|
Quang cảnh buổi toạ đàm |
Mặt trận tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới
Giai đoạn 2016 - 2020, đánh dấu giai đoạn 2 trong lộ trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cả nước, với mục tiêu tổng quan là xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững.
Phát biểu tại buổi toạ đàm, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết: Tính đến tháng 6/2020, cả nước đã có gần 5.200 xã (hơn 58,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay có 135 đơn vị cấp huyện, thị xã, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Có 09 tỉnh, thành phố có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là (Nam Định, Đồng Nai, Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ); bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã. Năm 2020 phấn đấu sẽ có 15 huyện, thị thành phố trong cả nước hoàn thành xây dựng NTM; Phấn đấu 100% các huyện đều có xã đạt NTM. Phấn đấu hết năm 2020 cả nước có trên 60% số xã đạt chuẩn NTM, phấn đấu, chỉ còn dưới 600 xã bình quân dưới 10 tiêu chí...Như vậy mục tiêu phát triển xây dựng NTM được trải đều khắp cả nước.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh thông tin: Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã lựa chọn và chỉ đạo 10 tỉnh, thành phố làm điểm đánh giá sự hài lòng của người dân đối với xây dựng nông thôn mới của Trung ương. Kết quả bước đầu triển khai thực hiện chung trên địa bàn cả nước cho thấy MTTQ Việt Nam các cấp đã thực hiện tốt vai trò phối hợp, phân công trách nhiệm, theo dõi và đánh giá kết quả sự hài lòng của người dân từ mỗi cộng đồng. Các ý kiến chưa hài lòng của Nhân dân được Mặt trận các cấp tổng hợp và phản ánh kịp thời với cấp ủy, chính quyền các cấp. Tại một số nơi có tỉ lệ hài lòng của người dân thấp, Mặt trận các cấp đã có văn bản đề nghị dừng công nhận kết quả xây dựng nông thôn mới của địa phương.
|
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại buổi toạ đàm. |
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhìn nhận: Tuy nhiên việc triển khai xây dựng NTM ở các địa phương còn nhiều khó khăn, nhất là các tỉnh miền núi, tỉnh nghèo nguồn lực còn hạn chế. Hiện còn 18 đơn vị cấp tỉnh chưa có đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng NTM. Trong điều kiện kinh tế xã hội đất nước đang chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19 vì vậy mục tiêu xây dựng NTM hết sức nặng nề. Vì vậy tôi mong MTTQ các tỉnh trong vùng cùng nhau chung tay hưởng ứng, tham gia đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng những cách làm hay.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết: Dịp toạ đàm này là cơ hội để chúng ta mổ xẻ, phân tích những hạn chế, bất cập, tập trung thảo luận, chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong quá trình thực hiện tham gia xây dựng NTM. Tích cực tham gia giữ gìn môi trường, truyền thống văn hoá, phát huy vai trò của nhân dân trong công tác giám sát. Thể hiện trách nhiệm cùng với các cơ quan ghi nhận kết quả xây dựng NTM thông qua việc lấy ý kiến của người dân đánh giá về quá trình xây dựng NTM, không bị sức ép thành tích, không bị chi phối từ áp lực của địa phương để có đánh giá sự hài lòng của người dân một cách thiết thực, kết quả tốt nhất…
|
Ông Lâm Văn Mẫn, Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc trăng đánh giá đóng góp của Mặt trận tỉnh |
Ghi nhận kết quả và công tác tham gia xây dựng NTM tại địa phương, ông Lâm Văn Mẫn, Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc trăng cho biết: Với sự nỗ lực cố gắng của Mặt trận các cấp đoàn thể trong xây dựng NTM góp phần cùng với tỉnh đến nay đã hoàn thành 45/80 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 đơn vị huyện được công nhận huyện NTM...Hội nghị là điều kiện tốt các địa phương trao đổi chia sẻ kinh nghiệm về cách thức hoạt động, góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi phong trào xây dựng NTM…
Những hiến kế thiết thực của Mặt trận góp phần xây dựng NTM.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong việc MTTQ trong việc giám sát xây dựng NTM và lấy ý kiến hài lòng của nhân dân, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Ban phong trào UBMTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang cho biết: Thông qua việc lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân và được người dân đồng thuận cao với kết quả khả quan toàn tỉnh hiện nay đã được công nhận 31/51 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, 03 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao, 19/23 phường, thị trấn Văn minh đô thị; 03/08 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là các xã và các huyện được lấy ý kiến người dân đạt từ 90% trở lên hài lòng với kết quả xây dựng NTM.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, để công tác xây dựng NTM tiếp tục đạt hiệu quả trong thời gian tới, cần sự quan tâm, chỉ đạo tập trung của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể; làm tốt công tác tuyên truyền; thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở. Đảm bảo công khai cho các tổ chức đoàn thể, cán bộ, đảng viên và mọi người dân được tham gia đóng góp xây dựng và giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, đề án xây dựng NTM ở địa phương. Kịp thời sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng cá nhân, tổ chức, hộ gia đình có nhiều đóng góp xây dựng NTM.
|
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh An Giang |
Chia sẻ về kinh nghiệm trong việc tham gia xây dựng NTM ở địa phương, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh An Giang cho biết: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân trong tham gia thực hiện xây dựng NTM; Phát huy tốt mọi nguồn lực của Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp và khoa học kỹ thuật trong xây dựng nông thôn mới để nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển bền vững; Tập trung nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng nông thôn theo hướng đáp ứng yêu cầu, đi sâu vào chất lượng và bền vững; chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; Củng cố, nâng chất hoạt động của Ban công tác Mặt trận đủ sức đáp ứng yêu cầu nội dung của Cuộc vận động trong giai đoạn mới; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng quản lý chặt chẽ việc sử dụng các nguồn lực thực hiện Chương trình; tiếp tục phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới.
Đại diện cho các tôn giáo trên địa bàn tham gia xây dựng NTM, Thượng toạ Thích Minh Hạnh, Phó trưởng ban thường trực Ban trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, trụ trì chùa Thiên Thới huyện Kế Sách cho biết: Chúng tôi xác định là một thành viên của MTTQ Việt Nam vì vậy thời gian qua các hoạt động của MTTQ, đoàn thể các cấp trên địa bàn chúng tôi đều đồng hành tham gia các hoạt động, phong trào. Cụ thể đóng góp nhiều kết quả cho công tác giảm nghèo, xây dựng nhà cửa, chùa. Năm 2019 chúng tôi vận động được 60 tỉ đồng xây dựng giao thông nông thôn, cụ thể xây dựng được 20 cầu giao thông nông thôn...
Chia sẻ thêm với phóng viên, bà Lê Thị Vệ, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang cho biết: Với phương châm “thiết thực, chất lượng, hiệu quả” trong xây dựng các mô hình tự quản, Mặt trận các cấp đã chủ trì xây dựng 490 mô hình ở các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới. Các tổ chức thành viên đã xây dựng trên 4.460 mô hình; có 225 mô hình Nhân dân tự xây dựng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 78/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn tỉnh đạt 16,8 tiêu chí/xã. Một huyện đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới là huyện Tân Hiệp, dự kiến cuối năm 2020 sẽ có thêm 02 huyện được công nhận là huyện Nông thôn mới (huyện Vĩnh Thuận và huyện Giồng Riềng).
Về thời gian tới bà Lê Thị Vệ cho biết: “Tiếp tục hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, thành phố triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới thông qua việc tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tập trung tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân về đề án xây dựng NTM của địa phương; tập trung vận động nguồn lực xây dựng nông thôn mới tại địa phương; nâng cao vai trò giám sát của nhân dân trong giám sát thực hiện các tiêu chí Nông thôn mới…
Dịp này UBMTTQ Việt Nam các tỉnh và Mặt trận các huyện thị trên địa bàn cũng tham gia đóng góp, chia sẻ những cách làm hay trong việc vận động, giám sát việc thực hiện pháp luật về an toàn giao thông của MTTQ Việt Nam...
Quốc Trung