|
Quang cảnh cuộc làm việc |
Thực hiện tuyệt đối an toàn
Báo cáo tình hình triển khai công tác bầu cử trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương cho biết, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, lãnh đạo tỉnh và Ủy ban Bầu cử (UBBC) đã chủ động quán triệt, triển khai công tác một cách chủ động và hiệu quả.
Các hồ sơ của người ứng cử được tiếp nhận và quản lý theo chế độ mật, công tác biên tập tiểu sử người ứng cử được thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng và đảm theo quy định của Trung ương. Kết quả đã nhận 16 hồ sơ ứng cử đại biểu QH, trong đó có 2 người ứng cử; đối với hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND có 121 hồ sơ được tiếp nhận, trong đó có 4 người tự ứng cử; hồ sư ứng cử HĐND có 546 hồ sơ; có 4.277 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐHD cấp xã, trong đó có 1 người tự ứng cử.
“Bình Dương đặc biệt chú ý đến triển khai các biện pháp nghiệp vụ, huy động lực lượng nhằm bảo vệ tuyệt đối an toàn cuộc bầu cử, không để tình huống bớt ngờ xảy ra; tăng cường nắm bắt tình hình, phân tích dự báo, kịp thời phát hiện đấu tranh ngăn chặn âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch, tội phạm hình sự, tai nạn, tệ nạn xã hội. Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, xây dựng các kịch bản ứng phó khi có dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn trong công tác bầu cử”, Giám đốc Sở Nội vụ Bình Dương thông tin.
Về công tác kiểm tra, giám sát công tác bầu cử trong tỉnh, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương cho hay, Mặt trận chia việc kiểm tra, giám sát thành 3 đợt. Đến nay đã thực hiện xong công tác này, đồng thời ban hành các văn bản hướng dẫn, tuyên truyền của MTTQ Việt Nam các cấp về công tác bầu cử; tiến hành giám sát qua báo cáo tất cả 9 địa phương về việc tổ chức Hội nghị hiệp thương lần 1 để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những vướng mắc của địa phương trong thực hiện quy trình phân bổ, điều chỉnh, bổ sung cơ cấu thành phần, số lượng người dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp đảm bảo theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cũng theo bà Hạnh, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 của Mặt trận các huyện, thị, thành phố, Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiến hành giám sát qua biên bản hội nghị đối chiếu, rà soát cơ cấu tỷ lệ theo quy định nhằm kịp thời phối hợp với Thường trực HĐND và UBBC tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn đảm bảo theo quy định.
Chất lượng phải đặt lên hàng đầu
|
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại cuộc làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đánh giá, công tác chuẩn bị bầu cử của tỉnh Bình Dương được thực hiện khá bài bản, kịp thời, nghiêm túc, trách nhiệm, ít sai sót; đáp ứng tốt các văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, đảm bảo tính thẩm quyền của mình. “Cấp ủy, chính quyền, UBMTTQ và UBBC các cấp đã triển khai các bước trong công tác nhân sự, hiệp thương một cách thận trọng, chặt chẽ; mở rộng dân chủ, phát huy trách nhiệm của các tổ chức giới thiệu người ứng cử và tiếp nhận hồ sơ ứng cử, tự ứng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND các cấp. Qua kết quả hiệp thương lần thứ 2 cho thấy, các cơ cấu thành phần, tỷ lệ cơ cấu kết hợp đều đảm bảo cao hơn so với quy định của Trung ương; chất lượng người ứng cử được nâng lên so với nhiệm kỳ 2016-2021”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, thời gian tới, Bình Dương cần tổ chức tốt việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử. Trong đó, tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn để ứng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND các cấp. Tổ chức để người ứng cử đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp gặp gỡ, tiếp xúc cử tri thực hiện vận động bầu cử, báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu trúng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND. Vừa đảm bảo cơ cấu, số lượng, nhưng điều quan trọng vẫn là chất lượng.
Đồng thời, ông Nguyễn Hữu Dũng lưu ý, tỉnh chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết phục vụ bầu cử; đảm bảo đúng luật, dân chủ, tiết kiệm và trật tự an toàn trong ngày bầu cử. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử bằng nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú nhằm tuyên truyền về cuộc bầu cử, nhất là ý nghĩa của cuộc bầu cử, danh sách những người ứng cử. Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và y tế, phòng, chống sự phá hoại; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch bằng các biện pháp cần thiết.
“Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát tại chỗ của địa phương đối với công tác chuẩn bị bầu cử. Đặc biệt chú ý khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống Covid-19, cháy nổ trước, trong ngày bầu cử, ... cách ly dịch bệnh (nếu có), chủ động có phương án dự phòng. Phòng chống thiên tai, cháy nổ có hiệu quả để bảo đảm tổ chức ngày bầu cử thành công, an toàn và tiết kiệm. Đặc biệt cần rà soát lại để bổ sung các quy trình chuẩn bị được hoàn thiện hơn, quan tâm đến thông tin người ứng cử, xử lý kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo”, Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát mong muốn
Trước đó, đoàn công tác đã có buổi kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử tại thị xã Bến Cát (Bình Dương).
Tại đây, ông Trần Minh Hiếu, đại diện UBBC thị xã Bến Cát cho biết, UBND thị xã đã thành lập 9 Ban Bầu cử, mỗi ban có 11 thành viên, phê chuẩn 90 khu vực bỏ phiếu bầu cử. Đối với cấp xã, phường đã quyết định thành lập 61 Ban Bầu cử, mỗi ban có 7 đến 9 thành viên.
Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam thị xã và các xã, phường chủ trì Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 để thực hiện việc thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu HĐND thị xã và xã, phường. Kết quả: Tổng số hồ sơ người ứng cử của thị xã là 64, trong đó bầu 35 đại biểu; ở cấp xã, phường có tổng số 412 hồ sơ, trong đó bầu chọn ra 225 đại biểu.
Thay mặt đoàn công tác, ông Nguyễn Hữu Dũng ghi nhận những nỗ lực và kết quả của UBBC Bến Cát. Phó Chủ tịch đề nghị lãnh đạo thị xã tiếp tục hoàn thiện công tác chuẩn bị để ngày chính thức diễn ra hiệu quả.
Quốc Định