Tin mới

Bia di tích lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Địa chỉ đỏ nhắc nhở thế hệ mai sau về những năm tháng hào hùng của dân tộc

(Mặt trận) - Xã Kiên Đài (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) là một trong những địa điểm được chọn làm nơi ở và làm việc của các lãnh tụ và nhiều cơ quan Trung ương trong giai đoạn từ 1948-1952 để chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Tại đây đã xác định được 23 điểm di tích lịch sử quan trọng, trong đó, có di tích lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, ở thôn Nà Bó (nay là thôn Làng Khây 1), là nơi ghi dấu những hoạt động của cán bộ Mặt trận Liên Việt trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đợt 3 đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (yagi) gây ra

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương phân bổ đợt 3 số tiền 948 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (yagi)

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao quyết định nghỉ hưu cho các Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2019-2024

Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tôn Đức Thắng, cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội trường tổ chức Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Hội Liên Việt. (Ảnh tư liệu) 

Năm 1950, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang quyết liệt, do yêu cầu bức thiết thiết của sự nghiệp cách mạng, Đảng cần phải ra hoạt động công khai, công tác chuẩn bị cho tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng được Ban Thường vụ Trung ương Đảng triển khai ngay từ đầu năm 1948. Để hoàn thiện các văn kiện quan trọng sẽ trình tại Đại hội và chỉ đạo công tác chuẩn bị nội dung và cơ sở vật chất nhằm bảo đảm cho sự thành công của Đại hội, đầu năm 1950, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính Phủ, Mặt trận đã di chuyển từ xã Tân Trào, huyện Sơn Dương đến xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa ở và làm việc.

Cơ quan Tổng bộ Việt Minh đã chuyển đến làm việc tại thôn Nà Bó, xã Kiên Đài. Trong thời gian ở và làm việc tại đây, cơ quan Tổng bộ Việt Minh có khoảng 20 cán bộ, đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Bí thư Tổng bộ Việt Minh; đồng chí Xuân Thủy làm Trưởng ban Tuyên truyền, Ủy viên Thường vụ Tổng bộ Việt Minh. Đồng chí Hoàng Quốc Việt vừa phụ trách Tổng bộ Việt Minh, đồng thời phải đảm trách nhiều công việc khác như Bí thư Đảng đoàn của Mặt trận Liên Việt kiêm phụ trách Ban Dân vận Trung ương. Đồng chí Xuân Thủy được giao làm Chủ nhiệm tòa soạn báo Cứu Quốc.

Chủ tịch Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Bia di tích lịch sử Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam tháng 4.2021

Tại xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa, Tổng bộ Việt Minh đã chỉ đạo tiến hành các công việc nhằm thực hiện nhiệm vụ tập hợp ngày càng đông đảo hơn nữa các tầng lớp nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các dân tộc, tôn giáo. Kêu gọi toàn dân ủng hộ kháng chiến, phát động các phong trào phá tan cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp, hưởng ứng tích cực phong trào thi đua ái quốc, đỡ đầu bộ đội, đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận, bãi công, bãi thị ở vùng tạm chiếm, động viên các phong trào đấu tranh trong lòng địch, phong trào giết giặc lập công, tăng gia sản xuất, xây dựng đời sống mới.

Cũng tại đây, Tổng bộ Việt Minh đã hoàn thiện báo cáo "Củng cố khối đoàn kết để chiến thắng" trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Báo cáo có nêu rõ: Trong điều kiện chính quyền còn non trẻ, chính sách tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân của Đảng đã mở rộng và được sự lãnh đạo của giai cấp công nhân trong khắp các tầng lớp nhân dân, củng cố chính quyền, phát triển lực lượng bộ đội và góp phần đưa cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tổ chức tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Hội Liên Việt được tổ chức từ ngày 3 đến ngày 7/3/1951. Đại hội đã hoàn thành, thống nhất hai tổ chức Mặt trận Việt Minh - Hội Liên Việt thành một Mặt trận Dân tộc thống nhất, lấy tên Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Mặt trận Liên Việt. Đại hội đã suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch danh dự của Mặt trận Liên Việt, cử đồng chí Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt.

Tại nơi đây, Mặt trận Liên Việt đã thực hiện đường lối của Đảng, giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, với phương châm vận động, xây dựng và củng cố tổ chức trong công nhân, nông dân, trí thức, dân tộc thiểu số, tôn giáo và ngoại kiều; tập hợp, vận động các liên minh, các đảng phái, tôn giáo, các tầng lớp nhân dân cùng đoàn kết đứng lên tham gia kháng chiến.

Cuối năm 1952, cơ quan Mặt trận Liên Việt chuyển đến ở và làm việc tại thôn Chi Liền, xã Trung Yên. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tôn Đức Thắng, Mặt trận Liên Việt đã có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Chủ tịch Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến dâng hoa tại Bia di tích lịch sử Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam tháng 4.2021 

Với ý nghĩa đó, năm 2012, được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bia di tích lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã được đầu tư, xây dựng tại xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa. Đến tháng 5/2014, công trình được hoàn thành. Tấm bia mang dòng chữ "Đây là nơi làm việc của Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt từ đầu năm 1950 đến đầu năm 1952 để chuẩn bị cho Đại hội thống nhất hai tổ chức Mặt trận, thành lập Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Mặt trận Liên Việt); đồng thời là nơi Tổng bộ Việt Minh đã hoàn thiện báo cáo "củng cố khối Đại đoàn kết để chiến thắng” trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng".

Tấm bia cũng trân trọng dẫn lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh - Hội Liên Việt: “Lòng sung sướng ấy là chung của cả toàn dân, của cả đại hội, nhưng riêng tôi là một sự sung sướng không thể tả...Hôm nay, trông thấy rừng cây đại đoàn kết ấy đã nở hoa kết trái và gốc rễ của nó đang ăn sâu lan rộng khắp toàn dân và nó có một cái tương lai “trường xuân bất lão”...”.

Bia di tích chính là địa chỉ đỏ để nhắc nhở thế hệ mai sau về truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam và những cống hiến hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước vì hòa bình, độc lập thống nhất của Tổ quốc.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao quà cho các hộ gia đình nghèo và gia đình chính sách tại xã Kiên Đài tháng 4.2021 

Tới thăm Di tích lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, tại xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, nơi ghi dấu những hoạt động của cán bộ Mặt trận Liên Việt trong thời kỳ kháng chiến, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hệ thống Mặt trận từ Trung ương tới địa phương nguyện học tập, noi gương các vị tiền bối cách mạng, khắc phục mọi khó khăn, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng lòng, chung sức xây dựng đất nước Việt Nam cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc.

Trò chuyện với bà con xã Kiên Đài, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến gửi lời cảm ơn và tri ân công lao của bà con huyện Kiên Đài đã bao bọc, bảo vệ những chiến sĩ cách mạng trong suốt những năm tháng làm việc tại địa phương để đất nước được tự do, độc lập, hạnh phúc như ngày hôm nay.

Từ nguồn lực và sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kiên Đài nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tin tưởng, nối tiếp truyền thống của lớp người đi trước, đảng bộ, nhân dân các dân tộc xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa nói chung, tỉnh Tuyên Quang nói riêng phát huy tốt truyền thống quê hương cách mạng và tinh thần đại đoàn kết, xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp và văn minh.

Di tích lịch sử Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam tại thôn Làng Khuây 1, xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: Tư liệu)
Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản