Tin mới

Về thuật ngữ “đoàn kết”

(Mặt trận) - Đoàn kết là một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử. Được dùng phổ biến trong đời sống hàng ngày, song, đoàn kết lại được xem là một thuật ngữ khó nắm bắt và có nhiều quan niệm khác nhau. Nghiên cứu về thuật ngữ “đoàn kết”, cung cấp những nhận thức đúng đắn, sâu sắc và đa diện về nội hàm của thuật ngữ này, từ đó xác định nội dung, phương pháp của việc xây dựng tình đoàn kết, tinh thần hợp tác trong các tổ chức, cộng đồng và rộng hơn là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

200 căn nhà đại đoàn kết đến với hộ nghèo huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ: Không bao giờ quên những người làm nên “cột mốc vàng” của lịch sử

Phát biểu của Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tại chương trình gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại tỉnh Điện Biên

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi bà con tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam tháng 11/2021. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)  

Đoàn kết là một thuật ngữ quen thuộc và được xem là từ khóa trong sứ mệnh đại đoàn kết toàn dân tộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo Từ điển Tiếng Việt, thì “đoàn kết” là động từ có nghĩa là: “Kết thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì một mục đích chung”1. Trong cuộc sống thường ngày, đoàn kết được quan niệm là mối quan hệ gắn bó, hòa thuận và hành động giúp đỡ người khác, đặc biệt trong những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, là sự hy sinh cá nhân vì lợi ích tập thể, cộng đồng. Tuy nhiên, đoàn kết có nội hàm rộng hơn, phức tạp hơn và khó xác định hơn cách hiểu thông thường, nhất là khi xem xét từ góc độ học thuật.

Lịch sử thuật ngữ “đoàn kết”

Các nhà khoa học chỉ ra rằng, từ “đoàn kết” (solidarity) bắt nguồn từ chữ solidus (chất rắn) trong tiếng Latinh. Trong Luật La Mã, nó dùng để chỉ nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của tập thể đối với thành viên đi vay nợ. Từ “solidarité” trong tiếng Pháp được ghi trong Bách khoa toàn thư năm 1765, và trong Bộ luật Dân sự của Napoléon năm 1804. Vài năm sau, Charles Fourier đã kết hợp từ này vào vốn từ vựng của mình, mang lại cho nó sắc thái chính trị và tư tưởng mà nó vẫn giữ được cho đến ngày nay. Nhà tư tưởng người Pháp Auguste Comte (1798-1857) đã đề cập đến sự đoàn kết. Ông đặt ra câu hỏi là làm thế nào để đảm bảo sự gắn kết xã hội trong nước Pháp và các thực thể quốc gia lớn khác? Là cơ quan đầu não của đất nước, nhiệm vụ chính của chính phủ, theo ông là duy trì và thúc đẩy ý thức đoàn kết của một xã hội tiên tiến. Sự đoàn kết, thống nhất về ý chí và đội ngũ của giai cấp công nhân chính là một nội dung cơ bản, nguyên tắc hàng đầu trong học thuyết của K. Marx và F. Angels. Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do hai ông thay mặt Liên đoàn những người cộng sản viết và được công bố vào tháng 3/1848 đã kêu gọi: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”. Vào khoảng những năm 1840, thuật ngữ này đã được sử dụng trong tiếng Đức và tiếng Anh, và được sử dụng trong phong trào lao động quốc tế. Sau đó, nó trở thành một thuật ngữ trong ngành Xã hội học. Dần dần solidarity được sử dụng với nghĩa rộng hơn là sự sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau, như trong khẩu hiệu “một người vì mọi người và mọi người vì một người”. Sau đó từ này được sử dụng cho một ngày lễ kỷ niệm chính thức ở Liên Xô (Ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới 1/5), một tổ chức công đoàn nổi tiếng của Ba Lan (Công đoàn Đoàn kết), cho các phong trào khác nhau ủng hộ các nước đang phát triển. Điều thú vị là từ các ngôn ngữ châu Âu, từ này đã được dịch ngược lại sang tiếng Latinh, và là một phần của đạo đức xã hội chính thức của Giáo hội Công giáo2.

