Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thăm và làm việc tại Ban Trị sự GHPGVN TP. Cần Thơ. Ảnh: Quốc Trung - Tuấn Quang
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện rộng lớn nhất ở nước ta, là bộ phận của hệ thống chính trị; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của mình, toàn hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải không ngừng đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động, trên cơ sở bám sát những nguyên tắc tổ chức và hoạt động đã được ghi trong Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quy định: "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động. Khi phối hợp và thống nhất hành động, các thành viên của Mặt trận tuân theo Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời vẫn giữ tính độc lập của tổ chức mình".
Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2015) cũng đã quy định: "Tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động giữa các thành viên".
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có các tổ chức thành viên là tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Do tính đa dạng của các thành viên như vậy, nên phải xây dựng các nguyên tắc tổ chức và hoạt động phù hợp.
Tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động giữa các thành viên là những nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản và đặc trưng, thể hiện bản sắc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó hiệp thương dân chủ là nguyên tắc trung tâm, là tiền đề cho mọi hoạt động rộng lớn của tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bằng hiệp thương dân chủ và phối hợp thống nhất hành động giữa các thành viên, các cấp Mặt trận chuyển tải các hoạt động trên các lĩnh vực để thực hiện quyền và trách nhiệm của mình.
Hiệp thương dân chủ bao gồm hai khái niệm hiệp thương và dân chủ được ghép lại, theo Từ điển Tiếng Việt có nghĩa là họp, thương lượng những vấn đề chính trị, kinh tế có liên quan chung đến các bên. Như vậy, hiệp thương dân chủ được hiểu theo nghĩa là những cuộc họp, thương lượng, thỏa thuận có liên quan chung đến các bên một cách dân chủ. Trên thực tế, do yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra, việc thực hiện nguyên tắc hiệp thương dân chủ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hết sức rộng lớn, sinh động và phong phú hơn thế.
Hiện ở cấp Trung ương, nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thể hiện tại Đại hội đại biểu toàn quốc, tại Hội nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tại các Hội nghị Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tại Hội nghị của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên, tại các hội nghị bàn tròn hoặc các diễn đàn chuyên đề do Mặt trận chủ trì... và cũng tương ứng như vậy, là các hội nghị hiệp thương dân chủ ở các cấp Mặt trận địa phương.
Hiệp thương dân chủ là nguyên tắc tổ chức và hoạt động, thế nên bắt buộc toàn hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải nhận thức đúng và thực hiện nghiêm, nội dung rất rộng bao quát toàn bộ tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên các lĩnh vực, trong đó có những nội dung rất căn cơ là xây dựng chương trình hành động; cử ra và cho thôi người tham gia Ủy ban Mặt trận và các chức danh chủ chốt của Uỷ ban Mặt trận các cấp; hiệp thương về việc phát động những cuộc vận động hoặc các phong trào thi đua yêu nước mang tính toàn dân; hiệp thương hiến kế thực hiện những nhiệm vụ mới có tính chất trung tâm đột xuất đang đặt ra; hội nghị hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp...
Mục tiêu của hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tạo ra sự thống nhất ý chí và hành động của các thành viên trước tình hình và nhiệm vụ đặt ra, trên cơ sở đó thông qua các tổ chức thành viên và các cá nhân tiêu biểu trong các giai tầng xã hội cùng nhau làm lan tỏa sự thống nhất ý chí và hành động của toàn dân nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Hiệp thương dân chủ càng thấu đáo, đồng thuận cao thì tổ chức phối hợp thống nhất hành động càng thuận lợi và đạt hiệu quả.
Tính chất của hiệp thương dân chủ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tự do tư tưởng, tôn trọng lẫn nhau, thống nhất trong đa dạng trên cơ sở nhận biết và tôn trọng sự khác biệt, cùng nhau trao đổi hướng tới đồng thuận vì lợi ích chung, mọi thành viên đều bình đẳng và độc lập thể hiện chính kiến của mình, không quy chụp, mệnh lệnh, áp đặt dưới mọi hình thức. Cái cốt lõi và cũng là thước đo của hội nghị hiệp thương dân chủ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là thực hành dân chủ, phát huy trí tuệ, đề cao trách nhiệm đại diện của mọi thành viên, thuyết phục lẫn nhau, hướng tới sự đồng thuận, thống nhất ý chí và hành động vì lợi ích chung.
Chính vì thế, hội nghị hiệp thương dân chủ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được dư luận quan tâm, nhiều người ví như Hội nghị Diên Hồng của thời kỳ mới. Thực sự những năm qua, các diễn đàn của Mặt trận thể hiện rõ tinh thần dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm được cả hệ thống chính trị và dư luận hoan nghênh, nhiều cán bộ nghiên cứu ở các cơ quan Trung ương có nguyện vọng tìm hiểu, trong đó đã có những cán bộ từ cơ quan nghiên cứu của Đảng tự nguyện về làm việc ở cơ quan Trung ương Mặt trận.
Hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhât hành động vừa là nguyên tắc tổ chức, vừa là phương thức hoạt động đặc trưng, mang bản sắc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhận thức và thực hiện các nguyên tắc này ở các cấp Mặt trận đã thành nền nếp và ngày càng có kết quả, tuy nhiên vẫn có lúc, có nơi còn xem nhẹ, thậm chí có việc còn hình thức hoặc kinh nghiệm chủ nghĩa, hiệu quả chưa cao.
Đất nước ta đang trên đà thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng, nhìn nhận từ nhu cầu và xu thế dân chủ trong hệ thống chính trị và toàn xã hội thì việc nâng cao nhận thức và thực hiện nghiêm và có hiệu quả nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ có ý nghĩa thực tiễn không chỉ trong công tác Mặt trận mà còn có hiệu ứng lan tỏa trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Từ Nghị quyết Đại hội X của Đảng, lần đầu tiên Đảng ta đã nêu ra: "Xây dựng một xã hội dân chủ, trong đó cán bộ, đảng viên và công chức thực sự là công bộc của nhân dân. Xác định các hình thức và có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền dân chủ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội"1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nguyên tắc hiệp thương dân chủ và phối hợp thống nhất hành động giữa các thành viên nhằm phát huy và bồi dưỡng sức dân, lắng nghe và học hỏi nhân dân để thực hiện ngày càng tốt hơn, đồng thời nguyên tắc và phương thức hiệp thương dân chủ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng lan tỏa ra toàn xã hội, đến cách ứng xử trong các mối quan hệ con người với con người, đến việc giải quyết quan hệ lợi ích giữa các bên bằng thương lượng, hoà giải và vận dụng xử lý nhiều tình huống ở cộng đồng dân cư theo cách thương thảo với nhau, làm cho các bên đều hài lòng... Rõ ràng, hiệp thương dân chủ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện tốt sẽ có sức lan tỏa rộng khắp, làm phong phú, đa dạng hoá các hình thức và cơ chế thực thi dân chủ trong xã hội.
Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển đất nước, chất lượng mới của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là đoàn kết gắn liền với dân chủ và đồng thuận xã hội. Vì vậy, để tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế trong giai đoạn mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động ngày càng đi sâu và tập trung vào trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, xây dựng Đảng và chính quyền, góp phần tích cực vào quá trình đổi mới hệ thống chính trị theo tinh thần: "Toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân".
Trong hệ thống chính trị nước ta, đa phần các tổ chức thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận trong hệ thống chính trị thực hiện nguyên tắc hiệp thương dân chủ, điều này không có gì mâu thuẫn mà còn góp phần làm tăng tính dân chủ trong hệ thống. Tại Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khoá IX) về "Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" đã nêu rõ: "kết hợp việc thực hiện chế độ tập trung dân chủ trong Đảng với chế độ hiệp thương dân chủ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để làm phong phú thêm nền dân chủ ở nước ta".
Ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng vừa là thành viên vừa là người lãnh đạo. Đây là mối quan hệ kép, Đảng ở trong Mặt trận và Đảng lãnh đạo Mặt trận. Đảng lãnh đạo Mặt trận cũng giống như lãnh đạo các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, nhưng ở đây Đảng lãnh đạo còn bằng sự gương mẫu của một thành viên đặc biệt trong Mặt trận. Như vậy, Đảng lãnh đạo Mặt trận thông qua Đảng đoàn và tổ chức đảng trong Mặt trận bằng nguyên tắc tập trung dân chủ. Đảng là thành viên của Mặt trận thì Đảng tuân thủ Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nguyên tắc hiệp thương dân chủ, ở đây Đảng vừa được lắng nghe ý kiến khác nhau của các thành viên, vừa có dịp trao đổi, thuyết phục bằng trí tuệ và trách nhiệm của Đảng. Đây là sự kết hợp khéo léo và nhuần nhuyễn trong việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng với nguyên tắc hiệp thương dân chủ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây cũng là nhu cầu, là cơ sở để sớm có quy chế về mối quan hệ và cách làm việc giữa Đảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ nhiều năm nay, quy chế và chương trình phối hợp giữa Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chủ tịch nước, với Chính phủ, với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã được thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội VII của Đảng đã nêu rõ: "Quy định cụ thể mối quan hệ và lề lối làm việc giữa Đảng với Nhà nước và các đoàn thể nhân dân ở các cấp, trước hết là ở Trung ương"2.
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia , H. 2006, tr. 125.
2. Nghị quyết Đại hội VII, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb. Sự thật, tr. 301.
Lê Truyền
Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam