Tin mới

Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403: Giám sát, phản biện xã hội đi vào chiều sâu, phát huy hiệu quả thiết thực

(Mặt trận) - Ngày 6/7, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Danh sách các tập thể, cá nhân ủng hộ bằng tiền mặt tại Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam từ ngày 20/9/2024 đến 12h ngày 8/10/2024

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến: Các cấp hội và chị em phụ nữ toàn quốc tiếp tục phát huy truyền thống "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang"

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến: Hỗ trợ, giúp đỡ, đồng hành để người khuyết tật được bồi đắp thêm nghị lực, vươn lên trong cuộc sống

 Quang cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các ban, bộ, ngành, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu.

Khẳng định vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam

 Chủ trì Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ, giám sát phản biện xã hội là một trong những chức năng nhiệm vụ cơ bản, quan trọng hàng đầu của MTTQ Việt Nam, qua đó, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng cũng như góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

“Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch (NQLT) số 403, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, phát huy hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao; vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ngày càng được khẳng định, phát huy trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại Hội nghị 

Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà, nhằm đánh giá kết quả đạt được, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện NQLT số 403. Trên cơ sở đó đánh giá công tác phối hợp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ; của Mặt trận Tổ quốc các cấp với Đoàn đại biểu quốc hội, với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp trong hoạt động giám sát, phản biện theo quy định của NQLT số 403, làm rõ ưu điểm, kết quả đạt được, những cách làm đổi mới, sáng tạo, bài học kinh nghiệm.

Đặc biệt trong bối cảnh 5 năm qua đã có nhiều văn bản quy định về giám sát phản biện mới được ban hành như Kết luận 19 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư, Kết luận 54 của Ban Bí thư yêu cầu Đảng đoàn MTTQ Việt Nam lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế để Nhân dân trực tiếp tham gia góp ý, phản ánh với Đảng về những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của cán bộ, đảng viên.

“Đây là những vấn đề mới đặt ra để cụ thể hóa các quan điểm chủ trương trên trong thực hiện NQLT thời gian tới, khi mà các Luật liên quan như Luật Ban hành các văn bản qui phạm pháp luật, Luật Mặt trận… chưa sửa đổi” Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho biết và đề nghị thông qua Hội nghị các đại biểu sẽ kiến nghị các quy định, nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị quyết.

Giám sát, phản biện ngày càng hiệu quả, thực chất

 Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh trình bày Báo cáo kết quả thực hiện NQLT số 403

Báo cáo kết quả thực hiện NQLT số 403, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, từ năm 2018 đến năm 2022, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tiến hành giám sát 5 nội dung thông qua hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, đó là giám sát bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản đối với: pháp luật về việc ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ; giám sát Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư liên quan đến Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; giám sát pháp lệnh số 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; giám sát Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giám sát Luật đất đai... Các kiến nghị sau giám sát của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đều được Chính phủ trả lời và chỉ đạo các bộ, ngành, liên quan khẩn trương nghiên cứu và có văn bản trả lời.

Trong 5 năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã tiến hành giám sát 60.463 cuộc trong đó MTTQ cấp tỉnh giám sát được 2.689 cuộc; MTTQ cấp huyện giám sát 11.638 cuộc và Mặt trận cấp xã giám sát 46.136 cuộc bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân trên nhiều lĩnh vực như: giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp; giám sát việc thực hiện chương trình phối hợp vận động và bảo đảm an toàn thực phẩm...

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng thông tin thêm, trong 5 năm Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức 87.356 đoàn giám sát. Trong đó MTTQ cấp tỉnh giám sát được 1.981 cuộc, MTTQ cấp huyện giám sát 13.213 cuộc, MTTQ cấp xã giám sát 72.162 cuộc. Nội dung giám sát được tập trung vào nhiều lĩnh vực, trọng tâm của công tác xây dựng đảng, chính quyền; quản lý tài nguyên đất đai; quản lý hành chính; thực hiện trách nhiệm công vụ; lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng; công tác huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực xã hội; công tác phòng, chống Covid-19, thực hiện chính sách an sinh xã hội; bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp...

Cùng với đó, MTTQ các cấp thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Trong 5 năm qua, Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn đã tổ chức được 144.462 cuộc tập trung vào các nội dung như: giám sát chính quyền thực hiện công tác chăm lo người nghèo, gia đình chính sách; giám sát việc thu, chi các loại quỹ vận động, các nguồn thu trong dân, giám sát công tác cải cách hành chính, trật tự xây dựng...

Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức được 149.200 cuộc giám sát, qua đó đã kiến nghị, phản ánh đến nhà thầu, chủ đầu tư xử lý, giải quyết giúp cơ quan quản lý nhà nước các cấp, chủ đầu tư phát hiện những sai sót, bất cập trong quá trình thực hiện các dự án để có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế; góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư dự án trên địa bàn.

Thông tin về việc thực hiện các hình thức phản biện theo NQLT số 403, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, ở Trung ương, từ năm 2018-2022, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức được 14 hội nghị phản biện xã hội. Các dự án Luật, đề án được UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức phản biện là những dự thảo văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của công dân; đóng vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội và được nhân dân quan tâm như: Phản biện Dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo; (Dự án Luật về Hội; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13; Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi); Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi); Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)…

“Sau các Hội nghị phản biện xã hội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đều có văn bản phản biện gửi các cơ quan, tổ chức có dự thảo được phản biện và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phê duyệt hoặc ban hành văn bản. Văn bản phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam được dư luận đánh giá cao, nhiều nội dung phản biện được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và một số cơ quan, tổ chức có ý kiến phản hồi”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định.

Đặc biệt, trong 5 năm qua Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã chủ trì tổ chức 23.869 hội nghị phản biện; gửi văn bản đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tham gia góp ý kiến, phản biện vào 42.051 văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... của các cơ quan, tổ chức tại địa phương, cơ sở.

Giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã chia sẻ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện; đồng thời làm rõ bối cảnh, yêu cầu và những vấn đề đặt ra trong thực hiện quy định về hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam thời gian tới. Trên cơ sở đó đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát, phản biện xã hội; nâng cao hiệu quả của công tác phối hợp thực hiện Nghị quyết.

Ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị 

Ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, báo cáo đã nêu khái quát, toàn diện kết quả phối hợp giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN. Từ nội dung Nghị quyết liên tịch, hằng năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn bám sát kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam; luôn nghiêm túc, trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội xem xét, nghiên cứu các kiến nghị của UBTƯ MTTQ Việt Nam, đặc biệt là những kiến nghị liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân để có tiếp thu, chỉnh lý.

Theo ông Ngô Trung Thành, trong bối cảnh mới, nhiệm vụ đặt ra trong công tác phối hợp giữa hai cơ quan ngày càng cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mong muốn UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tập trung hơn nữa vào công tác giám sát, phản biện xã hội và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội làm rõ những vướng mắc trong thể chế, các văn bản pháp luật cụ thể, chỉ ra từng bất cập trong quy định hiện hành nhằm giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Nhấn mạnh tới việc trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy trình giám sát, phản biện cần được thực hiện xuyên suốt trong tất cả các khâu, nếu chỉ thực hiện giám sát, phản biện xã hội tại giai đoạn dự thảo thì khó đạt được hiệu quả cao, vì vậy, ông Ngô Trung Thành đề xuất việc tham gia giám sát, phản biện xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam cần bao quát trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đơn cử UBTƯ MTTQ Việt Nam có thể tham gia các khâu như thẩm tra, chỉnh lý trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Song song với đẩy mạnh phối hợp công tác giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Ngô Trung Thành kiến nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan của Quốc hội, giám sát đến cùng, phản biện đến cùng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận đối với hoạt động xây dựng luật của Quốc hội.

 
 Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh Trần Kim Yến phát biểu tại điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh

Tham luận tại Hội nghị, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh Trần Kim Yến cho rằng, để phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đạt kết quả cao trong thời gian tới, MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát việc thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân, đến phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đặc biệt đối với lĩnh vực đất đai, quy hoạch, đền bù giải tỏa mặt bằng.

Đồng thời cần tập trung giám sát phát hiện, góp phần ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc với người dân; Quan tâm giám sát các lĩnh vực văn hóa - giáo dục - y tế - bảo vệ môi trường nhằm góp phần cùng các ngành chức năng chăm lo ngày càng tốt hơn cuộc sống của Nhân dân; giám sát việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền đối với các vụ việc mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kiến nghị, qua đó góp phần xây dựng chính quyền, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Cũng theo bà Trần Kim Yến, để hoạt động giám sát, phản biện xã hội hiệu quả thì cần nghiên cứu kinh phí hỗ trợ tương xứng trong phát huy vai trò và trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học tham gia hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Cùng với đó, cần xem xét nâng hoạt động giám sát, phản biện xã hội thành Luật, trong đó cần quy định hoạt động phản biện xã hội là một trong những quy định bắt buộc khi ban hành một văn bản Quy phạm pháp luật, đồng thời cần quy định chế tài cụ thể về trách nhiệm, thời hạn gửi dự thảo văn bản đề nghị phản biện xã hội và việc giải trình, tiếp thu ý kiến, trách nhiệm trả lời các kiến nghị sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội của các cơ quan được giám sát.

 Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường phát biểu tại Hội nghị

Tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường chia sẻ, Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn Thành phố ngày càng được cấp ủy, chính quyền cọi trọng, ghi nhận, đánh giá cao. Sự phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố và các cơ quan chức năng của Thành phố ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, đảm bảo quy định. Đoàn đại biểu quốc hội, HĐND, UBND thành phố luôn có đại diện lãnh đạo tham dự các hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam Thành phố; đôn đốc các cơ quan chức năng tiếp thu và trả lời các kiến nghị, đề xuất của MTTQ Việt Nam Thành phố sau giám sát và phản biện xã hội; mời đại diện MTTQ Việt Nam Thành phố, các tổ chức chính trị, xã hội tham gia các đoàn giám sát, tham gia các kỳ họp HĐND, UBND qua đó để MTTQ thực hiện vai trò giám sát của mình. 

Để công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ngày càng hiệu quả, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho rằng, cần tăng cường sự lãng đạo của các cấp ủy Đảng về công tác giám sát, phản biện xã hội theo đúng tinh thần Chỉ thị 18 của Ban Bí thư. Cấp ủy các cấp cần có quy định cụ thể về quy chế làm việc giữa cấp ủy với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp về công tác giám sát, phản biện xã hội. Có nghị quyết về công tác lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền các cấp tiếp thu và thực hiện các kiến nghị giám sát của Mặt trận.

“Cần nghiên cứu cơ chế phối hợp giữa kiểm tra, giám sát của Đảng, giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp với giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội để vừa phát huy được sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả giám sát, tránh chồng chéo, cùng một nội dung, nhiều đoàn giám sát; đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật MTTQ Việt Nam tập trung vào việc bổ sung chế tài trong công tác giám sát, phản biện xã hội nhằm nâng cao vai trò, vị trí của Mặt trận, xứng đáng là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của Nhân dân”, ông Nguyễn Sỹ Trường kiến nghị.

Cũng theo ông Nguyễn Sỹ Trường, để hoạt động giám sát được hiệu quả, cấp ủy cần chỉ đạo chính quyền các cấp phối hợp và tạo điều kiện cho công tác giám sát, phản biện xã hội. Đặc biệt chú trọng đến việc tiếp thu, thực hiện các kiến nghị sau giám sát; đồng thời cần tăng thêm biên chế cho bộ máy MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở nhằm đảm bảo triển khai các hoạt động giám sát, phản biện xã hội cũng như triển khai các chương trình hành động của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Từ đó có chính sách để nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ; sử dụng cán bộ đúng năng lực, sở trường, luân chuyển, rèn luyện cán bộ theo đúng quy định, kiên quyết không bố trí cán bộ thiếu gương mẫu làm công tác Mặt trận.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo phát biểu tại Hội nghị 