Các quan niệm về đoàn kết

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao tượng trưng hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho tỉnh Quảng Nam tháng 11/2021. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)  

Nhà xã hội học người Pháp Emile Durkheim (1858-1917) đã đưa ra thuật ngữ “Social solidarity” (đoàn kết xã hội). Theo E. Durkheim có hai loại hình đoàn kết xã hội là đoàn kết cơ học hay đoàn kết máy móc (mechanic) và đoàn kết hữu cơ (organic). Đoàn kết cơ học xuất hiện trong các nhóm người giống nhau về nền tảng, giá trị và niềm tin. Có một ý thức cộng đồng dựa trên cảm xúc trong các nhóm như vậy và các chuẩn mực là một phần của cộng đồng tạo thành một lực mạnh ràng buộc các cá nhân. Nói cách khác, có một “lương tâm tập thể” mạnh mẽ và cụ thể giúp nâng cao tính đồng nhất của hành vi giữa các cá nhân. Ngược lại, đoàn kết hữu cơ phát triển từ những khác biệt bắt nguồn từ sự phân công lao động. Durkheim chỉ ra rằng, khi sự phân công lao động và chuyên môn hóa đồng thời phát triển thì sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các bộ phận trong xã hội trở thành nền tảng chính cho sự đoàn kết xã hội. Sự phụ thuộc lẫn nhau tạo ra lương tâm tập thể và sự đồng nhất, tuân thủ của các cá nhân yếu hơn loại hình đoàn kết cơ học. Durkheim coi “các thành viên giống nhau” là điều kiện cần cho đoàn kết cơ học, còn “chuyên môn hóa” là điều kiện cần thiết của sự đoàn kết hữu cơ. Tuy nhiên, Durkheim không đưa ra một định nghĩa rõ ràng về sự đoàn kết3.

Hai nhà triết học người Phần Lan là Arto Laitinen và Anne Birgitta Pessi cho rằng: Đoàn kết vừa có nghĩa rộng, vừa có nghĩa hẹp. Đoàn kết theo các nghĩa mô tả đề cập đến một loại kết nối giữa một cá nhân với các thành viên khác trong nhóm. Người ta cũng có thể mô tả các hiện tượng vi mô khác nhau như hành động, động cơ và thái độ ít hay nhiều. Đoàn kết có thể được sử dụng để mô tả và giải thích trật tự bình thường và sự hòa nhập chuẩn mực xã hội, nó đối lập với hỗn loạn và xung đột, với trật tự dựa trên sự ép buộc hoặc tối đa hóa tư lợi. Nhưng nó cũng có thể được dùng để chỉ các phong trào xã hội phê phán mang tính cách mạng ít nhiều chỉ trích trật tự bình thường và những bất công phổ biến. Sự đoàn kết tồn tại trong các cộng đồng nhỏ, các phong trào đấu tranh chính trị hoặc trong toàn bộ xã hội, thậm chí toàn thể nhân loại4.

Đối với nhà triết học xã hội người Mỹ Richard Rorty thì đoàn kết bao hàm mọi suy nghĩ và hành động vì xã hội. Đoàn kết thường dựa trên suy nghĩ của chúng ta giống như lòng vị tha, sự cảm thông, quan tâm, hoặc lòng bác ái Cơ đốc, nên nó khác với chủ nghĩa vị kỷ chống đối xã hội, chủ nghĩa “lấy cái tôi làm trung tâm”5.

Đoàn kết không đồng nhất với công lý và các trách nhiệm chung. Nhà triết học xã hội người Đức Jürgen Habermas coi đoàn kết và công lý là hai mặt của cùng một đồng tiền. Theo ông, sự đoàn kết luôn là nội tại của một cộng đồng cụ thể nào đó, trong khi đạo đức và công lý phổ quát đòi hỏi người ta phải tách mình ra khỏi những ràng buộc bên trong của các cộng đồng cụ thể6.

Nhà triết học người Mỹ Larry May đã đề xuất rằng, đoàn kết bao gồm năm yếu tố: (1) Sự đồng nhất có ý thức với nhóm; (2) Sự gắn bó tình cảm; (3) Lợi ích chung vì hạnh phúc của nhóm; (4) Chia sẻ giá trị và niềm tin; (5) Sẵn sàng thể hiện sự ủng hộ về mặt đạo đức. Theo May, sự đồng nhất với một nhóm và suy nghĩ rằng hạnh phúc của nhóm là một phần của hạnh phúc của mỗi thành viên là trọng tâm và là yếu tố cấu thành của sự đoàn kết. Theo cách này, sự đoàn kết ở một mức độ lớn, được xây dựng dựa trên sự tương đồng, đồng nhất với các thành viên; Ví dụ, các giá trị và niềm tin được chia sẻ có thể dựa trên lịch sử chung hoặc sống trong cùng một khu vực. Sẵn sàng hỗ trợ những người khác khi đối mặt với nghịch cảnh cũng rất cần thiết: đoàn kết không chỉ là cảm giác thụ động mà còn bao gồm cả những khuynh hướng thực tế để hành động. Ở cấp độ vi mô, tình đoàn kết là hành vi vì xã hội trong các tình huống khác nhau: giúp đỡ và hỗ trợ khi cần thiết, chia sẻ khi hợp tác, công bằng trong phân phối hàng hóa, giữ niềm tin và sẵn sàng sửa chữa khi bị vi phạm7.

Theo nhà xã hội học người Hà Lan Siegwart Lindenberg, sự đoàn kết được thể hiện đặc biệt trong 5 loại tình huống cụ thể: (1) Hợp tác (Cooperation) đề cập đến các tình huống phải lựa chọn giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung của nhóm. Trong tình huống đó, cá nhân kiên định hành động vì lợi ích chung ngay cả khi điều đó là công việc khó khăn và họ có cơ hội thoái thác. (2) Công bằng (Fairness) đề cập đến các tình huống cá nhân có nhiệm vụ phân phối trách nhiệm và lợi ích. Trong tình huống đó, cá nhân sẽ hành động phù hợp với tinh thần đoàn kết nếu cá nhân đó cố gắng mang lại cho mọi người sự công bằng cả lợi ích và nghĩa vụ thay vì cố gắng tối đa hóa lợi ích của bản thân và giảm thiểu nghĩa vụ của chính mình. Công lý đòi hỏi chi tiết những gì phụ thuộc vào các tiêu chuẩn được chấp nhận của nhóm. (3) Lòng vị tha (Altruism) đề cập đến hành động của cá nhân trước tình huống người khác cần sự giúp đỡ. (4) Đáng tin cậy (Trustworthiness) đề cập đến các tình huống phải lựa chọn giữa lợi ích cá nhân và việc giữ lòng tin. Ở tình huống này, cá nhân hành động một cách kiên định để tránh làm hại người khác ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc tăng chi phí của họ. (5) Sự cân nhắc (Considerateness) đề cập đến những tình huống ứng xử trước những sai sót. Trong tình huống này, cá nhân hành động có trách nhiệm để khắc phục những sai sót của mình8.

Nhà triết học xã hội người Đức Andreas Wildt đã chỉ ra rằng một hành động có thể được coi là đoàn kết khi người làm: (1) Cùng với người nhận có cảm xúc đồng cảm và thuộc về nhau; (2) Được thúc đẩy bởi lòng vị tha; (3) Coi hành động như một trường hợp giúp đỡ trong lúc túng quẫn; (4) Coi đau khổ như một vấn đề đạo đức, sự bất công và là nguồn gốc của nghĩa vụ đạo đức; (5) Buộc họ phải hành động để giúp đỡ; (6) Không tin rằng người nhận có quyền hợp pháp hoặc đạo đức để yêu cầu họ giúp đỡ; (7) Cho rằng người nhận đánh giá tình trạng đau khổ theo cách tương tự; (8) Giả định rằng người nhận có động cơ để giảm bớt sự đau khổ của chính mình và tích cực cố gắng làm như vậy; (9) Tin rằng nếu họ bị rơi vào tình huống khó khăn tương tự thì người được họ giúp đỡ sẽ hành động như họ9.

Nhà nghiên cứu người Anh Lawrence Wilde quan niệm: Về bản chất, đoàn kết là cảm giác của sự thông cảm qua lại và có trách nhiệm giữa các thành viên của một nhóm nhằm thúc đẩy sự hỗ trợ lẫn nhau10. Tiếp cận bằng cách tập trung vào khía cạnh cảm xúc xã hội hơn của các thành viên trong nhóm, Fireman và Gamson đã xác định 5 yếu tố cơ sở cho “sự đoàn kết của một người với một nhóm”: thành viên: (1) Có bạn bè và người thân trong nhóm; (2) Hành vi tập thể với các thành viên khác; (3) Có “thiết kế để sống” của mình được các thành viên khác chia sẻ và hỗ trợ; (4) Chia sẻ với các thành viên khác cùng một nhóm quan hệ cấp dưới và cấp trên với người ngoài; (5) Tin rằng thoát khỏi nhóm sẽ khó khăn11. Những mối quan hệ nhóm này tạo ra cảm giác về bản sắc chung, số phận chung và cam kết chung để bảo vệ nhóm. Đoàn kết về cơ bản là sản phẩm của bản sắc tập thể và sức mạnh của mối quan hệ giữa các cá nhân12.

