Tin mới

Mấy suy nghĩ về “tư duy nhiệm kỳ”

(Mặt trận) - Tư duy nhiệm kỳ là một phạm trù chính trị tư tưởng, phản ảnh một cách nghĩ, cách làm chủ quan của một con người về hiệu quả công việc. Cán bộ được Đảng và nhân dân giao phó nhiệm vụ thường là một nhiệm kỳ 5 năm. Có thể nói, một nhiệm kỳ hoạt động của một cán bộ cụ thể mà được Đảng cử, dân bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm,… nhất là những người đứng đầu đơn vị cấp ngành, cán bộ ấy phải có một tư duy hành động thật sự khoa học, sát đúng với thực tiễn để đem lại cho tập thể, xã hội những hiệu quả thiết thực, được công chúng ghi nhận.

Ninh Thuận: Bàn giao 19 căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo năm 2024

Quảng Ngãi: Nâng cao kiến thức và năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận

Thừa Thiên Huế: Hội thảo “Nâng cao chất lượng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam“

Quang cảnh Hội nghị Đại biểu các tôn giáo nghiên cứu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tháng 9/2016. Ảnh: PV

Tư duy ấy, bao giờ cũng gắn liền giữa nói và làm có chuẩn mực, đúng đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, có sức thuyết phục người nghe và bản thân họ lao động, chỉ đạo, điều hành phải có năng suất, hiệu quả cao và hướng đi tiến bộ bền vững, được biểu hiện mấy mặt sau đây:

Một là, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, ban, ngành, đơn vị chuyên môn phải thật sự tiên phong, gương mẫu và đưa ra những phương án, kế hoạch chương trình hành động, những giải pháp trong phạm vi nhiệm kỳ mà mình đảm nhận, phụ trách để cùng mọi người thực hiện đem lại kết quả tích cực. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị lúc nào cũng đặt lợi ích xã hội lên trên quy tụ những người tài năng, có tinh thần dám nghĩ dám làm, lắng nghe ý kiến đóng góp của họ vào phương án, chương trình hành động, trong đó có thể có những ý kiến trái chiều. Không thể cầu toàn trong việc quy tụ trí tuệ của công chúng, người đứng đầu phải có tư duy phân tích những ý kiến đúng sai của quần chúng để chọn lọc lắp ghép vào cấu trúc thật sự khoa học và kế hoạch phấn đấu theo nhiệm kỳ. Hiệu quả công tác cụ thể của cán bộ đứng đầu là nắm chắc thực tiễn cộng với tư duy vận dụng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ý chí của tập thể và hành động điều hành quyết liệt thực hiện nhiệm vụ của vai trò cá nhân. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, người đứng đầu đơn vị phải biết quyết đoán và chỉ huy hành động để đem lại hiệu quả cao, song cũng rất tránh tư tưởng độc đoán chuyên quyền, đưa ý kiến cá nhân của mình không đúng vào lập trình kế hoạch ban đầu đã được cấp trên phê duyệt để chỉ đạo người khác làm theo, nhất là vấn đề điều động, bổ nhiệm cán bộ và kinh tế. Để nâng cao hiệu quả điều hành, cán bộ được giữ chức vụ trong nhiệm kỳ phải luôn luôn tự rèn luyện mình thông qua học tập lý luận, khoa học kỹ thuật để tu dưỡng kỹ năng viết và nói có sức thuyết phục người nghe hưởng ứng làm theo. Cán bộ được bổ nhiệm trong nhiệm kỳ phải được ghi nhận khi họ đem lại lợi ích thực tế cho xã hội và bản thân họ đã tỏ rõ một con người có lối sống văn hóa cả về ứng xử, đối nhân xử thế ở nơi làm việc và cả ở nơi cư trú, được mọi người trân trọng, yêu mến, gần gũi.

Hai là, cần có sự sáng tạo, đổi mới phương pháp, làm việc để thực hiện tốt đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước mà người cán bộ trong nhiệm kỳ phụ trách.

Đổi mới, sáng tạo là yếu tố quan trọng trong cấu trúc tư duy nhiệm kỳ của cán bộ được tổ chức phân công phụ trách. Trên cơ sở đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước mà cán bộ thực hiện nhiệm vụ được giao, vận dụng một cách khoa học, sáng tạo và luôn luôn kế thừa kinh nghiệm của người đi trước để hoàn chỉnh đề án hành động cho phù hợp với tình hình cách mạng trong thời kỳ mới. Muốn làm tốt việc đổi mới, sáng tạo là phải chống cho được chủ nghĩa thành tích và tư tưởng dĩ hòa vi quý, an phận thủ thường, nhất là người sắp hết nhiệm kỳ… Tuy nhiên, người đứng đầu đơn vị phải biết vận dụng tình hình cụ thể để hành động sáng tạo, tránh tình trạng rập khuôn máy móc,… Song chống khuynh hướng tùy tiện duy ý chí, cho mình là đúng để cố ý làm trái đường hướng cơ bản của Đảng và pháp luật của Nhà nước dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, làm giảm lòng tin của cơ quan, đơn vị đối với người đứng đầu đơn vị phụ trách. Tư duy đổi mới, sáng tạo để phát triển sự nghiệp, đòi hỏi tư duy nhiệm kỳ của người cán bộ phải thật sự cầu thị, chịu khó lắng nghe quần chúng một cách thấu đáo để bổ sung vào cấu trúc giải pháp hành động một cách tích cực, được quần chúng ủng hộ, làm theo. Trong một nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ chính trị của bản thân, được tổ chức Đảng, Nhà nước giao phó, người cán bộ trên cơ sở phần việc đảm nhận, là phải biết vận dụng quy luật phát triển cách mạng Việt Nam để tìm ra giải pháp thật sự khoa học có bài bản, thực hiện tốt chương trình kế hoạch mà trước khi ứng cử nhiệm kỳ, mình đã hứa trước dân trước Đảng.

Ba là, phát huy phương thức phê và tự phê bình, một việc làm thường xuyên là cách tốt nhất, rèn luyện cán bộ, một yếu tố quan trọng trong tư duy nhiệm kỳ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.

Tư duy nhiệm kỳ là một khái niệm mới kể cả về nội hàm và ngoại diên. Xét về mặt logic thì nó cũng đã xuất hiện trước đây nhưng chưa được xã hội quan tâm nhiều về mặt tích cực mà chỉ nói đến mặt trái của nó theo nghĩa không đẹp, phiến diện, không đầy đủ của nhiều người trong xã hội. Song không thể không nói đến mặt không tích cực về tư duy nhiệm kỳ ở một số cán bộ khi được tổ chức giao trách nhiệm, dẫu là “ẩn náu” phía trong ý định từ trước hay sau này có hành động xấu mới nảy sinh. Trong thực tế, Đảng ta cũng đã chỉ ra những khuyết điểm, tiêu cực về đạo đức, lối sống, lợi ích nhóm, tham lam, nhũng nhiễu của một số cán bộ, đảng viên đã lợi dụng quyền hạn, chức vụ để thực hiện vụ lợi cá nhân, tổn hại đến uy tín của Đảng. Trong số người có phẩm chất kém đã lọt lưới vào nhiệm kỳ mà tổ chức chưa nhìn thấy và đã dự kiến đưa vào chức vụ quan trọng, tuy không nhiều, nhưng có được vị trí chức danh nào đó, khi có điều kiện họ vụ lợi cá nhân trên mọi hình thức. Có những cán bộ trong quá trình hoạt động nhiệm kỳ rất tốt, được nhân dân tín nhiệm, nhưng có những việc cán bộ đó lại bị ngoài tầm kiểm soát vì vợ nhận hối lộ, đút lót mà chồng không biết dẫn đến hậu quả khôn lường, phủ định hoàn toàn nỗ lực, cố gắng của chồng. Việc đưa con em của những người tiền nhiệm đã có công giúp mình thăng quan tiến chức trước đây vào chức danh lãnh đạo, mặc dù con em ấy yếu kém về năng lực, phẩm chất đã trở thành một vấn đề nhức nhối, bất bình trong nhân dân. Trong việc xử lý hành chính đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân có nhiều nơi không nghiêm, không công bằng, khởi tố không đúng luật định, người quen thì nhẹ tay bao che, người không vừa ý mình thì tìm cách làm khó gây cản trở đến hiệu lực chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tại sao vậy? Đó chính là một bộ phận cán bộ, không tự rèn luyện mình, không đặt lợi ích xã hội lên trên, tự ý hành động sai trái, làm tổn hại uy tín của Đảng, mất lòng tin của nhân dân. Những cán bộ vì tham vọng quá lớn, lừa Đảng, dối dân sớm muộn cũng bị pháp luật trừng phạt. Tư duy nhiệm kỳ là một vấn đề có tính tư tưởng sâu sắc và rất nhạy cảm cho quá trình nhận thức, rèn luyện của cán bộ được Đảng, Nhà nước, nhân dân bầu cử, đào tạo vào các chức danh quan trọng của tổ chức; và chính họ phải phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhân dân tin cậy. Trong suốt nhiệm kỳ phấn đấu để hoàn thành kế hoạch chương trình hành động, thực hiện nhiệm vụ, nếu không tỉnh táo đấu tranh với bản thân thì mặt trái của tư tưởng có thể sẽ nảy sinh vì lợi ích riêng tư, người đó sẽ bị xã hội đào thải. Bác Hồ đã căn dặn người cán bộ, đảng viên lúc nào cũng phải lấy phương thức phê và tự phê bình để làm kim chỉ nam rèn luyện mới trưởng thành, tiến bộ. Muốn nâng cao hiệu quả lao động, công tác chỉ đạo điều hành, người cán bộ hết sức chú trọng tính dân chủ, lắng nghe ý kiến khác nhau của quần chúng để đưa ra quyết định đúng đắn, mang lại hiệu quả tích cực, có như vậy mới tạo được niềm tin của quần chúng.

Bốn là, bước vào nhiệm kỳ công tác lao động, sinh hoạt, học tập nghiên cứu khoa học,… người cán bộ lúc nào cũng phải vững vàng về tư tưởng chính trị để đấu tranh chống tiêu cực, đề phòng khuynh hướng chuyển hóa, diễn biến ngay trong chính mình.

Chuyển hóa và diễn biến là một phạm trù triết học, nó là quy luật vận hành trong mọi sự vật và hiện tượng, ngay cả trong tư duy con người. Xét về góc độ chuyển hóa thì từ chất này sang chất khác, nếu nhìn ở góc độ  biện chứng tích cực là tốt, song ngược lại là không phù hợp với sự phát triển. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã nói rất rõ về “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa”, đó là nguy cơ tiềm tàng cần phải đấu tranh quyết liệt trên mọi phương diện từ kinh tế, chính trị, tư tưởng, an ninh quốc phòng, ngoại giao, văn hóa, xã hội. Vì vậy, vấn đề cán bộ luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm sâu sắc từ Trung ương đến địa phương.

Chuyển hóa xấu trong tư tưởng sẽ dẫn đến hành động và việc làm tiêu cực của cán bộ, làm mất lòng tin trong dân. Tình trạng một số cấp ngành ở Trung ương và nhiều tỉnh, thành có những vụ việc xảy ra vừa qua chủ yếu là ở cán bộ, trong đó có nhiều người đứng đầu cấp tỉnh, bộ ngành đã làm mất niềm tin của dân, ảnh hưởng uy tín lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước. Một bộ phận cán bộ chủ chốt được Đảng, nhân dân tín nhiệm trong nhiệm kỳ, không những không đáp ứng tốt được mong muốn của cử tri mà tự suy thoái đạo đức, lối sống, tham nhũng, coi thường kỷ cương phép nước, thu lợi hoặc làm thất thoát nhiều tỷ đồng của dân, chính họ đã tự chuyển hóa sang tiêu cực, tạo đà cho sự diễn biến xấu trong xã hội, một vấn đề cần được đấu tranh quyết liệt.

Như vậy, “Tư duy nhiệm kỳ” là kết tinh của quá trình vận động cách mạng, trong tư tưởng, chính trị và văn hóa, được chuyển hóa trong nhận thức hành động kể cả về đạo đức, lối sống và tài năng của mỗi cán bộ được cấu trúc trong tư duy nhiệm kỳ. Vì thế, những người đã được tổ chức giao trọng trách, nhất là người đứng đầu cấp, ngành phải không ngừng phấn đấu rèn luyện, hoàn thành sứ mệnh trong nhiệm kỳ với quả cao, được nhân dân ghi nhận. Mỗi nhiệm kỳ, cán bộ có cách làm sáng tạo riêng nhưng lúc nào cũng phải bám chặt đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để tránh tình trạng lách luật, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Một nhiệm kỳ thường là 5 năm, tuy không dài, nhưng cũng đủ thời gian để xã hội đánh giá tư chất, năng lực của mỗi cán bộ, đảng viên một cách cụ thể, khách quan, xứng đáng với sự tín nhiệm của Đảng, của nhân dân trong nhiệm kỳ.

Hoàng Hoa Mai

Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thanh Hóa

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản