(Mặt trận) -Cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn TP Thanh Hóa chỉ còn 0,09% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020. Đây là thành quả đáng ghi nhận cho những nỗ lực cố gắng của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể cũng như sự phấn đấu vươn lên của các hộ nghèo trong những năm gần đây.
|
Ủy ban MTTQ TP Thanh Hóa bàn giao nhà Đại đoàn kết cho bà Đoàn Thị Bình, phường Thiệu Dương. |
Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao nhất, từ năm 2016, UBND thành phố ban hành “Kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016-2020” và các kế hoạch về thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Cùng với đó, thành phố luôn quan tâm kiện toàn lại ban chỉ đạo giảm nghèo khi có sự thay đổi về nhân sự, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí thành viên ban chỉ đạo phụ trách các phường, xã để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách giảm nghèo tại các địa phương. Giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các phường, xã và giao nhiệm vụ thực hiện các mục tiêu giảm nghèo cụ thể theo từng nguyên nhân và chỉ tiêu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho các phòng, ban, ngành có liên quan.
Trong thực hiện công tác giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền thành phố đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các phường, xã thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo và cận nghèo. Một trong những chính sách được ưu tiên là huy động nguồn lực cho công tác giảm nghèo. Giai đoạn 2016-2020, TP Thanh Hóa đã huy động vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được hơn 2,2 tỷ đồng, vốn cho các chính sách giảm nghèo chung gần 1,5 tỷ đồng cho các hộ nghèo, cận nghèo được vay đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, buôn bán nhỏ... tăng thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống. Các chính sách ưu đãi nhằm bảo đảm an sinh xã hội cũng được TP Thanh Hóa thực hiện hiệu quả trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó, chính sách hỗ trợ về giáo dục – đào tạo, thành phố đã thực hiện miễn, giảm học phí, chi phí học tập, hỗ trợ ăn trưa cho 15.827 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền hơn 7,3 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ về y tế, thành phố đã cấp thẻ BHYT cho 32.239 lượt người nghèo, người cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình với tổng kinh phí hơn 18,6 tỷ đồng. Về nước sạch và vệ sinh môi trường, đến nay trên địa bàn thành phố tỷ lệ dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi giai đoạn 2016-2020, thành phố có 240.500 gia đình chính sách được vay vốn để xây công trình nước sạch và công trình vệ sinh với tổng kinh phí 489 tỷ đồng. Về nhà ở, quỹ “Vì người nghèo” thành phố đã vận động được hơn 12 tỷ đồng, quỹ cứu trợ vận động được 6,4 tỷ đồng để kịp thời hỗ trợ Nhân dân vùng bị thiệt hại khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; hỗ trợ làm mới và sửa chữa 135 nhà Đại đoàn kết trị giá trên 4 tỷ đồng; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân các ngày lễ, tết hoặc đột xuất.
Trong 9 tháng năm 2021, thành phố tiếp tục thực hiện miễn, giảm học phí cho 341 học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí hơn 84 triệu đồng. Hỗ trợ mua 4.031 thẻ BHYT cho người nghèo, người cận nghèo, người làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Toàn thành phố có 1.129 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ chương trình tín dụng ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội với tổng số tiền hơn 68 tỷ đồng. Hỗ trợ tiền điện cho 990 lượt hộ nghèo với số tiền hơn 54 triệu đồng.
Với sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể, sự quan tâm, hỗ trợ từ các doanh nghiệp, công tác giảm nghèo trên địa bàn TP Thanh Hóa đạt nhiều kết quả quan trọng. Liên tục trong nhiều năm, từ năm 2016 đến 2020, TP Thanh Hóa luôn vượt chỉ tiêu tỉnh giao về giảm tỷ lệ hộ nghèo. Cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố là 2,83%, đến cuối năm 2020 giảm xuống còn 0,11%, toàn thành phố có 10 phường, xã không còn hộ nghèo. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố giảm còn 0,09%, (tương đương với 90 hộ), toàn thành phố có tới 18 phường, xã không còn hộ nghèo.
Thực hiện Nghị định số 07/NĐ-CP ngày 27-1-2021 của Chính phủ, giai đoạn 2022-2025 kế thừa và phát triển chuẩn nghèo đa chiều của giai đoạn 2016-2020 ở một cấp độ, mức độ cao hơn. Theo đó, tiêu chí thu nhập đối với khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị là 2 triệu đồng/người/tháng; tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (6 dịch vụ) gồm việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin. Theo tiêu chí mới này, qua rà soát cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của thành phố tăng cao hơn năm 2021 (chiếm 0,17%). Vì vậy, TP Thanh Hóa và các phường, xã tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giảm nghèo. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Điều tra, rà soát, thu thập thông tin, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nghèo để có giải pháp giúp đỡ từng hộ cho phù hợp; đồng thời nắm chắc tình hình đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thiên tai, bão lũ... để có phương án hỗ trợ kịp thời. Tích cực vận động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ để các gia đình vươn lên thoát nghèo. Cùng với sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, mỗi gia đình nghèo cần nỗ lực vươn lên thì việc thoát nghèo mới thực sự bền vững.
T.Phương