|
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị |
Cụm thi đua Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh miền Tây Nam Bộ (gọi tắt là cụm Tây Nam Bộ) gồm 12 đơn vị là Bến Tre, Cà Mau, An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long. Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre là Cụm trưởng, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau là Cụm phó.
Phát biểu định hướng nội dung hội nghị, bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị cần hết sức khách quan khi đánh giá thi đua.
“Tôi mong muốn với những nội dung thi đua chúng ta đã bàn, với tiêu chí đã thống nhất, chúng ta sẽ có những hoạt động hết sức thực chất. Để từ đó, cuối năm chúng ta gắn tiêu chí đó vào kết quả đánh giá. Không phải nể nhau và nhìn nhau xem thái độ tinh thần mỗi địa phương để chấm điểm. Chứng ta phải thực chất trong đánh giá thi đua khen thưởng. Phải làm sao để thi đua khen thưởng là động lực cho mặt trận các tỉnh cùng nhau phát triển chứ không phải thi đua rồi xuê xoa, cào bằng, luân phiên”, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu chỉ đạo.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre thông qua dự thảo Quy chế hoạt động; Hướng dẫn giao ước thị đua, Kế hoạch hoạt động của Cụm thi đua các tỉnh miền Tây Nam bộ năm 2023.
Các thành viên trong cụm thi đua đã có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận để đóng góp cho hoạt động thi đua. Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Long An, Bạc Liêu, An Giang cho rằng không nên kiểm tra chéo trong đánh giá thi đua, hình thức này thời gian qua chưa thực chất.
|
Ông Nguyễn Tiếc Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang phát biểu tại Hội nghị |
“Tôi đồng tình với các anh là thôi đừng kiểm tra chéo. Tôi thấy rằng không hiệu quả. Trong cụm mình nên tổ chức học tập kinh nghiệm và có thêm thành phần đi đông hơn để anh em có điều kiện tra đổi nhiều hơn.”, ông Nguyễn Tiếc Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang cho biết.
Về tiêu chí công tác giám sát trong đánh giá thi đua, ông Nguyễn Tiếc Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang cho rằng không nên qui định quá cụ thể và đề nghị điều chỉnh làm sao cho phong phú, phù hợp với tình hình thực tế mỗi địa phương.
Bên cạnh đó, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương cũng chia sẻ các khó khăn, thuận lợi trong công tác giám sát của mặt trận thời gian qua.
Đánh giá về công tác phản biện của các địa phương trong cụm các tỉnh miền Tây Nam Bộ, bà Phạm Thanh Tuyền, Phó Trưởng Ban công tác phía Nam cho biết: Nhìn chung công tác phản biện của cụm các tỉnh thành miền Tây Nam Bộ so với cụm Đông Nam Bộ thực hiện còn yếu, chưa tròn. Tuy nhiên qua kiểm tra công tác này cho thấy một số đơn vị làm rất tốt mảng này như Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long... một số địa phương khác làm vẫn chưa đều, có những địa phương cấp xã chưa biết làm phản biện xã hội, cấp huyện một số ít còn ngộ nhận giữa góp ý và phản biện. Cụ thể góp ý về một văn bản chưa đưa ra được kiến nghị xác đáng và ý kiến 2 chiều từ phía cơ quan dự thảo…đó chưa phải là phản biện mà mới chỉ nằm ở góp ý, vì vậy trong tiêu chí thi đua khi chấm điểm cũng cần cân nhắc và nới tay…
Ông Nguyễn Văn Hoà - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu cho biết trong thời gian qua, công tác giám sát của UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu hết sức thuận tiện. Tháng 10 hàng năm, mặt trận sẽ làm đầu mối trung gian với các tổ chức, các quan đơn vị xây dựng nội dung giám sát và đăng ký với Thường trực Tỉnh uỷ.
“Khi đăng ký, Thường trực Tỉnh uỷ đã cân đo, đong đếm xem từng cơ quan đơn vị xem coi đơn vị nào cần giám sát nội dung gì. Tỉnh uỷ đã duyệt thì mình căn cứ vào đó thực hiện trên cơ sở đề xuất”, ông Nguyễn Văn Hoà chia sẻ.
Chia sẻ thêm với các đơn vị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, giám sát không có nghĩa là soi mói để tìm ra tiêu cực. Giám sát là để thấy được trách nhiệm của người Đảng viên trong rèn luyện, tu dưỡng đạo đức với vai trò là người lãnh đạo.
“Chúng ta phải hết sức kiên trì, đúng qui định và phải bản lĩnh. Dám nhìn vào sự thật và dám thay mặt nhân dân để mình giám sát thì chúng ta mới đạt được yêu cầu, nhiệm vụ giám sát”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre (Cụm trưởng) cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các tỉnh trong cụm thi đua cũng như ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và có những điều chỉnh các tiêu chí giao ước thi đua cho phù hợp.
|
Ký kết ký kết giao ước thi đua Cụm |
Trước sự chứng kiến của Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, 12 đơn vị trong Cụm thi đua các tỉnh miền Tây Nam Bộ cùng nhau ký kết ký kết giao ước thi đua, cam kết tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung đăng ký thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đề ra trong năm 2023.
Theo nội dung giao ước thi đua, Cụm thi đua các tỉnh miền Tây Nam Bộ tập trung tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành xuất sắc 5 nội dung sau.
Đó là Thi đua nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thi đua học tập, lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước.
Thi đua thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tham gia xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Thi đua tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại Nhân dân.
Thi đua tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Các đơn vị trong Cụm cam kết, phát huy truyền thống thi đua yêu nước, thường xuyên phối hợp chặt chẽ để thực hiện thắng lợi các nội dung nêu trên...
|
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh tặng hoa chúc mừng đại diện trưởng Cụm và phó Cụm |
QUỐC TRUNG - THANH TIẾN