Hà Nội là một trong những địa phương tiến hành thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế hiệu quả. (Ảnh: HN)
Thực trạng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp... Việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý. Đó chính là nguyên nhân làm cho bộ máy của ta hoạt động kém hiệu quả.
Xác định được những tồn tại trên, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) “Về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị” đã đặt yêu cầu mục tiêu: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.
Nghị quyết xác định “việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó…”.
Vấn đề này đã được đặt ra từ lâu nhưng việc thực hiện còn chưa được bao nhiêu vì tổ chức bộ máy còn quá cồng kềnh. Lý do là trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại nằm ngay trong tư tưởng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Trong nghiên cứu, rà soát của Ban Tổ chức Trung ương thời gian qua cho thấy, tính chung các cơ quan Chính phủ, sau ba nhiệm kỳ (từ khóa XI đến nay là khóa XIV), số tổng cục tăng gấp đôi, lên 42 đơn vị. Chỉ tính riêng Chính phủ khóa XIII (2011-2016), số vụ, cục thuộc bộ và cấp phòng thuộc cục, vụ đã tăng trên 13% so với đầu nhiệm kỳ.
Cũng theo nghiên cứu, chức năng, nhiệm vụ một số bộ, ngành còn chồng chéo. Về đơn vị hành chính lãnh thổ, cả nước sau nhiều lần chia tách có 63 đơn vị cấp tỉnh, 713 cấp huyện và 11.162 cấp xã - quá nhỏ lẻ so với 38 tỉnh, thành, gần 500 huyện của năm 1976.… Điều đó đã làm cho gánh nặng ngân sách nhà nước ngày càng tăng. Để tinh gọn bộ máy thì có 2 cách, hoặc là sáp nhập, giải thể các cơ quan có chức năng tương đồng hoặc là thực hiện xã hội hóa các dịch vụ công mà nhà nước không cần nắm giữ để tinh giản bộ máy.
Kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy, để thực hiện thành công cải cách chính quyền phải thực hiện đồng bộ cả hai giải pháp đó. Ngay từ năm 1945, Nhật Bản đã xác định: Cải cách hành chính là động lực phát triển quốc gia. Tháng 6/1998, Nhật Bản ban hành Luật cơ bản về cải cách Chính phủ. Đến tháng 1/2001 thì chính thức tiến hành cải cách Chính phủ trên diện rộng. Sau cải cách, bộ máy hành chính của Chính phủ Nhật Bản giảm từ 23 xuống còn 13 tổ chức. Sáp nhập các bộ giảm được 15% tổng biên chế cả nước để có chính quyền nhỏ gọn.
Theo GS Hisao Tskamoto, Đại học Waseda, nguyên Vụ trưởng Vụ Đánh giá hành chính – Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản: chính quyền nhỏ gọn hơn không có nghĩa là tất cả chính quyền đều có quy mô nhỏ. Điều đó có nghĩa là các cơ quan nhà nước chỉ cần tồn tại vừa đủ để thực hiện những trách nhiệm cần thiết mang tính vĩ mô. Những chức năng và quyền hạn còn lại thì chuyển cho chính quyền địa phương và khu vực tư nhân. Khi chuyển giao quyền lực cho chính quyền địa phương và khu vực tư nhân thì họ làm hiệu quả hơn, gần gũi và phục vụ người dân tốt hơn bởi họ hoạt động theo nguyên tắc cạnh tranh.
Việc tách dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước nhằm thu hút các nguồn lực xã hội để người dân và doanh nghiệp có thể tham gia là một trong những giải pháp tinh giản bộ máy và xóa bỏ thế độc quyền lâu nay của các cơ quan nhà nước.
Hà Nội là một trong những địa phương thực hiện tốt Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị theo hướng giảm đầu mối, tăng hiệu quả. Đây chính là điểm sáng trên bức tranh cải cách bộ máy hành chính nhà nước của thành phố thời gian qua được Trung ương đánh giá cao. Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, để thực hiện giảm đầu mối và tinh giản biên chế, Hà Nội đã rà soát lại thẩm quyền của các cơ quan chuyên môn của thành phố, các quận, huyện... Thành phố cũng quyết liệt đẩy mạnh phân cấp quản lý kinh tế - xã hội nhằm giảm tải công việc cho cấp thành phố, đồng thời mở rộng quyền hạn của cấp dưới, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Theo đó, 22 sở, ngành và các đơn vị tương đương sở, các cơ quan chuyên môn quận, huyện, thị xã được xác định lại chức năng, nhiệm vụ. Qua rà soát, sắp xếp, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, số lượng phòng chuyên môn, văn phòng, thanh tra trên địa bàn thành phố hiện giảm 27,5%, số đơn vị sự nghiệp công lập cũng giảm 29,8% so với năm 2011. Hà Nội đã giảm từ 204 phòng còn 158 phòng; giảm từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị sự nghiệp công thuộc sở. Các quận, huyện đã giảm được 3 phòng dân tộc, hiện chỉ còn huyện Ba Vì có bộ phận này. Riêng đơn vị sự nghiệp khối quận, huyện, thị xã giảm rất lớn, từ 169 xuống còn 66 đơn vị. Đặc biệt, thành phố đã tinh giản biên chế 5 đợt với 297 trường hợp, trong đó có 47 công chức, 184 viên chức và 66 công chức cấp xã. Có thể nói, đây là lần kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế lớn nhất từ trước đến nay.
Phát huy kết quả đạt được, Hà Nội sẽ tiếp tục tinh giản theo mục tiêu đến năm 2021 sẽ giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015. UBND thành phố đang nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù để khuyến khích những cán bộ không phù hợp với vị trí đảm nhận hoặc hạn chế về sức khỏe tự nguyện tinh giản biên chế; khuyến khích cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm và hưởng 30% thu nhập của vị trí kiêm nhiệm. Song song với đó, thành phố tập trung chuyển các đơn vị sự nghiệp công sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa.
Giáo sư Hisao Tsukamoto chia sẻ kinh nghiệm về cải cách hành chính chính quyền Trung ương Nhật Bản. (Ảnh: HN)
Là người đã từng đứng trước Quốc hội nói về việc “chưng cất” lại cán bộ, ông Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, “chưng cất” ở đây là cả về bộ máy và cán bộ. Về bộ máy, cần phải rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan để hạn chế đến mức tối đa sự chồng lấn, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ; một việc chỉ nên giao cho một người; một chức năng, nhiệm vụ chỉ giao cho một cơ quan, đơn vị. Về cán bộ phải xây dựng được bộ tiêu chí với từng chức danh để làm sao có được công cụ rà soát lại năng lực, phẩm chất, trình độ của cán bộ; người nào tương ứng với công việc nào thì bố trí vào công việc đó.
Theo ông Lê Thanh Vân, nếu chúng ta tinh giản được bộ máy, thu hẹp đầu mối, quản lý hành chính một đầu mối làm sao để bộ máy hẹp lại, như vậy, chỉ riêng việc thu hẹp thôi đã đủ cơ sở để khẳng định có thể giảm được 50% biên chế; chưa nói tới việc “chưng cất” về cán bộ, công chức, chúng ta có thể giảm nhiều, chứ không chỉ 30%.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định, một cấp chính quyền có thể làm nhiều việc, nhưng 1 việc thì chỉ có 1 cơ quan làm. Đối với cấp Trung ương, chúng ta phải giảm đầu mối các bộ, ngành vì hiện nay đầu mối các bộ ngành đang phình ra và phân cấp xuống cho địa phương nhiều hơn; chuyển những cái doanh nghiệp và nhân dân làm được thì xã hội hóa đi để giảm đầu mối. Đối với chính quyền địa phương thì cơ cấu, thu hẹp lại số lượng chính quyền cơ sở.
Có thể nói, thu gọn bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương cần một giải pháp sát thực. Để làm được điều này, cấp ủy các cấp cần vào cuộc để hỗ trợ Trung ương kiểm tra, giám sát chính quyền địa phương và xã hội hóa một số dịch vụ công để giảm đầu mối là một phương án cần được nghiên cứu, xem xét và tập trung thực hiện cho thật hiệu quả./.
Theo Hiền Nguyễn/Báo Điện tử Đảng Cộng sản