Nói về những tồn tại, hạn chế, khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo nhận định, qua thực tiễn càng xuống cấp dưới, công tác giám sát, phản biện xã hội càng khó khăn, lúng túng, chưa có nhiều phát hiện sau giám sát, mới chỉ dừng ở phát hiện, nêu ý kiến. Nhiều kiến nghị còn chung chung, không nêu rõ cơ quan thực hiện, giải quyết kiến nghị, chưa có cơ sở đánh giá, theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Từ những những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ cho rằng trong thời gian tới cần phát huy vai trò chủ trì hiệp thương của MTTQ trong xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội. MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải lựa chọn đa dạng các hình thức giám sát, phản biện xã hội phù hợp với điều kiện thực tế; phát huy tính công khai, minh bạch, đặc biệt là nắm bắt dư luận, tập hợp được ý kiến, kiến nghị của hội viên, nhân dân trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Cùng với đó, chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông trong suốt quá trình giám sát, phản biện xã hội. Huy động, tận dụng hoạt động truyền thông, dư luận xã hội vào công tác giám sát, phản biện xã hội, nhằm phát huy tính công khai, minh bạch, đặc biệt là nắm bắt dư luận, tập hợp được ý kiến, kiến nghị của hội viên, nhân dân trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Công tác giám sát, phản biện xã hội phải có tính hệ thống và có chuyên đề giám sát trên toàn quốc

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu kết luận Hội nghị 

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, giám sát, phản biện xã hội đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên, là một phương thức thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là kênh thông tin quan trọng để góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Trên cơ sở các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác giám sát, phản biện xã hội nói chung và Nghị quyết liện tịch 403 nói riêng, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, hệ thống MTTQ từ Trung ương tới cơ sở phải tiếp tục nghiên cứu, quá triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thấm nhuần, nâng cao hơn nữa về nhận thức về tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội. Cùng với đó làm tốt hơn công tác tham mưu, tuyên truyền phổ biến đến các tổ chức, cá nhân, toàn xã hội hiểu rõ và tạo điều kiện để các tổ chức trong hệ thống chính trị phối hợp với MTTQ Việt Nam thực hiện nhiệm vụ này.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng nhấn mạnh, cần tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, “dám nói, dám làm”, “nói đúng, làm đúng” vì lợi ích của Đảng, của Nhà nước, Nhân dân. Thấy sai mà không dám nói thì cũng là tự diễn biến, tự chuyển hóa, là biểu hiện tiêu cực.

“Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên. MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên phải chủ động đề xuất với Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng xây dựng Luật gì, sửa đổi Luật nào, khoản nào? Nếu chúng ta chỉ kiến nghị chung chung thì không biết tiếp thu thế nào, kể cả có sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị quyết liên tịch 403.”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gợi mở.

Cũng theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, việc hoàn thiện thể chế pháp luật là cơ sở quan trọng để MTTQ Việt Nam các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt hơn nữa công tác giám sát, phản biện xã hội; đồng thời tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung phương thức hoạt động, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng đảm bảo “tròn vai, thuộc bài” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy, phát huy sức sáng tạo của nhân dân, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu.

Nhấn mạnh tới yêu cầu MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải làm tốt hơn nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng trong thời gian tới, việc triển khai công tác giám sát, phản biện xã hội có tính hệ thống, có chuyên đề toàn quốc như giám sát tối cao của Quốc hội. Trên cơ sở tổng hợp ở phạm vi toàn quốc, tiếng nói của Mặt trận mới giúp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ có cái nhìn tổng quát và đạt được yêu cầu hoạt động giám sát, phản biện có trọng tâm, trọng điểm, coi trọng chất lượng, thực chất, không hình thức.

Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, tới đây theo Chỉ thị 22 của Ban Bí thư, trong năm 2024 sẽ tiến hành Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ X. Trong nhiệm kỳ mới, có hai nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là đổi mới tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam, phát huy vai trò của các Hội đồng Tư vấn, hoạt động của Ủy viên Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, các Phó Chủ tịch không chuyên trách; Cùng với đó khâu đột phá được xác định chính là nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội như Chỉ thị 18 của Ban Bí thư.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tin tưởng rằng, trong thời gian tới trên cơ sở phát huy những bài học kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, khó khăn công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội sẽ được nâng lên tầm cao mới, thực chất hơn, hiệu quả hơn.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản