|
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh. Ảnh: Quang Vinh. |
Đồng bào cả nước đang hướng về miền Trung ruột thịt, trong đó có rất nhiều nghệ sĩ, nhiều cá nhân nổi tiếng cũng đứng ra tổ chức quyên góp và trực tiếp có những hành động cứu trợ cụ thể, thiết thực, ấm áp nghĩa tình. Tuy nhiên, những việc làm này trong những ngày qua cũng đã xuất hiện các ý kiến khác nhau trong dư luận xã hội. Trân trọng tấm lòng của nhân dân hướng về miền Trung, nhưng cứu trợ thế nào cho đúng cách để người dân vùng lũ vượt qua khó khăn, tái thiết cuộc sống?
Xung quanh vấn đề này, Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
PV: Thưa bà, trong những ngày vừa qua có rất nhiều họa sĩ đã bán đấu giá tranh lấy tiền ủng hộ nhân dân vùng lũ, nhiều nghệ sĩ, ca sĩ đã bỏ công việc đứng ra quyên góp rồi trực tiếp lặn lội tới miền Trung trao tận tay từng suất quà tới người dân. Trong đó dư luận xã hội đặc biệt chú ý tới câu chuyện ca sĩ Thủy Tiên công bố trên trang cá nhân của cô là đã quyên góp được số tiền tới hơn 100 tỷ đồng cùng với những hình ảnh, clip được cập nhật từng giờ về việc đi trao quà. Bà có cảm xúc như thế nào về những câu chuyện ấy?
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh: Trước hết phải khẳng định truyền thống tương thân tương ái là đạo lý Việt Nam. Trong cơn lũ lịch sử ở miền Trung, giữa đau thương, khó khăn, gian khổ của người dân vùng lũ lại sáng ngời đạo lý Việt Nam: Lá lành đùm lá rách, thương người như thể thương thân...
Tôi nghĩ là nhân dân cả nước bất kỳ ai cũng thấy xót xa, cũng không thể yên lòng khi ở một phần đất nước, đồng bào mình đang phải chịu đói, chịu rét, đang mất nhà mất cửa, thậm chí có những người còn bị lũ cuốn trôi, có những người bị đất đá vùi lấp.
Vô cùng đau xót khi giữa thời bình mấy chục cán bộ chiến sĩ trong đó có cả những sĩ quan cao cấp đã hy sinh khi đi cứu nạn. Trong khó khăn đó, chúng ta càng thấm thía tình nghĩa đồng bào, chia ngọt sẻ bùi. Sự chung tay của đồng bào cả nước hướng về miền Trung là rất đáng trân trọng.
Trong đó, sự góp công sức của những nghệ sĩ nổi tiếng thật sự là cảm động. Những người của công chúng như ca sĩ Thủy Tiên đã dùng ảnh hưởng của mình để kêu gọi quyên góp, bỏ công việc, không nề hà để trực tiếp đi đến vùng lũ, đến trực tiếp với từng người dân... tôi cho rằng đó là những hình ảnh gây xúc động và có sức lan tỏa.
Tuy nhiên, trong dư luận xã hội cũng đã có những ý kiến khác nhau về câu chuyện này. Có quan điểm cho rằng liệu một cá nhân có đủ sức quản lý và phân bổ số tiền lớn như vậy tới đúng địa chỉ cần thiết hay không. Ý kiến của bà như thế nào?
- Trong điều kiện thiên tai bão lũ xảy ra gây mất mát và thiệt hại lớn như thế này việc nhân dân cùng chung tay hỗ trợ đồng bào bị thiên tai là việc rất đáng biểu dương vì nguồn lực nhà nước thì có hạn.
Như trên tôi đã nói là tấm lòng hướng về miền Trung của nhân dân không chỉ cho thấy truyền thống, đạo lý dân tộc mà cũng là dịp để chúng ta kiểm chứng tinh thần đoàn kết, gắn bó, yêu nước thương nòi của đồng bào ta.
Tuy nhiên, nếu chúng ta thực hiện cứu trợ một cách hoàn toàn tự phát, không có điều tiết, quản lý, giám sát thì sẽ nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập. Ý kiến cho rằng việc một cá nhân không đủ sức quản lý và phân bổ số tiền lớn tới hơn 100 tỷ đồng như trường hợp ca sĩ Thủy Tiên là băn khoăn hoàn toàn có cơ sở.
Việc cần thiết tập trung vào những đầu mối làm công tác tiếp nhận, phân phối cứu trợ như MTTQ Việt Nam hay Hội chữ thập đỏ sẽ giúp cho việc phân bổ cứu trợ đến được đúng những người dân đang thực sự gặp khó khăn. Chưa kể nếu mỗi cá nhân đều tự đi cứu trợ thì giữa lúc nước lũ dâng cao có thể cũng sẽ không an toàn.
MTTQ Việt Nam hoan nghênh và trân trọng hành động của nhiều cá nhân, tổ chức trong xã hội như trường hợp ca sĩ Thủy Tiên. Mong rằng trong xã hội ngày càng xuất hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp hướng tới bà con vùng lũ, hướng tới người nghèo trong cả nước như các nghệ sĩ đang làm.
Nhưng cũng mong muốn họ nên liên hệ với chính quyền địa phương và các tổ chức để giúp cho việc điều phối nguồn lực cứu trợ đến đúng địa chỉ người dân vùng lũ đang cần được trợ giúp.
Thưa bà, trong những ngày qua, chính quyền và hệ thống Mặt trận các cấp giữ vai trò như thế nào trong việc cứu nạn và cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi thông điệp gì để đồng bào cả nước yên tâm thay vì việc trực tiếp thành lập các đoàn cứu trợ đổ về khu vực miền Trung thì hãy liên hệ với Mặt trận?
- Hàng chục chiến sĩ, sĩ quan trong đó có những người mang hàm cấp tướng hy sinh trên đường đi cứu nạn là hình ảnh chúng ta nhìn thấy, rất đau xót.
Và đằng sau đó, là hàng ngàn người trong lực lượng vũ trang như công an, bộ đội, biên phòng được huy động tổng lực để cứu dân và cứu trợ người dân vùng lũ.
Chính quyền các tỉnh, các địa phương vùng lũ lụt chắc cũng không lơi là một phút giây nào. Cán bộ Mặt trận ở vùng lũ những ngày qua lăn lộn cùng với nhân dân mặc dù nhà họ cũng ngập. Họ hướng dẫn các đoàn thiện nguyện và phân bổ cứu trợ đến đúng địa chỉ.
Người dân vùng lũ cần cứu trợ trước mắt nhưng về lâu dài là còn phải tái thiết cuộc sống. Nên trân trọng tấm lòng của người dân cả nước nhưng nếu chúng ta có quá nhiều đoàn cứu trợ tự phát đổ về miền Trung như những ngày vừa qua thì sẽ dồn áp lực lên các địa phương.
Giao thông vùng lũ đang rất khó khăn sẽ dẫn đến ách tắc, hàng cứu trợ cũng sẽ bị nghẽn, phân bổ không đồng đều, người dân chỗ cần lại không có, chỗ ít cần trợ giúp lại nhận được quá nhiều... Chưa kể có nhiều thứ bà con đã đủ mà lại thiếu điều kiện để vực dậy đời sống sau lũ.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam mong muốn các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân quyên góp cứu trợ hãy thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội chữ thập đỏ Việt Nam hoặc các tổ chức từ thiện hợp pháp khác.
Nguồn lực từ tấm lòng chung tay vì người dân vùng lũ của đồng bào cả nước phải được tập trung thì việc cứu trợ mới đạt hiệu quả tốt nhất.
Trân trọng cảm ơn bà!
Cẩm Thúy