Theo GS.TS Rainer Forst - Đại học Johann Wolfgang Goethe, Frankfurt, Đức: Khái niệm chung về tình đoàn kết đề cập đến một thái độ thực tế cụ thể của một người đối với người khác. Nó liên quan đến một hình thức “standing by” (sát cánh) lẫn nhau (bắt nguồn từ chữ solidus (chất rắn) trong tiếng Latinh) dựa trên một liên kết quy chuẩn cụ thể với những người khác được tạo nên bởi một mục đích chung hoặc bản sắc chung. Đoàn kết thể hiện sự sẵn sàng hành động vì lợi ích của người khác dựa trên động cơ khẳng định mối liên kết tập thể, tức là thúc đẩy hơn nữa sự nghiệp chung hoặc bản sắc chung. Hành động đoàn kết là tự nguyện và dựa trên niềm tin bên trong bởi nó xuất phát từ động cơ của mối liên kết chung do những người hành động cảm nhận và nhận thức được. Theo ông, những thành phần của khái niệm chung về đoàn kết, được trừu tượng hóa từ những bối cảnh và quan niệm cụ thể: một thái độ thực tế có hình thức sẵn sàng hành động dựa trên mối ràng buộc chung bao hàm một nguyên nhân chung hoặc bản sắc chung cần được phát triển hơn nữa. Bản thân mối ràng buộc là động lực thúc đẩy và nó có thể kêu gọi những hành động cụ thể ngoài tư lợi hẹp hòi. Sự tương hỗ liên quan có thể có nhiều hình thức, bao gồm cả những hình thức không đối xứng, miễn là mối quan hệ chứng minh ý nghĩa của việc chia sẻ của một người. Nếu những đặc điểm này xuất hiện trong một bối cảnh thực tế nhất định, chúng ta bắt gặp một hình thức đoàn kết. Rainer Forst coi đoàn kết là một đức tính trung lập về mặt đạo đức, tốt hoặc xấu tùy thuộc vào mục đích của sự đoàn kết đó13.

Đoàn kết còn là một khái niệm trung tâm được sử dụng trong phân tích các phong trào chính trị. Nhà triết học chính trị người Mỹ Sally Scholz phân biệt ba loại đoàn kết: (1) Đoàn kết xã hội đề cập đến sự gắn kết nhóm; (2) Đoàn kết công dân (mối quan hệ giữa công dân và nhà nước chính trị); (3) Đoàn kết chính trị. Theo Scholtz, đoàn kết chính trị làm nổi bật lương tâm, sự cam kết của một cá nhân, thể hiện phản ứng của mỗi cá nhân trước những tình huống bất công và áp bức14.

Đặc trưng của đoàn kết

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng bà con tham dự Ngày hội đại đoàn kết tại xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam tháng 11/2021. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)  

Thứ nhất, đoàn kết là “chất keo” gắn kết giữa các thành viên với nhau và với một nhóm nhất định. Điều này khiến chúng ta liên tưởng một cách tương đối với chất kết dính, để liên kết các vật liệu khi xây cất một công trình kiến trúc. Khác với sự hợp tác được hình thành và duy trì thông qua sự áp đặt hoặc cưỡng bức từ một thế lực nào đó, đoàn kết xuất phát từ chính nhu cầu và nguyện vọng tự thân của mỗi thành viên trong nhóm. Vì vậy, tự nguyện trở thành một thuộc tính không thể thiếu được của đoàn kết. Đoàn kết được bộc lộ mạnh mẽ nhất trong tình huống lợi ích/bản sắc nhóm bị đe dọa, tổn thương hoặc bị đặt trước nguy cơ sinh tồn.

Thứ hai, đoàn kết có thể được xem xét từ mối quan hệ hai chiều: (1) Cá nhân đối với nhóm và các thành viên trong nhóm; (2) Nhóm đối với các thành viên và với từng cá nhân.

Trong chiều thứ nhất, mỗi thành viên đều ý thức được bản thân họ thuộc về nhóm, gắn với lợi ích/bản sắc của nhóm. Họ chia sẻ những giá trị, chuẩn mực, mục tiêu, cách thức tổ chức và hoạt động chung, đồng cảm với các thành viên trong nhóm, đồng thời hành động nhằm bảo vệ và thúc đẩy lợi ích/bản sắc của nhóm, sẵn sàng giúp đỡ các thành viên khác khi cần thiết, nhất là trong hoàn cảnh hoạn nạn. Nói cách khác, đoàn kết thể hiện sự thống nhất về nhận thức, thái độ, tổ chức và hành động của mỗi thành viên tạo nên sự gắn kết bền chặt của nhóm.

Trong chiều thứ hai, mục đích của nhóm phải đáp ứng được lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng, tình cảm của các thành viên. Giá trị, chuẩn mực của nhóm phải trở thành phương châm dẫn dắt hành động và khơi dậy niềm tự hào của mỗi cá nhân khi được đứng trong hàng ngũ của nhóm. Những hành động phù hợp với giá trị, chuẩn mực, mục đích chung được khuyến khích, tôn vinh, tưởng thưởng và ngược lại. Tạo lập được môi trường để tối ưu hóa vai trò, sức mạnh của mỗi cá nhân, qua đó làm cho các thành viên tin tưởng rằng chỉ khi hành động trong nhóm, họ mới phát huy tốt nhất phẩm chất của mình. Công bằng là yếu tố không thể thiếu được trong đoàn kết nhóm, dù cho đó là cộng đồng có tổ chức thứ bậc thì việc phân phối quyền lợi và nghĩa vụ cũng phải dựa trên những tiêu chí được các thành viên thừa nhận là hợp lý. Những yếu tố trên sẽ xây dựng và củng cố niềm tin, sự gắn bó của từng thành viên với nhóm và các thành viên khác.

Thứ ba, “đoàn kết” là khái niệm trung tính về đạo đức và công lý. Tính chất tốt hay xấu, chính nghĩa hay lẽ phải của đoàn kết do mục đích của việc đoàn kết quyết định. Điều này lý giải “đoàn kết” không chỉ tồn tại ở các nhóm hoạt động vì mục đích tốt đẹp.

Thứ tư, cơ sở tạo nên sự đoàn kết là những yếu tố tương đồng, tương trợ của các thành viên trong nhóm. Mỗi nhóm được hình thành từ một hoặc nhiều yếu tố tương đồng khác nhau, căn cứ vào nguồn gốc các yếu tố đó có thể quy về 4 loại cơ bản sau: (1) Những yếu tố tương đồng có nguồn gốc tự nhiên như: chủng tộc, dòng máu, quê quán, tuổi tác, giới tính, đặc điểm bẩm sinh...; (2) Những yếu tố tương đồng có nguồn gốc xã hội: văn hóa, lịch sử, tôn giáo, phong tục, tập quán, giai cấp, tầng lớp, nghề nghiệp, địa vị...; (3) Những yếu tố tương đồng có nguồn gốc cá nhân như: tâm lý, tính cách, thiên hướng, sở thích, chí hướng...; (4) Những yếu tố tương đồng có nguồn gốc cảnh ngộ như: hoàn cảnh gia đình, xã hội, tình huống ngẫu nhiên,… Bản thân những yếu tố tương đồng không tự nó làm nên sự đoàn kết, mà cần yếu tố tương trợ của các thành viên với nhau, hướng tới một mục đích chung của nhóm. Để tăng cường đoàn kết, những yếu tố tương đồng được đề cao, song điều này không có nghĩa là triệt tiêu mọi yếu tố khác biệt của các cá nhân.

Thứ năm, mức độ gắn kết còn phụ thuộc vào hình thức tổ chức của nhóm. Nếu ở các nhóm không chính thức, sự gắn kết lỏng lẻo, chủ yếu dựa trên tính tự nguyện của các thành viên, còn ở nhóm chính thức sự gắn kết được tăng cường bằng các cơ chế, chế tài, nguyên tắc và kế hoạch hoạt động, tổ chức bộ máy và phân công thực hiện mang tính bắt buộc. Vì vậy, đoàn kết là yếu tố có ý nghĩa quyết định sự tồn tại của nhóm không chính thức và là yếu tố quyết định sự phát triển lành mạnh và bền vững, phát huy cao độ sức mạnh chung của nhóm chính thức. Để xây dựng và củng cố tình đoàn kết trong các nhóm chính thức, người lãnh đạo cần chuyển tải được sứ mệnh, tôn chỉ, mục đích, giá trị cốt lõi của tổ chức thành nhận thức và động lực hành động của mỗi thành viên; giải quyết hài hòa giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể; bảo đảm sự công bằng giữa các thành viên; tôn trọng và phát huy sở trường của mỗi người; xây dựng được môi trường làm việc dân chủ, lành mạnh và minh bạch. Và một điều không thể thiếu là người lãnh đạo phải là tấm gương đại diện cho các giá trị của tổ chức.

Thứ sáu, ở Việt Nam, nhiều tổ chức hội, đoàn thể, trong đó có loại hình tồn tại độc lập với nhau về tổ chức, như: Hội Cựu chiến binh, Hội Sinh vật cảnh, Hội Làm vườn,… nhưng cũng có loại hình được hình thành trên cơ sở liên minh các nhóm thành phần như: Liên minh Hợp tác xã, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật,… Do vậy, cùng một thời điểm, một người có thể đồng thời là thành viên của nhiều nhóm khác nhau. Sự xung đột về giá trị, mục tiêu, lợi ích giữa nhóm này với nhóm khác có thể tạo ra sự ngăn cách, buộc một cá nhân phải lựa chọn theo một nhóm nhất định. Để xây dựng được các tổ chức liên minh thì việc xác định mục tiêu chung phải dựa trên những điểm tương đồng của các nhóm thành viên, điều hòa được quan hệ lợi ích trong nội bộ tổ chức.

Chú thích:

1. Viện Ngôn ngữ học (2003). Từ điển Tiếng Việt. Nxb. Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, tr. 328.

2. Arto Laitinen & Anne Birgitta Pessi (2014). Solidarity: Theory and Practice. An Introduction. https://www.researchgate.net/publication/323522010, cập nhật tháng 1/2014.

3. Barry Markovsky & Edward J. Lawler. A New Theory of Group Solidarity. Advances in Group Processes (1994), 11, 113-137.

4. Arto Laitinen and Anne Birgitta Pessi (2014). Solidarity: Theory and Practice. An Introduction. In Solidarity: Theory and Practice. Lexingtin Boos A division of Rowman & Littlefi eld Publishers, Inc. Lanham * Boulder * New York * Toronto * Plymouth, UK.

5.  Rorty, Richard (1989). Contingency, Irony, and Solidarity. Cambridge: Cambridge University Press.

6. Habermas, Jürgen (1989). Justice and Solidarity: On the Discussion Concerning Stage 6. Philosophical Forum 21: 12, 32-52.

7. May, Larry (1996). The Socially Responsive Self: Social Theory and Professional Ethics. Chicago: The University of Chicago Press.

8. Lindenberg, S., Fetchenhauer, D., Flache, A. & Buunk, A.P. (2006). Solidarity and prosocial behavior: a framing approach, in D. Fetchenhauer, A. Flache, A.P. Buunk, & S. Lindenberg, Eds., Solidarity and Prosocial Behavior. An Integration of Sociological and Psychological Perspectives, 3-19. New York: Springer.

9. Wildt, Andreas (1999). Solidarity: Its History and Contemporary Definition, in Solidarity, ed. Kurt Bayertz. Philosophical Studies in Contemporary Culture, Vol. 5. Dordrecht/Boston/London: Kluwer, 217-218.

10. Lawrence Wilde: The concept of solidarity: Emerging from the theoretical shadows? http://irep.ntu.ac.uk/id/eprint/12728/1/196557_578%20Lawrence%20Prepublisher.pdf

11.  Fireman, B. and W. A. Garrison. 1979. “Utilitarian Logic in the Resource Mobilization Perspective.” In The Dynamics of Social Movements, edited by M. Zald and J. D. McCarthy. Cambridge, MA: Winthrop. 21-22.

12. Gamson, W. A., B. Fireman, and S. Rytina. 1982. Encounters With Unjust Authority. Chicago: Dorsey. 22.

13.  GS.TS. Rainer Forst - Đại học Johann Wolfgang Goethe, Frankfurt, Đức: “Đoàn kết - khái niệm, các quan niệm và bối cảnh”, https://publikationen.ub.uni-frankfurt.de/opus4/frontdoor/deliver/index/docId/60890/file/Rainer-Forst_Solidarity-Concept-Conceptions-and-Contexts.pdf

14. Scholz, Sally (2008). Political Solidarity. University Park: Pennsylvania University Press. 233-236.

Chu Văn Khánh 

Thạc sĩ, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học 

Mặt trận Tổ quốc Việt  Nam

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản