Tin mới

Nâng cao hiệu quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội

(Mặt trận) - Kể từ Phiên họp thứ Ba trở đi, định kỳ hàng tháng Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, trả lời phỏng vấn báo chí, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cho rằng, đây là đổi mới hết sức quan trọng và cần thiết về công tác dân nguyện của Quốc hội trong giai đoạn mới hiện nay, xuất phát từ lợi ích của dân, vì dân; đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Quốc hội và MTTQ Việt Nam.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu

Quốc hội đồng hành với cơ quan hành pháp, tư pháp

Phóng viên: Thay vì gửi báo cáo bằng văn bản như trước đây, kể từ phiên họp tháng 9 trở đi, định kỳ hàng tháng Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trực tiếp nghe và thảo luận về công tác dân nguyện, trọng tâm là tình hình tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội. Ông đánh giá như thế nào về đổi mới này? 

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu: Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe, thảo luận báo cáo về công tác dân nguyện, tình hình tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chính phủ và các cơ quan chức năng tại phiên họp định kỳ hàng tháng là đổi mới hết sức quan trọng và cần thiết với công tác dân nguyện của Quốc hội trong giai đoạn mới hiện nay.

Đổi mới này chắc chắn sẽ làm thay đổi nhận thức và hành động của các cơ quan chức năng có trách nhiệm giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri cũng như giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo hướng tích cực và quyết liệt hơn. Thúc đẩy các cơ quan chức năng chấp hành pháp luật và phục vụ các tổ chức, cá nhân tốt hơn, nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Đồng thời, góp phần nâng cao uy tín, tính chuyên nghiệp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ và chính quyền các cấp trong công tác dân nguyện; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với cử tri và Nhân dân.

Phóng viên: Các vụ việc khiếu nại, tố cáo nổi cộm, phức tạp cần sự quan tâm, giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ được đưa ra xem xét tại phiên họp hàng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc này có ý nghĩa như thế nào đối với công tác dân nguyện của Quốc hội, thưa ông?

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu: Việc xem xét, giám sát quá trình giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể, nổi cộm, gây bức xúc trong cử tri và nhân dân của Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khóa đã mang lại nhiều hiệu quả, ý nghĩa thiết thực. Với việc đưa hoạt động này thành nền nếp hàng tháng sẽ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nắm chắc hơn tình hình tuân thủ, chấp hành pháp luật trong quá trình giải quyết, cũng như tác động của việc giải quyết, kết quả giải quyết vấn đề, vụ việc bức xúc, nổi cộm nhằm bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của cử tri và Nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Từ đó, kiến nghị với các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo, giải quyết bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, làm giảm các vụ việc nổi cộm, những vấn đề bức xúc, hạn chế tối đa việc hình thành “điểm nóng” phức tạp về an ninh trật tự. 

Thông qua việc tổ chức giám sát các vụ việc cụ thể, nổi cộm, vấn đề gây bức xúc xã hội chính là biện pháp hữu hiệu, là sự “đồng hành” của Quốc hội với hệ thống cơ quan hành pháp, tư pháp; góp phần giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng như cán bộ công chức, viên chức của các cơ quan của Quốc hội nâng cao trình độ chuyên môn, pháp luật, tính chuyên nghiệp, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Phối hợp chặt chẽ, bảo vệ quyền, lợi ích của nhân dân

Phóng viên: Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định một trong những đổi mới hoạt động của Quốc hội là thiết lập đồng bộ, gắn kết cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân. Cùng với hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, việc thực hiện công tác này tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu: Giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp. Sau khi Quyết định số 217 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội được ban hành, ngày 11.11.2014, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ký, ban hành Chương trình phối hợp số 01-CTPH/MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS về “Giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở”.

Trong 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp này (2014 - 2018), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan, tổ chức tham gia Chương trình phối hợp đã tổ chức nhiều đoàn giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể liên quan đến những vấn đề quốc kế, dân sinh, vấn đề mà dư luận quan tâm, như bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, các dự án khu du lịch, khu nhà ở và quản lý nhà chung cư...

Qua giám sát cho thấy, cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị được giám sát đã quan tâm, sâu sát trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; bố trí trụ sở tiếp công dân, phòng tiếp công dân cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định; bố trí cán bộ, công chức phụ trách bộ phận tiếp dân có trình độ chuyên môn phù hợp, trang phục, phụ cấp hỗ trợ cho cán bộ tiếp dân đúng theo quy định. Công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo cơ bản đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền… Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định...

Kết quả giám sát đều được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo tại các kỳ họp của Quốc hội. Bên cạnh việc chủ động thực hiện giám sát, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã cử cán bộ tham gia các Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri ở các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Phóng viên: Theo ông, sự phối hợp giữa giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của MTTQ có tác động như thế nào tới giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri cũng như đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân?

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu: Giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và giám sát của MTTQ có cơ chế, phương thức thực hiện khác nhau, nhưng đều xuất phát từ lợi ích của Nhân dân, vì Nhân dân. Vì vậy, việc phối hợp giữa giám sát của Quốc hội và giám sát của MTTQ có ý nghĩa rất quan trọng. Một mặt, giúp tăng cường hiệu quả của hoạt động giám sát. Mặt khác, giúp các cơ quan của Quốc hội và MTTQ thắt chặt mối quan hệ công tác theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, trong đó nâng cao vị thế của MTTQ trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời giúp tăng cường trao đổi, xử lý thông tin hiệu quả, đúng đắn, kịp thời.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Quốc hội và MTTQ, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định về hoạt động giám sát của mỗi cơ quan cũng như sự phối hợp toàn diện, chặt chẽ giữa MTTQ và các cơ quan của Quốc hội, nhất là trong xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung giám sát. Đặc biệt, trong tổ chức thực hiện cần có sự phối hợp chặt chẽ nhằm đưa ra những kiến nghị xác đáng, kịp thời để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định về chính sách, pháp luật, tổ chức giám sát tối cao, hoặc xác định cấp độ giám sát các vấn đề, vụ việc; hoặc xác định tái giám sát các vấn đề, vụ việc đã được giám sát nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật.

Giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và giám sát của MTTQ nhất thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ từ cơ chế đến phương thức tổ chức triển khai thực hiện mới bảo đảm nâng cao hiệu quả, thiết thực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản