù hợp với nhận thức của đồng bào các dân tộc nơi biên giới.

2. Tiếp tục phối hợp củng cố vững chắc hệ thống chính trị tại các thôn, bản, xã biên giới; phát huy vai trò của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư; triển khai thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; nâng cao chất lượng bình xét hộ "Gia đình văn hóa", "Khu dân cư văn hóa"; đặc biệt tại các vùng biên giới cần bổ sung thêm nội dung xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị là một trong những tiêu chí bình xét “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”; tổ chức tốt "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc" ở khu dân cư tại các vùng biên giới.

3. Tiếp tục tổ chức kết nghĩa giữa các xã biên giới, thường xuyên giao ban cụm xã, tăng cường trao đổi thông tin, trao đổi kinh nghiêm giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận hai nước. Tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm gắn kết nhân dân hai bên biên giới. Tiếp tục giúp đỡ các hộ nghèo khu vực biên giới làm nhà, hỗ trợ cây, con giống, học sinh nghèo, người nghèo khám chữa bệnh từ Quỹ "Vì người nghèo" các cấp… giúp đồng bào ổn định cuộc sống, tích cực tham gia bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

4. Phối hợp với chính quyền và các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch bồi dưỡng già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín mở rộng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tham quan, cung cấp thông tin… giúp họ nâng cao hiểu biết, tiếp thu được sáng kiến kinh nghiệm, biết vận dụng giải quyết công việc ở cộng đồng dân cư cho phù hợp với đặc điểm của từng dân tộc nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động cộng đồng thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước; giáo dục, vận động con cháu, gia đình, dòng họ nêu cao tinh thần cảnh giác không tin, không nghe kẻ xấu xúi dục di cư tự do, lợi dụng tuyên truyền đạo trái pháp luật gây mất đoàn kết trong Nhân dân. Không phá rừng, tranh chấp đất đai, không trồng cây có chứa ma túy, không sử dụng, tàng trữ, vận chuyển buôn bán các chất ma túy, không mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội khác.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản