Tin mới

Một số kết quả và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giám sát của MTTQ Việt Nam

(Mặt trận) - Giám sát là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bài viết dưới đây khái quát một số kết quả hoạt động giám sát xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời đề xuất các giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Hội nghị tổng kết việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2017 đã diễn ra tại Hà Nội

Một số kết quả đạt được trong công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

 Từ trước đến nay, Đảng luôn đề cao và quan tâm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam trong việc tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, tăng cường đồng thuận xã hội và vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền nhân dân. Những quan điểm và chủ trương lớn của Đảng về giám sát của MTTQ Việt Nam trong thời gian qua đã thể hiện một bước phát triển quan trọng về tư duy chính trị và về chính sách, phương thức lãnh đạo đối với công tác Mặt trận, đối với việc phát huy quyền dân chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước. Đây là những điều kiện mới về chính trị rất thuận lợi, đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu cao đối với MTTQ và các đoàn thể nhân dân để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả tổ chức và hoạt động của mình tương ứng với chức năng, trách nhiệm, vị trí ngày càng được nâng cao trong thời kỳ mới. 

Trên cơ sở những quy định của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về giám sát của MTTQ Việt Nam trong thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực triển khai và phối hợp triển khai các hoạt động giám sát; việc triển khai các hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định trên các mặt công tác.

Trong giám sát công tác xây dựng chính sách, pháp luật những năm gần đây, mỗi năm Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tham gia góp ý kiến từ 30 đến 50 dự án luật, pháp lệnh, nghị định và các văn bản pháp luật khác. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thường xuyên cử đại diện tham gia các Ban soạn thảo và Tổ biên tập các dự án luật, pháp lệnh quan trọng theo đề nghị của các cơ quan chủ trì soạn thảo, cụ thể như: Luật Quốc tịch, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tổ chức Tòa án, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo... Đặc biệt, trong đợt xây dựng Hiến pháp năm 2013, đồng thời với việc cử đại diện tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo Hiến pháp, MTTQ Việt Nam các cấp đã đóng góp rất quan trọng trong việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Hiến pháp. Đã có tổng số 3.181.529 lượt người tham gia ý kiến (trong đó có 676 lượt người tham gia ý kiến tại các Hội nghị do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức; 964.349 lượt người tham gia ý kiến với Ủy ban MTTQ Việt Nam ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 2.216.504 lượt người tham gia ý kiến với 5 tổ chức chính trị - xã hội là thành viên của Mặt trận. Tổng số có 8.071.919 ý kiến góp ý vào hầu hết các nội dung của Dự thảo Hiến pháp, kể cả về bố cục, hình thức, ngôn ngữ. Thông qua việc tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác, MTTQ Việt Nam thể hiện được vai trò, trách nhiệm đại diện cho quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân để góp ý và giám sát quá trình này nhằm góp phần bảo đảm cho các quy định của Hiến pháp và pháp luật luôn phù hợp với lợi ích của Nhân dân.  

MTTQ Việt Nam các cấp đã tham gia tích cực vào công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Việc giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp trong lĩnh vực này thường gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ của công tác bầu cử, như: tổ chức việc lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử… Trong quá trình hiệp thương, nhiều trường hợp dù đã được các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cả trung ương và địa phương giới thiệu ra ứng cử nhưng nếu phát hiện vi phạm pháp luật hay không được nhân dân tín nhiệm, không đủ tiêu chuẩn về năng lực và phẩm chất đạo đức đều không được lập danh sách ứng cử. Bên cạnh đó, công tác giám sát tổ chức bầu cử cũng được triển khai tích cực, đạt hiệu quả cao, như trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, MTTQ Việt Nam đã tổ chức 15 Đoàn giám sát công tác tổ chức bầu cử tại 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết thúc mỗi đợt giám sát, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đều có báo cáo kết quả giám sát, xây dựng các văn bản kiến nghị về những vấn đề phát sinh gửi tới Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, các tỉnh được giám sát và các cơ quan hữu quan có liên quan để kịp thời điều chỉnh.

