Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo về ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước trước Quốc hội. Ảnh Quang Vinh.
Những kết quả đạt được trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình phối hợp giám sát
Thứ nhất, giám sát công tác xây dựng chính sách, pháp luật
Trong những năm gần đây, mỗi năm Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia góp ý kiến khoảng từ 30 đến 50 dự án luật, pháp lệnh, nghị định và các văn bản pháp luật khác. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường xuyên cử đại diện tham gia các Ban soạn thảo và Tổ biên tập các dự án luật, pháp lệnh quan trọng theo đề nghị của các cơ quan chủ trì soạn thảo, như: Luật Quốc tịch Việt Nam, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tổ chức Tòa án, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo,... Đặc biệt, trong đợt xây dựng Hiến pháp năm 2013, cùng với việc cử đại diện tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo Hiến pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã đóng góp rất quan trọng trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia góp ý xây dựng Hiến pháp. Thông qua việc tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thể hiện được vai trò, trách nhiệm đại diện cho quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân để góp ý và giám sát quá trình này, góp phần bảo đảm cho các quy định của Hiến pháp và pháp luật phù hợp với lợi ích của nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương cũng tích cực trong việc góp ý xây dựng hoàn thiện chính sách, pháp luật, đã có nhiều kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật có liên quan. Sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội góp phần làm giảm những sai sót, sơ hở trong xây dựng và ban hành pháp luật, tăng tính khả thi, thể hiện được ý chí, nguyện vọng và mong muốn chính đáng của đại đa số các tầng lớp nhân dân.
Ngoài ra, đối với các văn bản pháp luật đã ban hành mà trên thực tế bộc lộ các bất cập, mâu thuẫn và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, Mặt trận thực hiện việc nghiên cứu, xem xét và có kiến nghị đề nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Thứ hai, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tham gia tích cực vào công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp. Việc giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong lĩnh vực này thường gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ của công tác bầu cử, như: tổ chức việc lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử… Trong quá trình hiệp thương, nhiều trường hợp dù đã được các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cả Trung ương và địa phương giới thiệu ra ứng cử, nhưng phát hiện vi phạm pháp luật, hay không được nhân dân tín nhiệm, không đủ tiêu chuẩn về năng lực và phẩm chất đạo đức, đều không được lập danh sách ứng cử. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng kế hoạch giám sát công tác bầu cử và tổ chức 15 đoàn giám sát tại 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Kết thúc mỗi đợt giám sát, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều tổng hợp báo cáo kết quả giám sát, xây dựng các văn bản kiến nghị về những vấn đề phát sinh gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử Quốc gia, các tỉnh được giám sát và các cơ quan hữu quan có liên quan để kịp thời điều chỉnh.
Thứ ba, giám sát đối với hoạt động của đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước
Mặt trận tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn thông qua việc Mặt trận Tổ quốc cấp xã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ chủ chốt do HĐND cấp xã bầu và Trưởng thôn theo Nghị định số 79/2003/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã. Hoạt động giám sát của Mặt trận và các tổ chức thành viên đã cụ thể, rõ ràng và hiệu quả hơn; khắc phục được một bước tính dân chủ hình thức của công tác này. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh hoạt động của Mặt trận trong việc tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Thực tiễn nhiều năm qua đã có một số đại biểu Quốc hội và không ít đại biểu HĐND bị bãi nhiệm theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Thực hiện Thông báo số 161-TB/TW ngày 16/11/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về đề án Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư, Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Quy chế Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư.
Thứ tư, giám sát thông qua tham gia tuyển chọn, giám sát Thẩm phán, Kiểm sát viên và giới thiệu Hội thẩm Toà án nhân dân
Công tác giới thiệu Hội thẩm nhân dân đã thực hiện thành nền nếp. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện phối hợp với các tổ chức thành viên và lãnh đạo Tòa án nhân dân cùng cấp lựa chọn, giới thiệu người để HĐND bầu làm Hội thẩm nhân dân tại kỳ họp đầu tiên của mỗi khóa HĐND. Việc lựa chọn được thông qua quy trình hiệp thương, lựa chọn dân chủ, bảo đảm đội ngũ Hội thẩm Toà án nhân dân từng cấp đủ về số lượng và đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
Những trường hợp có đơn thư tố cáo, phản ánh về nhân sự, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh đã chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã có liên quan tổ chức xác minh, có trường hợp phải tổ chức Hội nghị cử tri để lấy ý kiến nhận xét của nhân dân nơi cư trú, giúp Hội đồng xem xét nhân sự được khách quan, chính xác trước khi biểu quyết về nhân sự. Sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân trong các khâu của quá trình tuyển chọn Thẩm phán, Kiểm sát viên, chuẩn bị nhân sự bầu Hội thẩm nhân dân là rất chặt chẽ.
Sự tham gia đầy đủ và có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp từ Trung ương đến cơ sở trong công tác tuyển chọn Thẩm phán, Kiểm sát viên, lựa chọn người giới thiệu để HĐND bầu làm Hội thẩm đã góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ các chức danh tư pháp đông đảo có đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức, đáp ứng yêu cầu hoạt hoạt động của các cơ quan tư pháp trong giai đoạn mới của cải cách tư pháp.
Thứ năm, giám sát hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo
Thực hiện chương trình phối hợp về tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Thanh tra Chính phủ, hai bên thường xuyên trao đổi thông tin, nhất là đối với các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân. Từ năm 2015 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam thực hiện thí điểm việc cử luật sư tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí tại các Trụ sở tiếp công dân Trung ương. Hoạt động này mang tính nhân văn sâu sắc, được nhân dân đánh giá cao và thêm tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, nhiều công dân sau khi được tư vấn miễn phí về pháp luật đã tự rút đơn khiếu nại, tố cáo để trở về địa phương ổn định cuộc sống. Thông qua hoạt động trợ giúp này, luật sư cũng phát hiện nhiều vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có dấu hiệu sai phạm của chính quyền các cấp, kịp thời kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho công dân. Năm 2016, bộ phận tiếp công dân của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận qua đường bưu chính và xử lý 4.138 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; trực tiếp tiếp và hướng dẫn 376 lượt công dân đến trình bày và gửi đơn; trong năm 2017, đã tiếp 215 lượt công dân, nhận 3.470 đơn thư, ban hành 89 văn bản hướng dẫn, 207 văn bản chuyển tới các cơ quan hữu quan; đã nhận được 32 văn bản phúc đáp của các cơ quan hữu quan.
Thứ sáu, giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (TTND), Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ)
Giám sát thường xuyên, tại chỗ việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân; đồng thời động viên nhân dân tham gia giám sát, phát hiện nhằm xây dựng chính quyền thực sự là chính quyền của dân, do dân, vì dân; tôn trọng và phát huy quyền dân chủ của nhân dân.
Công tác hướng dẫn, kiểm tra củng cố, kiện toàn về tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban TTND xã, phường, thị trấn, Ban GSĐTCCĐ ngày càng được tăng cường. Đến năm 2017, tổng số Ban TTND ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước là 10.956 ban. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương tập trung đẩy mạnh hoạt động của các Ban TTND trong việc giám sát thực hiện chính sách pháp luật, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả các chương trình giám sát
Một là, để tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và phát huy dân chủ hơn nữa, trong thời gian tới cần nghiên cứu ban hành Luật về hoạt động giám sát của nhân dân, trong đó có quy định toàn diện, đầy đủ và cụ thể về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của các bên trong triển khai hoạt động giám sát, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trước các yêu cầu kiến nghị giám sát của Mặt trận, cũng như bảo đảm những điều kiện cần thiết cho việc thực hiện quyền và trách nhiệm giám sát của Mặt trận. Đó là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện tốt và có hiệu quả chức năng giám sát của Mặt trận, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Hai là, thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân về quyền và nghĩa vụ của mình, tích cực tham gia thực hiện tốt các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 và các quy định khác của pháp luật về vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Ba là, cần tổ chức lại bộ máy và đội ngũ nhân sự cho hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đảm bảo các điều kiện về kinh phí cho hoạt động giám sát của các cấp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, vì hiện nay chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước, do Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp phân bổ, với cơ chế ngân sách như hiện nay, rất khó bảo đảm được tính độc lập của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khi thực hiện nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy và nhân sự của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội hiện nay còn quá mỏng. Ngoài ra, các điều kiện về thông tin, phương tiện và tài chính dành cho các hoạt động này còn rất khó khăn.
Bốn là, đòi hỏi cấp bách của Mặt trận hiện nay là phải có hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin, trên cơ sở đó Mặt trận đưa ra những ý kiến của mình. Bên cạnh đó, Mặt trận phải dựa vào các cơ quan truyền thông, trước hết là các cơ quan truyền thông thuộc hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên để phản ánh kịp thời, công khai những vấn đề và nội dung giám sát.
Năm là, phát huy hơn nữa vai trò của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong việc triển khai các hoạt động giám sát. Hoạt động của TTND và GSĐTCĐ thời gian qua đã khẳng định được đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhằm tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh thi hành Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở là một chủ trương hợp lòng dân, góp phần làm chuyển biến một bước trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc giám sát và tham gia xây dựng chính quyền cơ sở.
Nguyễn Duy Khánh
Thạc sĩ, Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam