Tin mới

Bàn giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

(Mặt trận) - Ngày 7/12, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì Hội thảo khoa học: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cộng đồng dân cư.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tiến Đạt. 

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định Hội thảo khoa học lần này có ý nghĩa quan trọng nhằm lắng nghe những ý kiến của các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn, MTTQ các cấp tại địa phương đóng góp giải pháp chung để thực hiện thắng lợi Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" trong tình hình mới gắn với thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ Việt Nam phát động.

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, quá trình theo dõi, đánh giá cho thấy có rất nhiều mô hình hiệu quả, cách làm hay trong thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước khác tại các địa phương. Chính vì vậy, Hội thảo cũng là dịp để đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố cùng nhau trao đổi, thảo luận, tìm ra những giải pháp chung để nâng cao chất lượng Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Bên cạnh việc đóng góp những ý kiến mang tính thực tiễn, đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố cũng được lắng nghe những ý kiến của các chuyên gia để gợi ý những phương thức hiệu quả hơn trong triển khai Cuộc vận động trong thời gian tới.

Với ý nghĩa đó, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị nội dung thảo luận cần tập trung làm rõ cơ sở, căn cứ MTTQ Việt Nam triển khai, phát động các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, trong đó trọng tâm là Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" trong tình hình mới. Đồng thời nêu giải pháp nhằm đổi mới nội dung phương thức triển khai cuộc vận động để Mặt trận phát huy được vai trò làm chủ và tính sáng tạo của nhân dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bà Đặng Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Nêu ý kiến tại Hội thảo, bà Đặng Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cho biết, nhằm hỗ trợ các huyện sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, Thành phố Hà Nội đã đứng ra làm cầu nối giữa các quận nội thành với các huyện ngoại thành trong việc tập trung nguồn lực, hình thành mô hình "Quận giàu đi với huyện nghèo”. Trong hai năm 2021 và 2022, tổng kinh phí 8 quận đã hỗ trợ cho các huyện trên 444,5 tỷ đồng, được sử dụng để nâng cấp hạ tầng kinh tế - văn hoá - xã hội, phục vụ đời sống dân sinh trên địa bàn 6 huyện đang về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao bao gồm huyện Mỹ Đức, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Mê Linh, Phú Xuyên và Phúc Thọ.

Để tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", bà Đặng Thị Phương Hoa đề xuất cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nâng cao chất lượng Hội nghị đại biểu nhân dân và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong triển khai xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế.

"Cần tăng cường công tác phối hợp giữa Ủy ban MTTQ với UBND và các ngành, các tổ chức chính trị- xã hội trong thực hiện các nội dung Cuộc vận động, xác định rõ các chỉ tiêu của từng cấp, từng ngành trong thực hiện Cuộc vận động, từ đó có lộ trình, thời gian phù hợp để thực hiện các nội dung Cuộc vận động ở từng cấp, từng ngành", bà Hoa nói.

TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa - Xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo 

Ở góc độ khác, TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa - Xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam đề xuất cần giải thích rõ nội hàm của các từ ngữ nêu trong tên của Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Cũng cần làm rõ "giai đoạn mới" là giai đoạn nào, có đặc thù và những điểm khác biệt gì so với giai đoạn khác, từ đó mới có thể định hướng đúng nội dung, hình thức cần triển khai của Cuộc vận động.

Đồng thời, để nâng cao hơn nữa chất lượng Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", MTTQ các cấp cần quan tâm phát huy vai trò của các chuyên gia trong việc nghiên cứu, tìm ra những giải pháp chuyên sâu, có tính khả thi cao. Đặc biệt tại các thành phố lớn, Ủy ban MTTQ cần tập trung vấn đề trọng dụng nhân tài, chú trọng vấn đề bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cho cán bộ Mặt trận các cấp.

 Ông Trần Xuân Nhiên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại Hội thảo

Chia sẻ kinh nghiệm ở địa phương, ông Trần Xuân Nhiên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh cho biết, điểm nổi bật trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bắc Ninh là MTTQ các cấp tỉnh đã thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất, hiến công để xây dựng giao thông nông thôn và các công trình dân sinh ở nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh đã có 89/89 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 8/8 đơn vị cấp huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, 9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Ông Trần Xuân Nhiên cho rằng, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ trong vận động và giám sát xây dựng nông thôn mới, phối hợp với các cơ quan liên quan trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm phát huy thực chất hơn vai trò chủ thể của người dân trong giám sát tại cộng đồng.

"MTTQ cấp xã cần phát huy trách nhiệm trong việc tổ chức phản biện dự thảo các văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án về xây dựng nông thôn mới, những chính sách liên quan trực tiếp đến đời sống người dân", ông Nhiên kiến nghị.

 

Ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định các đại biểu đã đề xuất những nhóm giải pháp hiệu quả xuất phát từ thực tiễn tại cơ sở để tiếp tục định hướng triển khai thực hiện nội dung Cuộc vận động trong thời gian tới, tạo cơ sở để phát huy vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc tham gia giám sát xây dựng nông thôn mới, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tại địa phương.

"Trong thời gian tới, MTTQ các cấp cần tăng cường giám sát, phối hợp giữa Mặt trận với các tổ chức thành viên của Mặt trận, giữa Mặt trận với chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước, triển khai Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước bám sát với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo sức lan tỏa đến đông đảo đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân", Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản