|
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam dự Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Gia Lai |
Dự Đại hội có ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; ông Hồ Văn Niên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai; lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Gia Lai… cùng 250 đại biểu ưu tú đại diện cho hơn gần 750 nghìn người dân tộc thiểu số thuộc 44 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai tham dự Đại hội.
|
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam dự Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Gia Lai |
“Các dân tộc tỉnh Gia Lai đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”
Gia Lai là tỉnh vùng cao biên giới nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có vị trí quốc tế quan trọng trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Toàn tỉnh có 17 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 2 thị xã và 14 huyện) với 218 xã, phường, thị trấn và 1.577 thôn, làng, tổ dân phố.
Dân số toàn tỉnh năm 2024 là 1.634.896 người, với 44 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào DTTS là 748.124 người, chiếm 45,76% dân số toàn tỉnh (dân tộc Jrai chiếm 29,65%, dân tộc Bahnar 12,90%, các dân tộc khác chiếm 3,21%). Các dân tộc thiểu số cư trú đều khắp các địa bàn trong tỉnh; mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội riêng rất phong phú, đa dạng, tạo nên tính thống nhất trong nền văn hóa tại địa phương.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung phát biểu khai mạc Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Gia Lai |
Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung nhấn mạnh, với tinh thần “Các dân tộc tỉnh Gia Lai đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn tỉnh Gia Lai lần thứ IV phải thật sự là biểu tượng của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về chính sách dân tộc và đại đoàn kết các dân tộc.
Đồng thời, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc cho đồng bào các dân tộc thiểu số vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; tạo khí thế thi đua sôi nổi, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh, lập nhiều thành tích hơn nữa đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung của tỉnh, cả nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
|
Quang cảnh Đại hội |
Báo cáo chính trị được trình bày tại Đại hội khẳng định, trong 5 năm qua, tình hình vùng DTTS của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã chỉ đạo triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vùng đồng bào các DTTS và MN từng bước được nâng lên, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; đội ngũ cán bộ người DTTS, hệ thống chính trị vùng dân tộc được tăng cường; khối đại đoàn kết dân tộc được phát huy, giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố thêm niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo, quản lý chung của các cấp tại địa phương.
Kết cấu hạ tầng cơ sở vùng DTTS được tăng cường đầu tư đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Các địa phương quan tâm đến việc triển khai nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, lao động nông thôn vùng DTTS&MN; từng bước hình thành mô hình, chuỗi sản xuất ứng dụng công nghệ mới. Bộ mặt nông thôn vùng dân tộc ngày càng khởi sắc.
Đến nay trên 99% đường giao thông đến trung tâm xã, thôn, làng được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; số trường học được kiên cố hóa đạt 87,2%, số trường học đạt chuẩn quốc gia chiếm 65% (tăng 10% trong 5 năm), tỷ lệ huy động trẻ ra trường ngày càng tăng (mẫu giáo 93,2%, tiểu học 99,9%, trung học cơ sở 96,8%, trung học phổ thông 59%); 89% cơ sở y tế được kiên cố hóa; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế 94%, tỷ lệ người dân có bảo hiểm y tế 91%; thôn làng có nhà sinh hoạt cộng đồng 98,4%; An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố; niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương được nâng lên; khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh ngày càng được củng cố và tăng cường.
Để đạt được những kết quả trên, có thể khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng đối với công tác dân tộc, sự đầu tư nguồn lực có hiệu quả của Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ngày càng sát với thực tiễn và thể hiện sự vận dụng chính sách dân tộc năng động, có hiệu quả của các cấp ủy, chính quyền địa phương; sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào các DTTS, sự đồng tình ủng hộ của người dân trong tỉnh và sự hỗ trợ của các cấp, các ngành chung trong cả nước.
|
Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại Đại hội |
Quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Phát biểu tại Đại hội, ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, nước ta có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, với 14,2 triệu người, chiếm 15% dân số cả nước. Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở vùng miền núi, dọc theo tuyến biên giới từ Bắc vào Nam, đây là vùng chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại và môi trường sinh thái.
“Đồng bào các dân tộc có lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó keo sơn với nhau trong chế ngự thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm, đóng góp xứng đáng công sức của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ.
|
Đại biểu tham dự Đại hội |
Khẳng định trong mọi thời kỳ cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt, ban hành nhiều chủ trương chính sách, đảm bảo cho các dân tộc: bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo: Cần thống nhất nhận thức về vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và yêu cầu cấp bách, hơn bao giờ hết, ưu tiên hàng đầu củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, đây là một trong những giải pháp then chốt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Cũng theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, Nhà nước đã ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, nhất là đầu tư xây dựng đường giao thông, điện, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng… đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3-4%; đồng bào ốm đau được Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh; Con em đến tuổi được đi học, khó khăn thì Nhà nước hỗ trợ gạo, tiền để ăn học ở trường nội trú, bán trú; quyền bình đẳng của các dân tộc được bảo đảm; bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được quan tâm đầu tư bảo tồn và phát huy. Cán bộ người dân tộc thiểu số được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng hợp lý, tăng cả số lượng và chất lượng; An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi được giữ vững; niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước được nâng lên; khối đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được củng cố và tăng cường.
“Hòa cùng với kết quả chung của cả nước, tỉnh Gia Lai đã tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, có mặt nổi trội; cơ bản đạt được các mục tiêu Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai lần thứ 3 đề ra”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh và khẳng định, đó là những kết quả đáng trân trọng và tự hào, đánh dấu một bước phát triển mới của tỉnh nói chung và công tác dân tộc nói riêng.
|
Đại biểu tham dự Đại hội |
Hoan nghênh và đánh giá cao chủ đề của Đại hội: “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, với những thành tố có tính hiệu triệu thể hiện khát vọng vượt khó vươn lên của đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, để hiện thực hóa được khát vọng đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể, lực lượng vũ trang, cả hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai cần tập trung triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, … nắm vững quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong tình hình hiện nay. Đặc biệt là Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Đồng thời, căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định, quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án phù hợp với thực tiễn của tỉnh Gia Lai, triển khai thực hiện với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nâng cao thực chất đời sống, vật chất, tinh thần của đồng bào; phát huy vai trò quan trọng của già làng, người có uy tín trong cộng đồng làm nòng cốt, tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc góp phần xây dựng “thế trận lòng dân vững chắc”, không ngừng củng cố tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
|
Các đồng chí Lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu |
Hai là, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể, lực lượng vũ trang và cả hệ thống chính trị cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, tầm quan trọng của công tác dân tộc trong tình hình hiện nay, từ đó tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động; kịp thời phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến cơ sở, trực tiếp với đồng bào; nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, không nghe, không tin, không làm theo lời kẻ xấu hòng xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, phá hoại mối quan hệ gắn bó “máu thịt” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.
Đồng thời thông qua công tác tuyên truyền và việc làm cụ thể, nâng cao nhận thức của đồng bào, phát huy nội lực, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng và xã hội nỗ lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; tự chủ, tự hào, tự tin vượt khó vươn lên.
Ba là, đề nghị tỉnh khảo sát, đánh giá khách quan, toàn diện một số hạn chế, tồn tại hiện nay, để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc đưa chính sách vào thực tiễn cuộc sống; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tỉnh cần quán triệt sâu sắc chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại Hội nghị sơ kết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I, khu vực miền Trung - Tây Nguyên, rút kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, nhất là lựa chọn đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đủ trình độ, năng lực, trách nhiệm, tâm huyết để giai đoạn 2026-2030 thực hiện thật hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia như tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm: Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Ngay sau Đại hội này, tập trung triển khai thực hiện thật tốt phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, đây là một cơ hội hiếm có để chúng ta giải quyết căn cơ nhà ở cho người nghèo, trong đó chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Bốn là, đề nghị đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai luôn khắc cốt ghi tâm công lao trời biển của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Đoàn kết, chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo; cùng nhau bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, vì cuộc sống an yên của chính chúng ta; dù khó khăn đến đâu cũng phải tạo điều kiện để con cháu chúng ta đi học, học tập, nâng cao trình độ là con đường ngắn nhất để thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, hòa nhập, phát triển cùng với đất nước; cùng nhau bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc, phong phú đa dạng, thống nhất trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam; giữ gìn tiếng nói, chữ viết, dân ca, dân vũ, dân nhạc, trở thành tài nguyên nội sinh để phát triển du lịch, mời gọi du khách đến với Gia Lai, đến với Tây Nguyên hùng vĩ. Cùng nhau truyền dạy cho con cháu chúng ta về tình yêu quê hương, đất nước, cùng nhau ra sức giữ gìn hồn cốt của người dân tộc thiểu số: cần cù, chịu khó, thật thà, tốt bụng; đồng lòng, chung sức xây dựng thôn, làng, khu dân cư Đoàn kết, ấm no, hạnh phúc.
Năm là, Đại hội các dân tộc thiểu số là dịp để chúng ra nhìn nhận, đánh giá đúng đắn kết quả đạt được của công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, trên cơ sở đó, phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế để thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới. Vì vậy, tôi đề nghị Ủy ban Dân tộc và cơ quan công tác dân tộc các cấp chủ trì, phối hợp với các bộ, ban ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế trong thực hiện các chính sách giai đoạn 2020 - 2025; chủ động đề xuất chính sách giai đoạn tới, nhất là thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2026 - 2030.
“Đề nghị các ban, bộ ngành, các cơ quan hữu quan có thẩm quyền “chân thành lắng nghe, thực lòng giải quyết mọi vướng mắc phát sinh” tổ chức thực hiện tốt hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thu hẹp dần khoảng cách so với vùng phát triển”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gợi mở.
Nhấn mạnh đồng bào các dân tộc thiểu số là “máu thịt”, một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam; đoàn kết các dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tin tưởng, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai sẽ lan tỏa tinh thần đại đoàn kết lên tầm cao mới; kết nối đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai với nhau, tỉnh Gia Lai với đồng bào các dân tộc cả nước; 250 đại biểu sẽ là hạt nhân quan trọng truyền cảm hứng để mọi người, mọi nhà vượt khó vươn lên, đồng lòng chung sức xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc; xây dựng tỉnh Gia Lai phát triển nhanh, bền vững. Cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nhất định chúng ta sẽ xây dựng được đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu, như sinh thời Bác Hồ muôn vàn kính yêu hằng mong ước.
Hương Diệp