Thực hiện chủ trương của Đảng về phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, đảng viên, nhất là cán bộ, công chức, đảng viên ở cơ sở. Cơ sở đánh giá tín nhiệm đối với các đại biểu dân cử chủ yếu được thực hiện thông qua các cuộc tiếp xúc giữa đại biểu dân cử với cử tri nơi bầu ra họ. Thông qua các cuộc tiếp xúc này, cử tri có thể xem xét, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ của đại biểu theo quy định của pháp luật. Trường hợp đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND có hành vi vi phạm pháp luật, không còn được dân tín nhiệm, thì Ủy ban MTTQ Việt Nam có văn bản đề nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, HĐND xem xét để quyết định việc miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm đại biểu. Thực tiễn những năm qua đã có một số đại biểu Quốc hội và không ít đại biểu HĐND các cấp bị bãi nhiệm theo đề nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp. Những cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND cũng là dịp để cử tri nêu ý kiến, kiến nghị về các vấn đề mà cử tri quan tâm, góp ý kiến về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Thông qua việc tham gia tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và qua tiếp xúc, lắng nghe ý kiến Nhân dân, MTTQ với vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân sẽ giám sát việc thực hiện nhiệm vụ người đại biểu dân cử, từ đó có những kiến nghị để người đại biểu thực hiện đúng chức trách của mình. Nhiều kiến nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam về xử lý cán bộ, công chức tham nhũng đã được cơ quan có thẩm quyền ở địa phương xem xét giải quyết; thông qua việc phát hiện và giải quyết các vụ việc đã góp phần thúc đẩy thực hiện dân chủ ở cơ sở; tác động đến việc quan tâm giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền ở những nơi được làm điểm.

Trong những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quan tâm hướng dẫn, kiểm tra công tác Mặt trận ở địa phương trong việc động viên, khuyến khích người dân ở cơ sở tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Công tác hướng dẫn, kiểm tra củng cố, kiện toàn về tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân (TTND) xã, phường, thị trấn, Ban  Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) ngày càng được tăng cường. Ủy ban MTTQ các địa phương tập trung đẩy mạnh hoạt động của các Ban TTND trong việc giám sát thực hiện chính sách pháp luật, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn. Việc thực hiện nhiệm vụ giám sát đầu tư của cộng đồng tại nhiều địa phương đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao chất lượng công trình và chống xâm hại lợi ích của cộng đồng, vốn, tài sản của nhà nước, tạo niềm tin trong nhân dân, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn - xã hội ở địa phương, cơ sở. Đến năm 2017, tổng số Ban TTND ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước là 10.956 ban, tổng số ủy viên là 94.184 người, trong đó số kiêm nhiệm 7.568. Trong ba năm (2014, 2015 và 2016), tổng số cuộc giám sát do Ban TTND thực hiện là 156.038 cuộc, tổng số kiến nghị 35.064; giá trị tiền thu hồi đạt 156.269.121 đồng. Một số địa phương đã triển khai thực hiện tốt và phát huy được vai trò của Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ trong việc phát hiện những hành vi vi phạm qua đó đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Qua khảo sát tại tỉnh Bắc Giang, trong 10 năm qua đã giám sát 47.144 cuộc, phát hiện 1.114 vụ việc sai phạm, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý, thu về cho nhà nước và nhân dân 4.619.108.000 đồng, 26.019,4m2 đất. Tỉnh Hà Tĩnh, Ban TTND đã thanh tra, giám sát được 21.672 vụ việc, phát hiện được 940 vụ việc sai phạm, kiến nghị với chính quyền xử lý thu hồi được hàng chục tỷ đồng, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng của tỉnh đã giám sát 16.520 công trình, phát hiện và đề nghị điều chỉnh 1.743 công trình chưa đảm bảo chất lượng. Tỉnh Thừa Thiên Huế, các Ban TTND đã phát hiện 4.106 vụ việc liên quan về đất đai, kinh tế xã hội, đã kiến nghị đến chính quyền các cấp 2.899 vụ việc, đã giải quyết được 2.414 vụ, thu hồi 71.607m2 đất, 412.870.000 đồng.

Để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và Quy chế Giám sát và phủ biện xã hội (GS&PBXH) của Bộ Chính trị, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong 3 năm gần đây đã tập trung vào việc phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các bộ, ngành xây dựng và triển khai thực hiện các Chương trình phối hợp giám sát chuyên đề là những vấn đề nhân dân, xã hội đang quan tâm và bức xúc, như:

- Chương trình phối hợp về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014 - 2015;

- Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp;

- Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2020;

- Chương trình phối hợp giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân;

- Chương trình phối hợp giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở;

Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện Luật khoa học và công nghệ và Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ;

- Chương trình phối hợp về giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan;

- Chương trình phối hợp triển khai xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2015;

- Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2021;

- Chương trình phối hợp công tác giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc thực hiện pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế giai đoạn 2016 - 2020;

- Chương trình phối hợp hành động hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt;

- Chương trình phối hợp giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017 - 2019…

Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ động tham gia các chương trình giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và cử đại diện phối hợp, tham gia các hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tại các bộ, ngành, đơn vị và địa phương. Hằng năm, thực hiện Quy chế phối hợp công tác với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thường xuyên cử đại diện tham gia các đoàn giám sát, kiểm sát liên ngành về công tác kiểm sát thi hành án hình sự, công tác thi hành án dân sự, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các địa phương trên cả nước.

Ngày 15/6/2017, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ký Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Đây là văn bản pháp lý quan trọng giữa Mặt trận với các cơ quan cao nhất của Nhà nước để triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội. Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành các thông tư hướng dẫn kinh phí đảm bảo cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.

Hiện nay, Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đang duy trì 5 Quy chế phối hợp; 2 Nghị quyết liên tịch; 26 chương trình phối hợp với Chủ tịch Nước, Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các ban, bộ, ngành và các tổ chức thành viên ở Trung ương, trong đó có 11 chương trình phối hợp về công tác giám sát. Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố đã triển khai tổng số 683 chương trình phối hợp (242 chương trình ký kết mới năm 2017; bình quân 11 chương trình/1 tỉnh), trong đó 80% các chương trình phát huy hiệu quả tốt (661 chương trình).

Giám sát là một chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng của MTTQ Việt Nam nhằm thực hiện vai trò, trách nhiệm của Mặt trận trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước. Trong những năm qua, nhất là từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (2006), Đảng và Nhà nước ngày càng đề cao vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam, quan tâm xây dựng và hoàn thiện các chính sách và pháp luật về giám sát của MTTQ Việt Nam, tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ giám sát. Công tác giám sát của MTTQ Việt Nam được tổ chức thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn, có tác động về mặt xã hội mạnh mẽ hơn và ngày càng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của mọi cấp, mọi ngành và của nhân dân, trong những năm gần đây đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, công tác giám sát của MTTQ Việt Nam trong những năm qua và hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế về tổ chức thực hiện và kết quả đạt được; còn nhiều vướng mắc, khó khăn cả về chính sách, pháp luật, về nhận thức cũng như các điều kiện tổ chức thực hiện.

Những giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám sát của MTTQ Việt Nam

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về giám sát của MTTQ Việt Nam.

Trong năm 2017, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam  đã chủ động phối hợp với Ban Dân vận Trung ương tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Quy chế GS&PBXH của Bộ Chính trị. Đây là dịp đánh giá và rút ra các bài học kinh nghiệm, đề xuất ra phương hướng và giải pháp khắc phục hạn chế, phát huy ưu điểm trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát của MTTQ Việt Nam.

Qua sơ kết, đã chỉ ra yêu cầu thực hiện tiễn trong việc yêu cầu phải tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một bước Quy chế GS&PBXH của Bộ Chính trị, trong đó cần đặc biệt chú trọng việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên; xác định rõ hơn, cụ thể hơn trách nhiệm của tổ chức và đảng viên đối với hoạt động giám sát và cơ chế tiếp thu, thực hiện các kiến nghị, yêu cầu sau giám sát của MTTQ Việt Nam; xây dựng cơ chế tiếp thu, giải trình những kiến nghị của MTTQ Việt Nam trong hoạt động giám sát. Thực tế hiện nay, một số địa phương đã xây dựng và ban hành quy chế tiếp thu, giải trình của cấp ủy, người đứng đầu chính quyền địa phương đối với các kiến nghị của nhân dân thông qua MTTQ Việt Nam.

Qua sơ kết cũng chỉ ra yêu cầu cần phải nghiên cứu, sửa đổi pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, ban hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở thay thế cho Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2007 và các nghị định của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập hiện hành. Đồng thời, cần nghiên cứu để xây dựng Luật hoạt động GS&PBXH của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, cụ thể và đủ mạnh cho hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của Nhân dân.

Tăng cường nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, nâng cao nhận thức trong toàn xã hội, trọng tâm là trong hệ thống chính trị về công tác giám sát của MTTQ Việt Nam.

Một trong những việc làm quan trọng trước mắt là nâng cao nhận thức về giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cho cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Các cấp ủy đảng, cán bộ công chức, đội ngũ cán bộ chuyên trách của Mặt trận và nhân dân cần nhận thức đúng về giám sát của MTTQ Việt Nam. Giám sát của MTTQ Việt Nam nhằm mục đích kiểm soát hoạt động của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền trong thực hiện chính sách, phản ánh ý chí và nguyện vọng của xã hội, của nhân dân. Việc tiếp thu những ý kiến giám sát đồng nghĩa với tôn trọng dân chủ, tôn trọng Nhân dân và tất yếu có sự ủng hộ của đông đảo quần chúng Nhân dân, của xã hội, góp phần hạn chế được tình trạng phản ứng xã hội tự phát. Biết cầu thị, tiếp thu ý kiến, kiến nghị  xuất phát từ hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam là điều rất quan trọng để việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước luôn phù hợp với thực tế, với ý chí và nguyện vọng của Nhân dân.

 Trong việc nâng cao nhận thức về giám sát của MTTQ Việt Nam, cần đặc biệt chú trọng việc nâng cao nhận thức và hiểu biết về kỹ năng giám sát của đội ngũ cán bộ Mặt trận (gồm cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam và của các tổ chức thành viên của Mặt trận ở các cấp). Cần chú trọng công tác nghiên cứu, tuyên truyền, tăng số lượng bài viết về công tác giám sát của MTTQ Việt Nam trên các báo, tạp chí và các ấn phẩm khác của MTTQ Việt Nam và của các tổ chức thành viên. Tiếp tục hoàn thiện cuốn “Sổ tay công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” để trang bị kiến thức, kỹ năng về giám sát, phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ Mặt trận.

Trong tổ chức thực hiện, MTTQ Việt Nam các cấp cần thực hiện đồng bộ, đa dạng các hình thức giám sát. 

Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 quy định 4 hình thức giám sát cơ bản của MTTQ Việt Nam là: Nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; Tổ chức đoàn giám sát; Thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; Tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Tuy nhiên, hiện nay, ở các cấp MTTQ Việt Nam địa phương và kể cả Trung ương mới chỉ  chú trọng vào hình thức giám sát tổ chức đoàn giám sát mà chưa quan tâm thích đáng các hình thức giám sát khác. Trong khi đó, việc tổ chức đoàn giám sát lại có những khó khăn không nhỏ, như: việc tổ chức phức tạp, đòi hỏi nhiều nhân sự tham gia; tốn kém về kinh phí, phương tiện, việc bố trí thời gian… Vì vậy, bên cạnh việc cần tính toán việc sử dụng hình thức giám sát theo đoàn sao cho thật hiệu quả trong những trường hợp thực sự cần thiết, tránh tổ chức tràn lan theo phong trào, thì cần chú trọng sử dụng  các hình thức giám sát khác. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý sử dụng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản, giám sát  văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Tiếp tục đổi mới về tổ chức bộ máy và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam.

MTTQ Việt Nam cần thu hút và sử dụng được những người thực sự có đức, có tài, có dũng khí, dám nói, dám chịu trách nhiệm trong hoạt động giám sát. Mặt trận cần có các biện pháp nâng cao trình độ đội ngũ lãnh đạo Mặt trận các cấp, có chính sách quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và thu hút cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức. Tập hợp xây dựng một đội ngũ chuyên gia có trình độ chính trị, chuyên môn, có chính kiến, có tư duy độc lập, thực sự có tâm, nắm và hiểu được nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Với tổ chức hệ thống Mặt trận chặt chẽ, hợp lý, hoạt động có hiệu quả sẽ thực hiện tốt chức năng giám sát mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân mong muốn.

MTTQ Việt Nam cần phát huy tối đa tiềm năng to lớn của các tổ chức thành viên và các cá nhân tiêu biểu, các nhân sĩ, trí thức, các nhà khoa học, các Hội đồng tư vấn. Đồng thời, thông qua hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên, Mặt trận tổng hợp ý kiến, đề nghị, kiến nghị của cử tri và các tầng lớp nhân dân, tập hợp dư luận xã hội. Đây là nguồn thông tin, tư liệu vô cùng phong phú về cả lý luận và thực tiễn để giám sát.

Quá trình tổ chức giám sát phải đảm bảo, tính nhân dân, tính khoa học, khách quan và thiết thực. Yêu cầu trước mắt của MTTQ Việt Nam hiện nay là phải có hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin tốt trên cơ sở đó để đưa ra những ý kiến của mình. Đồng thời, Mặt trận cần quan tâm phát huy vai trò của báo chí, truyền thông để phản ánh kịp thời, công khai, minh bạch đối với những vấn đề giám sát.

Tiếp tục hoàn thiện phương thức hoạt động và tăng cường sự phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan, tổ chức khác trong quá trình giám sát.

Những năm qua, MTTQ Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong giám sát quá trình thực thi chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, trước mắt cần tiếp tục hoàn thiện phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam (trong đó có hoạt động giám sát) theo hướng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam, tiếp tục mở rộng dân chủ, phát huy vai trò giám sát các tầng lớp nhân dân. Thông qua đó mở rộng dân chủ, phát huy vai trò đoàn kết, tập hợp quần chúng của Mặt trận và các đoàn thể, tăng cường sự đồng thuận xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thắt chặt mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Cần quy định cụ thể hơn nữa mối quan hệ giữa Mặt trận với các tổ chức thành viên và giữa các tổ chức thành viên với nhau trong việc hiệp thương, phối hợp hành động để thực hiện các nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, trong đó có việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ giám sát. MTTQ Việt Nam cần tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội với các cơ quan có chức năng giám sát, thanh tra, kiểm tra để thực hiện quyền giám sát của mình. Đồng thời, cán bộ Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội cần phải sâu sát hơn với các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên để lắng nghe ý kiến phản ánh của Nhân dân, của hội viên, đoàn viên đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức Nhà nước.

Trong việc phối hợp giám sát của Mặt trận và các tổ chức thành viên, những vấn đề lớn liên quan đến quyền và nghĩa vụ đông đảo các tầng lớp nhân dân, thì Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp giữ vai trò chủ trì, các tổ chức thành viên hữu quan cùng tham gia. Các vấn đề cụ thể liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội nào, tổ chức đó tiến hành giám sát hoặc đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên khác cùng tham gia trên cơ sở xác định được trọng tâm, trọng điểm, tránh thực hiện tràn lan, không hiệu quả.

Hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam chỉ có thể phát huy hiệu quả tốt khi có sự phối hợp và thực hiện một cách đồng bộ với các hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm sát của các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Vì vậy, cần tăng cường sự phối hợp, kết hợp giữa hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên với hoạt động thanh tra của các cơ quan nhà nước, hoạt động kiểm tra của Đảng và hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp... Đặc biệt, cần chú trọng việc phối hợp giữa hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam với hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp. Bởi vì, hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND là hoạt động giám sát mang tính quyền lực nhà nước, và do vậy, khi được kết hợp với hoạt động giám sát mang tính của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tạo ra một cơ chế giám sát đồng bộ, có hiệu quả hơn trên thực tế.

Nguyễn Quang Minh

Tiến sĩ, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2015): Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.

2. Quốc hội (2015): Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

3. Trương Thị Hồng Hà: Hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo đảm chức năng giám sát của Quốc hội (2009), Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội.

4. TS. Nguyễn Tuấn Khanh (Chủ biên) (2016): Cẩm nang hoạt động giám sát dành cho Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn, Nxb Lao động, Hà Nội.

5. Thang Văn Phúc và Nguyễn Minh Phương (Chủ biên) (2007): Đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt nam và các tổ chức chính trị xã hội ở nước ta hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

6. Nguyễn Duy Quý (2006): Hệ thống chính trị nước ta trong thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản