Tin mới

Cuốn sách quý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”

(Mặt trận) - Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2023), đồng thời góp phần quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức xuất bản cuốn sách "Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc" của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. PGS.TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã có bài phân tích về cuốn sách của Tổng Bí thư. Ban Biên tập trân trọng đăng nội dung bài viết.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 2/3/2023. Ảnh: Trí Dũng/ TTXVN. 

Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam, được hình thành và phát triển trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc ta. Tinh thần đoàn kết muôn người như một đã tạo thành sức mạnh vô địch, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, bảo vệ vững chắc độc lập của Tổ quốc. Kế thừa truyền thống đoàn kết của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp xây dựng, vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế. Tư tưởng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết thành bài học: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Từ khi thành lập và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn xác định xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Điểm tương đồng để quy tụ, tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc là mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Trong đó, nền tảng vững chắc của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là mối quan hệ bền chặt giữa Đảng và nhân dân, là niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta; là sự đoàn kết giữa các giai tầng xã hội, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa những người theo các tôn giáo khác nhau; giữa người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài; là đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tại cuộc gặp mặt đại biểu dự Hội nghị Biểu dương Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022, ngày 26/11/2022. Ảnh: Quang Vinh.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 90 năm qua, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường và phát huy. Đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để từng bước chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền, các dân tộc, các tôn giáo, giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước...

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, Đảng ta và cả hệ thống chính trị cùng toàn thể đồng bào ở trong nước và ngoài nước đã đoàn kết, chung sức đồng lòng, đẩy lùi và vượt qua đại dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng, cuộc sống của nhân dân, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, trở thành điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, trong những thành tựu đó, việc quy tụ, đoàn kết, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng lòng, chung sức của cả dân tộc có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.

Vì vậy, Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII của Đảng đã nêu rõ: “Trong thời kỳ phát triển mới, cần tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

 
Cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2023), đồng thời góp phần quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức xuất bản cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nghi thức bấm nút ra mắt và phát hành bản điện tử cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  

Cuốn sách thể hiện tư duy nhất quán của người đứng đầu Đảng ta về xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, được minh chứng qua việc thực hiện phong phú, với sự chỉ đạo rất sâu sát, cụ thể của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với từng giai cấp, tầng lớp, với các tổ chức, với nhân dân Việt Nam trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam.

Nội dung cuốn sách gồm 3 phần:

Phần thứ nhất: Đại đoàn kết toàn dân tộc - Sức mạnh nội sinh, nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gồm bài viết tổng quan và 4 bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hơn lúc nào hết, bài học về đoàn kết, chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc đòi hỏi phải được nâng lên một tầm cao mới nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Điểm tương đồng để quy tụ, khơi dậy và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chính là mục tiêu “xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao làm điểm tương đồng, để động viên, cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân, huy động mọi nguồn lực, tranh thủ mọi thời cơ, sự đóng góp của nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đây là mục tiêu lớn nhất, nếu biết khơi dậy đúng cách sẽ có sức cuốn hút, lay động lòng người, là lời hiệu triệu toàn dân, nhân lên lòng tự hào, tự tôn, ý chí của cả dân tộc.

Đồng thời, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội là nòng cốt. Do đó, cả hệ thống chính trị cũng như mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ làm công tác Mặt trận, phải lấy an dân làm cốt, lấy lợi ích của nhân dân làm trung tâm, xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sự đồng thuận, của nhân dân, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, thì nhiệm vụ nào cũng sẽ hoàn thành thắng lợi.

Các bài viết, bài phát biểu thể hiện tư duy chiến lược, nhất quán, xuyên suốt của đồng chí Tổng Bí thư đối với nhiệm vụ phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữ vai trò nòng cốt chính trị, hạt nhân đoàn kết, cùng các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức vận động, tập hợp, quy tụ đông đảo các tầng lớp nhân dân, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nhiệm kỳ 2022-2027, ngày 30/12/2022.

Phần thứ hai: Phát huy vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tuyển chọn 36 bài nói, bài viết, bài phát biểu, thư, trả lời phỏng vấn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các giai tầng trong xã hội, các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Xuyên suốt các bài nói, bài viết, bài phát biểu... cho thấy sự quan tâm đặc biệt, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của đồng chí Tổng Bí thư đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, ...

Đồng chí Tổng Bí thư đề nghị: Mặt trận Tổ quốc các cấp, cán bộ Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tiếp tục gắn bó sâu sát hơn nữa với cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình của nhân dân. Đối với tổ chức Công đoàn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn Công đoàn nỗ lực hơn nữa để xây dựng giai cấp công nhân xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, tổ chức công đoàn vững mạnh. Đối với Hội Nông dân Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu, việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó Hội Nông dân là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đối với Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đặt niềm tin và hy vọng vào thế hệ thanh niên Việt Nam - những người chủ tương lai của đất nước, chính vì vậy, cần phấn đấu xây dựng một lớp thanh niên có tâm, có trí, có tài, xung kích, dũng cảm, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng trong giai đoạn mới. Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng động viên chị em tiếp tục phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam, luôn phấn đấu vươn lên, đóng góp xây dựng đất nước. Đối với Hội Cựu chiến binh, đồng chí cũng dành sự quan tâm sâu sát với phong trào của Hội, động viên mỗi cựu chiến binh, cựu quân nhân phát huy truyền thống vẻ vang “Bộ đội Cụ Hồ”, tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đồng chí Tổng Bí thư khẳng định: nhân tố quyết định sức mạnh của dân tộc ta là tính cố kết cộng đồng, là “tình đồng chí, nghĩa đồng bào”, là tinh thần đại đoàn kết, hòa bình, hữu nghị, với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và mong muốn xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc. Để thực hiện nhiệm vụ đó, đồng chí Tổng Bí thư đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phải quán triệt tư tưởng “dân là gốc”, lấy đó làm nền tảng cốt lõi cho mọi hoạt động, ở tất cả các cấp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu dự Lễ Tuyên dương “Người có uy tín, nhân sĩ, trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2017”, ngày 18/12/2017. Ảnh: Báo Nhân Dân điện tử. 

Phần thứ ba: Phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân, các địa phương, đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc đổi mới đất nước gồm 34 bài nói, bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với các tầng lớp nhân dân, trong các chuyến thăm, làm việc tại cơ sở.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc; đồng thời mong muốn đội ngũ này sẽ không ngừng vươn lên, cống hiến nhiều hơn nữa, đạt những thành tích cao hơn nữa. Đồng chí Tổng Bí thư cũng dành sự quan tâm sâu sát với đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân; đồng bào các tôn giáo và với những người Việt Nam ở nước ngoài. Tổng Bí thư mong muốn tăng, ni, phật tử Việt Nam phát huy truyền thống “hộ quốc an dân”, đồng hành phát triển cùng dân tộc; đồng bào Công giáo kính Chúa yêu nước, sống phúc âm trong lòng dân tộc. Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Tổng Bí thư khẳng định, đó là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc, có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cuốn sách cũng cho thấy sự ủng hộ, tin tưởng, tình cảm, tấm lòng kính yêu của nhân dân thuộc mọi tầng lớp, trên mọi vùng miền của đất nước đối với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tin tưởng vào tương lai, vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Cuốn sách tuyển chọn nhiều bức ảnh đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các giới, các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong các chuyến thăm và làm việc tại các địa phương, cơ sở, đồng chí Tổng Bí thư luôn dành thời gian đến thăm các Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với cách mạng, gặp gỡ, lắng nghe nhân dân, thăm hỏi đồng bào các dân tộc; động viên các thương - bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công, người có hoàn cảnh khó khăn, gặp gỡ, trò chuyện với các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng,... với tình cảm trân quý; đồng thời kêu gọi các giai tầng xã hội luôn luôn nêu cao tinh thần yêu nước, truyền thống “con Lạc, cháu Hồng”, lòng tự hào, tự tôn dân tộc để đóng góp xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

“Người hạnh phúc nhất là người mang lại hạnh phúc cho nhiều người”, quan điểm đó của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng với tư duy nhất quán, xuyên suốt của đồng chí về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đại đoàn kết toàn dân tộc, những giải pháp nhằm phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần định hướng cho toàn Đảng và hệ thống chính trị, cho cán bộ, đảng viên, nhân dân nắm vững, quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ngày càng văn minh, hạnh phúc.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi còn là Chủ tịch Quốc hội, dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư Đồng Sơn, xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, ngày 16/11/2008.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản