Ngày 16/9/2009, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Thông tri số 36/TTr-MTTW-BTT về hướng dẫn triển khai Cuộc vận động, trong đó nêu rõ việc thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cấp tỉnh và hướng dẫn các bước triển khai thực hiện Cuộc vận động ở các địa phương và các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương. Với những nỗ lực trong thời gian qua, Cuộc vận động bước đầu đã có những chuyển biến nhất định trong nhận thức của người tiêu dùng.
Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” kiểm tra thực hiện cuộc vận động tại Co.opmart Cần Thơ. Ảnh:Đại Đoàn kết
Năm 2016, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đã ban hành các văn bản chỉ đạo: Kế hoạch 212/KH-MTTW-BCĐTWCVĐ, ngày 29/4/2016 và Kế hoạch 291/KH-MTTW-BCĐTWCVĐ, ngày 10/10/2016 về triển khai các hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương, trong đó có nội dung kiểm tra công tác thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2016; Kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Thư ký theo Quyết định số 46-QĐ/TW, ngày 12/10/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Xây dựng dự thảo Đề án biểu dương “Sản phẩm chất lượng, doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu vì người tiêu dùng”; Dự thảo Quy chế Hướng dẫn công tác khen thưởng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Thông báo phân công các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động phụ trách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là năm đầu tiên Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động phân công các thành viên theo dõi, phụ trách địa bàn và đã đạt được những kết quả quan trọng. Qua kiểm tra tình hình thực hiện Cuộc vận động ở các địa phương và các bộ, ngành Trung ương cho thấy, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các tỉnh, thành phố đã chủ động tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền cùng cấp đề ra các chủ trương, giải pháp đồng thời tích cực triển khai, phát huy vai trò của các ngành, thành viên Ban Chỉ đạo trong thực hiện Cuộc vận động theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Cuộc vận động ở địa phương, cơ sở. Kết quả Cuộc vận động ở các địa phương đã đạt được những kết quả tích cực, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của các cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện Cuộc vận động. Có thể nói, việc phân công địa bàn cụ thể theo Thông báo số 93/TB - MTTW - BCĐTW CVĐ giúp các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo chủ động xây dựng kế hoạch làm việc, nắm tình hình triển khai Cuộc vận động tại các địa phương.
Nhằm thực hiện tốt hơn nữa Cuộc vận động theo chỉ đạo, định hướng của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động chỉ đạo các cơ quan báo chí của Mặt trận phối hợp với một số cơ quan báo chí ở Trung ương xây dựng chuyên mục, thường xuyên đưa tin, bài phản ánh tình hình kết quả thực hiện Cuộc vận động ở các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền biểu dương và nhân rộng các kết quả điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động, đồng thời đấu tranh, phê phán các hành vi buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong năm 2016, các cơ quan báo chí đã sản xuất, đăng tải, phát sóng hàng ngàn tin bài về Cuộc vận động với tiêu chí đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung; đảm bảo chất lượng và hiệu quả truyền thông; xây dựng thói quen và tạo nếp văn hóa tiêu dùng hàng Việt của người Việt. Ngoài việc thực hiện thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động thì các cơ quan báo chí cả nước còn tập trung đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chỉ đạo, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Thực hiện vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo hệ thống Mặt trận các cấp làm tốt vai trò tham mưu, phối hợp của cơ quan Thường trực về việc triển khai thực hiện Cuộc vận động ở các tỉnh, thành phố; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên, các ngành chức năng thực hiện tốt công tác tuyên truyền và lồng ghép việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các phong trào thi đua yêu nước của các tổ chức chính trị - xã hội,… tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.
Một số bộ, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đã chủ động ban hành kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình, như: Bộ Công Thương tổ chức Chương trình Tuần nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2016 trên phạm vi toàn quốc; Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị kết nối giữa đơn vị sử dụng và nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ CNTT Việt Nam với chủ đề “Sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn” tại Bắc Giang và thành phố Cần Thơ. Hội nghị đã thu hút sự quan tâm của nhiều bộ, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp; Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Giải thưởng Chất lượng Quốc gia thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và sự quan tâm của người tiêu dùng trong việc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp đạt giải. Bộ đã triển khai nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý hàng hóa kém chất lượng, góp phần bình ổn thị trường trong nước; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hưởng ứng Cuộc vận động đã kiểm soát việc chi tiêu, mua sắm của các đơn vị sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, ưu tiên sử dụng hàng sản xuất trong nước, ưu tiên sử dụng vật tư, thiết bị sản xuất trong nước đối với các dự án, công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước do Bộ quản lý; Quảng bá rộng rãi hàng nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp đến người tiêu dùng thông qua các hội chợ triển lãm và các hoạt động xúc tiến thương mại; Tập trung phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết doanh nghiệp với nông dân (Triển khai Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn)… Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tích cực phổ biến, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa các hoạt động của Cuộc vận động tới các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài và đông đảo bà con kiều bào; Ban Tuyên giáo Trung ương chủ động định hướng hệ thống báo chí, đồng thời đưa tin, bài trên Tạp chí Tuyên giáo, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí Thông tin đối ngoại, Tạp chí Báo cáo viên của Ban Tuyên giáo Trung ương. Biên soạn, in ấn và phát hành 6.000 cuốn sách Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương thực hiện chủ trương “Các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối ưu tiên sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau”. Kết quả đã có 25 Tập đoàn, Tổng Công ty, Ngân hàng trong Khối tổ chức ký kết 101 lượt hợp tác ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau trên nhiều lĩnh vực như xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc, sản xuất nông lâm nghiệp, giao thông vận tải, thương mại dịch vụ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với trị giá hợp đồng hàng chục nghìn tỷ đồng…
Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức các “Phiên chợ công nhân”, “Gian hàng giảm giá”, “Chợ lưu động”; phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng mô hình “Siêu thị công đoàn” với hàng hóa sản xuất trong nước đã phát huy hiệu quả phục vụ công nhân với tiêu chí “Tiện lợi, an toàn, chi phí thấp”… ở các khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân gắn với chăm lo đời sống của người lao động; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với ngành Công thương tổ chức Hội chợ triển lãm quảng bá hàng Việt đến nhân dân và đưa hàng Việt đảm bảo chất lượng đến vùng sâu, vùng xa, qua đó đã có nhiều hợp đồng được ký kết giữa các doanh nghiệp tiêu thụ hàng nông sản với các trang trại, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất giỏi; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khuyến khích, động viên các cấp Hội thực hiện Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với các nội dung Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phong trào phụ nữ thực hành tiết kiệm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, qua đó hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức về lợi ích của việc sử dụng hàng Việt Nam trong sinh hoạt và đời sống hàng ngày; Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam triển khai “Quy trình xác thực chống hàng giả” tới 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Sơn La, Phú Thọ, Thanh Hóa, Cần Thơ, Kiên Giang, Phú Yên và Cà Mau; các doanh nghiệp Công ty Cổ phần Khóa Việt Tiệp và Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại và Du lịch Quốc tế Ngôi Sao VIC là đơn vị tiên phong ứng dụng thử nghiệm quy trình và cho kết quả tốt. Hiệp hội đã hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường thông qua việc tổ chức các buổi tham vấn với Tham tán, Tùy viên thương mại một số nước tại Thành phố Hồ Chí Minh về công tác xuất khẩu; Xúc tiến thị trường Myanmar; Hội thảo TPP cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp…
Tuy nhiên, việc thực hiện còn những khó khăn, hạn chế, như: Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn khó kiểm soát trên thị trường. Một số hàng hóa Việt Nam chưa thực sự thu hút người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng và giá cả. Nhiều doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng nên hiệu quả xúc tiến thương mại chưa cao. Công tác quản lý nhà nước của một số cơ quan chức năng còn thiếu chặt chẽ. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường còn chưa được thường xuyên…
Để Cuộc vận động đạt kết quả thiết thực, trước tiên phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị; sự tham mưu, đề xuất kịp thời của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các cơ quan thông tin đại chúng các cấp trong triển khai thực hiện Cuộc vận động, phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm của Cuộc vận động; địa bàn tập trung là khu dân cư, khu công nhân, công nghiệp cũng như vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, mục đích thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng đối với hàng hóa sản xuất trong nước.
Một số giải pháp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động trong thời gian tới
Một là, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện Thông báo Kết luận số 264 - TB/TW, ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị; Kết luận số 107-KL/TW ngày 10/4/2015 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 17/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chỉ thị số 13/CT-TTg, ngày 04/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai và giám sát thực hiện Đề án “Phát triển thị trường trong nước” gắn với Cuộc vận động; đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.
Ba là, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo thuộc các cơ quan quản lý nhà nước rà soát, ban hành bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất và bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)… Tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế; xử lý nghiêm hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bốn là, vận động các doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống phân phối hàng Việt, tổ chức hội thảo, triển lãm, hội chợ xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng, đặc biệt đối với vùng nông thôn, khu đông công nhân.
Năm là, nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công.
Sáu là, phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng và góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động.
Trịnh Thị Thanh
Ban Phong trào, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam