Tin mới

Những thay đổi về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua các kỳ Đại hội

(Mặt trận) - Qua 40 năm xây dựng, phát triển và trải qua 8 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc, vị trí và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị nói riêng và xã hội nói chung ngày càng được nâng cao, với các nhiệm vụ quan trọng: Vận động nhân dân thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước; thực hiện giám sát và phản biện xã hội; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Vị trí và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng được nâng cao

Phát biểu tại Đai hội II Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 12/5/1983, đồng chí Phạm Văn Đồng- Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhấn mạnh:

“Hồ Chí Minh và Đảng ta có ý thức sâu sắc về sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, bởi Hồ Chủ tịch và Đảng ta luôn luôn thấy ở mỗi người Việt Nam là một người yêu nước và Mặt trận là sự tập hợp và nhân lên gấp bội tinh thần yêu nước đó”1.

Quán triệt sâu sắc quan điểm trên, ngay khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, gần như cùng một thời gian, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các đoàn thể cách mạng của công nhân, nông dân hình thành và ngày 18/11/1930 Hội Phản đế đồng minh (hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất) được thành lập.

Hơn 88 năm qua, trong quá trình cách mạng, nội dung và hình thức tổ chức của Mặt trận có sự thay đổi cho phù hợp với nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử. Do đó, vị trí và vai trò của Mặt trận không giống nhau. Song, ở mỗi thời kỳ cách mạng, Mặt trận luôn luôn là tổ chức có sứ mệnh lịch sử, đảm nhận nhiệm vụ chủ yếu dưới sự lãnh đạo của Đảng, để tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo phát huy lòng yêu nước, nhiệt tình cách mạng, ý chí kiên quyết đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài của mỗi người, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong gần một thế kỷ qua.

Vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ ngày thống nhất các tổ chức Mặt trận trong cả nước

1. Cùng với quá trình đấu tranh thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, chủ trương thống nhất các đoàn thể nhân dân và thống nhất Mặt trận cũng được tiến hành.

Đại hội I Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là thống nhất các tổ chức Mặt trận của cả nước: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam (từ ngày 31/1 đến ngày 4/2/1977).

Sau gần nửa thế kỷ, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta thành lập, đây là lần thứ hai tổ chức Đại hội Mặt trận toàn quốc, là lần đầu tiên có số lượng đại biểu lớn nhất (được gọi là Đại hội Diên Hồng ở thời đại Hồ Chí Minh). Đại hội khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dựa trên cơ sở liên minh công nông, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trương đoàn kết tất cả các chính đảng, các đoàn thể cách mạng, các giai cấp tiến bộ, các tổ chức nhân dân, các dân tộc, đồng bào các tôn giáo, các nhân sĩ, các lực lượng yêu nước tán thành chủ nghĩa xã hội ở trong nước và kiều bào ở nước ngoài để cùng nhau phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa”.

Về vị trí và vai trò của Mặt trận, Tổng Bí thư Lê Duẩn nhấn mạnh: “Mặt trận Dân tộc Thống nhất là Mặt trận đoàn kết dân tộc, Mặt trận của những người yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, của những lực lượng đấu tranh cho thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Mặt trận và các tổ chức thành viên phải nói tiếng nói của quần chúng, phát huy vai trò của nhân dân xây dựng chế độ làm chủ tập thể và trực tiếp tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý đời sống xã hội”.

2. Đại hội II Mặt trận Tổ quốc Việt Nam họp ở Thủ đô Hà Nội từ ngày 12 đến ngày 14/5/1983, trong bối cảnh bọn phản động trong giới cầm quyền Trung Quốc cấu kết với đế quốc Mỹ và các thế lực thù địch khác dùng mọi thế lực phá hoại, xuyên tạc, vu khống và cô lập nước ta, song chúng không thể ngăn cản được sự phát triển của cách mạng nước ta.

Trước tình hình đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trương đoàn kết các tầng lớp nhân dân, bao gồm: công nhân, nông dân, trí thức, những người lao động khác, các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sĩ, những người Hoa sống trên đất nước Việt Nam và đồng bào ở nước ngoài, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, không phân biệt thành phần xã hội, không phân biệt quá khứ như thế nào, miễn là thực tâm tán thành đường lối chính trị, Chương trình hành động, Điều lệ của Mặt trận, cùng nhau phấn đấu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

3. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam diễn ra từ ngày 2 đến ngày 4/11/1988 (được tiến hành sau Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam) - Đại hội mở đầu cho công cuộc đổi mới đất nước gần 2 năm.

Quán triệt tinh thần “Lấy dân làm gốc”, “Nhìn thẳng vào sự thật”, “nói đúng sự thật”, Đại hội III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là “Đại hội tăng cường và đổi mới công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đưa công tác Mặt trận và tổ chức Mặt trận lên ngang tầm nhiệm vụ chính trị”.

Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Đại hội III thông qua quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là khối liên minh rộng rãi và lâu bền của toàn thể nhân dân ta đã trở thành người chủ của đất nước. Mặt trận chủ trương tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong xã hội, đoàn kết các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, bao gồm: công nhân, nông dân, trí thức, những người lao động khác, tư sản dân tộc và tiểu chủ; đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo và đồng bào Việt Nam sống ở nước ngoài, không phân biệt thành phần xã hội, quá khứ và ý thức hệ miễn là tán thành Chương trình hành động và Điều lệ của Mặt trận, cùng nhau phấn đấu vì độc lập, tự do, vì hạnh phúc của nhân dân, góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Mặt trận tham gia cùng Đảng, Nhà nước xây dựng chính quyền nhân dân, giải quyết những vấn đề quan trọng và cấp bách của đất nước, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các tầng lớp nhân dân và mỗi người dân theo Hiến pháp và pháp luật”.

4. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tiến hành trọng thể tại Thủ đô Hà Nội trong hai ngày 17 và 18/8/1994 (để chỉ đạo Đại hội, ngày 17/11/1993, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII đã ra Nghị quyết số 07/NQ-TW “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc Thống nhất”).

Trong lịch sử Mặt trận, đây là bản nghị quyết chuyên đề thứ hai về công tác Mặt trận của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bản nghị quyết đầu tiên ra đời ngày 9/5/1962 khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng đi lên chủ nghĩa xã hội và cả nước đang tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Bản nghị quyết lần này có ý nghĩa lịch sử, vừa giải quyết vấn đề nhận thức trong toàn Đảng về đại đoàn kết dân tộc trong điều kiện mới, khi bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, vấn đề dân tộc trở thành một đặc điểm cực kỳ quan trọng; vừa giải quyết những vấn đề cơ bản, lâu dài nhằm đưa sự nghiệp đại đoàn kết lên tầm cao mới và chiều sâu mới, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của dân tộc.

Về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Điều lệ quy định: “Kế tục vai trò lịch sử của các tổ chức Mặt trận trước đây, Mặt trận Tổ quốc ngày nay là liên minh chính trị rộng lớn, là tổ chức liên hiệp tự nguyện của các đoàn thể nhân dân, các hội quần chúng, các cá nhân tiêu biểu của các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đại biểu cho ý chí và nguyện vọng của các giới đồng bào.

Trong giai đoạn hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trương phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội và dân tộc, quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo và tín ngưỡng, miễn là tán thành công cuộc đổi mới nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu sớm thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Vai trò và nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được Hiến pháp 1992 quy định tại Điều 9, là “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, Mặt trận phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, củng cố Nhà nước, chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức Nhà nước”.

Ngày 12/6/1999 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố.

5. Đại hội lần thứ V Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là đại hội chuyển tiếp từ thế kỷ XX sang thế kỷ XXI là đại hội “Phát huy tinh thần yêu nước; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tăng cường Mặt trận Dân tộc Thống nhất đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đại hội là: Thông qua Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo đó, vị trí, vai trò và nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định tại Điều 1 và Điều 2, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nơi hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của các thành viên. Mặt trận có nhiệm vụ tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, tuyên truyền động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước; tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước, tham gia xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, tham gia phát triển tình hữu nghị hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới”.

6. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Mặt trận Tổ quốc Việt Nam họp từ ngày 21 đến ngày 23/9/2004 với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Trí tuệ”. Đây thực sự là Hội nghị Diên hồng của dân tộc ta, mở đầu cho thế kỷ XXI.

7. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam họp tại Thủ đô Hà Nội trong các ngày 27, 28 và 29/9/2009 với chủ đề: “Nâng cao vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ góp phần tăng cường đồng thuận xã hội vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do hai Đại hội thông qua, trong phần vị trí, vai trò, nhiệm vụ giữ nguyên như Đại hội V, không có sự thay đổi.

8. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam họp từ ngày 25 đến ngày 27/9/2014 tại Thủ đô Hà Nội với chủ đề: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đại hội là sự cụ thể hóa một bước những quan điểm, chủ trương về đại đoàn kết dân tộc, về Mặt trận Dân tộc Thống nhất được đề ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011).

Điều lệ do Đại hội thông qua có một số điểm điều chỉnh về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đó là: “…Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày nay chủ trương phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội, dân tộc tôn giáo, quá khứ, ý thức hệ và chính kiến, miễn là tán thành công cuộc đổi mới nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”.

…“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, giám sát phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Ngày 9/6/2015, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XIII) kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Điều 1: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định:

“Kế thừa vai trò lịch sử của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị-xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Điều 3: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định Quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

+ Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

+ Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

+ Đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

+ Tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước.

+ Thực hiện giám sát và phản biện xã hội.

+ Tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh kiến nghị với Đảng và Nhà nước”.

Qua 40 năm với 8 nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép khẳng định:

Thứ nhất, sự nghiệp cách mạng càng tiến lên, công cuộc đổi mới càng thắng lợi thì vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị nói riêng, trong xã hội nói chung càng được nâng cao, góp phần ngày càng lớn vào việc thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa; tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Thứ hai, sự nghiệp đổi mới càng mở rộng và phát triển, hội nhập quốc tế càng đi vào chiều sâu, thì nhiệm vụ của Mặt trận càng nặng nề. Mặt trận lúc này không chỉ là tổ chức liên minh tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà quan trọng hơn là: Vận động nhân dân thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước; thực hiện giám sát và phản biện xã hội; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Nguyễn Túc

Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam

Chú thích:

1.  Văn kiện Đại hội lần thứ hai Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xuất bản, trang 17.

 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản